Chúng ta nuôi tình yêu nghệ thuật

780

Nghệ thuật không phải là thứ rẻ rúng cho không nhưng nghệ thuật cũng đâu phải là thứ hàng hóa có giá trị nhất định để mua được bằng tiền, để người thưởng thức có thể mặc cả với người nghệ sĩ.

Khi tôi đang viết những dòng này thì MV “Trốn tìm” của anh chàng Đen Vâu đã đạt tới 20,935,225 views, chiếm tỉ lệ gần bằng 1/5 dân số Việt Nam (98.073.689 người, cập nhật ngày 20/05/2021). Sau MV “Đi Về Nhà” (đoạt giải thưởng Music Video Của Năm – giải thưởng Cống Hiến năm 2020), thêm một lần nữa cấu tứ, ca từ, hình ảnh của MV này lại khiến người yêu âm nhạc dậy sóng.

Từ các ngõ nhỏ đến những quán café sang trọng, từ những status của các văn nghệ sĩ kĩ tính nhất đến người lao động bình dân đều tràn ngập những cảm xúc với “Trốn tìm”. Cảm xúc ấy dường như át đi cả cuộc tranh luận cũng vừa xuất hiện trong tuần qua với chủ đề: “Ai nuôi nghệ sĩ”?. Đã có rất nhiều nghệ sĩ lên tiếng bày tỏ sự bức xúc, sự phản bác với câu nói này, đồng thời cũng chia sẻ những suy nghĩ về công việc sáng tạo của mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang (con trai của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9) chia sẻ: “…Người nghệ sĩ cũng cần khán giả đến xem nhưng không cần khán giả nuôi họ. Nghệ thuật phải bỏ sức lao động ra mới có nên khán giả cũng phải bỏ sức lao động ra thì mới có tiền mua vé vào xem nghệ sĩ trình diễn. Để rồi người nghệ sĩ có tiền ngày mai lại ra chợ mua gạo của người khán giả bán. Vậy thì cuối cùng ai nuôi ai? Không ai nuôi ai cả. Trong cuộc sống nếu chúng ta cần nhau thì chúng ta phải nương tựa nhau, còn nếu chúng ta không cần nhau thì đâu cần phải hỗ trợ gì nhau nữa…”. (theo Báo Dân trí)


Nghệ sĩ và sự hưởng ứng của khán giả.

Thực ra câu hỏi đó là một vấn đề cũ được xới lên. Có điều, chưa bao giờ nó được tiếp cận đúng hướng. Những câu hỏi: Sản phẩm sáng tạo có phải là một thứ hàng hóa? Người nghe có phải là khách hàng? Các nguồn kinh phí xã hội hóa cho nghệ thuật có vai trò như thế nào? Có thể coi các nhà tài trợ như các ông bầu trong thể thao?… cũng chưa được phân tích thấu đáo để chúng ta cùng tìm ra những điểm chưa phù hợp trong cuộc sống hôm nay.

Để bắt đầu với chủ đề thú vị này, người viết xin kể một câu chuyện khác: Trong chương trình Điều ước thứ 7 (VTV), ông Nguyễn Văn Vinh (Ninh Thuận), một người suốt 50 năm ôm cây ghi ta đàn hát để nuôi 5 người con ăn học từng chia sẻ: “Tôi đàn ai thích nghe thì cho tiền. Ai không thích nghe thì thôi. Chứ tôi chưa bao giờ đòi hỏi ai cho tôi tiền”. 

Câu nói của ông khiến tôi nhớ đến có một lần dừng xe ở đèn đỏ, tôi nghe được hai người đàn ông ngồi trên xe máy phía trước nói với nhau: “Sao cậu không cho tiền người hát rong kia?”, “Dừng có mấy giây, kịp nghe người ta hát đâu? Không phải tiếc tiền mà là họ cần được tôn trọng…”. 

Từ đoạn đối thoại ấy, tôi càng cảm nhận rõ hơn một sự thật là, với cả những người hát rong mưu sinh bình thường nhất, họ cũng cần được tôn như thế. Bởi vì, có thể khi chúng ta mua một tấm vé xem ca nhạc, một lần order sách trên tiki hay một lần bấm like trên youtube đem lại thu nhập cho văn nghệ sĩ nhưng có thật sự chúng ta đã nuôi được họ?

Sáng tạo là một sản phẩm cần có đầu tư. Đây là điều không có gì mới nhưng bấy lâu nay chưa hề tồn tại trong tư duy của những người quen “xài của chùa”, “săn free”. Một bức tranh, một bức ảnh, một bộ phim, một MV ca nhạc đều cần một nguồn kinh phí đầu tư đáng kể. Ca sĩ Mỹ Lệ từng chia sẻ: “Nghệ sĩ tạo ra sản phẩm cũng bỏ tiền đầu tư, không xin ai. Khi sản phẩm thành công, họ thu được lợi nhuận và ngược lại lỗ cũng tự mình chịu” – (theo Báo VietNamnet). Ngay cả với những loại hình nghệ thuật tưởng như không phải đầu tư kinh phí như văn chương cũng đòi hỏi nhà văn phải bỏ ra ý tưởng, tâm huyết và sự nỗ lực cực nhọc.

Tôi rất tâm đắc với câu trả lời phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sau khi đắc cử Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khi được PV hỏi: “Ông dự tính ra sao về vấn đề kinh phí phát triển hội”, ông đã thẳng thắn: “Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ hết sức Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện những mục tiêu mới như mở rộng hoạt động sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật, truyền bá văn học trẻ, văn học thiếu nhi, chúng tôi cần nhiều hơn. Tôi có quan hệ tốt với nhiều doanh nghiệp, họ yêu nghệ thuật, sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động của hội. Nhưng điều quan trọng là liệu hội có thể làm được những điều có ích để xứng đáng với sự đầu tư đó hay không”. (Theo Vnexpress.net). “những điều có ích” mà người đứng đầu một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp đó nhắc đến hẳn phải lớn hơn những giá trị vật chất mà người nghệ sĩ nhận được, đó là sự trăn trở, đau đáu, không bằng lòng với những gì đã viết, đã kiếm tìm… sự chưa bằng lòng ấy chính là một nhân cách, một ngọn lửa được hình thành từ sự kì vọng của công chúng.

Nghệ thuật không phải là thứ rẻ rúng cho không nhưng nghệ thuật cũng đâu phải là thứ hàng hóa có giá trị nhất định để mua được bằng tiền, để người thưởng thức có thể mặc cả với người nghệ sĩ. Từ góc độ này, người viết xin được góp bàn một vài khía cạnh:

1. Người nghệ sĩ cần những gì để sáng tạo? Trước hết, bao giờ họ cũng cần một tình yêu. Tình yêu ấy được gọi bằng cái tên đam mê, là “lửa”, là “nghiệp giời đày”… mà nếu để phân tích cặn kẽ hẳn sẽ không bao giờ hết mọi ý tứ. Nhưng, có một điều mà người sáng tạo không thể thiếu ấy là sự tiếp nhận. Sự đón nhận của công chúng tựa như tiếng hò reo trên một sân vận động làm đôi chân cầu thủ sung hơn. Câu chuyện về Kép Tư Bền vẫn là một ẩn dụ kép trong cuộc sống hôm nay khi người nghệ sĩ luôn phải đối mặt với hiện thực của gánh nặng cơm áo, nhưng để họ có thể sống được, có động lực mạnh mẽ để sáng tạo còn nhờ ở tình yêu của công chúng. Sự đón nhận nhiệt thành của chúng ta giúp họ hào hứng liều lĩnh, bất chấp mọi nguy nan để tận hiến…

2. Không chỉ riêng người nghệ sĩ mà bản thân mỗi chúng ta cũng đang sống như một sự cống hiến cho nghệ thuật. Sự hưởng ứng với thị hiếu tốt đẹp, từng việc làm ý nghĩa, những ứng xử với cuộc sống từ phía chúng ta đã tạo ra cho người nghệ sĩ những nguyên mẫu, cảm xúc để họ xây dựng thành tác phẩm. Nghệ sĩ cần tài chính, cần được tôn trọng nhưng bạn đừng quên họ cần cả hiện thực đời sống để nuôi ngọn lửa đam mê sáng tạo.

Chúng ta luôn chê trách tác phẩm nghệ thuật chưa xứng tầm, nhưng lại quên rằng bấy lâu nay mình vẫn thường phó mặc trách nhiệm đầu tư các loại hình nghệ thuật cho Nhà nước. Thay vì chi phí cho những thú vui xa xỉ, thay vì chạy theo các model mới trong đời sống tiêu dùng, một sự đầu tư nghiêm túc theo hướng “xã hội hóa” cho nền “công nghiệp văn hóa” mới mẻ sẽ đem lại hiệu quả tích cực, nâng cao chất lượng của sáng tạo nghệ thuật.


Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một trong những phim tư nhân sản xuất được đánh giá cao tại một số Liên hoan phim Quốc tế và đem lại thiện cảm cho người xem.

3. Nghệ sĩ không phải con thú làm xiếc, nghệ thuật cũng không phải nguồn lời để đầu tư và thu lợi một cách thực dụng. Nói như thế để thấy rằng, quan điểm “nuôi” nghệ sĩ để lấy tranh của họ treo, lấy ca khúc của họ để hát… giống như cách nuôi gấu lấy mật, nuôi hươu để lấy lộc… thể hiện sự thiếu tôn trọng với chính bản thân mình. Không có thứ nghệ thuật sinh ra để đáp ứng đơn đặt hàng, để trao đổi, không có sáng tạo thẩm mỹ nào để làm vui lòng một người. Và có lẽ hơn thế nữa, với người nghệ sĩ, lòng tự trọng chính là khởi nguồn của mọi sáng tạo, sự trân trọng của chúng ta chính là sự tham dự vào quá trình sáng tạo ấy. Công chúng đâu chỉ giúp nghệ sĩ yêu nghề mà còn giúp họ sang trọng hơn, tâm huyết hơn, quyết liệt hơn…

Người nghệ sĩ làm nghề, coi sự sáng tạo là nghiệp nghĩa là họ đã đặt cược cả số phận cuộc đời và sinh mệnh của danh dự, nhân cách vào những gì họ tạo nên. Dẫu rằng trong cuộc sống hôm nay, vì chạy theo lợi nhuận, có những nghệ sĩ đã và đang dùng hình ảnh của mình để quảng bá cho những mặt hàng chưa được kiểm chứng về chất lượng gây nên sự bức xúc với công chúng.

Một bộ phận nghệ sĩ đó đã quên mất một điều tài năng ấy không chỉ của riêng bản thân họ, bản thân người nghệ sĩ dẫu có cuộc sống vương giả đến đâu cũng không tự “nuôi” được đam mê của mình. Tất cả sự thành công chỉ có thể đến khi trong mỗi chúng ta cùng giữ gìn, vun đắp cho tình yêu nghệ thuật bằng những hành động thiết thực nhất, thể hiện sự trân trọng và nhân văn nhất…

Theo Kiến Văn/Văn nghệ Công An