(Vanchuongphuongnam.vn) – Như nhiều gia đình đông con ở miền Nam trước năm 75, gia đình tôi có cả thảy 8 anh em. Có điều, tôi, con đầu và cô em kế thì sinh ra ở Đà Nẵng, quê mẹ tôi. 5 người em sau cùng thì sinh ra ở Sài Gòn khi gia đình tôi đã ‘tái định cư’ ở thành phố này sau khi ba tôi vào đây lập nghiệp. Duy chỉ có đứa em trai thứ 3, Ph, là được sinh ra ở Huế, quê nội tôi.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Có “xuất xứ” là như thế, nhưng cả 8 anh em của tôi đều được ba mẹ tôi nuôi dạy và cho ăn học đàng hoàng. Cuộc sống của chúng tôi nói chung cũng chẳng có gì đặc biệt. Duy chỉ có Ph là có phần “nổi trội”.
Năm 1979, sau khi xong trung học thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Ph tình nguyện đi bộ đội và được đưa vào làm việc ở bộ phận hậu cần. Việc Ph “đi lính” lúc ấy vừa làm cho ba mẹ và anh em tôi buồn vì gia đình bỗng dưng thiếu vắng một thành viên nhưng cũng khiến cho mọi người vui vì hãnh diện do có người trong gia đình tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới của đất nước.
Xuất ngũ, có thể do được đào tạo và rèn luyện trong quân ngũ, em tôi tháo vác đi làm rồi xây dựng gia đình, có 2 con trai và có một cơ ngơi tương đối khá giả.
Cách đây vài năm, Ph và gia đình đi du lịch Mỹ. Rủi thay, trong khi giao thông trên một xa lộ của thành phố Denver, chiếc xe chở Ph bị một chiếc xe khác tông từ phía sau với một tốc độ rất cao. Xe của Ph bay lên, lộn ngược rồi văng qua một bên đường. Ph lúc ấy bất tỉnh nhân sự vì ngồi băng sau xe mà quên belt, điều mà Ph tính vốn cẩn thận vẫn thường xuyên làm mỗi khi lên xe ngồi.
Quên belt. Tai nạn kinh khủng xảy ra. Hậu quả là đôi chân của em trai tôi bị liệt vĩnh viễn ở tuổi 60 do tổn thương tủy sống.
Sau năm 75, khi được học ngành Ngữ văn ở Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được học chung với khoảng 300 sinh viên của Đại học Văn Khoa cũ, trong đó có B.
B cao ráo, đẹp trai, vừa học, vừa hoạt động đoàn thể và thiện nguyện rất tích cực, sôi nổi. Sau khi chúng tôi tốt nghiệp, khi chúng tôi đa số ra dạy học hay làm việc, B cũng về một trường phổ thông cấp 3 nổi tiếng của thành phố dạy học nhưng sau đó, anh tình nguyện đi vào quân ngũ, tham gia lực lượng chiến đấu ở mặt trận Tây Nam một cách hào hùng.
Xuất ngũ, B trở về trường, tiếp tục dạy học và một thời gian sau, anh trở thành một vị giám hiệu của trường.
Điều đáng nói là B có một điểm rất đặc biệt. Đó là anh đã “tự nguyện” đội mũ bảo hiểm rất lâu trước khi người dân thành phố và cả nước đội loại mũ này theo chỉ đạo của Nhà nước nhằm giảm thiểu thiệt hại về người trong khi số vụ tai nạn giao thông ngày càng tăng lên.
Thế nhưng, vào một buổi chiều kia, khi anh vội về để dự tiệc sinh nhật của con gái anh, B đã quên đội mũ bảo hiểm và rồi tai nạn xảy ra. Khi tránh một chiếc xe tải chạy cùng chiều, anh bị ngã xuống đường và bị một chiếc xe tải chạy khác chiều cán qua.
Bạn tôi được đưa vào bệnh viên Chợ Rẫy cấp cứu. Anh sống đời thực vật nhiều năm và qua đời sau đó.
Nhiều lúc ngẫm nghĩ, tôi cứ băn khoăn: không hiểu sao lúc em tôi và bạn tôi quên làm cái việc vẫn thường làm để tự bảo vệ mình thì tai nạn lại xảy ra.
Có phải tai nạn xảy ra khi người ta quên làm cái điều người ta vẫn thường làm và nó khiến cho người ta lâm vào một tình cảnh thương tâm nào đó? Hay điều gì đó đã khiến cho người ta quên làm cái điều thường làm và trở nên có những phần số không may… như chúng ta vẫn nghĩ?
T.D.T