Con chuột trong tranh dân gian Việt

583

Đứng đầu của Lục thập hoa giáp (chu kỳ 60 năm); sống bên cạnh người nhưng chẳng bao giờ được coi là gia súc, nhưng chuột lại được coi là vật linh trong phong thủy và được nhắc tới trong nghệ thuật tạo hình.

Không chỉ xuất hiện trong văn học, hình ảnh chuột còn là nguồn cảm hứng trong các tác phẩm nghệ thuật. Trong tranh dân gian, hình ảnh chuột cũng được xuất hiện rất sớm. Không chỉ riêng ở Việt Nam có tranh “Đám cưới chuột” (hay “Chuột vinh quy”) mà ở Trung Quốc cũng có. Đến nay có nhiều quan điểm, nhiều thông tin về xuất xứ của bức tranh “Đám cưới chuột”. Từ trước giờ hầu hết ai xem tranh “Đám cưới chuột” (Đông Hồ hay Hàng Trống) đều có chung suy nghĩ: “… một đám cưới “quan trạng chuột” khá long trọng, đông vui. Giữa không khí kèn, trống, cờ quạt, mũ mão, cân đai; “chuột anh” cưỡi ngựa hồng đi trước, “chuột nàng” ngồi kiệu theo sau. Lũ lượt theo hầu hạ, đón rước là đông đảo họ hàng nhà chuột…, với vẻ sợ hãi, thấp thỏm, ngơ ngác, mắt lấm la lấm lét, ngó trước, nhìn sau của họ nhà chuột… Dáng điệu của “gã” mèo già như đang gầm gừ, ra oai, vểnh râu, giơ tay lên như đang dọa dẫm… Họ nhà chuột đang “cống nộp” phẩm vật là những thứ mà họ nhà mèo cực kỳ ưa thích, như: chim câu, cá chép…”. Thiết nghĩ, một tác phẩm nghệ thuật người xem có quyền suy diễn, có quyền phán đoán khác nhau. Có quan điểm cho rằng: tranh “Đám cưới chuột” không phải xuất xứ ở Việt Nam, mà do các nghệ nhân Việt Nam dựa vào tranh Lão thử thành thân – Niên họa Trung Quốc đời Thanh sắp xếp lại, cho nên tranh “Đám cưới chuột” xuất hiện ở phường Hàng Trống – Hà Nội hay làng Đông Hồ – Bắc Ninh chỉ là dị bản. Có quan điểm khác lại cho rằng tranh “Đám cưới chuột” là sự tích hợp cả hai chủ đề: Hàng trên là “Đám rước dâu” và hàng dưới là “Chuột vinh quy”. Song không có tài liệu nào khẳng định điều đó. Nếu quan niệm như vậy thì cần xem xét. Nhưng nếu xem kỹ chữ ghi ở biển cạnh chú chuột cưỡi ngựa có chữ “Tiến sĩ” (进士) thì đó mới là tranh “Chuột vinh quy”. Còn tranh có chữ “Nghênh hôn” (迎婚) thì chắc chắn là “Đám cưới chuột”. Theo tài liệu “Le rat dans l’imagerie populaire vietnamienne” (Tài liệu nước ngoài), cho thấy khá rạch ròi “Đám cưới chuột” và tranh “Chuột vinh quy” là 2 bức tranh độc lập, hai chủ đề khác hẳn nhau. “Chuột vinh quy” nội dung là mỉa mai giễu cợt, có lẽ muốn chế giễu chế độ thi đấu ba năm dưới triều đại cuối cùng của Lê – Trịnh (1786). Cuộc thi không còn nghiêm túc như trước, các ứng cử viên đã được miễn thi đấu khỏi cuộc thi sơ tuyển. Do đó, có hàng ngàn ứng cử viên tràn ngập cạnh tranh bắt đầu trông giống như một khu chợ; cảm giác như “bầy chuột” tranh giành miếng mồi. Cuộc thi đã không còn chuẩn mực chu đáo như trước. Ngay cả một số nông dân, những người bán thịt hoặc thương nhân khác cũng đã tranh giành, có những mưu đồ dùng tiền mặt để mua danh hiệu đại học. Như vậy “Chuột vinh quy” hàm ý là mỉa mai hơn là vinh danh. Còn bức tranh “Đám cưới chuột” thì tài liệu ghi rõ: vào ngày 25 tháng đầu tiên của năm âm lịch được tổ chức lễ làm đầy vựa lúa. Đêm đó, con chuột được coi là vị thần của căn gác. Không có đèn thắp sáng để cho phép cô dâu chuột kết hôn với con trai mình. Một đám rước linh đình, theo sau là những bầy chuột. Nói chung, khung cảnh được nhấn mạnh bởi chiêng và trống.

Một số tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống được gọi là tranh Tết, thì khung cảnh trong tranh chỉ khắc họa về những điều tốt lành, tránh nói về những điều tiêu cực hay dữ dằn. Thiết nghĩ, bức tranh “Đám cưới chuột” cũng vậy, thuần túy chỉ là đám rước dâu, hoàn toàn nói về những điều hoan hỷ. Bố cục bức tranh chia thành 2 phần: hàng trên được quy ước là đằng trước; hàng dưới là đằng sau (nối tiếp hàng trên) là rể chuột cưỡi ngựa hồng cùng với lọng, biển, kiệu rước nàng dâu; hai chú chuột khênh kiệu đi sau, đầu ngoái lại khiến người xem cảm được đám rước còn rất dài. Hình thức bố cục gợi không gian ước lệ mà rành mạch. Hàng trên đội kèn trống và sính lễ; góc trên bên phải bức tranh độc đáo có chú mèo ngồi với ý nghĩa là mang điềm lành chứ không phải dữ như một số tài liệu. Bởi xem tranh mặc nhiên không có chi tiết nào hàm ý con mèo xuất hiện như một tai họa. Như vậy, nên chăng cách giải thích, cách hiểu về bức tranh “Đám cưới chuột” cần phải khác. Thiên theo ý nghĩa “cát tường” (là sự tốt lành, thuận lợi, may mắn) của ngày Tết thì mới hợp lý hơn. Quan sát tổng thể bức tranh rõ ràng ý tưởng của bức tranh không phải mô tả tình huống rủi ro, bất hạnh. Mà theo tích truyện cổ thì chuyện gả con, chuột lấy vợ, đây là chuyện vui nên đã gợi ý cho ta cách nhìn nhận về một tầng nghĩa khác của tác phẩm. Hơn nữa một bức tranh treo trong nhà vào ngày đầu năm thường mang ý nghĩa hoan hỷ, vậy chú mèo kia là người đại diện đón nhận lễ chăng? Hay đó là nhân vật để chứng giám cuộc hoan hỷ của chuột (?).
Xem tranh ta để ý từng thứ sính lễ, nếu kết hợp với nhau cũng có ý nghĩa thâm thúy. Hàng chuột trên đi trước đội nhạc, có hai con dâng lễ vật: con ôm gà (kê), con nâng cá (ngư). Chữ “kê” đồng âm với “cát”; chữ “ngư” đồng âm với “dư” – với ý nghĩa mùa màng tốt lành, quanh năm dư đủ đó chính là lời chúc tốt đẹp cho đám cưới chuột. Dân gian thường dùng hình tượng “kê – dương” (gà và dê) biểu tượng cát tường, hoặc “liên hoa – lí ngư” (hoa sen và cá chép) biểu hiện hàng năm dư đủ,… tất cả các chữ nghĩa sớm trở thành nhận thức chung của đại chúng. Như vậy, “kê” cũng là nguyên hình của “phượng”; “lí ngư khiêu long môn” tức cá chép vượt vũ môn thành rồng. ở đây “kê” và “ngư” cũng tượng trưng cho “phượng và long”. Long phượng tức âm – dương, càn – khôn, nam – nữ, vợ – chồng. Vì thế “long phượng trình tường” là nghi thức không thể thiếu trong ngôn ngữ chúc tụng hôn nhân. Chữ trong tranh dân gian chính là lời dẫn dắt người xem hiểu cho đúng ý tưởng. Xem tranh dân gian cần phải đọc được cả phần chữ thì mới thấy thú vị, ý nghĩa sâu xa. Song nhiều dị bản lại thay đổi chữ, nên đôi lúc khiến người xem hiểu sai lệch ý tưởng trong bức tranh.
Bằng nhiều con đường khác nhau như: triển lãm, hay in trên tem thư, bưu thiếp,… tranh “Đám cưới chuột” Đông Hồ và Hàng Trống không chỉ công chúng trong nước đón nhận mà còn nhiều nước trên thế giới sùng bái. Ở Việt Nam những năm gần đây nhiều họa sĩ đã thành danh bởi ý tưởng và phong cách cá biệt, bởi họ biết khai thác văn hóa dân gian trong tranh Đông Hồ và Hàng Trống. Tại triển lãm khu vực II (Đồng bằng sông Hồng) tác giả Cù Cao Khải (Bắc Ninh) đã cho ra mắt tác phẩm điêu khắc “Cưới chuột”. Tác giả đã khéo khai thác ý tưởng văn hóa dân gian, thổi hồn vào nhóm tượng chuột sinh động, với lối kể “chuyện quê” nhẹ nhàng, thô mộc, dân dã, đưa sáng tạo nghệ thuật về gần với những gì cuộc sống vốn có. Tác phẩm được trao giải B tại triển lãm với câu chuyện bằng những điểm nhấn trong tư duy về hình khối, không gian, sự phối trộn giữa các mảng màu kết hợp với nghệ thuật sắp đặt.
Hiện nay trong văn hóa nói chung và trong Mỹ thuật nói riêng, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc luôn được đề cao. Việc tác giả chọn hướng sáng tác lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian truyền thống và đã thành công như một gợi ý cho một hướng đi của nhiều nghệ sỹ.

Theo Văn nghệ Thái Nguyên