(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Bảo Bình, tên thật là Lê Thị Thanh Tuyền – nguyên Trưởng khoa Sư phạm trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang. Chị đã xất bản 4 tập Truyện, Ký, Thơ, Lý luận phê bình, đã có nhiều bài đăng trên Tạp chí, báo Trung ương và địa phương. Là cây bút giàu năng lượng của Hội nhà văn Cần Thơ. Sau chuyến đi thực tế sáng tác ở Côn Đảo, chị đã có bài cảm nhận về những vần thơ mà các hội viên sáng tác trong chuyến đi ấy. Nhà văn Lê Xuân xin giới bài tiểu luận này.
Nhà văn Bảo Bình
Mỗi dân tộc, mỗi trang sử, mỗi sự chìm nổi có sức sống riêng. Và tôi luôn tự hào vì được là người Việt Nam, tôi tự hào về trang sử của dân tộc mình, trang sử đau thương mà đầy hiển hách. Chiến tranh đã đi qua, nhưng vết sẹo còn nguyên đó. Cuộc sống mới tươi đẹp, nhưng với mất mát, mỗi khi nhớ về nước mắt vẫn còn rơi. Tôi về thăm lại Côn Sơn, vùng đất của đoạ đày, oán khí ngút trời. Nhưng, cũng chính từ những đêm đen tối đó, mỗi sự kiên trung, bất khuất của người cộng sản đã hoá thành mỗi vì sao rực sáng trên bầu trời Tổ quốc tôi.
Côn Đảo hề! Côn Đảo hề!
đảo nhỏ năm xưa đầy máu lửa
nước mắt khóc người biền biệt xa
nơi đây máu thấm từng viên gạch
bầm đỏ đường gân mỗi lá bàng…!
(Côn Đảo hành! – Nguyễn Trung Nguyên)
Với từ “hề!” được đệm vào cuối câu thơ mở, kết hợp lối hồi tưởng quá khứ, tác giả đã gợi nhớ lại một thời kỳ tang thương mà đất nước đã đi qua. Nơi được gọi là “địa ngục trần gian” đó, lần nữa quay về trong tâm trí chúng ta, từ miêu tả thực “máu thấm từng viên gạch” đến hình ảnh ẩn dụ đầy tính tượng trưng “bầm đỏ đường gân mỗi lá bàng…!” khiến lòng người tê lặng, đau đớn về những hy sinh không thể đong đếm của cha anh mình.
Mỗi dấu chân hôm nay
bao người xưa thành đất
mỗi đợt gió về
còn mặn đến nhói tim
(Côn đảo thì thầm – Phan Duy)
Là vậy đó, mỗi bước chân ung dung của chúng ta hôm nay được đổi bằng lớp lớp máu xương cha anh nằm xuống. Người của mọi đời sau đều chẳng thể quên, cứ “mỗi đợt gió về/còn mặn đến nhói tim”. Với sức khái quát cao, lời thơ vừa mộc mạc lại vừa như ám ảnh người đọc.
Lao tù qua rồi một thời tăm tối
vách đá còn đau từng nắm xương gầy
để lá lao xao chiều buông chậm
bãi gió mộ chung lấp đến bao giờ
(Côn đảo thì thầm – Phan Duy)
Vách đá còn đau hỏi chi người? Lời thơ nhẹ nhàng mà thăm thẳm, bật thành dấu hỏi sâu muôn đời không lời giải. Ta chẳng thể biết được, dưới lòng đất, dưới lòng biển đã có bao nhiêu người ngã xuống? Tên tuổi, quê quán…? Chỉ biết, nơi Côn Sơn với rất nhiều những gốc bàng to nhỏ xanh rợp trời, thì mỗi chiếc lá bàng kia là mỗi số phận, và ta không thể đếm được số lá bàng rơi của mỗi ngày trong cuộc chiến ròng rã đã đi qua.
Tháng sáu trời mưa dầm Côn Đảo
Những ngôi mộ vẫn còn lấp loáng sương
Trời mưa lại ướt thêm lần nữa
Liệt sĩ anh linh có lạnh hồn!
(Tháng sáu ở Côn Đảo – Nguyễn Trung Nguyên)
Ngậm ngùi, nhưng không bi luỵ. Đớn đau, nhưng không ai oán. Người đời sau chúng ta nhớ về quá khứ để tự hào, để sống ý nghĩa hơn. Để trong từng hơi thở của hôm nay, ta không phải hổ thẹn với những trái tim ngừng đập của ngày xưa. Hay như trong “Côn đảo thì thầm”, nhà thơ Phan Duy đã viết “Ai về Côn Đảo chiều nay/ghé thăm mộ chị gió lay lay buồn/chị nằm dưới cội cây dương/nghìn năm cứ thẳng con đường mà cao”, đúng vậy, nhớ về để khảng khái; xót thương để sống mạnh mẽ hơn. Mạnh mẽ, khảng khái như cha anh đã từng. “Nghìn năm cứ thẳng con đường mà cao”, lạ nhỉ? Sao không “xa” mà lại “cao”? Trên con đường, càng đi phải càng xa chứ? Thế mà tác giả không chọn “xa”, môtíp quen thuộc bị phá vỡ. Làm nên một tính tượng trưng sắc nét trong ngôn ngữ thơ, và “cao” đã tạo dựng nên một thế đứng tuyệt vời.
Anh!…
người chiến sĩ biên phòng
Như tiếng sét…
chạm vào ngày gặp gỡ
Như sợi nắng…
buộc đời nhau lặng lẽ
giữa muôn trùng biển hát khúc tình ca
(Tình khúc Côn đảo – Mạc Tố Hồng)
Công cuộc dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước của dân tộc ta chưa bao giờ dừng lại, mỗi ngày trôi qua là mỗi sự kế thừa, tiếp nối, phát triển. Và “người chiến sĩ biên phòng” vẫn ngày đêm lặng thầm giữ yên bờ cõi. Cùng với tình yêu non sông, khúc hát tình yêu đôi lứa vẫn viên mãn, ngọt đầy. Biển vẫn không ngừng hát, “khúc tình ca” vẫn không ngừng vang, dẫu có “rưng rưng” thì vẫn là những bài ca đẹp nhất, “Em đừng hỏi vì sao cát trắng/dấu trăm năm để ta gọi ân tình/mỗi vết cũ là bài ca đẹp nhất/bài ca nào cũng sóng biển rưng rưng” (Cát trắng – Phan Duy).
Không như xưa kia “Côn Đảo ngày ấy,/không có chỗ cho tình yêu đôi lứa,/không có những nụ hôn chan chứa,/không có sân trường phượng đỏ gọi hè sang” (Lời của biển – Huyền Văn), mà ở đó là:
Nơi tử tù bị giam cầm trong những căn hầm u tối
Đất rùng mình đau đớn, tiếng chim hoảng hốt lạc đàn
Người tù giật mình như một nhát đâm vào tim đau nhói
Thêm một bạn tù vừa bị xoá tên khỏi cuộc đời
(Lời của biển – Huyền Văn)
Chỉ là hồi tưởng, ta đã nghe đau khắp miền cơ thể. Chỉ là nhớ về, mà nghe nhức buốt cả tâm can. Lời thơ của chị dẫn ta đến Chuồng cọp – nơi người tù cộng sản bị giam cầm, tra tấn – nơi mà tội ác đã khiến chim muông hoảng sợ, Đất phải rùng mình… ngôn từ nghệ thuật đúng là có sức mạnh vô cùng, khi phép nhân hoá được đặt đúng chỗ, nội hàm bài thơ như vỡ toang, chạm thẳng vào cảm xúc người đọc, xoáy thẳng một niềm đau.
Người về với đảo đêm nay
để nghe trọn khúc bi ai nghẹn lòng
lặng im từ giữa thinh không
mà theo tiếng sóng mênh mông vọng về
(Tiếng đêm – Phan Duy)
Ai đến Côn Đảo mà tim không nghẹn lại, lòng không ngậm ngùi? Đến Côn Đảo, để nhắc mình sống hôm nay, đừng quên hôm qua. Đến Côn Đảo, để thêm yêu mảnh đất này, yêu từng gốc cây, phiến đá, yêu âm vang của sóng, của gió, của rừng…
Côn Đảo hành!Côn Đảo trong tim
Côn Đảo hiền lắm từng sợi đêm lặng lẽ
trầm mình xuống biển nghe mát rượi len qua hơi thở
yêu quá nơi này Côn Đảo gọi tên
(Côn Đảo hành! – Nguyễn Trung Nguyên)
Vậy đó, đến Côn Đảo để yêu là vậy. Vạn vật quanh ta tưởng vô tri mà hoá thành linh khí, tất cả đều ẩn chứa hồn sông núi. Càng gợi sự đau buồn, mất mát càng bật thành tình yêu và sự tự hào. Lịch sử với dáng dấp những hào kiệt “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/Lừng lẫy làm cho lở núi non” (Phan Chu Trinh), hay hình ảnh những anh thư “Đầu ngẩng cao bất khuất/ngay trong phút hy sinh” (Phan Thị Thanh Nhàn)… không ngừng toả sáng trong tâm tư người ở lại. Thái độ sống trượng phu, ý chí sắt đá vì nghĩa lớn của lớp người đi trước mãi đẹp trong ký ức người đời sau.
Con đường nhỏ lặng lẽ trầm ngâm
dẫn lối thăm những ngôi mộ nằm lẻ loi trong góc khuất
từng sợi khói mong manh vờn bay theo gió
thương hồn xưa mượn tạm chút hương trầm
(Một chiều thăm lại hàng dương – Phan Duy)
Trong buổi chiều lộng gió ấy, chúng tôi thăm mộ những anh hùng cách mạng Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Lương Thế Trân, Võ Thị Sáu… và cũng không quên lách mình tìm đến những ngôi mộ khuất xa – những ngôi mộ không tên tuổi – trên mỗi tấm đá hoa cương dựng đứng là mỗi ngôi sao vàng lấp lánh, “Tên anh đã thành tên đất nước” (Lê Anh Xuân). Nghèn nghẹn, chúng tôi chia nhau những nén hương “thương hồn xưa mượn tạm chút hương trầm”.
Vết thương trên mình tổ quốc
Đã liền sẹo từ lâu
Nay mưa về, bỗng nghe nhức buốt
Đất trở mình, xương trộn lẫn cùng xương
(Hôn những dấu chân xưa – Bảo Bình)
Là người Việt nam, đã một lần đặt chân lên Côn Đảo, đã một lần tận mắt Chuồng cọp, Nhà tù đặc biệt, Sở Lò Vôi… hỏi có trái tim nào không thổn thức? Hỏi có tâm tư nào không ngậm ngùi? “Đây khói hương trầm gởi giữa gió sương/tưởng nhớ người nằm dưới hàng dương xanh rì che chắn/Côn Đảo thiêng liêng từ hạt mưa giọt nắng/bước đi nào cũng có tiếng vọng người xưa/âm trong đá và vang trên sóng/cả biển ngàn đời còn gọi gió/tiếng dương reo… (Hàng dương xanh – Phan Duy), ngàn đời sau vẫn vậy, thương tích vẫn hằn vết sâu hoắm và lòng biết ơn của con cháu vẫn muôn đời. Tác giả chọn lối cổ điển trong miêu tả về sự tri ân các anh hùng liệt sĩ qua “khói hương”, nhưng lại không hề đơn điệu, bởi đó là “hương trầm” và được gởi đi trong “gió sương”. Mà “gió” với “sương” thì đi muôn nơi, kết muôn nẻo, và vì vậy, sẽ không có anh linh nào không ấm áp với “trầm hương” nơi đáy lòng thi sĩ, tinh tường là vậy.
Tôi là người thế hệ cháu con
Hành Côn Đảo thắp hương ngưỡng vọng
Khí phách ngọt ngào mỉm cười khi ra trường bắn
Học ở người xưa cách thức làm người!
(Côn Đảo hành! – Nguyễn Trung Nguyên)
Ngưỡng vọng người xưa, học làm người nay trên hành trình nhân sinh nhiều biến động là lối tư duy tích cực của hậu thế. Ta nghiêm cẩn cúi đầu mặc niệm, để lòng dặn lòng sống ý nghĩa hơn, xứng đáng hơn với những hy sinh, mất mát tận cùng của người đi trước. Tác giả càng khâm phục khí phách của chị Võ Thị Sáu, càng khâm phục sự can trường, bất khuất của người cộng sản xưa, thì lại càng nhắc nhở bản thân chân chính làm người. Lời thơ tự nhiên như lời tự sự, như cởi tấc lòng, mà cũng như lời nhắc nhở chung dành cho tất cả chúng ta – những người của hôm nay – những người đang thụ hưởng cuộc sống êm đẹp này. Đừng quên, đừng quên, đừng bao giờ cho phép mình quên, từ đâu chúng ta có được hôm nay? Chỉ đơn giản là phép miêu tả, nhưng khi được lồng trong ngữ cảnh xưa – sự ngạo nghễ trước họng súng quân thù của người con gái nhỏ – lời thơ đã gợi lên một niềm cảm xúc chân thành.
Hỏi trong tiếng sóng dạt dào
phải chăng đá cũng bạc đầu vì yêu
(Đỉnh đá tình yêu – Phan Duy)
Với cảm nhận của riêng mình, tôi không dừng lại cảm xúc yêu của Đá chỉ là tình đôi lứa. Và tôi nghĩ với Phan Duy cũng vậy, Đá ở đây đã ôm trọn tình yêu non nước. Đá đã nồng nàn, son sắc, thuỷ chung. Dẫu ngàn đời xưa, hay ngàn đời sau vẫn thế, Đá vẫn sừng sững với biển cả, với đất trời Phương Nam một tình yêu bất diệt, hiền hoà.
Biển thức
Đá không ngủ
Gió dịu dàng hôn những dấu chân xưa
(Hôn những dấu chân xưa – Bảo Bình)
Với những vần thơ đa ngữ điệu, lắm đề tài đã thể hiện sự phong phú trong tư duy và cảm xúc của người thơ khi về thăm Côn Đảo. Cách chọn lọc từ ngữ trong sáng, gần gũi nhưng cũng không kém phần tinh tế, sâu sắc đã dựng nên bức tranh sống động về công cuộc giữ nước của cha ông. Hình ảnh thiên nhiên, biển cả, núi đồi… đầy sức tả, sức gợi, sức cảm… đã nhẹ nhàng chạm vào tâm tư người đọc, lắng lại và đằm sâu một vùng yêu kính, nhớ thương về một thời oanh liệt, hiển hách mà dân tộc đã đi qua.
Mỗi ngách núi mỗi vách dựng cheo leo
có dáng dấp những người con bất khuất
ơi những người con ôm vào lòng Tổ quốc
sau đau thương đất nước lại ru người
(Lần trở lại Côn Sơn – Phan Duy)
Với thi pháp trữ tình chính luận, những nhà thơ đã truyền cảm sâu sắc tâm tư mình về một tinh thần yêu nước đầy giá trị nhân văn. Mỗi tác giả mỗi bút pháp nhưng tựu chung, tư tưởng chủ đạo vẫn là tình yêu tha thiết giống nòi, vẫn là niềm cảm khái trước bi ai cùng lòng tự hào dân tộc. Tất cả những cảm xúc mãnh liệt đó đã góp phần phần khẳng định sự bất tử của giang san xã tắc “Ôi! Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy/những cuộc đời đã hoá núi sông ta…” (Nguyễn Khoa Điềm).
Tạm biệt Côn Đảo, tôi đưa tay vẫy vào vô tận, và cúi đầu mặc niệm những anh linh. Sóng vẫn vỗ, gió vẫn reo và bờ cát trắng vẫn yên ả phơi mình trong nắng ấm… tôi tin, không chỉ hôm nay, mà mãi ngàn sau, chúng ta và con cháu chúng ta, đều sẽ đặt chân lên hòn đảo này và rời đi trong niềm xót thương, cảm phục và yêu kính, mãi là như vậy. Bởi, ánh sáng của chính nghĩa luôn là bất diệt. Côn Đảo, lung linh một trời sao.
B.B