Lý Đào Lang Vương (hồi thứ nhất) – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai 

647

Hồi thứ nhất – Phần một

(Vanchuongphuongnam.vn) – Khi tàn lửa cuối cùng của con đường sạn đạo vốn được thổ dân làm bằng tre gỗ rơi lả tả xuống vách đá sâu hun hút, bất giác Lý Thiên Bảo nhìn về phía đèo Cổ Họng đang mịt mùng chìm trong mưa lạnh hai dòng nước mắt từ từ rịn ra nhỏ xuống không khỏi khiến binh tướng nao lòng.

Lý Đào Lang Vương – Tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Phùng Văn Khai

Theo lời họ Triệu, Lý Thiên Bảo lập chùa

Giả chiếu chỉ, Lữ Phạm – Mông Kỳ tự phong

Trung lang tướng Lý Thiên Bảo sau buổi bị trúng phục binh nơi đỉnh đèo Cổ Họng dãy Thất Tinh Hùng Điệp được vị sư tăng vốn là thuộc tướng của Thứ sử Nguyễn Hán đất Ái Châu chỉ cho con đường sạn đạo thoát về phía tây sang đất Di Lạo khi kiểm điểm lại binh tướng chỉ còn hơn năm trăm người ngựa không khỏi cảm thán trong lòng. Khi tàn lửa cuối cùng của con đường sạn đạo vốn được thổ dân làm bằng tre gỗ rơi lả tả xuống vách đá sâu hun hút, bất giác Lý Thiên Bảo nhìn về phía đèo Cổ Họng đang mịt mùng chìm trong mưa lạnh hai dòng nước mắt từ từ rịn ra nhỏ xuống không khỏi khiến binh tướng nao lòng. Một lúc lâu, Lý Thiên Bảo mới nói với chúng tướng:

– Ta nhận mệnh quốc chủ Vạn Xuân vào trấn nhậm Ái Châu, Hàm Hoan, Cửu Đức, một mặt vỗ về dân chúng, một mặt dẹp bọn Lâm Ấp đã theo lời sách động của Lương Vũ Đế làm càn. Khi nghe tin quốc chủ thọ nạn ở thành Long Biên, thua binh ở hồ Điển Triệt chỉ một lòng một dạ liều chết về cứu giá, chẳng may giữa đường mắc phải quỷ kế của Lương tặc đến nỗi suýt vong mạng. Cứ xem thanh thế quân Lương, hẳn quốc chủ giờ này đã nguy ngập lắm rồi. Ta cũng sức cùng lực kiệt chỉ biết đứng nhìn trong lòng đau xót lắm thay. Nay chỉ còn một ít cô binh trên đất khách tiến thoái lưỡng nan quả là trời không giúp Vạn Xuân. Binh tướng theo ta đã lâu, ta thật có lỗi với các ngươi vậy.

Chúng tướng cùng binh lính thấy chủ tướng lòng đầy phiền não, lại nhìn ra bốn phía rừng núi mịt mùng tịnh không một giọt khói mỏng, ai nấy quan hoài u uất nhưng vốn từng nhiều năm vào sinh ra tử sát cánh cùng chủ tướng, ai cũng hiểu tâm tư của ngài. Ngài vốn xuất thân nơi cửa tự, từng là cao đồ của Đỗ Khuông sư phụ, một trong lục vị hộ pháp thiền phái Luy Lâu, với bản tính vô cùng lương thiện nên mọi người chỉ biết im lặng chưa dám mở miệng khuyên can.

Mãi một lúc lâu, vị sư tăng vốn là thuộc tướng của Nguyễn Hán, cũng chính là người dẫn đường tiến ra cảm khái nói:

– Bẩm Lý tướng quân! Bần tăng thiết nghĩ, thành bại là việc thường của binh gia, ngài bất tất phải tự trách mình. Đại cục Vạn Xuân vẫn còn trông chờ vào Lý tướng quân đây. Ngay như Lương Vũ Đế nổi tiếng gian hùng, suốt mấy chục năm nam chinh bắc chiến, trong triều ngoài nội ân uy có thừa mà còn chưa khống chế được đại cục Trung Nguyên. Bọn người phương Bắc luôn tự bất yên trong lục phủ ngũ tạng của chúng chính là thời cơ của người phương Nam ta. Cứ xem xét tài năng mưu lược của Trần Bá Tiên, ắt hắn không cam tâm ở dưới trướng người. Việc họ Trần về Trung Nguyên tranh hùng chỉ còn là chuyện trong sớm tối. Nay Vạn Xuân ta hãy tạm để bọn ác bá phương Bắc ở trọ vài tháng nào đã hại gì? Mong Lý tướng quân hãy vì quốc thống Vạn Xuân tìm kế sách lâu dài mới là tâm nguyện của muôn dân.

Trung lang tướng Lý Thiên Bảo nhìn thẳng vào vị sư tăng vừa cứu thoát đoàn quân của ngài trầm giọng nói:

– Tấm lòng vị quốc của thiền sư lẽ nào lão phu đây không biết? Song việc đời cũng như việc nước, vốn luôn thay ngôi đổi vận không ngừng. Lão phu lẽ nào không đau lòng vì nước? Song, thiền sư cho rằng họ Lý ta nhất nhất phải đảm đương quốc thống chẳng phải là làm khó Lý gia và muôn dân ư? Nay binh lửa chém giết đã nhiều năm, chúng dân đồ thán, ruộng đồng hoang hóa, lục nghệ tàn tạ, đó chẳng phải là lỗi của người ham vương vị hay sao? Còn nữa, bọn Lữ Phạm, Mông Kỳ hẳn giờ này đang thừa cơ xua binh vượt ải lũy Cổ Họng vào tiến chiếm Ái Châu, Hàm Hoan, Cửu Đức, sắp đặt sự cai trị của Lương triều. Ta thân cô thế cô nơi đất khách, lại mới bại trận, binh lính lương thảo ngặt nghèo, nếu không biết an phận thủ thường, cam tâm tình nguyện buông bỏ đao thương, cũng chẳng còn cách nào khác nữa.

Nói tới đó, hai dòng lệ Trung lang tướng Lý Thiên Bảo lại rịn ra.

Đám tùy tướng, binh lính đi theo vẫn im phăng phắc.

Một lát, vị sư tăng lại nói:

– Lý tướng quân nói thế sai rồi! Vạn Xuân ta kể từ khi quốc chủ Lý Bí tuyên xưng quốc hiệu, bố cáo chúng dân đúng là ngàn năm mới có một lần. Nam Đế đối xứng với các hoàng đế phương Bắc đã phải chờ đợi đến ngày tháng này mới thấy. Bọn người phương Bắc làm sao chịu được nhục? Bởi vậy, bão táp phong ba nổi lên cũng là chuyện bình thường. Chính là ý trời, lòng người đã chọn Lý gia thì dù phải giáp chiến tới giọt máu cuối cùng, Lý gia cùng chúng tướng Vạn Xuân cũng không thể bỏ mặc cơ đồ giữa đường đổ gãy như vậy được. Đành là phía trước con đường mịt mùng trắc trở, nhưng có lẽ nào Lý gia các ngài phụ tấm lòng trung trinh của bách tính phương Nam, của các dũng sĩ Vạn Xuân bỏ mình vì nước hay sao? Lão tăng đây sống quá nửa đời người mới được là thần dân của Vạn Xuân tự chủ. Nay dẫu gan óc lầy đất quyết theo khuông phò tướng quân tìm kế sách lấy lại nền quốc thống. Nếu tướng quân còn không quyết ý, lão tăng xin chết ngay trước mặt Lý tướng quân.

Các tùy tướng cùng binh lính thấy vị sư tăng nói lời cương trực, tình ý sâu sắc, trước sau đều vì nước, vì dân, ai cũng xúc động bồi hồi. Bất giác, không ai bảo ai, tất cả đều quỳ xuống hô lớn:

– Khẩn mong chủ công vì Vạn Xuân quyết chiến!

– Khẩn mong chủ công vì Vạn Xuân quyết chiến!

Trung lang tướng Lý Thiên Bảo trong lòng bỗng trào dâng một cảm xúc khó tả. Trong phút chốc, ngài thấu hiểu tấm lòng trung nghĩa cũng là khát vọng từ lâu của quân chúng Vạn Xuân, ai cũng đều sẵn sàng hy sinh vì nước. Lý tướng quân nắm chặt đốc kiếm, hai dòng lệ cứ thế trào ra.

*

Đúng như nhận định của Trung lang tướng Lý Thiên Bảo, ngay sau khi biết tàn quân của họ Lý nửa đêm theo đường sạn đạo thoát về phía tây sang đất Di Lạo, chủ tướng Lữ Phạm lập tức cho đại quân vượt ải lũy Cổ Họng tiến về thành Ái Châu. Dương Sằn tuân theo mệnh lệnh của Thứ sử Trần Bá Tiên đem quân bản bộ theo đường thủy xuôi dòng Thịnh Long ra cửa biển trở về Long Biên. Khi biết tin bọn Lữ Phạm, Dương Sằn đã đánh tan đạo viện binh của Lý Thiên Bảo, Thứ sử Trần Bá Tiên mừng lắm, lập tức cử thêm Đại tướng Mông Kỳ đem một vạn quân bản bộ tiến vào thống thuộc các vùng Hàm Hoan, Cửu Đức. Vốn có dã tâm rất lớn, Trần Bá Tiên từ lâu muốn mở rộng, chiếm cứ đất đai xuống phương Nam. Từ thời thuộc Hán, đất Ái Châu đã gồm các vùng Tư Phố, Cư Phong, Đô Lung, Dư Phát, Vô Thiết, Vô Biên… cương vực trải rộng hàng trăm dặm. Tiếp đó, đến thời Tam quốc rồi lưỡng Tấn, vùng Ái Châu khi đó còn thuộc bộ Cửu Chân càng được mở rộng, chia làm sáu huyện Tư Phố, Di Phong, Trạm Ngô, Kiến Sơ, Phù Lạc, Thường Lạc cũng là để quan quân dễ bề trị nhậm. Sang đến thời nhà Tấn lập thêm huyện Tùng Nguyên giáp với cương vực phía đông của Di Lạo. Nay nhân đà binh tướng Vạn Xuân tứ bề thua trận, Trần Bá Tiên lập tức ra tay xua binh tiến về phương Nam. Họ Trần còn mật lệnh cho hai tướng Lữ Phạm, Mông Kỳ nếu có thời cơ lập tức chia binh theo hai đường thủy bộ vượt dãy Hoành Sơn đánh úp Lâm Ấp vốn luôn chập chờn lỏng lẻo trong việc quy thuận Lương triều.

Luôn mấy tháng liền, các tướng Lữ Phạm, Mông Kỳ chia binh đi đánh các huyện thuộc Ái Châu, Hàm Hoan, Cửu Đức. Khi trước, Trung lang tướng Lý Thiên Bảo dẫn đại binh ra Bắc cứu giá chỉ để lại ít lính già, ngựa yếu cho biệt tướng Lý Phật Tử ở lại giữ thành. Dẫu Lý Phật Tử cơ mưu tài trí hơn người, song binh lực đôi bên quá chênh lệch, lại đứng trước tình thế quân Lâm Ấp với sự kích động của Đại tướng Bố Đa Ngai cũng là dã tâm của vua Rudravaman lăm le đưa binh vượt dãy Hoành Sơn đánh báo thù càng khiến Lý Phật Tử tứ bề thọ địch. Khi hung tin thành Long Biên bị vỡ, các lão tướng Phạm Tu, Triệu Túc, Tinh Thiều tử trận nơi cửa thành sông Tô Lịch, tiếp đó binh tướng Vạn Xuân thua trận ở hồ Điển Triệt, quốc chủ Lý Nam Đế phải bôn ba lên vùng rừng núi động Khuất Lão chưa biết sống chết ra sao khiến lòng quân càng xuống thấp. Lợi dụng tình thế đó, bọn huyện lệnh, hương trưởng cũ của nhà Lương ngóc đầu dậy cấu kết với các thổ hào, tù trưởng vốn là chỗ quen biết cũ chịu ơn đám quan lại nhà Lương càng ráo riết truy bức binh tướng Lý Phật Tử. Thấy tình hình nguy cấp, dẫu có liều chết tử chiến cũng chẳng ích gì, Lý Phật Tử một mặt thu thập binh tướng tâm phúc vừa đánh vừa rút dần về vùng rừng Dã Năng tiếp giáp đất Di Lạo, một mặt cho người không kể ngày đêm vượt núi băng rừng tìm dấu tích quân binh Trung lang tướng Lý Thiên Bảo.

(Còn tiếp)

P.V.K