Của tin cao đẹp và tinh khôi

397

Bùi Thị Biên Linh

Nhân đọc Những vị tướng và người lính binh nhì của Châu La Việt

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đọc thơ Châu La Việt, tôi cứ liên tưởng đến những hạt ngọc long lanh, quí giá, sáng trong! Quí giá ở lòng thủy chung thiêng liêng của người chiến sĩ đi qua chiến tranh với dòng thơ trữ tình – chính trị. Quí giá ở lòng thủy chung với những đồng chí đồng đội của mình.

Nhà thơ Châu La Việt

Dẫu cho dòng đời bao ngược xuôi bộn bề, tuôn chảy, tình cảm ấy vẫn như ngọn núi sừng sững, vững chãi, tươi xanh. Sáng trong bởi những tình cảm, những tận tụy của anh dành cho văn chương nghệ thuật cũng như cho những đồng đội cũ, những bạn văn, dành cho mọi người đều rất mực chân thành, hồn nhiên, trong sáng. Quí giá ở những trang viết hồn hậu mà sâu lắng, có nhiều bài, khi khép trang thơ lại,người đọc thấm thía bao điều về lẽ sống sáng trong. Tập thơ Những vị tướng và người lính binh nhì do Nhà xuất bản Quân đội Nhân nhân ấn hành quí II năm 2020 gồm 140 trang là một tập thơ như thế.

Phần I của tập sách viết về những vị tướng. Dễ nhận thấy giọng điệu nổi bật của các tác phẩm là giọng thơ trữ tình chính trị đậm chất sử thi như những khúc ca hào hùng ngợi ca những vị tướng – những người anh hùng mà tên tuổi họ gắn liền với những chiến công của đất nước của nhân dân. Hình tượng những vị tướng được khắc họa trong thơ Châu La Việt là những nét vẽ chân dung tràn đầy cảm xúc và lòng ngưỡng mộ. Đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – người con của quê hương Quảng Trị gần dân được dân rất mực quí yêu

“Người quê mình vẫn chưa quên buổi ấy

Lon nước mo cơm chân Anh lội khắp đồng”

Khi tổ quốc lâm nguy

“Góp vào cơn bão táp của chiến trường

Đại tướng lại lên đường miền Nam có giặc”

Viết về chính ủy Dư Cao và con trai ông đại tá – Dư Cao Sơn

“Mây Trường Sơn có gì thân thiết quá

Bay trên tóc cha tôi buổi ấy lên đường”

Trong bài “ Hải Phòng ơi ta nhớ” viết tặng trung tướng Đặng Kình – nguyên tư lệnh trưởng quân khu Tả Ngạn

“Súng trong tay đi thắp lên ngọn lửa

Ôi biển lửa của chiến tranh nhân dân”

Khi đất nước tan bóng giặc

“Người lính già đi trong chiều bình yên

Trong tâm hồn như có thủy triều lên”

Anh viết về đại tá nhà văn Xuân Thiều trong bài “ Viếng cha” thật xúc động trong lời của con trai nhà văn là Nguyễn Thiều Quang

“Một đời sâu nặng văn chương

Cha đi đã trọn con đường chúng sinh

Nước non gửi một chữ tình

Gia tài để lại bóng hình thanh cao”

Thơ viết về những vị tướng luôn giản dị, xuất phát từ những hình ảnh của họ trong đời sống nhưng vẫn đủ tạo nên bóng dáng huyền thoại về những vị dũng tướng. Châu La Việt đã sử dụng nhuần nhuyễn những tư liệu lịch sử và những tư liệu từ cuộc đời hoạt động cách mạng của họ để kín đáo gửi vào đó những tình cảm kính trọng mén yêu của anh cũng như của nhân dân đối với những vị tướng đã lãnh đạo nhân dân làm nên lịch sử. Đặc biệt hình ảnh gây nhiều xúc động cho người đọc là hình ảnh vị tướng trong ngày xuân đi tảo mộ cho chiến sĩ của mình thật cao đẹp ân tình

“Tôi yêu những vị tướng

Sáng mai xuân sững sờ

Ngước nhìn trời chim én

Nước mắt nhớ lính xưa”

Với Châu La Việt, cảm xúc tự hào yêu mến luôn thôi thúc anh viết về các vị tướng bởi:

”Ôi có nơi nào như ở Việt Nam ta

Những vị tướng từ ruộng đồng mà ra

Dọc chiến trận không một lần run sợ

Tắm máu kẻ thù trong khúc khải hoàn ca”

Nếu nét hào sảng khí phách là nét nổi bật khi viết về các vị tướng ở phần I thì phầm II Người lính binh nhì, giọng thơ của nhiều bài thật hồn nhiên, lời thơ long lanh tươi thắm như cái tuổi 17, 18 tinh khôi của những chàng lính binh nhì. Những bài như Chùm táo, Bộ đội, Mưa, Tôi có một Trường Sơn…

“Thôi bây giờ như nhau

Đường Trường Sơn chung bước

Đường dài như mơ ước

Sao chẳng thấy mày đâu”

Nhưng cũng có những câu thơ chắc và sắc như tạc vào không gian, tạc vào thời gian hình ảnh người chiến sĩ với những ngôn ngữ giàu sức tạo hình:

“Hai mươi tuổi với ngàn lần bao dộ

Giáp mặt thù vai tôi tựa Trường Sơn”

Tác giả Nguyễn Đức Quang đã viết “Đây là niềm kiêu hãnh của “Tôi có một Trường Sơn” mà chỉ có những người nhập cuộc như anh mới có quyền viết”. “Với Châu La Việt nói riêng và những người đồng đội của anh nói chung trận mạc và ác liệt chỉ càng làm cho bản năng sức sống chân-thiện-mỹ vươn lên giúp họ khám phá thêm về chính họ: ngoài lòng dũng cảm ý chí chiến đấu còn có cả tình yêu thương, sự lương thiện của những con người thiết tha với hòa bình độc lập”.

Bài thơ Bộ đội là một bài thơ độc đáo. Độc đáo ở ngôn ngữ thơ mộc mạc, tư tưởng vừa bình dị vừa lớn lao tỏa sáng vẻ đẹp của người chiến sĩ chân chất cao cả với tinh thần đồng đội sự nhường nhịn yêu thương và ý chí không bao giờ lùi bước.

Những bài thơ của Người lính binh nhì vừa có cái mạnh mẽ gân guốc khí phách như Tôi có một Trường Sơn, Bộ đội, lại có cả những phút giây lãng mạn bay bổng trong tâm hồn tuổi thanh xuân như trong bài: Sức còn lại là để hát, Mưa, Em gái văn công, Sang hạ.

Có những câu thơ cất lên đẹp như chân lí như lẽ sống của một thời cao cả. Trong bài thơ Mẹ nhà thơ đã viết:

”Cái chết vây quanh mình

Người rách tươm quần áo

Riêng tiếng hát vẫn nguyên lành trong tim

Tiếng hát giục những đoàn quân xông lên

Tiếng hát giục hiến dâng vì đất nước

“Tổ quốc ơi! Vì người tôi ca hát

Trong gian lao đau khổ cất lên”

Nhà thơ Vương Trọng đã cho rằng ”Châu La Việt luôn khắc ghi tình đồng đội, trân trọng từng giọt máu của đồng chí đồng bào đổ xuống… với văn chương anh viết đủ thể loại hoặc trực tiếp về người lính, hoặc dấu ấn người lính in đậm nét trong tác phẩm của anh… anh có tài đạo diễn tổ chức những đêm biểu diễn để tưởng nhớ tri ân những người lính.

Đọc tập thơ Những vị tướng và người lính binh nhì, tôi nhớ đến lời của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Với Châu La Việt thơ là đời, đời với thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn chương và đời lính, hiện thực và mộng mơ… những bài thơ và chuyện kể về người lính của Châu La Việt là dấu ấn đẹp đẽ và tinh khôi về một chặng đời không bao giờ phai… lấp lánh phía sau những trang chữ là một cuộc đời lính, một tâm hồn lính,một tính cách lính với những rung động nội tâm sâu đằm và thuần phác mà tác giả đã gặt hái được qua những năm tháng đẹp nhất của đời mình”. Nhà thơ Hữu Thỉnh còn gọi đó là của tin – của tin ấy thật cao đẹp và tinh khôi

Những ai đã tững có may mắn là bạn bầu đồng đội của Châu La Việt sẽ cảm nhận thấm thía chất lính của người lính binh nhì năm xưa vẫn vẹn nguyên tỏa sáng trong anh. Với riêng tôi, Châu La Việt cũng là một vị tướng: vị tướng trong nghệ thuật điều khiển những con chữ làm sống dậy những tháng năm lịch sử hào hùng khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về tổ quốc về những người chiến sĩ truyền lại cho hậu thế. Anh cũng là một vị tướng kiên định thủy chung với lí tưởng với dòng thơ trữ tình chính trị – dòng thơ đã truyền nguồn cảm trong cuộc trường chinh vĩ đại của nhân dân bảo vệ độc lập tự do của tổ quốc và dựng xây đất nước. Anh có tâm lòng của một vị tướng: tấm lòng hào hiệp và nhân ái. Tác giả Phùng Văn Khai đã cho rằng: ”Châu La Việt là một người nghệ sĩ đích thực luôn biết gom những hạt vàng của đời sống, của người thân cho mãi lấp lánh với đời”.

B.T.B.L