Đặng Thị Thanh Hương – Thiên chức đàn bà

1116

22.01.2018-06:30

Nhà văn Đặng Thị Thanh Hương

 

>> Người đàn bà ôm lửa

>> Những phát ngôn trong thơ

>> Đời không như ước mong

 

Thiên chức đàn bà

 

TRUYỆN NGẮN CỦA ĐẶNG THỊ THANH HƯƠNG

 

NVTPHCM- Chần chừ mãi, rồi cũng không thể kéo dài hơn được nữa. Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu trong bảy năm trời chung sống, nước mắt đã dần trôi đi những bổn phận đàn bà mà tôi cố gắng giữ gìn. Con gái tôi nằm bên cạnh, khuôn mặt trẻ thơ bình yên trong giấc ngủ. Ngày mai nó sẽ theo tôi trên chặng đường dài đầy bấp bênh. Lá đơn tôi ký để trong hộc tủ, sau khi mẹ con tôi đi rồi Đạt sẽ tìm thấy.

 

Tôi nghĩ đến ngày mai, ngày mai xa vời trong cuộc đời tôi vừa đi được một nửa. Một nửa kia không hứa hẹn thêm điều gì tốt lành cho người đàn bà bỏ chồng.

 

Hôm qua người ấy gọi điện cho tôi.Em hãy về sống với anh, nhưng không được mang theo con bé…. Lường trước điều này nên tôi không thấy giận, chỉ buồn. Những niềm đau cùng đến rồi cùng ra đi để người ta lớn thêm lên. Tôi nghe ai đó nói như vậy nhưng sao vẫn khó chế ngự được nỗi thất vọng. Tôi đi hết nửa đường đời,cái nửa đã qua ấy niềm đau không lấp đầy trống vắng. Tôi sống không hiểu để làm gì?

 

Bảy năm lấy chồng rồi có con. Từ cô bé con sau thất bại của mối tình đầu, tôi tắc lưỡi như bao người đàn bà. An phận đi bên những nỗi buồn thường trực. Bây giờ gần leo khỏi dốc, ngoảnh lại trông đoạn đời trải qua mau chóng mới thấy hết vẻ tiều tụy khốn khổ của một kiếp người. Rèm cửa số kéo kín, chỉ còn một kẽ hở ở đằng kia, theo bản năng tôi đứng nhìn. Nơi đó léo lên những ánh sáng mờ của một ngày sắp rạng. Bảy năm, những cố gắng của tôi tan thành tro và khói. Dẫu sao, tôi đã mất hẳn niềm hy vọng về một mái ấm gia đình trong vạn sự tầm thường muôn vẻ đều đặn trôi qua của nó.

 

Tôi nghĩ đến lần gặp nhau cuối cùng, người ấy bảo: Tình yêu vốn mong manh dễ vỡ, không hẳn cứ có nhau là hạnh phúc. Có lẽ nào hạnh phúc đồng nghĩa với chia xa? Một nghìn lý do người ấy nói giờ đây với tôi không còn ý nghĩa gì nữa. Có thể là trở ngại gia đình, cũng không có thể là khoảng cách về tuổi tác hay là sự rằng buộc bởi chức năng làm mẹ của tôi. Tôi quyết định rời bỏ những gi vốn có để không hy vọng thêm một tổ ấm mới mà trong đó người ấy thay phần Đạt.

 

Trí nhớ của tôi vẫn còn lưu giữ những hinh ảnh rời rạc về ngày cưới. Lúc bước chân lên xe hoa tôi đã khóc như mưa gió. Buổi tiệc tàn tôi lỡ tay làm đổ cả một chồng bát đĩa. Bà mẹ chồng liếc xéo tôi rồi quảy quả lên nhà. Mẹ tôi bảo: “Thế là điềm xấu….Rồi chẳng mấy chốc rồi bỏ nhau thôi, chúng nó khác tính thế kia…’’. Anh chị tôi nói.

 

Đạt và tôi khác nhau những gì tôi không sao phân định rạch ròi. Chỉ biết anh lúc nào cũng cận trọng thái quá. Căn phòng ở sạch sẽ, chăn gối vuông vắn, những đồ dung trong nhà bóng như gương. Anh có thói quen cứ hai ngày lại giặt gas trải giường, quần áo không bao giờ để bẩn. Sống với Đạt lâu, tôi cũng nhiễm thói sạch sẽ đó từ bao giờ không biết.

 

Tôi và Đạt đều có những khoản thu nhập riêng. Tôi không biết anh có bao nhiêu tiền. Nhất là tôi đi học xa. Mọi công việc nuôi dạy con cái và chi tiêu trong gia đình đều một tay anh cai quản. Mấy đứa bạn gái luôn nói tôi là người may mắn.

 

Sống chung với bố mẹ chồng hai năm thì chung tôi ra ở riêng. Gian phòng tập thể chỉ mười lăm mét vuông, nhưng dưới bàn tay Đạt cũng ngăn nắp đâu vào đấy. Tôi được rèn luyện chỗ nào theo thớt, chỗ nào để dao. Tôi không thể trách cá tính của Đạt mà còn lấy làm kính phục. Nhờ anh tôi trau dồi thêm thiên chức của mình. Chia tay anh, chắc tôi không thể nào tìm được người đàn ông thứ hai nào chỉnh chu hơn.

 

Tôi thích nghi dần với lối sống của anh nhưng không thể nào san phẳng được khoảng cách vô hình trong đời sống vợ chồng. Không bao giờ anh hiểu tôi. Anh đơn giản quá nên không thể tin lại có khoảng cách nào đó mà có lần chịu hết nổi tôi đã thốt ra.

 

Tới ngày, tôi nhận ra tình thương trong tôi không đủ kìm giữ được ý muốn xa Đạt, tôi bỏ con bé cho anh để đi học. Căn phòng lấp lánh ánh đèn vàng và nhịp thở trong lành kia như một quán hẻo lánh bên đường đời thống thang mà tôi đi được nửa.

 

Thực lòng tôi cũng không muốn phá bỏ những gì đang hiện hữu. Tôi sợ trên vầng trán trong trắng thần diệu của con tôi sẽ đọng lại một vết hằn. Nhưng dù thế, dù đã cố gắng mà sao tất cả cứ rời xa, đứt đoạn. Mọi can dự đến đời tôi như những nhân chứng chẳng lành. Bắt đầu là điềm gở trong ngày cưới và lời tiên tri của các anh chị. Và chuỗi ngày kế tiếp, những buổi chiều tôi ôm con lang thang ra ngoài cửa sắt, dàn dụa với niềm cô đơn không biết nói cùng ai.

 

Đến giờ tôi vẫn chưa hiểu hết thế nào là hạnh phúc, với người khác thì những gì tôi đang có trong tay là báu vật. Hạnh phúc có thể nảy sinh ra rất nhiều nguồn sống mới. Người đàn bà được nhào nặn trong ngôn từ này để có đủ vẻ đáng yêu cần thiết trong đời sống gia đình.

 

Tôi không tìm thấy thứ tặng vật quý giá ấy nên lòng luôn bất ổn. Rủi thay, sự thật bất ổn ấy, Đạt không hiểu nổi nên vô tình anh đã làm nó loang thêm. Những đòi hỏi làm cuồng chân và nặng lòng. Mẹ bảo tôi vẫn còn chút phóng túng.

 

Khi tôi nói với Đạt về việc đi xa, Đạt chỉ ngồi im lặng. Đến nhiều năm sau này, tôi vẫn ngạc nhiên về quyết định kiên quyết của mình và tôi không hề ân hận cho dù tôi mãi đánh mất sự chấp nhận. Tôi xa nhà, lăn xả vào những dự định không lề lối với hy vọng sự thành đạt. Một ngày tôi thấy nỗi trống vắng khi xa chồng con không còn gì nữa. Tôi hoảng sợ tưởng đến những ngày chỉnh chu của Đạt. Tôi thèm muốn thời con gái đã qua như một món đồ quý lỡ tay đập vỡ. Nuối tiếc như bóng ma trôi trên mặt biển đầy sương mù. Tôi hối hả vươn tay về mọi phía mong bắt lại được hình ảnh không tinh thần thời thiếu nữ.

 

Rồi tôi gặp người ấy. Tình yêu càng lén lút càng mãnh liệt. Tôi đã tưởng không bao giờ có thể rời xa anh. Quyết định bỏ chồng của tôi tưởng như níu giữ được tình yêu của tôi với người ấy. Vậy mà… Đàn ông luôn luôn trân trọng hai từ danh dự. Nên tình yêu chỉ xếp xuống hàng sau. Người ấy nói với tôi khi chưa quyết định bỏ Đạt: “Tôi không thể lén lút mãi được, em nghĩ kỹ đi. Một người đàn bà không thể có hai người đàn ông một lúc”’.

 

Đến bây giờ thì cả hai đều rời khỏi bàn tay tôi, tôi sẽ một mình đơn phương độc mã trên con đường đời còn lại… “Nếu con biết người đàn bà không chồng khổ biết chừng nào”.

 

Mẹ tôi run rẩy nói với tôi tất cả gánh nặng hai mươi năm cô quả một mình. Con cũng tin như thế mẹ ạ. Con cũng hiểu người đàn bà không chồng giống chiếc nón không quai, sẽ chông chênh ghê lắm. Bao năm qua, chứng kiến nỗi cô độc của mẹ tôi đã thấu hiểu điều đó. Chị em tôi lớn lên rồi ra đi, thành đạt của mỗi người không xóa được nỗi ưu tư trên khuôn mặt mẹ, đêm nào tôi cũng thấy mẹ trở dậy đứng rất lâu bên bàn thờ cha. Nhưng những dấu tích mập mờ của mẹ chẳng làm tôi run sợ.Tôi khác mẹ. Tôi còn cả một chặng đường phía sau, đến lúc ngấp nghé lên đến đỉnh dốc. Bây giờ chỉ còn mỗi một cách là bước đi tiếp chứ không thể quay lăn xuống đường. Tôi hình dung ra những khó khăn của những ngày sắp tới, nhưng khi nghĩ lại hôm qua sao tôi thấy khủng khiếp biết chừng nào.

 

Đêm đầu tôi không có Đạt, con gái tôi tỉnh giấc giữa đêm thút thít:Con nhớ bố lắm. Tôi cảm thấy nhói đau và cảm thấy nỗi cô đơn đè nặng trong đêm tối còn hơn cả đêm nào tôi ôm con bé lang thang ngoài cổng sắt. Nỗi cô đơn giống nhau đủ làm tôi lung lay. Không có những thói quen ngăn lắp của Đạt bên cạnh, chăn màn bừa bộn mà sao tôi không cảm thấy thoải mái chút nào.

 

Nghĩ đến chuyện khổ tâm đêm ấy, tôi càng nhìn nhận khó có thể thực hành lối sống như thánh Antonie bỏ đi trong sa mạc với đức tin của mình. Tôi chọn con đường đầy mạng nhện để trốn tránh cái sạch sẽ như lau, như ly của gia đình. Nhưng trên con đường ấy tôi không còn là tôi với những háo hức ban đầu. Con tôi còn bé, nó cần cha biết bao. Sống với Đạt con bé có bản lĩnh và độc lập. Bên tôi, nó luôn vòi vĩnh và nhõng nhẽo. Rồi sau này nó sẽ ra sao? Xa Đạt tôi mới hiểu: Chính trong ngôi nhà ấy, với những cái đinh treo tường được quy định một cách cụ thể ấy mới xác định rõ ràng được bổn phận và thiên chức của người đàn bà. Đấng tối cao khi tạo ra người đàn bà từ xương sườn của Adam là giao phó cho họ sứ mệnh hoàn toàn phù hợp. Cái luôn lý cũ đã thành máu chảy trong cơ thể tôi.

 

Ngày nào tôi cũng bị kích thích tay chân, kéo tôi trở về trò đời bình dị của phái nữ. Tôi dọn dẹp căn nhà mẹ cũng sáng bóng như cách Đạt vẫn làm. Tôi không đọc sách, cũng chẳng ham muốn gì công việc cơ quan.

 

Tôi cố gắng biện bạch cho minh bằng những lý do tôn trọng cá tính rồi lý tưởng sự nghiệp. Sao cái bản lĩnh đó trong tôi chứ chòng trành vô hiệu.

 

Tôi nghĩ đến lá đơn trong hộc tủ. Chẳng hiểu Đạt đã đem ra tòa án chưa? Ở đó còn có con búp bê tóc vàng biết khóc của con bé. Hôm đi tôi vội quá không kịp lấy.

 

Ngày mai, tôi sẽ phải trở về. Dù sao việc mang theo con búp bê cho con gái cũng không nằm ngoài bổn phận.

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Gặp lại Khăm-phon – Bùi Tự Lực

>> Váy ướt quấn vào bắp chân – Đỗ Bích Thuý

>> Hội xuân con Mén đi đâu? – Mai Hương

>> Đường mưa – Tống Ngọc Hân

>> Người quê – Y Mùi

>> Hạt phấn cuối cùng – Lê Quang Trạng

>> Xin hãy tin em – Nguyễn Thị Thu Huệ

>> Dưới chân đèo cả – Chu Quang Mạnh Thắng

>> Tạp hoá – Phát Dương

>> Tết sớm ở làng chài – Nguyễn Quốc Trung

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…