“Đánh thức tiềm lực” – Tuyên ngôn của sự thật

161

Tuấn Trần

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày còn nhỏ, tôi thường leo vươn lên ngọn đồi gần nhà, đứng trên cao xanh ngóng trời lộng gió. Tôi nghĩ rằng ngọn đồi kia đã là lớn lao nhất, cao vọng nhất mà tôi ngỡ là tất cả những gì trọn vẹn đẹp đẽ trong khao khát chinh phục của chính mình. Từ trên non tôi đã được thưởng ngọa hừng đông diệu vợi, được chiêm ngắm dòng nước mắt đêm nuốt trọn mặt trời…Nhưng lớn lên, tôi nhận ra rằng đó chỉ là một gò đất trọc lóc. Tôi vỡ dần trong mộng tưởng… Và với tâm thức của gió tôi mãi miết đi tìm những “đỉnh cao” những “Vì sao Văn Học”.

Nhà thơ Nguyễn Duy (bên phải) cùng tác giả

Có ai đã chợt dại nói rằng “Văn học Việt Nam hiện đại thiếu vắng chiều kích/cao”? Thực ra đã có những “Hi Mã Lạp Sơn” đủ cho văn chương nước nhà được quyền “kiêu ngạo” khi giao hão với nền văn chương nhân loại. Và đỉnh cao đó từ hạt gạo trong sáng trắng ngần đã đi qua biết mấy vòng đời nghiệt bão: “Hạt giống ở đây chết đi sống lại/hạt gạo kết tinh như hạt muối/cây lúa đứng lên cũng đạp đất đội trời.”

Người ta mặc cảm về thân phận lẻ mọn của văn chương nước Nam khi ra biển rộng. Người ta đổ lỗi cho nỗi bồn chồn cơm áo, cho gót giày chính trị, cho hệ thống “kiểm dịch”, cho sự thiếu môi sinh để cuồng nộ cuộc sáng tạo bỏng rát. Hay rào cản dịch thuật… Nhưng họ không biết rằng tiếng ta vĩ đại, đặc biệt, vinh diệu và cao quý. Thơ ta, văn ta, và văn hóa nước ta là ngọn núi cao đủ phủ bóng. Chỉ còn chờ một “Phút giây số phận” (Andre Mauris) để “tiềm lực được đánh thức” rồi đốt cho cháy rực. Và đỉnh cao văn học là đây:

Chuyển trải những chấn thương đời sống, những róng riết cùng kiệt sinh tồn thành những “mật ngôn” thơ mộng và thiêng liêng như tiếng: Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn”… Dù biết bao biến đổi bể dâu về nhân tình thế thái, quan niệm xã hội và ngay cả “khuôn phép” kia cũng đã có phần rò rỉ. Thế nhưng thơ Nguyễn Duy vẫn can dự trực diện vào nhịp thở đương đại để “âm thầm vay – trả”. Như một căn nhà thu vén, đóng gói được sự mênh mông của thời/không. Thơ như đã ôm trọn tạo hóa bằng vòng ôm khoáng đại: “Hãy thức dậy, đất đai!/cho áo em tôi không còn vá vai/cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn…/xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm/rồi thì đi xa hơn – đẹp, và giàu, và sung sướng hơn”.

Tiếng thơ đó, trước hết tuyệt đẹp về cả “nhãn giới” và “tâm giới” tựa “Trăng cứ tròn vành vạnh/Kể chi người vô tình”. Những tưởng trong giai điệu ngữ nghĩa chỉ có ánh trăng non chứa kho tình khôn cạn, và biết bao thứ tình cảm ánh sáng ngọt ngào ve vuốt mái đầu mộng mơ thiếu nữ. Nhưng thực tế trăng kia đã sống tự ngàn đời và “Ánh trăng im phăng phắc/Đủ cho ta giật mình”…Ngồn ngộn những tiềm năng tự cất lời về hiện tình đời sống trong lòng tiếng cần được “thức giấc”. Đủ cho ta giật mình thảng thốt: “Em có chạnh lòng chăng/giữa thành phố huy hoàng bạt ngàn quán nhậu/bỗng hiện lù lù cái xe hơi chạy than/vệt than rơi toé lửa mặt đường”.

Thẩm mỹ thơ trở nên sáng tạo tuyệt vời như sự cắt nghĩa trên. Tôi nghe rõ mồn một hơi thở phập phồng, có khi gấp gáp, nhức nhối, những nỗi hoài thương đau đáu trong từng tứ, tình, hình, âm: “Lúc này ta làm thơ cho nhau/đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt/ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên…”. Kí ức được lưu giữ xôn xao trọn vẹn nơi sự vĩnh cửu của vô thường. Xiết bao năm, hạt giống thơ bén rễ sâu vào tâm thức của người, của đời để kết bện, giăng mắc, ghì riết bao nhiêu khát vọng cứu chuộc: “Tôi trong suốt giữa hai bờ thực – hư”.

Cánh cửa/thư phòng rất điển nhã và nên thơ của Nguyễn Duy vẫn rộng nở đón đợi những người bạn thơ và người đến vì thơ. Bản thân Nguyễn Duy không muốn mình là một ngọn cao đơn độc giữa vườn văn bao la. Ông cứ âm thầm lặng lẽ giao lưu, kết nối, phản tư về thế sự… thông qua tiếng thơ thơ thới với đời/người. Và thơ của ông đã thực hiện những cuộc hành hương xuyên qua các châu địa, chảy sâu trong lịch sử nhân loại từ quá khứ đến hiện đại, từ dân gian đến minh triết, từ cái vô danh sau bờ tre mái rạ…

Luôn luôn đặt ra những câu hỏi: “Thời đại sẽ thực lòng đi về đâu?”. Bản chất của hỏi là kêu đòi được giải quyết, gỡ mở. Được trả lời bằng những tiếng nói cộng thông tích cực với những lớp người và cả nhóm/mớ người trong cuộc “đỏ đen”…: “Lúc này tôi làm thơ tặng em/em có nghĩ tôi là đồ vô dụng?/vô dụng lấy đi của cuộc sống những gì/và trả lại được gì cho cuộc sống?/Em có nghĩ tôi là con chích choè ăn và gại mỏ? Những Câu hỏi ăn bắt vào vi mạch nhân sinh, để trên đó, dựng nên những trùng trục hệ quy chiếu thực tế hiện tiền. Bao chất vấn, xôn xao không nguôi tan về thân phận chung – riêng của dân tộc trong “cấu hình thể chế”. Phản ánh và đồng hành, hơn thế nữa: đón đầu thời đại. Đó chính là cội rễ thẩm mỹ – kịch nghệ trong thơ Nguyễn Duy: “Em có chạnh lòng chăng/xích lô đạp càng ngày càng nghênh ngang/xích lô máy và xe lam chạy dầu vừa nã đại liên vừa phun khói độc/người đi bộ vừa đi vừa nghĩ về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên…”

Thơ vẽ ra một cách thấu kín bộ mặt cái ác tồn tại man trá, dưới nhiều gương mặt và lắm chiêu bài khó nhận diện. Con người sống bằng “đầu môi chót lưỡi” tạo ra những giả dối chói rạng. Cái ác đã len lõi vào mọi ngóc nghách đời sống, trên mọi tế bào, thớ vỉa trực cảm: “Tiềm lực còn ngủ yên/ trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng/Tiềm lực còn ngủ yên/trong bộ óc mang khối u tự mãn…”.  Từ cắt nghĩa minh chính và ngoan cường trên, đã vượt thoát một đòi hỏi thống khiết, khẩn khoản về một câu trả lời ngay thẳng trước công luận, chứ không phải bằng sự “thờ ơ trí tuệ” của những kẻ nhân danh con người: Bộ sưu tập những điều ngang trái ấy/phù chú ma tà ru tiềm lực ngủ mê”.

Ngôn ngữ thơ giàu sức mạnh biểu hiện chất phản biện đời sống, tiếng nói can thiệp, đòi được can thiệp vào các trạng huống nhân sinh – chính trị. Thậm chí là “cảnh báo” để đi tìm giá trị đích thực của chân lý. Nhưng trên và trước hết nó phải là cái ôm ấp trìu mến với cuộc đời và đánh thức niềm hi vọng chứ không phải là nỗi chán chường, oán ghét hay thái độ nặng phức cảm vĩ cuồng: “Này, đất nước của ba miền cày ruộng/chưa đủ no cho đều khắp ba miền/ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên…”. Tiềm lực còn ngủ yên và cần được gọi dậy cũng như trên cánh đồng chữ nghĩa nằm hoang đợi người tơi xới. Như con giun, cánh cam…Nguyễn Duy cần mẫn cho sự phì nhiêu đơm bông kết nụ trên mảnh đất quê hương. Chính đó là khi cái đẹp khai hoa trong một bản lĩnh ngôn ngữ, bản lĩnh sống vị nhân và tính nhạc tình độc đáo: kẽo kẹt hai vai một nhịp cầu vồng/đẹp lắm chứ cái tạo hình gồng gánh!”.

Thơ dẫn lối vào đời bằng bài ca hiện thực, những gam màu có lạnh lẽo, ưu sầu và bao tiếc nuối, đắng cay. Thế nhưng luôn có niềm tin tưởng về giá trị con người: sau lưng ta là kỷ niệm bi tráng/trước mặt ta vẫn con đường gập ghềnh/vẫn trang trọng tấm lòng trung thực/dù có thể lỗi lầm – làm thế nào mà biết trước/dù có sao thì cũng phải chân thành”. Thơ được tổng hợp, tái tạo qua ngôn ngữ và trí tưởng tượng cùng vốn trải nghiệm thăng trầm. Nguyễn Duy đã “xé rào” được rồi đó thôi? Khát vọng của ông lớn lao hơn của cộng đồng văn chương, trong đó hẳn bộc lộ niềm yêu mến dân tộc bằng cái nhìn vào chiều sâu bi kịch, từ tăm tối mà khơi thông dòng ánh sáng nồng nhiệt. Chúng ta đều biết những nhà văn, nhà thơ sẽ trở nên đáng được ca tụng, trở thành tượng đài, điểm tựa tâm hồn không thể thay thế của một đất nước, một dân tộc, một nền giấy mực chữ nghĩa, thậm chí trở thành một “tín ngưỡng”. Nhưng chỉ khi nhà thơ đó viết ra những vần thơ mang sự thật chất ngất: “Lúc này/tôi và em không còn là lũ trẻ con nữa/ta biết buồn để biết lạc quan/và, để nhắn lại sau ta cho lớp lớp trẻ con/(dù sau này dầu mỏ đã phun lên/quặng bô-xít cao nguyên đã thành nồi thành soong/thành tàu bay hay tàu vũ trụ…/dù sau này có như thế… như thế… đi nữa/thì chúng ta vẫn cứ nên nhắn lại)/rằng/đừng quên đất nước mình nghèo!”.

Trong cuộc hành trình va chạm, cọ xát, lên hương, gây tứ cho sự kịch liệt đối diện với bản chất nghiệt ngã của đời thường và cái dối gạt lọc lừa của xã hội, thơ đã họa hoằn những đường máu ửng rát. Bừng nở trong hình hài khả thể thẩm mỹ những ưu tư thời thế nhưng với tâm thế rất ung dung: Năng động lên nào/từ mỗi tế bào, từ mỗi giác quan/cố nhiên cần lưu ý tính năng động của cái lưỡi”. Việc không ngừng “chất vấn” và chất vấn bằng nhịp phách của sự thản nhiên, giúp tiếng thơ như nhịp điệu bền bỉ, bay bỗng nhận thức và tư duy để đi đến một cách nhìn, cách viết gói trọn, bao quát, tỉ mỉ, chân thực và tự nhiên mà lại rất tâm sự, trữ tình.

Thơ, văn chương nói chung đang phải đối mặt với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo. Vốn dĩ thông minh hơn gấp trăm lần con người, người máy kia sẽ thống trị, đó là điều sớm muộn sẽ đến. Trong cuộc “giằng – co thiện ác”, thơ làm sao để không bị khuất nhục. Đó là khi thơ tạo ra được khoảng run ngân giữa nhịp đời ngược xuôi. Đó là khi thơ có khả năng thức dậy những con người đang sống sống sượng đau thương… trong con người. Đọc thơ Nguyễn Duy một lần nữa ngay trong chính bản tâm sống dậy cuộc đấu tranh nội tâm mãnh liệt, sôi nổi. Khoảnh khắc đối diện với nhân tính, với cội rễ thẳm sâu và mầm non sự sống tươi đẹp từ đó bắt với lấy những bàn tay khác: Yêu cầu được tồn tại và đẹp đẽ.

Sau tất cả, Nguyễn Duy tự hào tin tưởng vào tiếng Việt của mình, vào nghệ thuật của mình, vào văn học nước mình. Ông cùng sống, cùng đau, cùng xây đắp, lật dở những vỉa tầng đời sống để “xới đảo” tơi xốp cho sự gieo trồng những điều cao thượng. Miền đất của sự thật nẩy – sinh từ đó… Trên đỉnh dốc chông chênh của thời đại, nơi những khoảnh khắc tạo hóa vặn xoáy, xoay vần. Dù biết dưới chân là đêm, là miệng vực ngoằm ngoặm sâu đen, nhưng “Tôi muốn được làm tiếng hát của em/ tiếng trong sáng của nắng và gió/tiếng chát chúa của máy và búa/tiếng dẻo dai đòn gánh nghiến trên vai/tiếng trần trụi của lưỡi cuốc/lang thang/khắp đất nước/hát bài hát/ĐÁNH THỨC TIỀM LỰC…”

T.T