(Vanchuongphuongnam.vn) – Tiếng xe ngoài cửa, quen quá, Mai giật mình, tỉnh giấc, nhìn ra. Phố xá đã tắt đèn từ lâu. Đường phố vắng vẻ chỉ còn tiếng xào xạc của lá khô rơi, tiếng chó cắn ma và đâu đó tiếng rồ ga, nẹc pô của những tên say rượu hay ngáo đá đua xe lạng lách đánh võng rộn lên trong đêm rồi rơi vào cô tịch.
Tác giả Hạc Nha
Lại một đêm chờ chồng với lòng đầy thấp thỏm và lo sợ. Hôm nay, Tùng đi nhậu từ sớm, chắc là sẽ say lắm. Cô đánh liều gọi điện:
– Alo! Hôm nay anh có về không?
– Về đâu! Về đâu khi nhà đã cháy!
– Anh đang làm gì đó?
– Nhậu chứ làm gì, thôi nha!
Tút tút…đầu giây bên kia tắt máy. Mai ngồi đó, lòng dâng lên một nỗi sợ cố hữu. Mai khóc tủi cho phận mình đến mệt nhoài như bao lần. Cô thiếp đi. Cô thấy mình băng băng qua cánh rừng đầy hoa tím biếc xinh xắn. Cô lại lội qua một dòng sông đầy sương mù lạnh lẽo. Cô bước vào Diêm phủ. Tùng đang quỳ trước sân rực lửa với mặt mày bê bết máu… Cô la lên, choàng tỉnh giấc và nghe tim mình đang đập thình thịch, thình thịch… Không phải! Cô đang mơ mà! Nhưng… tiếng đập cửa là có thật. Mai vội ra mở cửa. Một người phụ nữ gần nhà đang thất thanh nói với cô: “Ông Tùng bị tai nạn, đầu ngã ba quốc lộ. Nhanh lên. Ra bệnh viện”. Cô hoảng hồn định để nguyên đồ ngủ chạy ra đường. Nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm, Mai đã ngồi bên chồng trong phòng cấp cứu. Anh vẫn chưa tỉnh. Bác sĩ bảo do nồng độ cồn trong máu quá nhiều nên ảnh hưởng đến việc thăm khám. Mai đã làm xong thủ tục để chuyển viện lên tuyên trên, nhưng… vẫn chưa chạy được tiền. Cô lấy điện thoại chồng tìm những người bạn thân thường hay đi bên chồng mình trong những buổi “Trà dư tửu hậu” để gọi hỏi mượn tiền. Nhưng chỉ nhận được lời hứa hẹn. Trời thương, nàng cũng thu vén cầm cố một số đồ đạc trong nhà để lo cho chồng.
Giờ ngồi một mình trong phòng bệnh, Mai có dịp hồi tưởng lại mọi chuyện đã qua. Nhìn gương mặt anh giờ này sao hiền lành như thuở vừa yêu. Bao kỉ niệm của thanh xuân tràn về. Nhưng hạnh phúc vừa vụt đến thì… cô ngậm ngùi nhớ lại bóng đêm của đời mình. Đã bao lâu rồi nhỉ… những ngày dài tiếp nối trong đau khổ? Trong đầu Mai, một cuốn phim quay chậm từ từ chuyển bánh …
-Vợ đâu! …sao lâu mở cửa quá vậy?
Rồi thì… lảo đảo,… ọe…ọc…
Rồi thôi,…đồ đạc rơi lẻng xẻng. Tiếng chửi trong đêm vắng, không quá lớn nhưng đủ làm cho trái tim cô tan nát.
Mỗi lần biết được anh đi nhậu, Mai thường chuẩn bị rất chu đáo. Cô dọn dẹp nhà cửa tươm tất, cất gọn những vật dụng mang tính sát thương cao như cây gậy hay đập chuột ở góc nhà, thanh sắt thanh gỗ ngổn ngang bên xưởng, giấu kĩ những con dao dùng trong nhà bếp. Nhìn quanh, còn gì nữa nhỉ? Máy tính, điện thoại… hay những gì có giá trị cũng phải cất đi khỏi tầm mắt. Và việc cuối cùng, Mai giục hai con đi ngủ cốt để chúng được yên, không nghe thấy những lời lẽ thô tục nhất mà đời nàng có thể chịu đựng. Mở trang giáo án chuẩn bị bài giảng ngày mai, hình ảnh Chí Phèo ngất ngưỡng đi trên đường làng, ngất ngưỡng say hòa trong tiếng chó sủa, tiếng gào thét và tiếng vườn chuối xao xác đêm trăng. Mai rùng mình gấp trang sách, nghĩ đến bản thân, xót xa… Không làm việc được, Mai gục đầu lên bàn…
Tiếng xe ngoài cửa, quen quá, Mai giật mình, tỉnh giấc, nhìn ra. Phố xá đã tắt đèn từ lâu. Đường phố vắng vẻ chỉ còn tiếng xào xạc của lá khô rơi, tiếng chó cắn ma và đâu đó tiếng rồ ga, nẹc bô của những tên say rượu hay ngáo đá đua xe lạng lách đánh võng rộn lên trong đêm rồi rơi vào cô tịch.
Tùng chưa về. Không phải tiếng xe của anh. Mai nhìn đồng hồ đã gần 12 giờ đêm. Cầm điện thoại lên gọi chồng. Đầu dây bên kia tiếng chuông dài đáp lại… Một cuộc, hai cuộc và rồi …tít tít …thuê bao quý khách… Chắc điện thoại hết pin, Mai nghĩ. Thường ngày, mọi thứ sinh hoạt của chồng, Mai đều chuẩn bị chu đáo. Anh bảo tắm, Mai vội lấy áo quần bỏ sẵn. Anh bảo ăn, là dù đang soạn bài hay làm gì Mai cũng tất bật xuống bếp dọn cơm. Anh bảo mai anh đi Sài Gòn, là cô chuẩn bị chu tất từ cái dao cạo râu đến khẩu trang hay khăn mặt. Vậy nên, nay điện thoại hết pin, thế nào anh cũng bảo là lỗi tại cô.
Màn đêm bủa vây. Mai mở cửa ra đường và nhìn về phía ngã tư. Phố huyện đã tỉnh lặng, lâu lắm mới có một chiếc xe hối hả đi qua. Đèn xe chao nghiêng bên phải, nghiêng bên trái, rồi ngã oạch. Xe ngã xuống rồi lại đứng lên rồ máy khuất vào bóng đêm. Không phải Tùng, Mai nghĩ. Chắc đó cũng là chồng, là cha của một gia đình nào đó mà ở nhà có một người vợ và bầy con thấp thỏm chờ trông như cô. Dõi mắt về phía khác, một quán cốc nằm gốc khuất xa đằng kia, không có người, hoàn toàn im lặng, nhưng đèn vẫn sáng. Đó là một tụ bài đêm của những anh thợ hồ, thợ xây, xe ba gác, và một vài người chồng lười nhác khác của khu phố nhỏ của Thị trấn Tam An này. Họ thường hay tụ tập vào cuối mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật mỗi tuần, và từ sau khi những trận đá gà chiều kết thúc cho đến sáng hôm sau. Họ tụ tập để sát phạt nhau vừa để giải trí vừa lai rai đón lễ từ mùa giáng sinh cho đến hết tết truyền thống. Mai nhìn về phía quán nhưng nghĩ Tùng không có trong đó. Anh không mê đánh bài. Trời đêm, gió khô và se lạnh. Mai không biết những người đàn bà trong xóm giờ này làm gì. Họ vẫn chông đèn chờ chồng hay chìm sâu vào giấc ngủ với đứa con nhỏ trên tay mà thi thoảng vẫn giật mình trong đêm vắng.
Lạnh…
Mai khép cửa bước vào nhà thì tiếng xe máy rồ lên. Một người lảo đảo xuống xe. Mai vội mở cửa và đỡ lấy xe từ tay chồng.
– Vợ yêu…đi với anh không?
– ĐM, mấy thằng kia còn chưa về kìa!
– Đi với anh ra quán karaoke, …buông ra để tao về với vợ tao…
Những lời nói nhảm, chao đảo ngã nghiêng của người say đã làm Mai hiểu là anh mới từ đâu về. Mai dịu giọng nhưng kiên quyết dìu chồng vào nhà, không quên khóa cửa để chồng khỏi đi quậy hàng xóm và gây nguy hại cho mọi người.
Cô lặng lẽ dỗ ngọt và pha vội li bột sắn dây ép Tùng uống cho nhả rượu. Nhưng không, anh đi thẳng xuống nhà vệ sinh, rồi ẹo…ọe…ọc, rồi cởi hết quần áo, rồi bò ra nhà… Mai phải dỗ chồng mặc đồ kẻo sợ con dậy nhìn thấy. Anh nằm chổng mông lên trời, rồi bò lổm ngổm và rồi chửi đổng…
– ĐM mày, thằng kia …
– Vô đây! vợ tao là nhất…
– Tao giết mày…đồ con đĩ…mày ngủ với thằng nào!…
– Tao giết cả dòng họ mày…
Cứ thế, không còn lời lẽ thô tục nào mà anh không nói ra. Như đã quen, Mai nghe lòng rắn lại, trái tim chai lì cảm xúc nhưng vẫn âm ỉ đau. Nó xoáy sâu trong lòng ngực làm cho cô nghẹn thở. Nhưng không, cô không thể khóc, không thể làm gì khác vào lúc này, vì danh dự với hàng xóm, vì mẹ già kế bên, vì hai con ngủ trong phòng, và…vì ranh giới sự sống và cái chết…
– Tao giết mày, giết cả họ mày… đem cái thau đây coi!
Mai như bừng tỉnh vội lấy thau cho Tùng, không quên mang khăn và nước, miệng khấn “Cầu trời cho chồng con đi ngủ”. Nhưng anh còn lâu mới ngủ. Mai phải ngồi đó, bên cạnh thau đồ ói của chồng với mùi nồng nặc của bia rượu xen lẫn với mùi hôi thức ăn. Cô đã quen nên cũng chẳng buồn ói như lúc đầu nữa. Trái tim cô đau hơn, lòng cô ghê tởm hơn cả cái thau trước mặt kia. Từ nhỏ, sống trong gia đình gia giáo, tuy ba mất sớm, nhưng mấy chị em cô ý thức rất rõ đạo lí cương thường, chưa bao giờ cô nghĩ đến lúc lòng tự trọng thân phận của cô lại chạm đáy vực sâu như bây giờ. Cô thấy nhục cho mình, thấy đau lòng cho ba mẹ cô. Nếu ba cô còn sống, chắc sẽ nghĩ sao với tình cảnh của một cô gái nhỏ thông minh, lanh lợi, học giỏi mà ba đã từng lặn lội hàng chục cây số để chở cô ra trường huyện học, mong con đổi đời. “Ha ha… đổi đời, mà đổi thật…”. Mai xót xa tủi nhục cho mình, đau đớn cho lũ con của mình, chúng lớn lên sẽ ra sao?…
– Em ơi! Vợ ơi! Anh yêu vợ nhất…
Mai mừng thầm, chắc tốt đây. Tùng ôm Mai vào lòng, luồn tay vào áo cô. Cô nghe lòng kinh tởm nhưng… thôi vậy cũng được, dù sao xong việc anh mệt và ngủ…cũng xong. Cô chiều ý chồng. Chiếc áo ngủ trên người bị giật tung, anh lao vào cô …cắn xé. Thời gian chậm chạp trôi. Màn đêm như đồng lõa với sự giận dữ của người chồng, như che giấu sự ê chề của người vợ, như cất sâu thêm tủi nhục, mặc dù Mai cũng đã quen chịu đựng. Nhưng hình như …. bất lực, Tùng gào lên, đập mạnh đầu vào tường . Một con thú khi không vồ được mồi không biết sẽ như thế nào có như con đực sẩy một lần giao hoan không!…
– Mày cút mẹ mày đi!
Mai giật mình và lãnh trọn một cú đạp của chồng vào bức vách. Không sao, cô nghĩ, mình là AQ. Quan trọng là phải để chồng ngủ. Lạy trời, thân con còn tiếc gì! Rầm…rầm! Cánh cửa tủ chực rơi ra. Mai vội ngăn lại, lỡ cái tủ đổ xuống thì sao! Rầm… rầm… Vài tấm thạch cao trên trần đổ xuống, vung vải…Mai sợ quá vội lao tới ôm lấy anh.
– Bình tỉnh anh, em yêu anh nhất mà! Anh không thương mẹ con em sao, đừng làm con thức giấc… (“Đồ nói dối”. Cô tự nhủ. Cô bất chấp).
Tùng nằm yên, dường đã mệt. Mai vội vàng gom hất những mảnh vỡ thạch cao, dọn hiện trường. Anh nằm đó gầm gừ như con hổ trong chuồng. Chuồng…đúng rồi, sao nhà nước không làm một cái chuồng sắt để nhốt những kẻ say rượu vũ phu vào đó mà lại xây Phòng tạm lánh để cho những người phụ nữ tạm nương thân khi gặp cảnh bạo hành gia đình? Họ sao nỡ đành tâm bỏ nhà cửa tan hoang, bỏ con cái nguy hiểm để thoát thân riêng mình? Họ sẽ ở lại đó, mặc dù có nhiều kết cục phải đi cấp cứu hoặc chết mà không ai hay! Họ chân yếu tay mềm nhưng trái tim cứng hơn đá và lấm lòng bao la. Tiếc là trời xanh còn xa quá, chính quyền mãi đang ngủ yên….
Thấy chồng đã yên, có lẽ mệt quá, Mai lặng lẽ rời phòng, ra đốt nhang khấn nguyện. Ngoài kia, nàn đêm bủa vây nhưng gió trời lồng lộng. Ước gì mình là cánh chim, ước gì mình có thể biến mất khỏi cuộc đời ngay bây giờ, ước gì con người không có linh hồn, người chết sẽ không còn đau đớn, không có kiếp luân hồi…
Tùng đã ngủ, tiếng ngáy rống lên đứt quảng trong đêm. Kiệt sức, Mai lê chân xuống bếp, xa chỗ chồng ngủ, xa phòng con, ngồi vào một góc tối, Mai khóc…Tiếng khóc ép lại thành ra chỉ còn tiếng nấc tan vào bóng đêm. Cắn chặt tay mình để không bật thành tiếng, Mai nhìn ra cửa sổ…ngoài kia, một vùng sáng lờ nhờ trăng trắng…
***
Ngày Tùng ra viện cũng là ngày Mai phải mằm truyền nước biển do lao lực và sốt siêu vi ở bệnh viện huyện gần nhà. Nàng nằm đó, nửa tỉnh nửa mê, miên man…
Tùng trở về bên ngôi nhà nhỏ vắng tiếng trẻ thơ và bóng gầy của vợ mà lòng xót xa ân hận. Ngôi nhà vẫn ấm cúng chờ anh nhưng đã mất đi vài món đồ quý giá. Gần một tháng anh nằm viện, bóng dáng ấy đã quá thân quen. Nhớ tiếng khóc sụt sùi của vợ trong những lần anh không kìm được cơn giận do men rượu gây ra. Nhớ những lời trách móc khuyên can của vợ mỗi lần có tiếng điện thoại bạn nhậu gọi, nhớ ánh mắt sợ hãi của con khi anh lảo đảo về nhà. Lòng ân hận biết bao. “Mai ơi! hãy cho anh một cơ hội, anh sẽ làm lại từ đầu”. Hai đứa con đã được hàng xóm rước về. Chúng tung tăng cất cặp rồi đảo mắt tìm mẹ. Chúng thấy ba và vui mừng sà đến: “Ba ơi! Mẹ đâu?”. “Mẹ trong bệnh viện. Để ba đi lấy cơm ăn rồi mình vào thăm mẹ nhé!” Tùng dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị cơm canh cho cả nhà. Anh sẽ lo cho gia đình. Anh sẽ thương vợ thương con hơn và không còn bê tha chén tạc chén thù nữa. Anh sẽ xin lỗi vợ… và họ lại quây quần hạnh phúc bên các con… “Mẹ, mẹ ơi!”. Nàng tỉnh giấc. Thì ra nàng lại mơ. Nàng định ngồi bật dậy nhưng Tùng vội đến bên âu yếu nhìn vợ và đỡ vợ nhẹ nhàng “Em cứ nằm nghỉ đi, anh múc cháo cho em nhé”. Nàng nhìn đầy hoài nghi…
–Anh khỏe rồi, anh đã đón con về và ăn uống tắm rửa xong. Cháo anh nấu nè, em ăn cho nóng.
-Mẹ ơi, hôm qua ba ôm con ngủ đó. Hình như ba khóc…
Tùng cốc đầu con, cười:
– Vớ vẩn, làm gì có…
-Em nè, bác sĩ nói mai em được ra viện.
Nàng nhìn ngơ ngác, lâu lắm mới nghe được giọng nói này, cử chỉ này. Chắc vụ tai nạn vừa rồi đã làm cho Tùng hiểu ra mọi chuyện. Không gì quý hơn gia đình vợ con, và … anh đã dừng lại.. có phải không?
Tiếng điện thoại vang lên làm nàng giật mình: “Alo… tao khỏe rồi. Cám ơn mày. Xin lỗi, tao không đi được”. Anh bỏ điện thoại vào túi, anh vừa huýt sáo vừa gọi con: “Bin Bo ơi…!”
Nở nụ cười nhẹ nhỏm, lòng đầy hi vọng, Mai lén nhìn chồng và gặp lại ánh mắt ngày ấy. Chẳng phải là giấc mơ đâu nhỉ! Bóng đêm đời nàng rồi sẽ chóng qua. Đêm nay sẽ qua nhanh thôi. Ngày mai nàng xuất viện. Ngày mai, mặt trời lại mọc. Ngày mai nắng mới lại lên… Ngày mai… ./.
Đồng Nai, 20 /1/ 2019, sửa lại ngày 24/2/2020
Hạc Nha (Lê Thị Hồng Nhạn)