Dino Buzzati – Tác giả và tác phẩm

18

Giới thiệu của Trương văn Dân

     ..” Dino Buzzati sinh năm 1906 tại Belluno, mất năm 1972 ở Milano (Italia). Trước khi viết văn, ông là họa sĩ, nhạc sĩ và nhà báo, từng là phóng viên chiến trường và phụ trách mục phê bình nghệ thuật cho Corriere della Sera, một nhật báo quan trọng nhất nước Ý. Với Sa mạc Tartari (1940), tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, ông đã trở thành một trong những tên tuổi lớn của thế kỷ 20. Nhiều truyện dài của ông đã được chuyển thành kịch bản sân khấu, phát thanh và truyền hình. Truyện Con chó gặp Chuá, đã được trình diễn trên đài truyền hình Pháp.

           Ông viết nhiều tiểu thuyết nhưng hình như thể loại yêu thích của ông là truyện ngắn. Chủ đề quen thuộc của Buzzati là những ám ảnh và nỗi bất an của kiếp người, sự chạy trốn thời gian, định mệnh, sợ hãi đối với hư vô, thất bại của sự sống, mong manh của tình yêu, bí ẩn của nỗi đau và cái ác…” 

           Bằng bút pháp độc đáo ông dắt người đọc ra khỏi cuộc sống thường ngày để bước vào một thế giới khác, rồi đẩy họ vào những sự kiện nghịch lý, ly kỳ và đầy bí ẩn. Bí ẩn vì nằm ngoài cánh cửa của đời sống thường nhật nhưng cũng có thể đồng hiện hữu với diễn biến thường ngày mà chúng ta đã vô tình không nhận thấy để cuối cùng phải kinh ngạc, suy nghĩ… trong một niềm xúc động sâu xa.”

                                                                                                                        Dino Buzzati

           Là một trong những nhà văn được đọc nhiều nhất của nước Ý, đến nay Dino Buzzati cũng là một nhà văn mà tên tuổi đã được rất nhiều tầng lớp độc giả trên thế giới yêu mến. Phong cách độc đáo trong những sáng tác đa dạng của ông đã làm cho Buzzati có được một vị trí đặc biệt trong nền văn học Ý thế kỷ XX.

           Một nhà văn, một kịch tác gia, một nhạc sĩ, và một hoạ sĩ… nhưng điều kỳ diệu là ông đã làm tất cả những công việc đó trong khi vẫn tiếp tục duy trì công việc phóng viên cho nhật báo Corriere della Sera tại Milano từ khi ông 22 tuổi cho đến khi từ giã cuộc đời.

           Là phóng viên báo chí nhưng Buzzati lại được giới văn học thế giới xem là một nhà văn viết truyện huyễn tưởng tài hoa và độc đáo nhất.

         Buzzati sinh năm 1906 tại San Pellegrino, trong khu biệt thự của gia đình. Mẹ Buzzati, một bác sĩ thú y, là người vùng Venezia, còn cha ông là người vùng Belluno và là giáo sư ngành luật quốc tế tại viện đại học Milano. Buzzati là con thứ hai trong gia đình có bốn người con.

         Khi ông chỉ vừa 14 tuổi (năm 1920) cha ông chết vì chứng ung thư tuỵ tạng, nên từ đó ông thường hay lo sợ rằng mình cũng sẽ bị nhiễm căn bệnh ấy- Thế nhưng cũng chính từ năm ấy trong ông cũng bắt đầu biểu hiện những đam mê mãnh liệt trong đời ông: yêu âm nhạc, mến núi non hùng vĩ cũng như mê vẽ tranh và viết văn.  Những thú vui này đã theo ông đến suốt cuộc đời.

Tác phẩm văn học đầu tay “La canzone delle montagne” (Tiếng hát của núi rừng) đã được ông viết khi còn rất trẻ, 14 tuổi, sau một chuyến đi chơi trên dãy núi Dolomiti.

           Năm 1924, ông vào Trường Luật ở Đại Học Milano, nơi mà ngày xưa, cha ông đã từng dạy luật quốc tế. Từ năm 1926-27 ông phải tham gia quân đội.

           Ngày 10 tháng 7 – 1928, trước khi tốt nghiệp luật ông đã được nhận vào làm việc ở toà báo Corriere della Sera và tiếp tục làm việc tại đây cho đến cuối đời.

           Vào năm 1933, ông cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, “Barnabo delle Montagne” (Barnabo của rừng thẳm) rồi cùng năm đó tờ Corriere della Sera gửi ông đi làm phóng viên đặc biệt tại Adis Abeba. Tác phẩm thứ hai của ông, “Il Segreto del Bosco Vecchio” (Bí mật rừng già) được xuất bản sau đó hai năm.

           Bản thảo tác phẩm nổi tiếng “Sa mạc Tartari” đã được Buzzati giao cho nhà xuất bản lúc ông 33 tuổi nhưng mãi gần 4 năm sau, vào tháng sáu năm 1940, bản thảo mới được xuất bản lần đầu tại Milano. Trước khi in nhà xuất bản Longanesi chỉ yêu cầu tác giả phải đổi tựa vì tên nguyên thuỷ “La Fortezza” (Pháo đài ) có thể gây ra sự hiểu lầm hay ám chỉ đến cuộc chiến tranh thế giới lần II đang sắp xảy ra.

           Nhưng trước khi tác phẩm quan trọng này được phát hiện (1949), được hoan nghênh rồi nổi tiếng ở Pháp, ngay tại quê hương mình giới phê bình văn học không đánh giá cao văn tài của ông, có lẽ do ông không thích chạy theo trào lưu lúc đó là dùng những kỹ thuật hay ngôn từ mới lạ để phô trương mà chỉ thích viết những trang văn của mình theo lối kể truyện và trong đó đều có gửi một thông điệp nào đó cho người đọc. Ngay tại Ý, do vô tình hay cố ý, vì lòng đố kỵ nhỏ nhen, giới truyền thông thời đó đã đóng khung ông trong một bảng phân loại cứng ngắt, chỉ xem ông như một nhà văn viết những truyện ngăn ngắn, nửa như phóng sự, chả có gì xuất sắc.

           Do thế chiến thứ hai bùng nổ nên ông phải chuyển qua làm phóng viên chiến trường khoảng ba năm trên những tàu chiến.

 Vỡ kịch “Un Caso Clinico” (Một ca bệnh viện) của Dino Buzzati được trình diễn lần đầu tiên tại Piccolo Teatro ở Milan vào năm 1953 và sau đó ,  năm 1955, nhà văn  Albert Camus đã phóng tác  thành “UN CAS INTERESSANT” và đưa vở kịch này lên sân khấu Paris với sự đạo diễn của Georges Vitaly đã thành công vượt bật.

           Ngày 1 tháng 10 cùng năm đó, tại Bergamo, một thành phố miền bắc Ý cũng trình diễn vở nhạc kịch “Ferrovia sopraelevata” (Đường sắt nâng cao) dưới sự điều hành của nhạc sĩ Luciano Chailly.

           Các tác phẩm và kịch của ông lần lượt được trình diễn trên các nhà hát lớn, đọc trên radio sau đó trên truyền hình.

            Năm 1958, Buzzati tổ chức triển lãm phòng tranh cá nhân lần đầu của mình tại Milano. Trong cùng năm, Buzzati nhận được một giải thưởng lớn về truyện ngắn của Ý với một tập gồm 60 truyện ngắn. Vào năm 1960, ông cho xuất bản quyển tiểu thuyết khoa học viễn tưởng duy nhất của mình, “Il Grande Ritratto” (Bức chân dung lớn).

             Năm 1961 mẹ của Buzzati, bà Alba Mantovani, mất và 2 năm sau, ông đã viết phóng sự      “I due autisti “ (hai người tài xế ) kể về đám tang đau buồn ấy.

           Những tháng năm sau đó ông được toà báo phái đi khắp nơi: Từ Tokyo, Jerusalem, New York, Washington đến Praga, và ông cũng đã đến thăm căn nhà của Kafka, một tác giả mà giới phê bình thường đem ông ra so sánh và đối chiếu.

           Vào năm 1964, Buzzati cho xuất bản quyển tiểu thuyết thứ năm và cũng là cuối cùng của ông, “Un Amore” (Một tình yêu), và hai năm sau, xuất bản một tác phẩm khác, “Il Colombre”, một tập gồm 51 tuyện ngắn, và cưới Almeria Antoniazzi vào tháng mười hai cùng năm. Vào năm 1969, ông cho xuất bản “Poema a fumetti” (Thi ca bằng tranh hoạt hình) một cái nhìn hiện đại về các huyền thoại, thi ca và tranh hoạt hình.

           Năm 1970, ông được trao giải thưởng báo chí Mario Massai cho những bài báo đăng trên tờ Corriera della Sera về sự kiện con người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào mùa hè 1969.

           Ngày 3 tháng 10 cùng năm đó đài truyền hình Pháp cũng cho trình chiếu kịch bản “Le chien qui a vu Dieu” do Paul Paviot phóng tác và đạo diễn từ tác phẩm cùng tên “Il cane che incontra Dio” (Con chó gặp Chúa) của ông. Tháng 9 ông cho triển lãm tranh của mình tại Gallery Naviglio ở Venezia. 27 tháng giêng năm 1972 vở kịch “Fontana” được đạo diễn lừng danh Mario Bugarelli phóng tác từ tác phẩm “Non aspettavamo altro” (chúng tôi không chờ gì khác) của ông tại nhà hát ở Trieste.

           Sau khi cho in tuyển tập truyện ngắn thứ sáu của ông và cũng là quyển sách cuối cùng, “Le Notti Difficili” (Những đêm khó nhọc), Dino Buzzati bị bệnh ung thư và sau đó phải nhập viện ở Milano.

           Về tác phẩm “Sa Mạc Tartari”: Dino Buzzati làm việc ban đêm ở toà soạn và thường trở về nhà lúc 3 giờ sáng, khi thành phố Milano hoàn toàn chìm trong yên lặng. Ông âm thầm quan sát sự “vụt thoát của thời gian” trong khi mình và các đồng sự đang già đi, như bị đóng đinh và cô lập trên bàn viết trong sự đợi chờ về một biến cố hay sự kiện nào đó sẽ xảy ra. Và một đêm trong những đêm dài đó ông đã cầm bút và viết: “Được phong sĩ quan, một sáng tháng 9 Giovanni Drogo khởi hành để đến pháo đài Bastiani, nơi nhậm chức đầu tiên” và đó là đoạn mở đầu cho quyển tiểu thuyết nổi tiếng “Sa mạc Tartari”. Tác phẩm này lấy ý từ “…sự nhàm chán và đơn điệu của toà soạn vào ban đêm mà tôi đã từng trải nghiệm. Rất nhiều lần tôi đã có cảm tưởng rằng sự nhàm chán đó cứ kéo dài, mãi mãi không dứt, và chính nó sẽ làm tiêu hao một cách vô ích cuộc đời tôi. Tôi nghĩ đó là một tình cảm chung của tất cả mọi người, nếu tất cả bị đóng khung trong đời sống và giờ giấc cứng ngắt của đô thị. Sự hoán chuyển ý tưởng này thành một cuộc sống trong quân đội đến với tâm trí tôi như một bản năng: Tôi nghĩ không có gì phù hợp hơn với một cuộc sống trong pháo đài ở một biên giới thật xa và dùng nó để diễn tả những hao mòn của sự chờ đợi đó.”

           Tình tiết của “Sa mạc Tartari” khá đơn giản nhưng đầy tính biểu tượng và triết lý. Tác phẩm kể về một chàng trẻ tuổi, được phong hàm sĩ quan và bị gửi đến nhiệm sở đầu tiên. Nơi anh đến đồn trú là một pháo đài xưa cũ nơi vùng biên giới tiếp giáp với sa mạc Tartari đầy nét huyền bí và hoang vu. Trải qua những cuồng nhiệt và nao nức ban đầu, sau những chờ đợi về một chiến công hiển hách hay “một biến cố quan trọng nào đó sẽ xảy ra”… cuối cùng anh kiệt quệ vì đã mong chờ trong vô vọng về những cuộc tấn công của kẻ thù không bao giờ xảy đến. Anh đâm ra chán nản và hối tiếc vì đã hoang phí những tháng năm trong những hy vọng mong manh và vô ích. Cuối cùng anh già và chết trong một kết cục bi thảm và vô lý.

Câu chuyện tóm tắc có vẻ đơn giản nhưng với lối viết của Buzzati, từ những trang văn luôn toát ra những suy ngẫm buồn thảm và sâu lắng của kiếp người, về cuộc sống và cái chết, về ý nghĩa của dòng chảy thời gian ào ạt không gì ngăn nổi và mỗi lúc hình như mỗi giục giã, thôi thúc… rồi từng ngày, từng ngày bào mòn và làm tiêu tan tất cả: Cuộc sống, dự tính, ước mơ, hy vọng và ảo vọng. Cuối cùng, khi bị dồn đến tận cùng con người mới nhận ra là “biến cố quan trọng nhất…” của cuộc đời chính là cái chết. Nó luôn luôn hiện hữu, nằm ở phía trước như một cái đích vì nó cũng chính là một phần của sự sống. Bởi, khi cuộc sống không còn, tất cả rồi sẽ biến mất và cái còn lại chính là thái độ của con người lúc đứng trước sự thách thức tận cùng của sự hiện hữu.

            Thành công trên bình diện quốc tế bắt đầu khi tác phẩm này được xuất bản ở Pháp năm 1949 với tựa đề là “Le Désert des Tartares” trước khi được dịch ra khoảng 25 thứ tiếng khác.

             Chính Buzzati cũng xem đó là “cuốn sách của đời tôi” và sau này được các nhà phê bình đánh giá là một trong những quyển tiểu thuyết “có ý nghĩa nhất” trong thế kỷ 20.

           Tuy thành công và nổi tiếng nhờ truyện dài nhưng chính Buzzati lại cho rằng truyện ngắn mới là sở thích của ông. Ông giải thích “bởi nó ngắn nên dù viết kém vẫn chưa kịp làm người đọc mệt mỏi” vì “điều lo lắng nhất của tôi là không muốn làm phiền người đọc”. Và với suy nghĩ ấy chẳng những ông “không làm phiền” mà còn làm người đọc “tiêu khiển” và “xúc động”. Tiêu khiển, theo Buzzati không phải chỉ làm cho họ “có được sự vui thích” mà chính là làm họ đánh mất sự tập trung, tách mình ra khỏi những ý nghĩ tầm thường của đời sống thường nhật để ” bước ra khỏi sự nhàm chán” và cảm thấy thú vị.

Trong các trang viết, Buzzati thường mời người đọc bước ra khỏi cuộc sống bình thường để đi vào một thế giới huyễn tưởng, khác biệt với đời thường: từ đó ông dẫn dắt họ vào một mê cung đầy tình tiết bí ẩn, vô lý và nghịch lý nhưng luôn nằm phía sau cánh cửa của hiện thực – có khi trùng hợp hay đồng hiện hữu với hiện thực, nhưng người đọc không dễ dàng nhận biết – để rồi với đoạn kết bất ngờ ông mang đến cho họ những xúc cảm mạnh mẽ, quyến rũ, chinh phục họ rồi cuối cùng làm họ “xúc động” và phải nhìn lại mình, suy tư và cật vấn.

             Để đạt được mục đích ấy Buzzati đã sử dụng một cách tài tình những chi tiết, xếp đặt chúng theo một tuần tự rất cá biệt nhưng hợp lý để biến độc giả thành một “kẻ đồng loã” trong một trò chơi ảo tưởng đầy tính văn học, liên kết các biểu tượng, những ám chỉ, ẩn dụ, để làm nền cho sự nhập nhằng, thường phản ảnh sâu sắc sự vô lý của cuộc sống, của truyện kể bằng một thứ ngôn ngữ độc đáo trong một phong cách đơn giản mà cụ thể, có khả năng biến những điều khó tin thành “điều tin được”.

       Sức mạnh trong cái nhìn cuộc sống theo một góc độ độc đáo của riêng ông kết hợp với sự trình bày những biến cố kỳ lạ bằng một văn phong hết sức “báo chí” đã làm ngòi bút của Buzzati thêm phong phú, khiến những câu chuyện kỳ lạ đầy tính huyễn tưởng nhưng vẫn mang hình bóng thực. Chính Buzzati đã nói: “Đối với tôi, tưởng tượng phải gần với chuyện hàng ngày. Nhưng không “tầm thường hóa” dù có một chút đời thường trong ấy. Một câu chuyện huyễn tưởng có tác động mạnh mẽ nhất, theo tôi, khi nó được kể bằng giọng văn giản dị và thực tế.”

           Chọn cách trình bày sự việc như chuyện hoang tưởng của Buzzati có thể là để tránh chính sách kiểm duyệt của chính quyền phát-xít Mussolini trong thời gian ông mới bước vào nghề báo và thấy cần tạo ra những lớp vỏ bọc cho những ý kiến của mình. Và với tài năng, trên phương diện báo chí, ông vẫn luôn làm người đọc hiểu rõ những sự kiện; còn về văn học thì ai đọc cũng thấy là trong những câu truyện kỳ dị đầy tính huyền hoặc đó luôn có một hiện thực kỳ ảo nằm ngay dưới bề mặt mỏng manh của cuộc sống, và từ đó thấy rõ hơn sự tầm thường và ngu ngốc của những lo âu, những tội lỗi, của sợ hãi và lãng quên, của sự xấu xa và cái ác.

           Với Buzzati, người đọc thường kinh ngạc vì những nghịch lý nhưng cuối cùng phải giật mình, và suy nghĩ rồi xúc động. Và khi gấp sách không ít người đã phải hỏi rằng, từ những trực giác bí mật nào, từ những khám phá chân lý tiềm ẩn nào mà nhà văn đã nhận được sự xuất thần để viết những trang văn mạnh mẽ như thế.

           “Tôi viết những cảm xúc của mình” Buzzati đã từng nói thế và ông chưa bao giờ đánh mất bản năng hoán chuyển ngay chính những sự việc của đời mình thành cổ tích.

           Những đề tài yêu thích của ông: sự nôn nao của đợi chờ, sự vụt thoát của thời gian, ác mộng về đêm, nét đẹp bất biến của núi rừng, sự hững hờ của định mệnh, ảo tưởng về tuổi trẻ, sự kinh hãi, sự phù phiếm của vinh quang và tham vọng của thế tục, sự nhất thời của tình yêu, quái vật bất ngờ, nỗi cô đơn bất tận, sự dối lừa của thuốc men, tình thương cho những kẻ bần cùng, già yếu, thú vật, sự ngu dốt của đám đông và tiếng gọi tỉnh thức…

           Mặc dù tác phẩm của Buzzati rất đa dạng và nhiều thể loại, nhưng người ta đều thấy một đề tài quen thuộc và luôn hiện hữu: núi rừng. Nó luôn luôn xuất hiện trên những trang văn và hội hoạ của ông. Hình như ông luôn tiếp cận, trong nỗi cô đơn day dứt của mình, vào những nơi chốn nào đó đã mất và bị quên lãng bởi thời gian, nơi loài người sinh ra và sống bình an, chưa có phân biệt những giai tầng hay trật tự xã hội. Trong mỗi tập sách của mình hình như Buzzati muốn làm cho người ta liên tưởng đến một giại đoạn nào đó của đời người. Rồi trong giòng chảy của thời gian ông chọn lọc và nắm bắt lấy từng mảnh của lịch sử và chắp nối lại, biến nó thành một cốt truyện huyền ảo trong tiểu thuyết. Các nhân vật của ông thường không có nguồn gốc rõ ràng, nhưng luôn bị đẩy vào một bố cục kỳ lạ hướng về cõi chết. Mỗi giai đoạn tiếp theo là một sự tái sinh của một kinh nghiệm. Đó là sự chọn lựa có tính trước của ông và người ta có thể nhận biết qua “Bí mật rừng già” và “Sa mạc Tartari”: khu rừng của tuổi thơ và đồng bằng của tuổi trưởng thành. Và cuộc sống vẫn tiếp tục để phát sinh “những quái vật bình thường” trong đời sống hiện đại, tạo nên những con người biến chất, đánh mất sự thuần khiết nguyên thuỷ.

           Để tìm hiểu về triết lý sống và sự ẩn mình của Buzzati trong huyễn tưởng cần phải để ý đến thời đại của ông và đi tìm trong nội tâm tác giả: Trước hết đó là sự chối bỏ hiện thực, phát sinh từ sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít đến các cuộc chiến tranh thế giới, các cuộc nội chiến ở châu Âu trong thế kỷ 20 và cuộc chiến tranh lạnh giữa các siêu cường đến sự tái thiết sau chiến tranh, sự bùng nổ và suy thoái kinh tế, đến chủ nghĩa tiêu thụ và sự tầm thường thô tục, vô lý của đời sống. Sau cùng là sự nhận thức của ông rằng hiện thực chỉ là một biểu hiện bề ngoài rất mong manh và cuộc đời thực ra chỉ là một chuỗi chờ đợi ngắn hay dài về một biến cố nào đó để có thể đẩy con người vào một hoàn cảnh đặc biệt và cho phép anh ta giải mã những dấu hiệu đầy dẫy trong đời để chứng minh sự hiện hữu của hiện thực đó.

           Có ý kiến cho rằng nhân sinh quan của Buzzati bị ảnh hưởng bởi Giacomo Leopardi, một nhà thơ Ý sống trước ông khoảng một trăm năm trước. Nhà thơ này xem hy vọng chỉ là kết quả của những ảo tưởng, nhưng nó cũng chính là những tia sáng mà con người có được và có thể loé sáng trong những khoảng khắc kỳ lạ nhất trong cuộc đời tăm tối: mặc dù là cuối cùng con người cũng sẽ thất vọng với cuộc trải nghiệm của mình nhưng chính hy vọng đã giúp họ bước những bước chân trong cuộc hành trình gian nan và đầy khổ lụy.

            Nhiều chuyện của Buzzati nằm trong quan điểm ấy.

           Về đề tài và cách viết của Buzzati thì có nhiều đánh giá cho rằng ông rất gần với Kafka trong tính cách tạo ẩn dụ và cho những biểu tượng mình những dấu ấn siêu thực. Và điều này đã làm Buzzati rất phiền. Trong một bài viết trên báo ngày 31-5-65 ông nói:” Từ khi cầm bút, Kafka chính là cây thập giá của tôi. Không có truyện ngắn, tiểu thuyết hay kịch bản nào của tôi mà giới phê bình không tìm thấy những điều tương tự, thậm chí bắt chước hay đạo văn..”

           Nhưng điều làm cho Buzzati khác với Kafka chính là ở chỗ những nhân vật của ông không thở hít cái không khí của sợ hãi hoang tưởng mà con người của thời đại chúng ta đã phải gánh chịu. Trong các truyện ngắn của ông chúng ta dễ nhận ra hình ảnh và tâm trạng của chính mình, mà với nụ cười hóm hỉnh Buzzati đã trình bày những tình tiết một cách rất tinh tế.

       Vài ngày trước khi đi chữa trị bệnh ung thư, trên trang cuối cùng của quyển nhật ký từ Belluno, khi ngồi ở một góc trước mộ mẹ mình, ông đã ghi chép: ” Con đã nhận lệnh, và con phải ra đi ” rồi sau khi nhập viện ở Milano, ngày 28 tháng giêng năm 1972, khi ngoài trời đầy giông bão và gió, tuyết, Dino Buzzati đã đón chờ cái chết một cách can đảm và đầy phong cách như chính nhân vật Giovanni Drogo của mình trong tiểu thuyết “Sa mạc Tartari”.

           Năm đó ông được 66 tuổi.

  Milano 1996