Hình tượng người mơ mộng trong tiểu thuyết “Đêm trắng” của Dostoievsky

787

Phạm Khánh Duy


Tác giả Phạm Khánh Duy.

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong những năm 1800 – 1859, lịch sử nước Nga có nhiều biến động dữ dội mà tiêu biểu là sự xuất hiện của tầng lớp tư sản mới cấu kết với chế độ phong kiến. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nông nô chuyên chế diễn ra mà vai trò lãnh đạo thuộc về những người trí thức quý tộc tiến bộ. Trong xã hội, tầng lớp quý tộc thượng lưu và các tầng lớp dân nghèo như nông nô, công chức nhỏ mâu thuẫn sâu sắc. Giữa lúc đó, nhân dân Nga đã giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến tranh vệ quốc chống lại quân đội của Napoléon (1812). Chính thắng lợi này đã củng cố tinh thần đấu tranh vì tự do dân chủ, là tiền đề dẫn đến cuộc khởi nghĩa tháng Chạp (1825). Cuộc khởi nghĩa này đã thất bại, phong trào đấu tranh chống ách nông nô chuyên chế lắng xuống rồi lại bùng lên dữ dội vào những năm 1850 khi nước Nga chịu thất bại trong cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kì và quân đồng minh Anh – Pháp (1853 – 1856).

Trước tình hình lịch sử đầy biến động đó, văn học Nga vẫn phát triển không ngừng và có những thành tựu rực rỡ. Nhiều tên tuổi nổi tiếng xuất hiện như A. Pushkin, N. Gogol, M. Lermontov, I. Gontsarov… trong số đó không thể không kể đến tên tuổi của F.M. Dostoievsky. Ông không chỉ là nhà văn vĩ đại của nước Nga thế kỉ XIX mà còn là một trong những “người khổng lồ”, cây đại thụ của văn học nhân loại, có thể đưa vào hàng ngũ những nhà văn xuất sắc và có sức ảnh hưởng nhất thế giới. Vào một ngày giữa mùa đông năm 1821, tại Maxkva, nhà văn tương lai Dostoievsky ra đời. Tiểu thuyết đầu tay “Những người nghèo” được trình làng là dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của Dostoievsky bởi từ đây ông đã chính thức bước vào làng văn, thỏa sức sáng tạo và hình thành nên phong cách nghệ thuật độc đáo. Những sáng tác của Dostoievsky khám phá chiều sâu tâm hồn và độ rợn ngợp của thế giới bên trong con người. Bên cạnh việc khái quát bức tranh xã hội Nga với những mâu thuẫn hết sức phức tạp, Dostoievsky còn chỉ ra những mâu thuẫn giữa các thái cực, mâu thuẫn tâm lí xã hội và con người, ngợi ca cái đẹp là cội nguồn của sự sống.


Chân dung Dostoievsky.

“Đêm trắng” (một số bản dịch thành “Những đêm trắng”) là một trong số những tiểu thuyết nổi tiếng mang đậm dấu ấn Dostoievsky. Tác phẩm được in lần đầu tiên trên tạp chí “Nhật kí Tổ quốc” số 12 năm 1848 với lời đề tặng nhà thơ A.N. Pleseev – người bạn tuổi trẻ của tác giả. “Đêm trắng” thuộc giai đoạn đầu trong hành trình cầm bút của Dostoievsky được viết theo phong cách lãng mạn tình cảm. Với cốt truyện giản dị nhưng hấp dẫn, Dostoievsky đã xây dựng hình tượng những người mơ mộng – một hình tượng đặc sắc trong sáng tác của mình.

Hình tượng con người trong văn học Nga xuất hiện rất đa dạng. Đó có thể là “con người nhỏ bé” (người viên chức nhỏ trăn trở vì nghèo đói) với những ước mơ dung dị bình thường trong sáng tác của Pushkin, Gogol; hình tượng “người thừa” (người trí thức quý tộc có khao khát, muốn hành động nhưng không sống vì cộng đồng) trong sáng tác của Lermontov, Tolstoy; hình tượng “con người chân đất” trong sáng tác của Gorky hay “con người thép” gắn liền với “những vòng hoa thép” trong sáng tác của Maiakovsky, Furmanov, Ostrovsky,… Hình tượng “con người mơ mộng” cũng là một dạng đặc biệt của hình tượng con người nói chung trong văn học Nga. Kiểu hình tượng này được thai nghén chủ yếu từ những nhà văn có lối viết lãng mạn, đượm chất thơ, chú trọng khai thác những biến đổi tinh vi trong tâm lí con người mà Dostoievsky là một điển hình.

“Đêm trắng” là câu chuyện của nhân vật “tôi” – một chàng trai cô đơn sống ở thành phố Peterpurg bên bờ biển Baltic suốt tám năm ròng. Trong những đêm trắng, nhân vật “tôi” đã đi lang thang và gặp được Naxtenca. Giữa không gian mơ mộng mang hồn cốt của xứ sở bạch dương mà Dostoievsky gợi tả, nhân vật “tôi” đã lắng nghe câu chuyện tình yêu buồn bã của Naxtenca và đem lòng yêu cô. Nhưng tình yêu của chàng trai này không được Naxtenca đền đáp vì trong lòng Naxtenca vẫn còn bóng dáng của người cô yêu. Tiểu thuyết “Đêm trắng” có hai “con người mơ mộng” là nhân vật “tôi” và Naxtenca. Sự đối lập giữa lí trí và tình cảm, giữa hiện thực và mộng ảo mà Dostoievsky xây dựng đã góp phần làm nên nét độc đáo của những “con người mơ mộng” này.


“Đêm trắng” là tác phẩm trữ tình hiếm hoi của F.Doistoievsky.

1. Nhân vật “tôi” – chàng thanh niên cô đơn mơ mộng có câu chuyện tình đẹp nhưng kết thúc buồn

Hình tượng “con người mơ mộng” trong tiểu thuyết “Đêm trắng” không ai khác chính là nhân vật “tôi” – người kể chuyện, một chàng trai tự nhận mình là “kẻ cô đơn, đang bị tất cả bỏ rơi, xa lánh” có sở thích “lang thang khắp thành phố trong nỗi buồn trĩu nặng”. Nhân vật “tôi” đúng là kiểu người lãng du mơ mộng mang trong lòng những niềm riêng chưa tìm được tâm hồn đồng điệu để chia sẻ, giãi bày. Dostoievsky khai thác bề sâu tâm hồn hết sức phức tạp của nhân vật này, những biến đổi tinh vi trong tâm lí của chàng trai mơ mộng đó là minh chứng cho nhận định vô cùng xác đáng của Đỗ Hải Phong: “Dostoievsky là một bậc thầy của nghệ thuật thể hiện tâm lí con người khủng hoảng, con người ở “ngưỡng giới hạn” trong những trạng thái tâm lí đôi lúc gần với bệnh lí, khi tiềm thức có thể trỗi dậy bất ngờ, ranh giới giữa ý thức và vô thức trở nên mong manh, khó xác định”.

Sự mơ mộng của nhân vật “tôi” không còn là một tính cách mà trở thành “một nhân cách cá nhân” (Đỗ Hải Phong). Ngọn nguồn của “nhân cách cá nhân” đó được Dostoievsky lí giải khá mơ hồ trong tiểu thuyết “Đêm trắng”, nó chỉ là những cảm giác cá nhân của nhân vật “tôi”. Nhưng vì đâu mà nhân vật “tôi” lại có cảm giác cô đơn như thế? Điều này có thể lí giải được bằng bức tranh xã hội thảm đạm và khủng khiếp của nước Nga những năm 1800 – 1859, xã hội đó đã bỏ rơi những “con người nhỏ bé”. Từ đó “con người nhỏ bé” chuyển hóa thành hình tượng “người mơ mộng” như nhân vật “tôi” đang trên hành trình “đi tìm con người ở trong con người”, tìm lại bản ngã của chính mình.

Nhân vật “tôi” là kiểu người mơ mộng được Dostoievsky xây dựng bằng thủ pháp lãng mạn và thủ pháp giấc mơ. Đặt nhân vật trong không gian và thời gian đặc biệt (những đêm trắng), nhà văn đã tái hiện những hành vi mơ mộng của nhân vật “tôi”, đồng thời tạo phông nền để lột tả tâm lí của nhân vật. Trong đêm trắng, nhân vật “tôi” đã “xuôi đại lộ Nevski”, “vội vã vượt qua hàng rào chắn, rảo bước giữa những thửa ruộng”, “vừa đi vừa hát”… đó chính là những biểu hiện thường thấy của một kẻ vốn mang trong mình tính cách mộng mơ, phiêu lãng, thích đi đó đây, lang thang với những cảm xúc trong lòng mình. Nhưng tất cả những hành vi đó vẫn chưa thể biến “tôi” là kiểu người mơ mộng được. “Đêm trắng” là câu chuyện tình yêu, tất nhiên Dostoievsky phải đặt nhân vật của mình trong một cuộc tình mới lột tả được sự mơ mộng mà bất kì người nào trong tình yêu cũng có sự mơ mộng đó. Đó là cuộc tình của nhân vật “tôi” với Naxtenca, cô gái mà mới gặp lần đầu nhân vật “tôi” đã “khựng lại như trời trồng”, “trái tim tôi thắt lại”, “trái tim tôi run rẩy như chim mắc bẫy”. Dostoievsky đã cho người đọc thấy sự đối lập gay gắt giữa các thái cực: ý thức và vô thức, lí trí và tình cảm, hiện thực và mộng ảo. Nói như Đỗ Hải Phong, Dostoievsky đã tạo ra những nghịch lí: “nhân vật của Dostoievsky có thể có “tình yêu – lòng căm thù”, “khoái cảm đau đớn” hay thực hiện những “hành động trái ngược” bất ngờ với cả chính bản thân mình”. Nhà văn đã xây dựng đời sống vô thức vô cùng phong phú cho nhân vật.

Trong kẻ mộng mơ thứ nhất mà Dostoievsky tạo dựng có sự đấu tranh tâm lí dữ dội. Văn học bên cạnh tái hiện hiện thực cuộc sống nhức nhối, ghi lại từng chặng đường của lịch sử dân tộc như một người thư kí trung thành của thời đại còn phải thể hiện được những biến đổi tinh vi trong tâm hồn con người, miêu tả hợp lí tâm lí con người. Dostoievsky là một trong những nhà văn có năng lực đó. Ở nhân vật “tôi”, một mặt nhà văn cho thấy tình yêu cao thượng mà nhân vật “tôi” dành cho Naxtenca, mặt khác nhân vật “tôi” ra sức cứu lấy tâm hồn đã yếu mềm đi Naxtenca vì tình yêu của cô với một người thanh niên khác không trọn vẹn. Nhân vật “tôi” muốn đến với Naxtenca nhưng lại ngập ngừng vì trong tim Naxtenca vẫn còn mang một bóng hình khác. Những rung động trước Naxtenca khiến “tôi nghĩ tất cả đều là chân thật” (“tất cả” chính là sự chăm sóc, âu yếm mà Naxtenca dành cho nhân vật “tôi”); nhưng lí trí lại khiến nhân vật “tôi” nhận ra mình đã “mù quáng như thế khi tất cả đã bị người khác chiếm đoạt, khi tất cả không phải là của tôi”. “Tôi” đau xót nhận ra “tình yêu của nàng đối với tôi, – đều không phải cái gì khác mà chính là niềm vui về cuộc hẹn hò sắp tới với người khác”. “Tôi” yêu Naxtenca nhưng không thể đến với cô vì Naxtenca đang đợi chờ người đàn ông mà cô yêu, “tôi” ý thức được sự thất bại của mình nhưng vẫn còn “le lói tia hi vọng dù rất xa xôi”, lí trí nhận ra tình yêu dành cho Naxtenca là “vô vọng”, nhận ra Naxtenca chỉ “thương hại” mình (“Em thương hại anh, Naxtenca, chỉ đơn giản là em thương hại anh thôi, người bạn bé bỏng của anh”) nhưng trái tim “tôi” vẫn yêu say đắm Naxtenca (“Điều này là vô vọng, nhưng anh yêu em, Naxtenca!”). Phải chăng Dostoievsky đã viết lại câu chuyện buồn mà trước đó “mặt trời thi ca Nga” Pushkin đã từng làm đau xót trái tim triệu triệu người trên thế giới qua bài thơ “Tôi yêu em”:

“… Tôi yêu em chân thành, không hi vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.

Câu chuyện tình yêu của nhân vật “tôi” diễn ra ngắn ngủi chỉ trong bốn đêm trắng, nhưng đó là câu chuyện tình đẹp dù nó có kết thúc buồn. Naxtenca đã thức tỉnh được kẻ mộng mơ đơn độc, giúp anh rung động sau nhiều năm trái tim chai sạn. Dostoievsky giúp người đọc nhận ra sự bao dung rộng lượng trong tình yêu, khẳng định một chân lí đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc: trong tình yêu không có chỗ cho những ích kỉ, hẹp hòi. Đó là khi nhà văn để cho nhân vật “tôi” suy nghĩ những điều cao thượng ở cuối tiểu thuyết: “Anh cầu mong cho bầu trời của em mãi mãi sáng trong, nụ cười hiền dịu của em mãi mãi ngời rạng, vô tư, cầu Chúa ban phước lành cho em vì một phút hoan lạc và hạnh phúc em đã trao cho trái tim khác, một trái tim cô đơn và mãi mãi biết ơn!”. Trong câu chuyện tình yêu của nhân vật “tôi”, mối quan hệ giữa cái Mĩ và cái Thiện có sự thống nhất với nhau, đó cũng chính là khát vọng cháy bỏng mà cuộc đời nghệ thuật của Dostoievsky theo đuổi.

Như vậy, nhân vật “tôi” trong tiểu thuyết “Đêm trắng” là hình ảnh của “con người mơ mộng” tiêu biểu cho chặng đầu sáng tác của Dostoievsky, thể hiện được tinh thần của Dostoievsky ở giai đoạn sáng tác này trước khi nhà văn bước vào thể hiện những điều rộng lớn hơn, mang tầm cỡ nhân loại. Làm nên sự mơ mộng trong hình tượng con người không chỉ là những hành vi mơ mộng của nhân vật mà còn là những suy nghĩ nội tại, là tâm hồn của nhân vật. Rõ ràng, mơ mộng chính là “nhân cách cá nhân” của nhân vật mà Dostoievsky xây dựng.

2. Nhân vật Naxtenca – cô gái mơ mộng có câu chuyện tình buồn nhưng kết thúc đẹp

Naxtenca là nhân vật nữ chính của tiểu thuyết “Đêm trắng”. Dostoievsky không xây dựng quá nhiều hình tượng nhân vật trong tác phẩm này, số lượng nhân vật chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cốt truyện cũng không quá rườm rà phức tạp nhưng nó sẽ không thành câu chuyện nếu thiếu vắng bóng dáng của Naxtenca. Bên cạnh nhân vật “tôi”, cô gái Naxtenca cũng là một “con người mơ mộng”, mang dáng dấp của những cô gái Nga hiện đại sống ở thành phố Peterburg những năm 1840, 1850.

Cũng như nhân vật “tôi”, Dostoievsky đã để cho Naxtenca xuất hiện trong một không gian lãng mạn nửa thực nửa mộng, một cách xuất hiện hết sức tình tứ: “một bóng phụ nữ đứng tì khuỷu tay lên thành chấn song và hình như đang hết sức chăm chú nhìn dòng nước đục chảy dưới lòng kênh. Nàng đội chiếc mũ màu vàng cực kì dễ thương và mặc áo khoác đen không tay đỏm dáng”. Những chi tiết này báo hiệu đằng sau cô gái mà trong suy nghĩ của nhân vật “tôi” là “còn trẻ” mang trong lòng một nỗi buồn sâu thẳm.

Không chỉ riêng Naxtenca, “mỗi nhân vật của Dostoievsky đều có một “giọng nói” riêng – một bi kịch, một sự trăn trở dằn vặt, một lí tưởng, một “sự thật” của riêng mình – trong sự đối chiếu và va chạm với những “giọng nói” và “sự thật” của các nhân vật khác” (Đỗ Hải Phong). Naxtenca cũng có một “giọng nói” riêng, một giọng nói đầy nữ tính của những cô gái Nga. Cũng như nhân vật “tôi”, Naxtenca là một cô gái trẻ trung và tràn đầy khao khát yêu đương. Điều này đã giúp cô nhiệt huyết hơn trong tình yêu, nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi khiến cô đau đớn khi nghĩ rằng mình bị phụ bạc. Người trẻ khi rung động trong tình yêu thường có trạng thái cảm xúc như thế. Dostoievsky tinh tế trong việc phát hiện và ghi lại nét tâm lí thường tình của những người trẻ trong tình yêu. Rõ ràng người trẻ Nga trong tiểu thuyết “Đêm trắng” sống rất tình cảm, Dostoievsky đã sử dụng phương pháp sáng tác của chủ nghĩa tình cảm Nga để xây dựng nhân vật trong “Đêm trắng”, một đôi chỗ tiểu thuyết này đề cập đến hiện thực xã hội nhưng nổi bật nhất vẫn là việc đề cao tình cảm riêng tư, tình yêu cá nhân con người trong thười đại lúc bấy giờ, đó là tình yêu của những con người trần tục hoàn toàn không chịu sự chi phối của bất kì điều gì. Tuy nhiên chủ nghĩa tình cảm, việc xây dựng hình tượng Naxtenca (và cả nhân vật “tôi”) – con người mơ mộng trong tác phẩm không hoàn toàn là hoàn hảo. Ít nhiều nhà văn đã thi vị hóa cuộc sống ở Peterburg trong tác phẩm của mình. Song lối viết trữ tình, hình tượng những người mơ mộng trong tác phẩm có sức khái quát lớn lao hình ảnh của người trẻ nước Nga nói riêng, tuổi trẻ nói chung, tác phẩm từ đó chiếm được vị trí trong lòng người đọc.

Sự mơ mộng của Naxtenca không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài của một cô gái xinh đẹp, mĩ miều, nữ tính, sang trọng mà còn nằm ở lời nói, hành động, suy nghĩ, những biến đổi trong tâm lí Naxtenca. Trong tình yêu, Naxtenca chủ động theo đuổi và sống thật với những cảm xúc của mình, không bị gò bó, ép buộc bởi thế lực nào: “Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi! Làm sao em nhớ lại được lần đầu tiên đến với anh ta, hạ mình trước anh ta, khóc lóc, cầu xin một mẩu tình yêu”. Với con người mộng mơ ấy, tình yêu không còn là thứ gia vị nữa mà trở thành sự cứu rỗi, điều mà Naxtenca mong cầu, thậm chí hạ mình để theo đuổi. Đó là sự nhiệt thành trong tình yêu, nhưng cũng vô tình biến tâm hồn Naxtenca trở nên đau khổ khi chưa được đáp lại. Thật tài hoa khi Dostoievsky tạo nên một trường tâm trạng của Naxtenca, cảm xúc này thúc đẩy cảm xúc khác, các cảm xúc cứ xen lẫn nhau tạo ra sự bất ngờ cho người đọc. Cái hay của Dostoievsky là tạo nên cái cảm giác nửa vời trong Naxtenca, nửa lại “căm thù anh ta” – kẻ đã bỏ rơi Naxtenca suốt những tháng ngày đơn độc, nửa lại “yêu anh ấy”; khi thì bày tỏ tình yêu với nhân vật “tôi”: “em yêu anh như anh yêu em”, “em yêu vì rằng anh tốt hơn anh ta, vì anh cao thượng hơn anh ta”, khi lại “khóc cay đắng” và nhận ra “em đã yêu anh ta suốt một năm ròng và thề có Chúa Trời chứng giám”… Những thái cực như thế cứ đối chọi lại với nhau, mâu thuẫn gay gắt với nhau trong tâm lí Naxtenca tương tự như nhân vật “tôi”. Con người ấy thật chênh vênh mơ mộng, dường như vẫn chưa thể đưa ra được cái quyết định sáng dứt khoát cho bản thân mình. Naxtenca mang trong mình những trăn trở giằng xé, nhưng đó là những giằng xé của con người mơ mộng đang đi tìm “con người ở trong con người”. Đều là “con người mơ mộng”, song sự mơ mộng của Naxtenca không đồng nhất với sự mơ mộng của nhân vật “tôi”, đó là sự mơ mộng đầy nữ tính của một cô gái mới lớn rung cảm trước cuộc sống và tình yêu. Vì lẽ đó mà M. Bakhtin gọi tiểu thuyết của Dostoievsky là “tiểu thuyết phức điệu” hay “tiểu thuyết đa thanh”, nghĩa là tiểu thuyết chứa đựng những giọng nói riêng biệt.

Dostoievsky đã từng có quan điểm về cái đẹp, đại ý: Cái Đẹp cứu thế giới. Không thể đáp đền tình yêu cao thượng của nhân vật “tôi”, song Dostoievsky không xây dựng Naxtenca như một nhân vật xấu xa, dửng dưng vô cảm. Ngược lại tâm hồn trong sáng, những rung động và ngay cả nỗi buồn của Naxtenca cũng được nhà văn xây dựng dưới phạm trù của cái Đẹp. Vẻ đẹp của Naxtenca, của tấm lòng và tâm hồn của Naxtenca là vẻ đẹp mộng mơ, lãng mạn được tái hiện bằng ngòi bút của chủ nghĩa tình cảm Nga những năm 1840, 1850. Nếu nhân vật “tôi” đã được Naxtenca thức tỉnh thì chính nhân vật Naxtenca đã được nhân vật tôi cứu lấy tâm hồn, sưởi ấm trái tim Naxtenca khi nó rơi xuống vực sâu đớn đau tuyệt vọng. Thủ pháp giấc mơ đã được Dostoievsky khéo léo sử dụng khi nhà văn đã để cho Naxtenca xem tình yêu và những đêm trắng hò hẹn với “tôi” là giấc mơ ngọt ngào: “em cám ơn anh vì tình yêu đó. Vì rằng trong kí ức của em nó in đậm như một giấc mơ ngọt ngào mà ta sẽ nhớ rất lâu sau khi tỉnh dậy, vì rằng em sẽ mãi mãi ghi nhớ cái khoảnh khắc khi anh cởi mở trái tim mình với em chân tình đến vậy và đón nhận trái tim em, trái tim đã bị tử thương, một cách hào hiệp đến vậy, để gìn giữa, nâng niu, chữa lành cho nó”. Chính thủ pháp giấc mơ này đã làm nhòe đi lằn ranh giữa hiện thực và mộng ảo, làm giảm đi nỗi đớn đau của nhân vật “tôi” khi tình yêu không được đáp trả. Đồng thời, thủ pháp này làm tăng chất mơ mộng trong tiểu thuyết “Đêm trắng”, đúng với tinh thần mà Dostoievsky thể hiện.

Đến đây, có thể thấy Dostoievsky đã tạo dựng một bản giao hưởng lãng mạn trong đêm trắng mà ở đó, những nhân vật mà nhà văn tạo dựng say sưa trong giai điệu của bản giao hưởng đó, bộc lộ niềm hạnh phúc hay nỗi khổ đau của riêng mình. Và dù là hạnh phúc hay đau khổ, dù cái kết của chuyện tình giữa “tôi” và Naxtenca là cái kết thật buồn thì tiểu thuyết này cũng ánh lên vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất Nga. Từ đó, Dostoievsky đã gửi gắm những giá trị nhân văn sâu sắc.

3. Bóng dáng “con người mơ mộng” của Dostoievsky

Dostoievsky là một nhà văn có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới, là thế hệ sau xuất sắc của thế hệ Gogol, đến nỗi Nhecraxop phải kinh ngạc reo lên: “Một Gogol mới xuất hiện”. Phong cách sáng tác của Dostoievsky có sự biến đổi đa dạng và chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Để làm nên một Dostoievsky sâu sắc và có sức lan tỏa toàn thế giới sau này, Dostoievsky đã từng là một nhà văn đi theo chủ nghĩa tình cảm Nga mà “Đêm trắng” là một tác phẩm tiêu biểu. Trong “Đêm trắng”, nhà văn không phải tái hiện thứ hiện thực nhức nhối, đau đớn của nước Nga, điều mà nhà văn tái hiện chính là tình yêu cá nhân, là những khát vọng tự nhiên của con người trần tục hoàn toàn không chịu sự gò bó của bất kì điều gì.

Trong tiểu thuyết “Đêm trắng”, người tiếp cận dễ dàng nhận ra bóng dáng “con người mơ mộng” của Dostoievsky trong sự liên hệ với cuộc đời của nhà văn. “Đêm trắng” là một câu chuyện tình lãng mạn được viết theo hồi ức của một kẻ mộng mơ mà kẻ mộng mơ đó không ai khác chính là Dostoievsky. Trong tác phẩm văn học không thể nào đồng nhất người kể chuyện với tác giả, tuy nhiên ở một số trường hợp nhất định, người kể chuyện (xưng “tôi”) có thể được xem là tác giả. Ở góc độ của tự sự học, có thể xem nhân vật “tôi” – người kể chuyện trong tiểu thuyết “Đêm trắng” là người kể chuyện can dự. Lí giải cho khái niệm người kể chuyện can dự, trong cuốn “Tự sự học lí thuyết và ứng dụng” do Trần Đình Sử chủ biên có nói: “Người kể chuyện can dự là kiểu người kể chuyện có tham dự hoặc dính líu đến các sự kiện xảy ra trong truyện kể”. Vì là hồi ức của một kẻ mộng mơ nên có thể khẳng định nhân vật “tôi” chính là Dostoievsky – một nhà văn đã từng rất mộng mơ, điều này ảnh hưởng nhiều đến chặng đầu sáng tác của Dostoievsky. Ngay từ lời đề từ của tác phẩm “Đêm trắng”, Dostoievsky cho thấy nhà văn là một kẻ mơ mộng khi ông mượn ngay những dòng thơ lãng mạn trong bài “Bông hoa” của thi sĩ đại tài Ivan Turghenev:

“Hay là chàng được sinh ra

Để dù chỉ trong khoảnh khắc

Ở kề bên trái tim em…”.

Nếu Mikhail Solokhov là nhà văn gắn bó với vùng thảo nguyên sông Đông và có nhiều sáng tác có giá trị về miền thảo nguyên hoang sơ này như “Sông Đông êm đềm”, “Câu chuyện về Ủy ban lương thực sông Đông và những rủi ro của phó ủy ban Ptitxưn”, “Truyện sông Đông”,… thì Fodor Dostoievsky lại là nhà văn của thành phố Peterburg xinh đẹp. Dostoievsky đã từng viết rất nhiều về thành phố này và hầu như những sáng tác mượn bối cảnh chính là Peterburg đều rất lãng mạn, tình cảm, hầu hết là những câu chuyện tình yêu ít nhiều mang bóng dáng của cuộc tình trong sáng của Dostoievsky thuở nhà văn còn trẻ.

Có thể nói, trước khi trở thành “nhà tiên tri của thế kỉ XX” (theo cách gọi của nhà văn Pháp A. Camus), nhà văn của chủ nghĩa hiện thực viễn tưởng, Dostoievsky từng là kẻ mơ mộng với những sáng tác rất trữ tình, đượm chất thơ, đi sâu vào lòng người, nhất là những người trẻ tuổi. Điều này góp phần làm nên sự đa dạng trong con người và phong cách sáng tác của Dostoievsky.

“Đêm trắng” của Dostoievsky là một trong số những đỉnh cao sáng tạo, đồng thời cũng là minh chứng cho sự phát triển của chủ nghĩa tình cảm Nga thế kỉ XIX. Dostoievsky đã thể hiện sự lãng mạn, mơ mộng của mình vào trong tác phẩm. Tuy cốt truyện của “Đêm trắng” khá đơn giản, nếu rơi vào tay của một nhà văn thiếu khéo léo thì có lẽ sẽ gây ra sự nhàm chán cho người đọc, nhưng Dostoievsky đã thể hiện một cách đầy sáng tạo, dẫn dắt người đọc đi theo câu chuyện của mình từ đêm trắng này sang đêm trắng khác, khi thì khiến người đọc lâng lâng hạnh phúc, khi lại khiến cảm xúc người đọc chùn xuống, rơi tự do, kèm theo nỗi hụt hẫng trong lòng. Đặc biệt là cái kết của “Đêm trắng”, một cái kết buồn nhưng trong sáng và điều mà tiểu thuyết này đọng lại trong lòng người chính là sự cao thượng trong tình yêu của những con người trẻ tuổi thế kỉ XIX. Tác phẩm vì thế thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc.

P.K.D

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đỗ Hồng Chung (chủ biên), Lịch sử Văn học Nga, Nhà xuất bản Giáo dục, 2012.

Pherdor Dostoevski, Đêm trắng, Nhà xuất bản Lao Động, 2013.

Phương Lựu, Lý luận văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, 1997.

Đỗ Hải Phong, Giáo trình Văn học Nga, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2012.

Trần Đình Sử (chủ biên), Tự sự học lí thuyết và ứng dụng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2017.