(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ – Tiến sỹ Kang Byeong-Cheol sinh năm 1964 tại Thành phố Jeju, Hàn Quốc. Ông là nhà thơ, nhà văn, dịch giả và Tiến sĩ Triết học về Khoa học Chính trị Hàn Quốc. Ông bắt đầu viết vào năm 1993 và xuất bản truyện ngắn đầu tiên của mình, Song of Shuba (Tạm dịch: Bài hát của Shuba), ở tuổi 29. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã nhận được bốn giải thưởng văn học lớn và xuất bản hơn tám cuốn sách, bao gồm thơ, tiểu thuyết và tiểu luận.
Nhà văn Kang Byeong-Cheol
Ông đã lấy bằng Tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc gia Jeju vào tháng 2 năm 2012, sau khi hoàn thành bằng Cử nhân Quản lý tại cùng trường đại học vào năm 2004. Ngoài các bằng cấp học thuật của mình, Tiến sĩ Kang đã hoàn thành một số chương trình đào tạo được quốc tế công nhận về xây dựng hòa bình và hòa giải. Năm 2006, ông nhận được chứng chỉ về Lý thuyết và Thực hành Hòa giải, do Đại học Nam Úc và Đại học Nam Oregon tại Suva, Fiji đồng cấp. Năm 2007, ông hoàn thành chương trình về Quản trị Hòa bình và Văn hóa Hòa bình Đông Á, do Đại học Suffolk (Hoa Kỳ) và Đại học Quốc gia Jeju đồng tổ chức. Năm 2008, ông tham gia hai khóa học xây dựng hòa bình chuyên sâu do PATRIR tổ chức tại Cluj-Napoca, Romania: Từ Xung đột đến Quy trình Hòa bình và Thiết kế Chương trình Xây dựng Hòa bình.
Tiến sĩ Kang cũng đã tích cực tham gia một số hội nghị quốc tế. Bao gồm Hội nghị Hòa giải Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 3 tại Fiji; Hội nghị Diaspora năm 2006 về Hòa bình và Phát triển tại Toronto, Canada; và Hội nghị Thế giới năm 2007 chống Bom nguyên tử và Bom khinh khí tại Nagasaki, Nhật Bản. Những hoạt động này phản ánh mối quan tâm lâu dài của ông đối với các nghiên cứu về hòa bình và hợp tác toàn cầu.
Trong suốt sự nghiệp chuyên môn của mình, Tiến sĩ Kang đã đảm nhiệm một số vai trò quan trọng. Từ năm 1992 đến năm 1996, ông là Giám đốc Chi nhánh Jeju của Korea Herald. Ông làm chuyên mục cho tờ Jeju Times từ năm 2004 đến năm 2010 và là Nghiên cứu viên đặc biệt tại Viện Hòa bình của Đại học Quốc gia Jeju từ năm 2007 đến năm 2010. Từ năm 2010 đến năm 2013, ông là Tổng giám đốc điều hành của báo mạng Jejuin News. Từ năm 2010, ông là Nghiên cứu viên cao cấp tại Hiệp hội Nghiên cứu Ieodo và từ năm 2016, là Giáo sư được bổ nhiệm đặc biệt tại Đại học Quốc tế Jeju. Hiện ông là Phó chủ tịch của Viện Hòa bình và Hợp tác Hàn Quốc. Ông cũng là thành viên của Ủy ban Nhà văn bị đàn áp (WiPC) của PEN International từ năm 2009 đến năm 2014 và trước đây từng là biên tập viên cho tờ New Jeju Ilbo, một tờ báo địa phương ở Jeju.
Thế giới văn học của Tiến sĩ Kang được định nghĩa bằng sự tìm tòi triết học sâu sắc và sự phản ánh đa diện về tình trạng con người. Các tập thơ chính của ông bao gồm “The Sound of the Bamboo Forest” , “Reading the Loom at the Waterfall” và “God Does Not Throw Dice”. (Tạm dịch: Âm thanh rừng trúc, Đọc khung cửi bên thác nước và Chúa không tung xúc xắc). “The Sound of the Bamboo Forest” tác phẩm song ngữ Anh-Hàn kết hợp triết lý Phật giáo và hình ảnh lấy cảm hứng từ Thiền tông để khám phá các chủ đề phổ quát về thiên nhiên, sự tồn tại và sự tĩnh lặng về mặt tâm linh. “Reading the Loom at the Waterfall” trình bày một cuộc đối thoại đầy chất thơ giữa nhịp điệu tự nhiên và cuộc sống con người, trong khi “God Does Not Throw Dice” lấy cảm hứng từ tuyên bố nổi tiếng của Einstein, khám phá sự hội tụ của khoa học, thần học và trí tưởng tượng thơ ca.
Sự xuất sắc trong văn học của Tiến sĩ Kang đã được công nhận rộng rãi. Năm 1993, ông đã giành được Giải thưởng Nhà văn mới cho Tiểu thuyết của Hiệp hội Văn học Jeju. Năm 2014, ông đã nhận được Giải thưởng lớn về Tiểu thuyết tại Giải thưởng Văn học Thế giới lần thứ 11. Ông cũng được vinh danh với Giải thưởng Thơ Xanh lần thứ 19 vì cách diễn đạt thơ tinh tế và hiểu biết sâu sắc về triết học của mình. Năm 2023, ông đã nhận được “Giải thưởng Nhà thơ và Dịch giả Quốc tế Xuất sắc nhất” từ Trung tâm Dịch thuật Thơ Quốc tế tại Trung Quốc vì những đóng góp của ông cho sự giao lưu văn học toàn cầu.
ÂM THANH RỪNG TRÚC
Dù gió có thổi mạnh
rừng xanh chẳng động lay
hiên ngang và kiêu hãnh
gió thầm ngưỡng mộ thay
Âm thanh của rừng trúc,
vang vọng những tán cây,
lời an bình, thông thái,
theo làn gió nhẹ lay.
Bản hòa âm của lá,
Những lời ca dịu dàng,
Trái tim như tan chảy,
Reo vang rừng trúc xanh.
Hãy lắng nghe rừng nói,
nguồn trí tuệ dẫn lối,
âm thanh rừng trúc vọng,
bình an trong mọi ngày.
NHỮNG ĐIỀU BỊ LÃNG QUÊN
“Nền văn minh của Trái đất bắt đầu ra sao?” một học sinh hỏi
“Khi chế ra rìu đá?”
“Khi biết làm đồ gốm?”
Nền văn minh của Trái đất là sự sáng tạo của loài người
Nó bắt đầu bằng sự quan tâm chúng ta dành cho nhau
Động vật không tạo ra nền văn minh
Chỉ có loài ăn thịt và con mồi
Chúng ta đang lãng quên
Nền văn minh được xây dựng như thế nào
Làm thế nào để định hình tương lai
Nền văn minh đầu tiên đã ra đời từ lâu lắm
Tổ tiên chúng ta đã biết cần phải quan tâm đến nhau.
TẠI SAO CÓ SẤM
Mùa đông vạn vật đều nghỉ ngơi
Ai sẽ đánh thức mùa xuân dậy?
Khi tuyết tan, không có sấm
Bởi sấm không thể đánh thức mùa xuân
mọi người cùng đốt pháo hoa.
Tiếng sấm nổ,
đánh thức lương tri,
pháo hoa thắp sáng tình yêu,
đam mê bùng cháy.
Mọi người đánh trống,
để thúc đẩy hành động,
khi bầu trời có sấm,
nó đánh thức lương tâm.
Những tiếng
“Đùng! Đùng!”
“Bùm, Bùm!”
“Đoàng đoàng!”,
đều như muốn đánh thức điều gì đó.
Nguyễn Thị Thùy Linh (Dịch từ tiếng Anh)