Khán giả nuôi nghệ sĩ – tranh cãi không cùng hệ giá trị

372

“Doanh nghiệp hay người bán rau ở chợ cần khách hàng cũng như nghệ sĩ cần khán giả. Chỉ có điều nghệ sĩ bán sản phẩm đặc thù mà thôi”, đạo diễn Lê Quốc Nam nói.

Những ngày qua, tranh cãi xung quanh câu hỏi “khán giả có nuôi nghệ sĩ?” nổ ra. Khi từ “nuôi” được đem ra mổ xẻ, không ít nghệ sĩ bày tỏ sự tổn thương, bất mãn vì cảm thấy công sức, tài năng và sự cố gắng của mình chưa được ghi nhận đúng đắn.

Và từ đó, khán giả sẽ phản ứng vì sự yêu thích, ủng hộ với nghệ sĩ qua việc mua CD, lượt like, follower, giúp họ có hợp đồng quảng cáo giờ lại bị lãng quên.

“Nghệ sĩ bán sản phẩm đặc thù”

Nhìn nhận về vấn đề này, đạo diễn Đức Thịnh cho rằng đây là cuộc tranh luận một vấn đề mà không cùng hệ giá trị, hệ quy chiếu. Và như thế, cuộc tranh cãi này sẽ kéo dài vô hạn, không hồi kết.


Đạo diễn Đức Thịnh cho rằng mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả là “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”.

Anh khẳng định mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả là cộng sinh, gắn bó bởi “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”.

Với đạo diễn Lê Quốc Nam, anh ví mối quan hệ nghệ sĩ và khán giả như quân và dân. “Nếu quân không có sự đồng ý của dân, dân không có được sức mạnh của quân thì cũng không thành công. Nghệ sĩ và khán giả là quan hệ cộng sinh. Trong xã hội không có mối tương sinh, cộng sinh thì không thể tồn tại được bất cứ ngành nghề nào”, anh nhấn mạnh.

Theo Lê Quốc Nam, sản phẩm của nghệ sĩ đặc thù, không phải là đồ vật, có thể mang ra chợ bán. Vì vậy, từ “nuôi”, anh cho rằng nên hiểu theo nghĩa tinh thần là khán giả “nuôi dưỡng”. Nam đạo diễn khẳng định nghệ sĩ không thể thiếu khán giả và ngược lại, khán giả khó thiếu sự giải trí trong đời sống.

“Lời khen từ khán giả giúp nuôi dưỡng, động viên tinh thần nghệ sĩ. Xét yếu tố thị trường, doanh nghiệp hay người bán rau ở chợ cần khách hàng cũng như nghệ sĩ cần khán giả. Chỉ có điều nghệ sĩ bán sản phẩm tinh thần, đặc thù mà thôi”, Lê Quốc Nam nói.


Jack xúc động trước tình cảm của khán giả trong sinh nhật tuổi 24.

Đồng quan điểm với Lê Quốc Nam, anh Ngọc Hùng, giám đốc nghệ thuật của Sân khấu Thế giới Trẻ cho hay khán giả và nghệ sĩ có mối quan hệ thân thiết, gắn bó, hỗ trợ cho nhau.

Anh lý giải: “Nghệ sĩ phải cần khán giả. Một tác phẩm ra đời mà không có người thưởng thức sẽ là tác phẩm ‘chết’. Nhờ có khán giả mà nghệ sĩ có thể nuôi dưỡng được tình yêu nghệ thuật trong bản thân mình.

Đối với khán giả, nghệ thuật ra đời nhằm phục vụ, mang lại cho con người cảm xúc và giá trị tinh thần. Người truyền tải nghệ thuật đến khán giả chính là nghệ sĩ”.

“Khán giả sòng phẳng, chỉ xem điều họ thích”

Chia sẻ về vấn đề khán giả và nghệ sĩ, nhà báo Nguyễn Anh Huy cho hay nghệ sĩ tạo ra sản phẩm đặc thù. Nhìn về thời xưa, xã hội chia ra 12 ngành nghề, phân chia thứ bậc gồm ngư – tiều – canh – mục; sĩ – nông – công – thương; công – hầu – khanh – tướng. Nghệ sĩ khi đó không được xếp vào hạng nào trong số này. Vì vậy bị gọi là nghề xướng ca vô loài.

Đến thời hiện đại, định kiến này dần được xóa bỏ. Không những thế, sự nổi tiếng trong nghệ thuật còn mang tới danh tiếng, tiền bạc cho nghệ sĩ. Theo Nguyễn Anh Huy, sự nổi tiếng ấy có được do nghệ sĩ tạo ra sản phẩm riêng biệt, tác động đến đời sống tinh thần của con người.

“Thậm chí, trong chiến tranh, ở chiến trường khói lửa, tiếng hát của nghệ sĩ như nhân tố đặc biệt để khuyến khích tinh thần chiến sĩ. Ở thời bao cấp, đời sống đói kém nhưng rạp cải lương, bãi chiếu phim luôn đông nghẹt. Vào thứ bảy, tivi phát sóng chương trình nghệ thuật, cả xóm tụ tập xem chung. Không thể phủ nhận nhu cầu giải trí không thể thiếu trong đời sống”, anh nói.

Tuy vậy, anh cho rằng nhu cầu giải trí cần thiết nhưng không đồng nghĩa với sự dễ dãi của khán giả. Anh cho biết thêm: “Nghệ sĩ muốn thu hút, được khán giả yêu mến phải có tài năng. Nếu hát dở, diễn tệ, khán giả cũng chẳng quan tâm. Công chúng rất sòng phẳng, chỉ xem điều họ thích, chứ không ai bỏ tiền bố thí cho nghệ sĩ bao giờ”.

Theo Bích Hằng/Zing