Geetesh Sharma: Người bạn thân thiết của nhân dân và các nhà văn Việt Nam

507

Vào khuya ngày mùng 3 tháng 5 năm 2021, tôi bàng hoàng nhận được tin nhắn của nhà văn Kiều Bích Hậu, cán bộ đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam: “Anh ơi, ngài Geetesh Sharma vừa mất ngày 2 tháng 5 vì đại dịch Covid”. Chiếc điện thoại cổ lỗ sĩ trĩu nặng trên tay. Tôi không muốn tin ở mắt mình.

Tôi lặng đi hồi lâu rồi đọc đi đọc lại nhiều lần mấy dòng nghiệt ngã đó. Không, rõ ràng không có sự nhầm lẫn nào như tôi mong đợi. Sự thật tàn nhẫn quá. Tin dữ đóng sầm cánh cửa trước mặt tôi. Và trong ánh sáng yếu ớt từ hành lang hắt vào, hình bóng quen thuộc của Sharma bỗng hiện ra với chiếc áo dài trắng, chòm râu bạc làm tôn lên khuôn mặt hiền từ và thánh thiện của một bậc đạo sĩ Bà-la-môn nổi tiếng. Sharma bao giờ cũng hoạt bát và chủ động. Từ con người anh toát ra vẻ đẹp khắc khổ và cao khiết của một người toàn tâm theo đuổi các giá trị tinh thần. Con người anh tỏa ra độ tin cậy vững chắc của niềm tin tuyệt đối. Cúi xuống những cuộc đời đau khổ, nhất quán trong tư duy và hành động và hết lòng chung thủy với Việt Nam, đó là những phẩm hạnh tuyệt đối của Sharma. Sharma là hiện thân hoàn hảo của sự tận hiến. Anh thuộc số những người làm được nhiều nhất cho Việt Nam tại Ấn Độ. Trái tim Việt Nam và lòng biết ơn nói với tôi điều đó.

Sau một đêm, chập chờn vụt hiện biết bao kỷ niệm về một người Ấn Độ cực tốt, trời vừa tảng sáng tôi vội gọi điện báo tin cho anh Hoàng Quốc Hải, người cũng rất yêu Sharma và đánh giá cao những gì mà Sharma đã làm cho các nhà văn Việt Nam. Sau những phút đột ngột, anh Hoàng Quốc Hải nói với tôi:

– Công của ông ấy lớn lắm. Không có ông ấy thì không có chuyến đi của chúng mình.

– Và của rất nhiều nhà văn nữa, anh ạ.

Geetesh Sharma tuổi Nhâm Thân, sinh năm 1932 tại một làng quê khuất nẻo thuộc bang Bihar, một trong những bang có nhiều người nghèo khổ nhất ở đất Ấn Độ. Ông được nuôi dạy để trở thành một đạo sĩ Bàlamôn, đẳng cấp cao nhất trong bậc thang xã hội Ấn Độ. Từ lịch sử xa xưa của mình, đất nước của Đức Phật đã diễn ra nhiều cuộc cách mạng, nhiều trào lưu cải cách kéo theo nhiều thay đổi nhưng từ mấy nghìn năm, cho tới nay, chưa có một trào lưu nào, hay một cuộc cách mạng nào đủ sức làm thay đổi cái bậc thang xã hội tồn tại dai dẳng và tàn khốc như thế giới đã từng biết đến, ở Ấn Độ. Từ một cậu bé nghèo khổ trở thành tiến sĩ thần học và một đạo sĩ Bàlamôn có nghĩa là đã vươn lên để lọt vào địa vị tầng lớp tinh hoa, một mơ ước của hàng triệu con người. Nhưng với Geetesh Sharma thì điều đó lại ở ngoài vòng ngắm tiến thân. Với tính cách quyết liệt và tư duy độc lập, ý thức mạnh mẽ về lẽ phải và công bằng, ngay từ năm 16 tuổi, ông đã dứt áo ra đi tìm đến thành phố cảng Cancuta (nay là Kolkata) tự kiếm sống và lập nghiệp theo chí hướng của riêng mình. Ông đã dũng cảm bỏ lại cuộc sống sung túc và con đường công danh để dấn thân vào đời sống của những người đưới dáy xã hội, tình nguyện làm thuyền viên trong cuộc đấu tranh cách mạng đầy sóng gió vì phẩm giá và tự do, bình đẳng của con người. Và như một lẽ phải thuận với tự nhiên, ông gặp cách mạng, trở thành đảng viên cộng sản, một chiến sĩ vô gia cư, vui vẻ chấp nhận cuộc sống với mức lương 2 đô la một ngày và đêm đêm ngả mình trên bàn biên tập. Làm báo, viết văn, tuyên truyền giác ngộ quần chúng, nghĩa là tất cả những gì mà một nhà cách mạng chuyên nghiệp cần làm. Đón nhận ông là một trường đời lớn lao, sôi động và không ít chông gai. Tuổi trẻ sục sôi lý tưởng, trải biết bao thăng trầm của nghề báo tranh đấu cùng với các hoạt động quốc tế sâu sắc và rộng lớn đã tôi luyện Geetesh Sharma thành một chiến sĩ cộng sản dày dạn sương gió, kiên định lý tưởng cách mạng, chống lại và thoát khỏi chủ nghĩa giáo điều, gắn bó sâu sắc với thực tiễn, không ngừng nâng cao và mài sắc lý luận cách mạng, thể hiện một cách đáng khâm phục những phẩm chất của nhà hoạt động chính trị – xã hội xuất sắc. Ông trở thành một người Ấn Độ hiện đại ở tầm cao trí tuệ và nghị lực phi thường biến chân lý cách mạng thành sức mạnh quật khởi chống bất công và áp bức. Ông dũng cảm đứng ở hàng đầu phong trào nổi dậy năm 1968 do những người cộng sản tổ chức. Phong trào bị đàn áp. Geetesh Sharma bị bắt và bị cầm tù với đủ mọi cực hình tàn bạo. Nhưng rút cuộc mọi ngón đòn dã man đã bị bẻ queo bởi chất thép của người cách mạng kiên cường. Chính trong những năm tháng vô cùng khắc nghiệt ấy, ông đã bắt gặp ánh sáng và vẻ đẹp cùng những phẩm chất tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những tài liệu ít ỏi của các bạn tù trao cho. Ra tù, như con chim sổ lồng, ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng, vừa uyển chuyển, vừa khôn khéo, vừa kiên định, vừa táo bạo, trở thành một biểu tượng sống động được các đồng chí của ông khâm phục.

Từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Geetesh Sharma từng bước đến với Việt Nam. Ông là người đề xướng và người lãnh đạo của Ủy ban Đoàn kết Hữu nghị Ấn Độ – Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua. Cần phải làm cho nhiều người biết đến Việt Nam, đó là khẩu hiệu hành động hàng ngày của ông. Với hai bàn tay trắng, Geetesh Sharma cùng các đồng chí của ông trong Ủy ban Đoàn kết Hữu nghị Ấn – Việt đã tìm mọi cách để huy động nguồn kinh phí để xuất bản hàng loạt tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và các tác phẩm của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ủy ban Đoàn kết Hữu nghị Ấn – Việt dưới sự lãnh đạo đầy uy tín và dày dặn kinh nghiệm của Geetesh Sharma qua con đường báo chí và các cuộc mít tinh, tuần hành, các cuộc hội thảo đã phát huy ảnh hưởng ra toàn cõi Ấn Độ. Nhân dân Việt Nam tìm thấy một chiến sĩ quốc tế đầy nồng nhiệt và thủy chung như Geetesh Sharma qua những bài báo, những công trình nghiên cứu, dịch thuật, tuyên truyền cho mọi thắng lợi của Việt Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, ủng hộ sự nghiệp xây dựng sau chiến tranh, đấu tranh sắc sảo và không khoan nhượng, chống mọi luận điệu xuyên tạc vai trò lịch sử của Việt Nam ở Campuchia, khẳng định thành tựu đổi mới và những thay đổi tích cực cũng như sức vươn lên trong xây dựng đất nước của Việt Nam. Hiếm có một trái tim nồng nhiệt với Việt Nam như Geetesh Sharma. Lẽ đơn giản, ông coi mọi thắng lợi của Việt Nam không chỉ vì Việt Nam mà là thắng lợi chung của những người cách mạng. Ông rất tự hào nhận Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.

Với 29 lần đến Việt Nam, Geetesh Sharma đã đến với sinh viên trong các trường Đại học, các xí nghiệp liên doanh Việt – Ấn, các cuộc hội thảo, các Hội nghị quốc tế. Ông đã được các vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam nhiều lần đón tiếp nồng nhiệt trong tình hữu nghị. Năm 2004, ông được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị. Ông đã làm tất cả những gì có thể làm được cho Việt Nam với tư cách một nhà báo, một nhà văn, một chiến sĩ quốc tế và một nhà hoạt động chính trị – xã hội xuất sắc. Nhiều nhà văn Việt Nam còn truyền cho nhau câu nói của ông trong một cuộc Hội nghị quốc tế rất lớn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức: “Ấn Độ là một nước lớn, ở không xa Việt Nam nhưng lịch sử từ xưa tới nay chưa hề đánh nhau hay tranh chấp với Việt Nam. Chúng tôi đến Việt Nam chỉ với món quà duy nhất là tình hữu nghị”.

***

Tôi quen Geetesh Sharma từ năm 2004. Đó là dịp ông sang Việt Nam nhận Huân chương Hữu nghị. Chúng tôi đón ông ở Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Theo cách nhận xét của tôi, ông là một hợp thể nhuần nhuyễn của một nhà báo, nhà văn, nhà thần học và một nhà chính khách. Ông có phép lạ xóa nhanh mọi khoảng cách ngay từ những giây phút gặp gỡ đầu tiên bằng sự giản dị và thực chất. Đầu tiên, ông lấy từ trong một chiếc túi vải ra một tấm khăn lụa trắng rồi trịnh trọng quàng lên cổ tôi và giải thích: Đó là nghi thức kết nghĩa anh em của những người Ấn Độ. Tôi rất cảm động và giữ gìn kỷ vật đó cho đến hôm nay. Sau đó ông lần lượt rút ra những cuốn sách ông viết về Việt Nam và ký tặng chúng tôi. Ông đi vào thực chất: “Những người bạn phải đến với nhau. Chúng ta sẽ tìm ra các sáng kiến. Trước hết, chúng tôi mời một đoàn nhà văn Việt Nam sang Ấn Độ. Chỉ với một điều kiện, các bạn vui lòng chia sẻ cảnh nghèo khó với chúng tôi”. Giản dị thế thôi, thế là mở đầu cho một trang sử gắn bó đặc biệt gần 20 năm qua. Tôi làm đối ngoại, thật không có Đoàn nào dễ tính hơn Đoàn Ấn Độ. Các bạn giản dị quá. Ở thế nào cũng được. Ăn thì toàn ăn chay. Cái các bạn cần nhất là có nhiều sách báo đã dịch ra tiếng Anh để đem về nước. Trong các buổi tiếp xúc, Geetesh Sharma thường nói: “Tôi vui vì mỗi lần sang Việt Nam lại thấy thay đổi. Hà Nội ngày càng đẹp và sạch. Ước gì Cancuta sạch bằng Hà Nội.”

Hai năm sau ngày gặp gỡ đầu tiên, tôi sang Ấn Độ. Một chuyến đi giúp tôi hiểu hơn những tình cảm đặc biệt mà các bạn ở Ủy ban Đoàn kết Hữu nghị Ấn – Việt đã dành cho Việt Nam. Đó là một chuyến đi lịch sử. Đoàn gồm có ba người: Hoàng Quốc Hải, Hồ Anh Thái và tôi. Chúng tôi lên đường đúng vào sáng mùng 2 Tết Bính Tuất (2006) để kịp tham dự Hội chợ sách quốc tế Kalkota nổi tiếng. Đích thân Geetesh Sharma ra sân bay đón chúng tôi và đưa về khách sạn. Vẫn bộ quần áo trắng và chiếc túi vải bất ly thân. Chỉ khác trông ông tất bật hơn, vì muốn lo cho chúng tôi mọi điều kiện tốt nhất. Cảm động biết bao khi biết rằng, các bạn phải tự đóng góp số tiền lương ít ỏi của mình để đón tiếp chúng tôi. Mọi hoạt động xuất bản, đi về Việt Nam, đón khách là do các thành viên của Ủy ban Đoàn kết Hữu nghị Ấn – Việt đóng góp và vận động tài trợ. Nhà nước tiểu bang không hề trợ cấp cho họ một đồng nào.

Lễ đón tiếp chính thức diễn ra tại Trụ sở của Ủy ban Đoàn kết Hữu nghị Ấn – Việt nằm trên đường Hồ Chí Minh. Geetesh Sharma giải thích. “Trên con đường này có lãnh sự quán của Mỹ, chúng tôi phải vận động rất kiên trì và khó khăn lắm thành phố mới tán thành đổi tên là Đường Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh có lãnh sự quán Mỹ, cũng có ý nghĩa chứ”. Rồi ông cười và lần lượt dẫn chúng tôi đi thăm nơi làm việc của Ủy ban. Tất cả chỉ có hai phòng. Phòng rộng nhất làm phòng tiếp khách, treo cờ Việt Nam, ảnh Bác, ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đến thăm và chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ của Ủy ban. Khi mọi người có mặt đông đủ, Geetesh Sharma tuyên bố: “Hôm nay chúng ta đón những người anh em Việt Nam về nhà. Chúng ta sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để nhân dân hai nước đoàn kết ủng hộ lẫn nhau”. Nói đoạn ông rút ra ba tấm khăn lụa trắng quàng lên cổ chúng tôi. Sau tiếng vỗ tay ròn rã, ông kéo tôi lại gần rồi nói với mọi người: “Riêng tôi đề nghị hôm nay ta làm lễ kết nghĩa anh em. Tôi hơn Hữu Thỉnh 10 tuổi thì được làm anh, ông Thỉnh đồng ý không?”. Tôi xúc động ôm lấy ông, nước mắt trào ra.

Sau buổi đón, Geetesh Sharma cùng các cán bộ của Ủy ban Đoàn kết Hữu nghị Ấn – Việt đưa chúng tôi và đi viếng Bác tại Khu tượng của Người được đặt tại công viên Găngđi. Toàn bộ công việc thiết kế và thi công đều do Ủy ban Đoàn kết Hữu nghị Ấn – Việt tiến hành. Tình yêu Việt Nam đã nở hoa trên đất Ấn. Tình hữu nghị do Bác Hồ và Nêru đặt nền móng đã được hậu duệ ở hai quốc gia vun đắp bằng những tình cảm quốc tế trong sáng và cao đẹp. Gần 20 năm qua, đã có gần 50 nhà văn Việt Nam được đặt chân đến đất nước Ấn Độ với sự đón tiếp nồng hậu của các bạn đồng nghiệp làm việc ở Ủy ban Đoàn kết Hữu nghị Ấn – Việt. Thêm vào đó là những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam được dịch ra tiếng Anh và tiếng Hinđu mà người khởi tạo và tổ chức không ai khác ngoài Geetesh Sharma.

Tôi biết những ngày này, nhân dân Ấn Độ đang phải căng mình chống chọi với thảm họa Covid-19. Con số mắc dịch mỗi ngày đã vượt qua ngưỡng 40 vạn người trong 1 ngày. Bệnh viện quá tải. Bình ôxy, thuốc men và các dịch vụ y tế đều thiếu thốn. Thế giới trong đó có Việt Nam đang tập trung hỗ trợ Ấn Độ. Thật không sao cầm nổi nước mắt khi nhìn những ngọn lửa hỏa thiêu bùng cháy trên khắp đất nước vĩ đại và khổ đau này. Trong những ngọn lửa đó, ngọn lửa nào là của Geetesh Sharma?

Tôi nhớ lần gặp gần nhất với Geetesh Sharma đầu năm 2019 khi ông sang dự Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III cùng với nữ nhà thơ, dịch giả Kusum Jain, Thư ký Ủy ban Đoàn kết Hữu nghị Ấn – Việt và một số nhà văn khác. Ông tặng tôi một bó hương mùi hoa đại của Ấn Độ và những đồng tiền mừng tuổi. Một người chu đáo đến từng chi tiết nhỏ. Không ngờ đó là lần gặp cuối cùng. Thôi thế từ nay mãi mãi còn biết tìm ông ở đâu trên cõi đời này?

Geetesh Sharma không còn nữa, nhưng hình ảnh một chiến sĩ quốc tế đầy nhiệt huyết, một trí tuệ sáng suốt, một năng lực tổ chức siêu phàm và tình bạn thủy chung hiếm có là di sản và là chất keo bền vững gắn kết hai dân tộc Việt – Ấn, gắn kết các nhà văn hai nước trong tình đoàn kết anh em.

Hà Nội, ngày 4/5/2021

Theo Hữu Thỉnh/Văn nghệ số 20/2021