Không chỉ là nỗi nhớ – Viết về bài thơ của Nông Quốc Chấn

79

Đỗ Nguyên Thương

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Nông Quốc Chấn (1923-2002) người dân tộc Tày, Việt Nam. Ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên “mang hơi thở núi rừng Việt Bắc vào thi ca“. Ông được xem là cánh chim đầu đàn của những người cầm bút các dân tộc thiểu số. Ông cũng là một trong số ít người dịch thơ văn từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc.  Nhà thơ Nông Quốc Chấn mãi là niềm tự hào của cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Bắc và nền văn học nước nhà ngày hôm nay.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn

Nhớ

(Nông Quốc Chấn)

Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt…
               (Ca dao)

Con suối nhớ ai
Róc rách róc rách
Đêm đêm ngày ngày
Nhắc thầm không trách.

Con chim nhớ ai
Bay đi bay lại
Mây chiều nắng mai
Xa xôi không ngại.

Cái nón nhớ ai
Dầm mưa dãi nắng
Đi trên đường dài
Không quên lời dặn

Chiếc khăn nhớ ai
Bời bời trong óc
Chỉ màu không phai
Trùm lên mái tóc.

Chiếc cày nhớ ai
Sáng chiều xới đất
Con trâu chiếc vai
Hẹn mùa lúa tốt.

Chiếc quạt nhớ ai
Bay như cánh bướm
Gió thoảng bên người
Lòng thêm mát đượm.

Ngọn đèn nhớ ai
Suốt đêm không ngủ
Như mắt canh trời
Bừng bừng tia lửa.

Ai nhớ cứ nhớ
Ai đi cứ đi
Chiến trường súng nổ
Thắng giặc, lại về!

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (1923-2002) người dân tộc Tày, Việt Nam. Ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên “mang hơi thở núi rừng Việt Bắc vào thi ca“. Ông được xem là cánh chim đầu đàn của những người cầm bút các dân tộc thiểu số. Ông cũng là một trong số ít người dịch thơ văn từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc.  Nhà thơ Nông Quốc Chấn mãi là niềm tự hào của cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Bắc và nền văn học nước nhà ngày hôm nay.

Trong số những bài thơ để đời của ông, tôi ấn tượng sâu sắc về bài thơ Nhớ. Nhan đề gọn gàng, giàu sức gợi, dễ xuất hiện trong thơ tình yêu lứa đôi. Đọc thơ mới thấy, không hẳn như suy đoán ban đầu.

Vào bài, nhà thơ mượn câu ca dao

Đèn thương nhớ ai

Mà đèn không tắt…

như một lời đề từ, dẫn dụ người đọc bởi sức gợi và sức liên tưởng từ câu ca dao nằm lòng của thanh niên một thuở, cái thời còn e ấp, ngượng ngùng khi nói chuyện tương tư, khi nói chuyện tình yêu đôi lứa. Và câu ca ấy, dẫn dứt người đọc tới bài thơ gồm 8 khổ thơ, mỗi khổ 4 câu, mỗi câu 4 chữ.

7 khổ thơ đầu, lần lượt nói về chủ thể của nỗi nhớ là: con suối, con chim, cái nón, chiếc khăn, chiếc cày, chiếc quạt và ngọn đèn. Đó đều là sự vật của thên nhiên hay vật dụng quen thuộc của con người, cụ thể là người dân miền núi. Ở đây, chủ thể của 7 khổ thơ đều được sử dụng nghệ thuật nhân hóa để mang theo nỗi niềm cảm xúc như con người.

Con suối nhớ ai

Róc rách róc rách

Đêm đêm ngày ngày

Nhắc thầm không trách.

Khổ thơ ngắn sử dụng nhiều từ láy, dưới ánh nhìn của thi nhân thì tiếng suối “Róc rách róc rách là âm thanh của nỗi nhớ. Nhớ ai là cụm từ mang tính phiếm chỉ thường xuất hiện trong ca dao xưa. Điểm khác biệt là suối chảy “đêm đêm ngày ngày” nghĩa là trường kỳ của năm tháng không ngừng nghỉ nhưng là “nhắc thầm không trách”. Cho thấy, con suối hiền hòa và bao dung, gợi ra nỗi niềm người con gái ngóng đợi người thương đi xa nhưng không hề trách móc mà chỉ thuần túy là mong ngóng, đợi chờ.

Khổ thơ thứ hai

Con chim nhớ ai

Bay đi bay lại

Mây chiều nắng mai

Xa xôi không ngại.

Mỗi câu thơ chỉ một thanh trắc, còn lại ba phần tư là thanh bằng. Cả một khổ thơ sử dụng ba phần tư là thanh bằng cũng được coi là hiện tượng độc đáo, làm nên vẻ đẹp và dấu ấn riêng. Nó gợi một sự mênh mang, dàn trải. Phù hợp với việc sải cánh của chim. Chim “Bay đi bay lại không ngại xa xôi phải chăng cũng chính là nghệ thuật nhân hóa nói về sự kiên trì, bền bỉ nhẫn nại của nỗi lòng người ở lại, chờ đợi người đi xa?

Cái nón nhớ ai

Dầm mưa dãi nắng

Đi trên đường dài

Không quên lời dặn

Nón vốn là vật dụng thân thiết của người con gái, nói “ Cái nón nhớ aitức là nói nỗi niềm nhớ nhung của người con gái. Cuộc sống có trải qua khó khăn, thời gian có dài dặc theo nỗi niềm nhớ ngong chờ đợi thì vẫn Không quên lời dặn nghĩa là vẫn tron vẹn thủy chung.

Chiếc khăn nhớ ai

Bời bời trong óc

Chỉ màu không phai

Trùm lên mái tóc.

Cũng như Cái nón nhớ ai, ở đây là Chiếc khăn nhớ ai tức là cùng motif, cùng lối diễn đạt, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt. Chiếc khăn gắn bó với con người hơn, gần gũi hơn, vừa là nét đẹp làm duyên cho các cô gái, vừa giữ ấm cho cơ thể. Khăn được nhân hóa mang theo nỗi nhớ “Bời bời trong ócvà mang theo sự thủy chung của người con gái qua hình ảnh ẩn dụChỉ màu không phai”. Không thể phủ nhận, nhà thơ Nông Quốc Chấn thực sự tài hoa. Cách nói giản dị, ngôn từ và hình ảnh giàu sức biểu cảm, phù hợp không gian, thời gian, hoàn cảnh sáng tác, để lại trong lòng độc giả những ấn tượng nhẹ nhàng, sâu lắng.

Cũng cách diễn đạt ấy, “Chiếc cày”, “Chiếc quạt” cũng đại diện cho nỗi nhớ, niềm thương. Và giàu sức ám ảnh bởi nhà thơ tiếp tục sử dụng ngữ liệu ca dao

Ngọn đèn nhớ ai
Suốt đêm không ngủ
Như mắt canh trời
Bừng bừng tia lửa.

Ngọn đèn nhớ ai/ Suốt đêm không ngủ là biến thể của ca dao Đèn thương nhớ ai/Mà đèn không tắt… tạo được thiện cảm vì sự gần gũi đối với người đọc, người nghe. Sự sáng tạo, làm nên khí chất cho hình tượng trữ tình trong bài thơ chính là câu thơ Như mắt canh trời/Bừng bừng tia lửa.

Và khổ thơ kết bài cũng thật độc đáo, độc đáo bởi lối diễn đạt giản dị. Giản dị bởi không câu kỳ trong chọn lựa câu chữ, giản dị bởi thơ chính là tiếng lòng (như cách nói của Diệp Tiếp) và ở đây là nỗi niềm chân thật dệt thành ý thơ

Ai nhớ cứ nhớ

Ai đi cứ đi

Chiến trường súng nổ

Thắng giặc, lại về!

Khổ thơ cuối kết lại bài thơ nhưng dư âm còn vang vọng. Khổ thơ có sử dụng từ chiến trường, có nói đến thực tại “ Chiến trường súng nổ” nhưng mang lại cảm giác nhẹ nhàng, không hề có dấu hiệu của lo lắng, của gian khó hoặc của tổn thất, hy sinh.

Bài thơ Nhớ của nhà thơ Nông Quốc Chấn, nói về nỗi nhớ nhưng tuyệt nhiên không có hai tiếng anh và em như thường lệ của tình yêu nam nữ. Bài thơ ra đời trong kháng chiến nhưng không có dấu ấn về nhọc nhằn, gian khổ, hy sinh hay thiệt thòi, nhẫn nhịn, chịu đựng v.v… Lời thơ giản dị, tứ thơ gắn kết liền mạch trong một trường liên tưởng hết sức tự nhiên. Phải chăng, giản dị và chân thật là mạch nguồn cảm xúc của nhà thơ đáng kính? Và chính điều đó đã khiến bài thơ đã, đang và sẽ đi cùng năm tháng với những giá trị độc đáo, riêng biệt, làm nên phong cách thơ trữ tình của Nông Quốc Chấn – nhà thơ, nhà văn hóa, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá kiêm Hiệu trưởng Đại học Văn hoá, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, Chủ tịch Hội Văn hoá Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam…

Phú Thọ 23/11/2024

Đ.N.T