(Vanchuongphuongnam.vn) – Mấy hôm trước, nhà văn Mang Viên Long điện cho tôi xin lại địa chỉ để anh gởi tặng tập truyện của người học trò cũ lần đầu tiên in sách. Sở dĩ anh điện hỏi vì một lần anh gởi sách tặng về Cần Thơ, bưu điện đã hoàn trả vì không có ai nhận, lúc đó tôi đã chuyển hẳn về Sài Gòn rồi. Hỏi cho chắc ăn vì lúc nầy tánh anh hay quên với lời dặn dò: Cậu đọc đi có cái hay để đọc, nếu viết được gì gởi cho cô ấy nhé!
Tính anh cẩn thận là thế. Tôi thấy khi có người gởi tặng sách cho anh, anh đều đọc cẩn thận và anh thường hay viết lại cảm nhận của mình về sách của bạn văn hay bạn thơ đó với sự trân trọng. Tâm tính ấy tôi học hoài theo anh mà chưa làm được, vì đối với sách thân hữu gởi tặng, tôi vẫn đọc cẩn thận nhưng với bạn bè thân thiết tôi mới ghi lại những cảm xúc của mình để làm kỷ niệm. Hơn nữa viết cảm nhận về tác phẩm của người nào đó dù hay cách mấy cũng mang nét chủ quan của mình nên đôi lúc có chút ngại ngần. Với tác phẩm đầu tay của Tiểu Nguyệt tôi viết trong tâm trạng như thế, có gì mong các bạn thông cảm.
Tập KHÚC HÁT YÊU THƯƠNG của Tiểu Nguyệt gồm 10 tùy bút và 10 truyện ngắn gói gọn trong khoảng 200 trang, bìa do họa sĩ Nguyễn Sông Ba vẽ, có 4 phụ bản màu đẹp với lời bạt của nhà văn Mang Viên Long, anh viết một cách trìu mến với cô học trò năm xưa, mong muốn cô đạt được sự thành công nhất định khi tìm đến văn chương, một món quà của cuộc sống với những ai có chút đa cảm với nghệ thuật. Nói chung KHÚC HÁT YÊU THƯƠNG là một tác phẩm được thiết kế và trình bày cẩn thận, đẹp mắt. Tôi đã dành mấy buổi để đọc trọn vẹn tác phẩm đầu tay của Tiểu Nguyệt với mong muốn tìm ra những hạt ngọc lẩn khuất đâu đó trong biển cát mênh mông của cuộc đời. Điều đầu tiên tôi cảm nhận được đó là tấm chân tình, tình yêu thương man mác trong suốt tác phẩm của chị đối với cuộc sống, đúng như nhận định của nhà văn Mang Viên Long khi viết lời bạt cho cô: GIAI ĐIỆU HỒN NHIÊN CỦA MỘT TẤM CHÂN TÌNH. Tuổi trẻ của chị cũng như lứa tuổi chúng tôi đều trải qua nhiều biến động dữ dội của đất nước, nó như cơn đại hồng thủy trong thánh kinh cuốn phăng đi những gì trôi trên dòng thác ngông nghênh của nó. Tất cả đều lặn ngụp trong tiếng réo sôi giận dữ của nó, có thoát ra được thì trên mình cũng mang đầy thương tích. Nhưng trong tập truyện đầu tiên nầy, ta chỉ thấy một Tiểu Nguyệt hồn nhiên trong suy nghĩ, dung dị trong cách viết, những trắc ẩn trong cuộc đời chỉ là những hồi ức, những hoài niệm buồn man mác, niềm hạnh phúc cũng thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thôi.
Trong mảng tùy bút của Tiểu Nguyệt, cô ghi chép lại nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống: bạn bè, thầy trò, tình yêu, chiến tranh, đôi lúc tự sự với chính mình, ở khía cạnh nào Tiểu Nguyệt cũng gợi cho người đọc một cảm xúc thật chân thật.
Những hoài niệm về tình bạn một thuở xa lắc với những kỷ niệm vui buồn luôn đau đáu trong lòng cô ngay cả trong giấc mơ làm cho ta thật sự xúc động: “Kiều ơi! Gió lên làm xoài rụng nhiều kìa, hãy chạy lượm đi, tớ nhường cho cậu đó, ăn có ngon không? Lúc nào cậu cũng bắt mình nhường nhịn, nếu không thì bỏ về, mà cậu về thì mình buồn lắm. Chơi trò gì cậu cũng ăn gian nhưng tớ nhị đó, cứ ăn gian đi rồi cùng chơi với mình, nhé! Kiều ơi! Giờ cậu bỏ mình đi, lâu nay dù có đi xa nhưng vẫn còn đó. Từ nay tớ biết cậu giận bỏ đi thật rồi, lúc nào mình cũng nhớ cậu, Kiều ơi!!!”(Mảnh Trăng Xưa, trang 15-16). Hay như một lời tâm tình thủ thỉ, viết cho vơi đi nỗi tiếc thương về nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh khi đến viếng mộ trong ngày giỗ đầu của nhà thơ: “Tôi thắp nhang, chắp tay trước mộ anh, với đầu óc trống rỗng. Anh đấy ư? Một Chu Trầm Nguyên Minh lúc nào cũng buồn buồn đấy ư? Sao anh không nói gì? Tôi đã đến thăm anh rồi đây! Tôi đến để nghe anh nói…”(Còn Mãi Nỗi Tiếc Thương-trang 19). Về một người thầy dạy văn tình cảm lại là những dấu ấn sâu sắc, phải chăng từ lòng yêu mến người thầy dạy văn rất mẫu mực nhưng hết lòng yêu thương học trò làm cho cô mong muốn trở thành nhà văn chăng: “Thầy giảng bài nghe “mùi tai” lắm! Chúng tôi im lặng lắng nghe trong háo hức với những bài thơ không thấy trong sách giáo khoa, như bài “Mùa Hoa Cải” của nhà thơ nào tôi không còn nhớ. Những bông cải vàng thuở ấy luôn in đậm trong tôi, cả lớp im phăng phắc lắng nghe…”(Nhớ Mãi Người Thầy Dạy Văn-trang 24). Đôi khi lại trở thành lời tự sự luôn hiện diện trong sâu thẳm tâm hồn người con gái tràn đầy yêu thương nhưng không bao giời nói ra trong tùy bút Cánh Thư Chưa Hề Gởi. Rồi chuyện nhà sau biến động năm 75, bao khó khăn khổ nhọc chồng chất lên vai người mẹ trẻ một mình tảo tần khi người cha – người đàn ông trụ cột trong gia đình – đi học tập cải tạo. Một chuyến thăm nuôi đi qua mảnh rừng đầy bất trắc mà có lẽ suốt đời cô không thể quên: “Chúng tôi chạy mãi mà không thấy một bóng người nào cả, ánh sáng trời đã bắt đầu tối dần. Hai má con im lặng chạy, lo âo thắc thỏm. Tiếng chim rừng từng hồi kêu vang, càng làm má con tôi thêm buồn, thêm sợ. Cổ khô rát, tôi thèm uống miếng nước, nhưng không dán dừng chân…”(Nhớ Một Chuyến Thăm Nuôi-trang 36). Còn gì đau đớn hơn cái hạnh phúc màu hồng mà cô gọi là tình yêu cô dành cho anh – người đàn ông mà cô luôn nghĩ sẽ đem đến cho cô một mái ấm – cô reo vui, cô chờ đợi, cô mỉm cười và hát một mình bản tình ca tha thiết như chia sẻ niềm yêu thương đến với mọi người lại là một giấc mơ khi cô tỉnh giấc: “Chỉ là một giấc mơ! Một giấc mơ vàng cho cuộc đời gian truân của tôi!”(Khúc Hát Yêu Thương-trang 50). Còn nhiều nữa có lẽ chúng ta không thể kể hết tâm tình của Tiểu Nguyệt muốn dành cho nhiều người trong các tùy bút còn lại như Vị Thầy Trong Tôi, Lớp Học Của Tôi, Ba Chị Em…
Ở mảng truyện ngắn của Tiểu Nguyệt ta cũng bắt gặp những tâm tư tình cảm đó có điều nó phát triển lên thành một câu chuyện có đầu có đuôi hẳn hoi mà thôi. Ai mà trong đời không có một lần yêu. Khi tình yêu kết tinh bằng rất nhiều kỷ niệm từ ấu thơ cho đề lúc trưởng thành thì bao giờ nó cũng đẹp đẽ và cũng vô cùng gần gủi và bình dị như loài hoa muống biển vậy: “Chúng tôi nắm tay nhau cùng đi trên sóng, đi mãi đi mãi đến cuối bãi chỉ toàn hoa muống biển. Bãi cát trắng vô vàn thảm xanh với những cánh hoa tím biếc. Anh chạy lại hái một cánh hoa cài lên mái tóc tôi, màu hoa tím thật dễ thương. Anh thì thầm: “Anh mong ước tình mình như loài hoa muống biển, giữa bão cát vẫn vươn lên nở hoa, tím mau thủy chung, em nhé!”… (Hoa Muống Biển-trang 88). Ở truyện ngắn Hoa Học Trò, những cánh phượng ép vào trang vở của bốn mười năm trước vẫn là một niềm hoài niệm khôn nguôi của lứa tuổi học trò ngày ấy- của Nghĩa và Vân- và của bao bạn trẻ khác luôn vấn vương trong lòng những người bạn xưa gặp lại nhau khi tóc trên đầu họ đã bạc. Truyện ngắn Bà Bốn Quẹo lại đề cập một vấn đề khác: Bà Bốn Quẹo nuôi ba đứa cháu nội không ruột rà máu mủ gì với mình bằng tất cả tình yêu thương của một bà nội thật sự: Bọn chúng là con của người con trai giữa của chồng bà. Vợ chồng anh nầy chết trong một trận càn và bà lại cáng đáng công việc của một người mẹ, người cha thay thế. Mấy đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương của bà. Bà Bốn Quẹo càng về già càng đau yếu liên miên, người cháu ruột từ quê lên thấy vậy muốn đưa bà về quê chăm sóc nhưng bọn trẻ đã quì xuống khóc năn nỉ: “ – Bà ơi! Lúc nào chúng con cũng xem bà như ruột thịt, ở với chúng con để chị em con có cơ hội trả hiếu cho bà – Quay sang người cháu của bà, Chú ba ơi! Để bà ở đây tụi cháu sẽ lo cho bà đầy đủ, chú đừng lo, tụi cháu coi bà như nội thật sự. Bao năm bà lo cho tụi con, giờ con không thể để bà ra đi như thế. Chú thương con là nên để bà sống cùng, con rất biết ơn chú.” Ai mà không cảm động đến rơi nước mắt trước lời nói chân tình của bọn trẻ phải không?
Thế đấy! Xuyên suốt trong tập tùy bút và truyện ngắn KHÚC HÁT YÊU THƯƠNG là những dòng cảm xúc, những câu chuyên đậm tình người được Tiểu Nguyệt viết với những nỗi niềm thương yêu, những hồi ức tuổi thơ tươi đẹp, những ám ảnh của quá khứ đau đáu trong lòng, ngay cả trong lúc tuyệt vọng, đau buồn nhân vật củaTiểu Nguyệt cũng không có một lời hờn trách, oán giận. Có điều những cảm xúc ấy, tâm tình ấy được diễn đạt bằng những câu văn quá bình dị chưa thật sự chau chuốt, nhất là nội dung trong một số truyện ngắn chưa thật sự tạo được sự hấp dẫn, thuyết phục người đọc.
Theo tôi, KHÚC HÁT YÊU THƯƠNG là tác phẩm đầu tiên của Tiểu Nguyệt có một số thành công nhất định. Hy vọng trong tác phẩm tiếp theo của cô sẽ có những bước tiến dài hơn trong sự chờ đợi của bạn đọc. Chúng ta có quyền hy vọng điều đó.
N.A.B