Nhà thơ, Nhà báo Phùng Hiệu: ‘Nhà văn đi làm báo sẽ dễ hơn nhà báo đi viết văn’

180

Nhà thơ, Nhà báo Phùng Hiệu:

Tên thật là Phùng Văn Hiệu, sinh năm 1976 tại Đà Nẵng, lớn lên ở Định Quán, Đồng Nai.

Nhà báo Phùng Hiệu tốt nghiệp Đại học kỹ thuật TP.HCM, hội viên Hội Nhà báo TPHCM, từng công tác tại các báo, tạp chí: Nhà báo và Công luận, Nhân đạo và Đời sống, Pháp luật Môi trường, Môi trường và Đô thị Việt Nam qua các chức danh biên tập viên, Trưởng ban, Trưởng Văn phòng, Trưởng Cơ quan Đại diện phía Nam. Anh cũng là hội viên Hội Nhà văn TPHCM, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Phùng Hiệu đang là Ủy  viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM (khóa VIII), thường trực trang web Văn chương TPHCM – Diễn đàn văn học Hội Nhà văn TPHCM.

Các tập thơ đã xuất bản của tác giả Phùng Hiệu: Tình không dám ngỏ (NXB Văn Học 2008), Thức giấc (NXB Thanh Niên 2010), Trong thế giới nguỵ trang (NXB Trẻ Wikibook 2014), Dấu chân biển cả  NXB Văn hóa Văn nghệ 2018), Biên bản thặng dư (NXB Hội Nhà văn 2019).

Trong làng báo chí hiện đại, nơi tốc độ thông tin và sự cạnh tranh khốc liệt là điều không thể tránh khỏi, nhà báo Phùng Hiệu vẫn trụ vững với bí quyết làm báo hiệu quả và xuất bản sách đều đặn.  Phùng Hiệu là một nhà báo giàu năng lực, cũng là một tác giả uy tín, người luôn biết cách truyền tải những câu chuyện đầy cảm hứng và ý nghĩa đến độc giả. Anh “nắm” cùng lúc một số báo, tạp chí khác nhau và “nuôi” kha khá các phóng viên làm việc trong team của mình.

Vậy bí quyết nào giúp anh đạt được thành công này? Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ từ nhà báo Phùng Hiệu với VietNamNet.

Nhà thơ, Nhà báo Phùng Hiệu

– Bí quyết nào giúp anh có thể vừa làm báo hiệu quả vừa xuất bản sách đều đặn?

Không có bí quyết nào ngoài sự nỗ lực, siêng năng, cầu tiến và vận dụng thời gian một cách hợp lý. Ngoài ra, phải tiến hành lập trình công việc cụ thể. Đối với báo chí, cần khai thác những chủ đề, đề tài, tính thời sự và quan hệ xã hội; còn ở lĩnh vực văn chương, người viết phải kịp thời lưu lại nguồn cảm hứng sáng tạo bằng cách luân chuyển công việc trong ngày hay trong khoảng thời gian nhất định. Với tôi, công việc làm báo có khi lại gợi mở ra chủ đề để viết sách.

– Anh có thể chia sẻ về quy trình làm việc nhằm cân bằng giữa làm báo và viết sách?

Với báo chí, tôi chỉ làm công việc tổ chức, điều hành, quản lý và ngoại giao, ít khi trực tiếp đi tác nghiệp như các bạn phóng viên. Và khi ngồi ở văn phòng hay duyệt bài vào ban đêm tại nhà, nếu có cảm hứng bất chợt tôi có thể chủ động ghi lại. Tuy nhiên, nếu có dự định chủ đề rõ ràng tôi sẽ sắp xếp dành ra một khoảng thời gian tập trung sáng tác.

– Anh tìm thấy nguồn cảm hứng cho những cuốn sách của mình từ đâu?

Từ mọi góc nhìn trong đời sống xã hội và cả công việc làm báo, nhưng tôi thiên viết về mặt trái của nó. Chẳng hạn như câu chuyện đằng sau số phận của những con người lam lũ, của giai cấp cần lao, vô sản. Những hình ảnh đó là nguồn cảm hứng vô tận trong tác phẩm của tôi.

Tôi muốn lên án sự bất công của xã hội dành cho giai cấp công nhân, nông dân. Rất nhiều người lao động miệt mài nhưng hiệu quả nhận được không tương xứng… giá trị thặng dư luôn bị bóc lột, bán mua “thôn tính”. Và tôi nghĩ, một ngày nào đó, tiếng nói của nhà văn, nhà thơ có thể làm thay đổi quan điểm, cách nhìn, tư duy của người sử dụng lao động để biết trân quý giá trị thặng dư của người lao động. Đặc biệt, cần có phương án thiết thực, chính sách nâng cao đời sống cho giai cấp công nông. Về chủ đề này, tôi đã có 3 tác phẩm: Thức giấc, Trong thế giới ngụy trang, Biên bản thặng dư…

– Việc xuất bản sách mang lại cho anh những lợi ích gì, cả về mặt cá nhân lẫn sự nghiệp người cầm bút?

Lợi ích tinh thần chính là tiếng nói, phát ngôn thể hiện quan điểm của nhà văn, nhà thơ, đồng thời nêu bật giá trị của sự sáng tạo. Những tập sách đã xuất bản là tài sản, là sự nghiệp văn chương của tôi.

– Anh có lời khuyên nào cho các nhà báo muốn bắt đầu viết và xuất bản sách?

Theo ý kiến của tôi, nhà văn đi làm báo sẽ dễ hơn nhà báo đi viết văn. Bởi viết báo chỉ mô tả, tường thuật, phản ánh những vấn đề ghi nhận được trong thực tế; còn viết sách hay sáng tác văn học có thể viết được cả những điều chúng ta không thấy, miêu tả được câu chuyện mà mình chưa nghe và ghi lại những gì người khác chưa viết.

Bởi vậy, viết sách phải có năng khiếu, có tư duy và sáng tạo, tác giả phải giàu cảm hứng, dễ xúc cảm nhưng phải có luận điệu, có suy tưởng, thức tưởng, dám dấn thân, hóa thân vào nhân vật mới có thể làm công việc sáng tác. Nhân cách, đạo đức và lòng vị tha cũng là những phẩm chất phải có trong tâm của người sáng tạo.

– Làm thế nào để anh duy trì được động lực và sự kiên trì trong viết sách khi công việc làm báo bận rộn?

Với tôi là luôn duy trì mạch cảm xúc và nuôi dưỡng nguồn cảm hứng.

– Anh có dự định gì trong tương lai về viết sách hay phát triển sự nghiệp làm báo?

Tôi muốn nghỉ làm báo để tập trung cho viết sách, nhưng càng muốn nghỉ thì công việc lại càng nhiều lên. Bây giờ, tôi không phải làm cho bản thân, mà tôi làm vì mọi người, vì xã hội và những người đã theo mình bao năm qua. Vì thế, hiện tại tôi vẫn duy trì song song cả hai việc.

Theo Sao Khuê/ Vietnamnet