Lời Khuyên của thi hào đức Goethe dành cho các nhà văn trẻ 

19

(Vanchuongphuongnam.vn) – Johann Peter Eckermann sinh năm 1792. Năm 1823 ông gửi cho Goethe một tập các bài báo, bài phê bình đánh giá về các tác phẩm của nhà văn. Sau đó, ông trở thành người thư ký, trợ thủ văn chương cho đến tận ngày cuối cùng của thi hào. Sau đây là đoạn trích từ nhật ký của Eckermann miêu tả lại một trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai người.

 Thứ năm, ngày 18 tháng 9 năm 1823

Sáng hôm qua, trước khi Goethe lên đường tới Weimar, tôi đã may mắn được ở lại với ông  một tiếng đồng hồ. Những gì ông ấy  nói thật đáng lưu ý, hoàn toàn  vô giá đối với tôi và là “thức ăn” cho thế giới nội tâm suốt cả cuộc đời. Các nhà thơ trẻ của Đức nên lắng nghe điều này — nó có thể rất hữu ích.

Ông bắt đầu hỏi tôi xem tôi đã viết bài thơ nào trong mùa hè này chưa. Tôi nói rằng tôi đã viết một vài bài, nhưng nhìn chung tôi không cảm thấy mình đang ở trong tâm trạng thích hợp cho việc làm thơ. Ông đã trả lời như sau:

Hãy coi chng khi bắt tay vào viết một tác phẩm lớn. Đây là sai lầm mà những bộ óc thông minh nhất mắc phải, những nhà văn tài năng nhất cộng với tham vọng mãnh liệt nhất. Chính tôi cũng mắc phải sai lầm đó và tôi biết mình phải trả giá như thế nào. Có quá nhiều thứ được viết ra mà chẳng có giá trị gì!Nếu mà tôi viết được tất cả những điều mà mình có thể viết thì chắc chắn phải chứa đầy hơn trăm tập sách.

Hiện tại luôn đòi hỏi món nợ đời của mình. Hàng ngày, bao suy nghĩ và cảm xúc vây bủa nhà thơ đòi hỏi được diễn đạt thành ngôn từ. Và, cần phải như vậy. Nhưng một khi đầu óc của bạn bận bịu với một tác phẩm to tát nào đó thì chẳng có gì có thể lọt vào đầu được. Tất cả các suy nghĩ khác đều bị xếp sang một bên. Thậm chí, bạn không thể thụ hưởng được những niềm vui bình dị nhất của cuộc đời.

Nó đòi hỏi một khối lượng lớn sức lực và trí lực chỉ để định hình và tổ chức một cái tổng thể kỳ vĩ, rồi còn hao tốn bao nhiêu năng lượng nữa, lại còn cộng thêm phải có một giai đoạn bình lặng, ổn định liên tục trong cuộc đời để ghi lại tất cả lên mặt giấy dưới dạng bản nháp liên tục. Nhưng nếu bạn chọn sai chủ đề để bắt đầu thì bao công lao sức lực đều đổ cả xuống sông xuống biển. Và hơn nữa, nếu đảm nhận một tác phẩm nào đó quá lớn, bạn không hoàn toàn kiểm soát được tài liệu của mình ở một số phần của nó, thì toàn bộ sẽ không đạt yêu cầu, và những nhà phê bình sẽ “ bới bèo ra bọ”. Vì vậy, những gì nhà thơ nhận được cho rất nhiều nỗ lực và hy sinh không phải là phần thưởng và niềm vui, mà chỉ là thần kinh căng thẳng và sự bào mòn lòng tự tin của bản thân. Nhưng mặt khác, nếu nhà thơ quan tâm đến khoảnh khắc hiện tại mỗi ngày, viết với sự tươi mới và tự nhiên về bất cứ điều gì xảy ra theo cách của mình, thì anh ta chắc chắn tạo ra một cái gì đó có giá trị. Nếu thỉnh thoảng, điều gì đó không thành công, thì cũng chẳng mất mát gì .

Ví dụ như August Hagen ở Königsberg là một nhà văn tài năng xuất chúng. Bạn đã đọc Olfrid và  Lisena của anh ấy chưa? Trong đó có những đoạn không thể hoàn thiện hơn được nữa: sự trào dâng của cuộc sống trên bờ biển Baltic, và bất cứ điều gì liên quan đến bối cảnh địa phương, đều được viết một cách lão luyện, bậc thầy. Nhưng đây chỉ là những đoạn tuyệt hay, còn toàn bộ tác phẩm lại không đạt được yêu cầu. Thử hình dung xem,  anh ta đã bỏ ra bao công sức và nỗ lực  cho nó — con người đó  gần như đã vắt kiệt sức mình! Và bây giờ anh ấy xoay ra viết  bi kịch.

Goethe dừng lại một lát và mỉm cười. Tôi đã lên tiếng để nói rằng, trừ khi tôi nhầm lẫn quá nhiều, nhà thơ đã khuyên Hagen ở Kunst và Altertum chỉ nên bắt tay vào đề tài nho nhỏ thôi .

“Tôi chắc chắn làm như vậy,” Goethe trả lời, nhưng mọi người liệu có để ý đến những gì người già chúng ta nói không? Mọi người đều cho rằng mình là người hiểu rõ nhất, với kết quả là nhiều nhà văn trẻ lạc lối, nhiều người lạc lối trong một thời gian dài. Nhưng mọi người không nên bị lạc thời bây giờ. Đó là điều mà thế hệ chúng tôi đã trải qua — tìm kiếm và đi lạc đường. Tất cả những điều này có ý nghĩa gì, nếu các bạn trẻ chỉ đi theo con đường mà chúng ta đã đi? Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được điều tương tự như thế! Lỗi của thế hệ chúng ta không chống lại chúng ta, bởi vì chúng ta không tìm thấy con đường đã được phát quang nào để giẫm lên.  Nhưng, chúng ta  phải mong đợi nhiều hơn ở  những người đến sau. Thay vì tìm kiếm rồi lại đi lạc lối, họ nên nghe theo lời khuyên của dân gian xưa và đi theo con đường đúng đắn ngay từ đầu. Thực hiện các bước mà một ngày nào đó sẽ dẫn bạn đến đích là chưa đủ. Mỗi bước phải vừa là đích đến, vừa là một bước trên đường đi.

Vũ Tuấn Hoàng dịch