Cuộc Thi “Chuyện Của Những Dòng Sông”: Khi Kỳ Vọng Trở Thành Thất Vọng

566

PHÙNG HIỆU

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cuộc thi “Chuyện của những dòng sông” do báo Vietnamnet tổ chức, dù được kỳ vọng là sân chơi chất lượng cho những cây viết yêu văn chương, đã để lại nhiều dấu hỏi lớn về quy trình tổ chức và kết quả trao giải. Sự thiếu nhất quán trong thể lệ, những sai sót trong việc đánh giá và lựa chọn tác phẩm, cùng với việc trao giải không xứng tầm đã làm dấy lên nhiều phê phán từ dư luận. Nhiều người cho rằng, Ban tổ chức đã thiếu chuyên nghiệp và không đủ tầm vóc để đảm bảo sự công bằng và tính minh bạch của một cuộc thi có tầm. Điều này không chỉ làm giảm giá trị giải thưởng mà còn gây thất vọng cho những tác giả tham dự và cả độc giả yêu văn chương.

Cuộc thi “Chuyện của những dòng sông” đã khép lại, nhưng những tranh cãi và sự không hài lòng xung quanh kết quả vẫn tiếp tục dấy lên trong cộng đồng văn chương. Cuộc thi này, mặc dù được tổ chức với quy mô không lớn, lại thu hút sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà báo và độc giả. Tuy nhiên, sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, sự mâu thuẫn trong thể lệ, và quá trình trao giải đã làm mờ đi giá trị của sự kiện, để lại nhiều nghi vấn về cách thức Vietnamnet xử lý và điều hành.

1. Sự bất nhất trong thể lệ và quy định cuộc thi

Ngay từ giai đoạn công bố thể lệ, cuộc thi đã gặp phải sự chỉ trích khi xuất hiện những sai sót và mâu thuẫn trong thông tin đăng tải trên các trang mạng. Như phản ánh của một số nhà văn, có hai bản thể lệ khác nhau được công bố, một trên chính Vietnamnet và một trên trang Web Văn chương TPHCM. Đáng chú ý, quy định về số từ tối đa của bài dự thi không thống nhất giữa hai phiên bảm, gây nhầm lẫn cho người tham gia.

Việc này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự thiếu tổ chức và sự không chuyên nghiệp từ phía Ban tổ chức. Một cuộc thi văn học không thể chấp nhận những sai sót như vậy trong giai đoạn quy định thể lệ – vốn là nền tảng quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Chính sự không nhất quán này đã làm giảm lòng tin của các tác giả và tạo nên sự bất mãn ngay từ đầu. Nhà văn Đặng Chương Ngạn đã khá bức xúc về cuộc thi này và anh đã có 3 bài viết để vạch ra những sai sót và tính chuyên nghiệp của cuộc thi cho đến việc thiếu minh bạch khi trao giải thưởng.

2. Chất lượng tác phẩm dự thi và quy trình chấm giải gây tranh cãi

Một trong những điểm yếu lớn nhất của cuộc thi “Chuyện của những dòng sông” là sự không rõ ràng trong việc chọn tác phẩm vào vòng chung khảo. Nhiều ý kiến cho rằng Ban giám khảo đã đánh giá sai lầm khi trao giải cho những bài viết không đáp ứng đúng chủ đề, tiêu chí hoặc vượt quá giới hạn quy định.

Chẳng hạn, bài ký “Ngược dòng Nhật Lệ” vi phạm quy định về số từ nhưng vẫn được trao giải nhì, gây ra nhiều thắc mắc trong giới văn chương. Hơn nữa, thông tin về tác giả bài viết này cũng bị thay đổi bất ngờ từ một tác giả thành nhóm tác giả, tạo cảm giác thiếu minh bạch và sự chỉnh chu trong khâu trao giải.

Đặc biệt việc Ban giám khảo trao giải nhất cho bài viết “Lòng Tàu: nơi con sông ở lại” gây ra sự ngạc nhiên sững sờ cho độc giả, cũng như những ai quan tâm đến cuộc thi. Với quy định theo Thể lệ cuộc thi: Con sông trong bài viết phải là con sông từng gắn bó với tác giả…Sông Lòng Tàu là một con sông mà tác giả bài viết chỉ đặt chân đến lần đầu khi đi khảo sát để viết bài, chưa một lần tác giả đặt chân đến con sông này trước đó…

Những sai sót trong quy trình này làm dấy lên câu hỏi về năng lực và sự công bằng của Ban giám khảo. Cuộc thi được kỳ vọng sẽ mang lại những tác phẩm có giá trị, tôn vinh những cây bút có thực lực. Tuy nhiên, kết quả lại không phản ánh đúng như mong đợi khi một số tác phẩm chưa thực sự nổi bật lại giành được giải thưởng cao, trong khi các tác phẩm được đánh giá là có chất lượng tốt hơn, đi sát với chủ đề và tiêu chí giải thưởng lại bị loại.

3. Giải thưởng bị trao bằng quà tặng

Ngoài những sai sót trong quá trình chấm giải, việc trao giải thưởng của cuộc thi cũng gây nhiều phẫn nộ. Một trong những vấn đề nghiêm trọng là giải thưởng “Ấn tượng” mà các nhà văn thành danh như Trương Chí Hùng, Nguyễn Quang Lập, Mai Nam Thắng, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Hồng Lam và một số nhà văn nhận được, thay vì là một phần thưởng có giá trị tiền mặt, nhưng lại trao kèm bằng quà tặng có giá trị tương đương tiền thưởng, gây thất vọng lớn cho người nhận giải cũng như sư hiểu nhầm của dư luận.

Cụ thể giải thưởng được thông báo có giá trị 11 triệu, nhưng tiền mặt chỉ có 3 triệu kèm phần quà “khó xài” đến 8 triệu là một bước đi không chuyên nghiệp, cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với các tác giả tham gia và độc giả theo dõi. Trong bất kỳ cuộc thi văn học nào, giá trị giải thưởng là minh chứng cho sự công nhận, công bằng và đáng giá đối với công sức của người tham gia. Nhưng ở đây, Vietnamnet dường như đã đi ngược lại nguyên tắc này, khiến cuộc thi trở nên luộm thuộm và thiếu tính uy tín.

4. Cuộc thi chưa xứng tầm với báo Vietnamnet

Cuộc thi “Chuyện của những dòng sông” không phải là một cuộc thi văn chương lớn về quy mô, nhưng nó được kỳ vọng sẽ mang lại những tác phẩm có giá trị, trong đó phải gắn liền với chủ đề, tính đặc thù, văn hóa, môi trường và đời sống con người gắn bó với những dòng sông trên lãnh thổ Việt Nam. Như điều đáng thất vọng là chất lượng của các tác phẩm đoạt giải chưa phản ánh được tầm vóc của chủ đề mong muốn.

Sự hiện diện của các nhà văn lớn như Nguyễn Quang Lập, Trương Chí Hùng, Mai Nam Thắng, Nguyễn Xuân Thủy, Xuân BA, Nguyễn Hồng Lam và các tên tuổi trong giới văn chương tham gia cuộc thi đã tạo kỳ vọng cao từ phía độc giả, đồng thời cũng là sự “sang trọng” cho cuộc thi. Tuy nhiên, kết quả lại khiến nhiều người khá bất ngờ.

5. Dư luận và những phê phán từ cộng đồng văn học

Cuộc thi đã thu hút sự chú ý không chỉ từ các tác giả mà còn từ cộng đồng độc giả yêu văn chương. Những phê phán mạnh mẽ từ các bài viết đã chỉ ra những yếu kém của Ban tổ chức và sự thiếu công bằng trong việc trao giải.

Bài viết “Sự luộm thuộm của cuộc thi” và “Một cuộc thi bị chấm sai” của Nhà văn Đặng Chương Ngạn và bài “Bi hài chuyện đi nhận giải thưởng” của nhà văn Trương Chí Hùng đều nhấn mạnh đến sự cẩu thả của Ban tổ chức trong việc thực hiện cuộc thi. Sự à uôm, bất cẩn và cách thức xử lý thiếu trách nhiệm không chỉ làm mất lòng tin của tác giả mà còn khiến người yêu văn chương cảm thấy bất bình. Các cuộc thi văn chương vốn được kỳ vọng là nơi tôn vinh cái đẹp của chữ nghĩa và tinh thần sáng tạo, nhưng ở đây, nó lại trở thành tâm điểm của những tranh cãi và thất vọng.

Thiết nghĩ, cuộc thi “Chuyện của những dòng sông” lẽ ra có thể là một sự kiện văn học đáng nhớ và tạo cảm hứng cho nhiều cây viết. Tuy nhiên, sự thiếu sót trong quy trình tổ chức và chấm giải, cùng với những bất cập về cách trao giải thưởng, đã làm mất đi giá trị của sự kiện này. Vietnamnet, với tầm vóc của một tờ báo lớn, cần có sự chuyên nghiệp hơn trong việc tổ chức và quản lý các cuộc thi văn học tương lai nếu muốn lấy lại lòng tin từ cộng đồng.

TP.HCM Ngày 01/10/2024

P.H