Lời khuyên răn tháng Chạp – Truyện ngắn Lê Hào

1801

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tháng Chạp thi công mùa hoa trái, sao cho kịp Tết để bung xòe nườm nượp mừng xuân. Trước mặt Hải là gạch đá ngổn ngang, nhà tưởng niệm còn chờ ngói đỏ, tượng đài đã uy nghi chóp núi. Phía tây là nơi con suối nhân tạo khởi nguồn, chảy vòng vòng như dải lụa quấn quanh. Phía đông đang xẻ núi làm đường. Một bờ kè chân núi cao từ 15 đến 20 mét vừa được thi công. Đá vẹt ra như dao cứa, đất đỏ trơ những vết thương. Dưới thung lũng là nhà cửa nhấp nhô phận đời. Cụm cụm bằng lăng tím rộ bên nương, đàn trẻ vui chơi, bầy lợn gà eo óc, nhà ai dâng mùi hương đám giỗ.

Tranh minh họa – Tác giả: Lê thừa Hải

Chú của Hải nằm ở ngọn đồi bên kia, khu nghĩa trang liệt sĩ màu trắng nổi lên giữa màu xanh cây cỏ. Nơi đó nụ non đang ủ đầy và lộc vừng đỏ đỏ, những ngọn thông vươn lên thẳng tắp chạm mùa.

“Công trình kịp khánh thành và Tết sẽ đẹp thêm” Hải bâng quơ, mồ hôi nhỏ trong lòng từng giọt. Anh đưa tay quẹt quẹt mái tóc, nhẩm nhẩm: “sẽ có đủ cho một chiếc ô tô, loại Huyndai bốn chỗ… Sang năm về quê em, nhà cửa cất khang trang, tháng năm hợp tuổi…”. Hải bùi ngùi nhớ về những cái Tết xa xa, bánh kẹo quê mùa, nhà thông thống. Áo quần mặc Tết là những bộ thun màu mè mẹ mua dọc đường quang gánh. Mức gừng mức bí đơn côi, đèn cầy giọt giọt, giao thừa sụt sịt tiếng dế mèn. Cảm giác lạ lạ cứ tăng dần lên, Hải nghe như có ai đang giục đang chờ.

Chợt như có sương trong đầu, lâng lâng không nghe được, chỉ thấy. Khung cảnh chầm chậm trôi, một bộ phim quay chậm…?

Bờ tường đổ ập, kè quanh núi rung lên nứt toát, đất đá và lũ ống cuồn cuộn từ trên cao. Đá bay lên nhảy vọt tưng tưng, đá xoay chầm chậm trong không gian vàng mai cúc, rớt trúng mâm cơm ngày trừ tịch, va vào cột đình dập nát gỗ bay, lướt qua đầu ngọn nêu gãy cụp. Lợn nái và bầy con vùng vẫy chìm nhanh, bò khua bốn chân khỏi mặt bùn lỏng bỏng. Đòn bánh tét chơ vơ dẹp lép, cơm gạo nếp vỡ ra màu xanh xanh. Hải thấy áo xống và xoong nồi trôi nổi, mắt người trồi lên, hồn người trồi lên… Lớp bùn đất trên cao lại tiếp tục đổ ào. Tượng đài đưa tay úp mặt.

Hải rùng mình tỉnh lại, nghe gió thổi rào rào. Anh rú lên, phóng như bay về thung lũng, vừa chạy vừa gào: “núi sập bà con…ơi…núi…s…ập…!”. Bầy trẻ nhìn quanh sợ hãi, một cụ già cười lắc đầu: “lại thêm một thằng ngáo đá, rõ khổ !”.

*

Hải hoang mang, không hiểu sao lại bị ảo giác mấy hôm nay, một hình ảnh y chang lặp đi lặp lại, những thước phim quay chậm kinh hoàng. Bác sĩ nghi ngờ anh hút chích, cứ khám đi khám lại mấy lần. Thử máu không tìm được chất gây nghiện, thử phổi không thấy vết nicotine, thử tim thì gặp bóng mờ di chuyển… Không biết bệnh gì, đành chịu!

Chợt nhớ hôm nay là rằm tháng Chạp, nhìn trăng mọc vàng ươm trên đỉnh đồi nghĩa trang, Hải vội vàng phóng xe về phía ấy. “Biết đâu chú lại cho một lời khuyên trị dứt bệnh này”.

Tiếng dế đẫm sương mờ, trăng tô lại ngôi sao trên đài tưởng niệm ghi dòng chữ “Tổ quốc ghi công”, trăng ròng ròng bia mộ xếp hàng. Anh đến bên mộ chú, thắp nhang khấn nguyện.

Chợt nghe lâng lâng tiếng con vạc sành, làn mây như ngừng trôi. Lại bắt đầu… bộ phim quay chậm…?

Một bóng người tầm thước mặc đồ bộ đội, đội mũ cối, khuôn mặt đượm màu trăng rõ dần rõ dần. “Đó là Chú? Chú của mình đây… Chú ơi!”. Hải muốn reo lên, chạy lại gần ôm chú. Không hiểu sao miệng không mở được, chân không đi được. Khác với mấy lần trước, lần này anh nghe rõ âm thanh:

“Này thằng cháu của chú, nghe tao nói! Chú mày làm giám sát, nhưng đã cúi đầu theo chỉ đạo từ ai đó trong Ban quản lý dự án, thỏa hiệp với nhà thầu ăn bớt vật tư? Thực sự là chú mày sắp chết, một cái chết không báo trước, do chú mày gây ra chứ không phải vì cái ảo giác kia đâu. Ảo giác là phép mầu cứu rỗi, là cơ hội của chú mày, vậy thôi! Nó là cánh cửa mở ra những cảnh đời và sự vật lẩn khuất, cảm nhận như thế nào là tùy…”.

“Sống chết đâu phụ thuộc vào biểu hiện bên ngoài, đâu phải là còn thở hay tắt thở. Tao được phân công gác cửa, biết ai còn sống đã chết. Có vô số người đi đứng nói cười khỏe mạnh nhưng họ là cái xác không hồn, có người nằm dưới mộ trăm năm mà có chết đâu…”. Hải nghe văng vẳng du dương tiếng hát tiếng đàn của những người lính.

“Cảnh núi sập đè lên mấy hộ dân mà chú mày thấy là hình ảnh có thật của tương lai nếu kè được dựng lên như hiện tại…!”. Nước mắt Hải ứa ra, run lẩy bẩy khi nghe chú nói.

“Đừng sợ! Cháu hãy mở toang chuyện này cho pháp luật xử lý, cứu dân! Sau đó mọi thứ sẽ phục hồi, sống lại…”. Anh nghe giọng nói xa xa và bóng người dần khuất trong sương.

*

Lễ khánh thành khu tưởng niệm và tượng đài Chiến Thắng diễn ra vài hôm sau rằm tháng chạp. Cánh nhà báo cả nước đổ về xôm tụ nói cười. Âm nhạc rộn ràng và vũ điệu mừng xuân khuấy động bầu không khí buổi sáng. Dải băng đỏ giăng ngang sẵn sàng cho một công trình hướng về quá khứ và tương lai trường tồn?

Hải ngồi xuống nhìn quanh, mọi thứ đã khởi động, anh thở phào nhẹ nhõm. Các đơn thư vừa được viết hôm qua, rõ ràng rành mạch, đầy đủ họ tên chữ kí. Những dòng chữ từ căn phòng tù mù, nhưng khai mở ánh sáng, đã cất lên tiếng nói của thiện tâm và sự sống.

Sau những khúc dạo đầu râm ran là những lời phát biểu đầy hương vị Tết. Những khó khăn vất vả trong quá trình thi công, niềm tự hào được đóng góp, mơ ước ngày nào thành sự thật…v..v… Hải ngồi nghe, mồ hôi nhỏ trong lòng từng giọt.

Bỗng nhiên im bặt không nghe tiếng, chỉ thấy hình. Những lời nói hoa mỹ bay đi đâu mất, chỉ còn những bước đi, những khuôn hình dịch chuyển chậm chạp như trong mơ. Người đang phát biểu thì bỗng biến sắc mặt, cơ thể trương lên, bồng bềnh trắng bệch, dần trôi trong môi trường không trọng lực. Người khác, mắt không chớp được. Người khác nữa, miệng không khép được. Chỉ dăm ba người, họ… không sống? Rượu Val thôi sóng sánh, nối vệt dài đỏ đỏ. Buổi lễ biến thành một bộ phim quay chậm, có vài cảnh đứng hình, cứ thế mà kéo lê vài tập.

Cảm giác như có ai đang níu đẩy sau lưng, Hải bàng hoàng chợt tỉnh. Giai điệu cũ được nối lại, hớn hở ồn ào.

Anh bước nhanh lên sân khấu, giọng nói như chim bay khỏi lồng: “Thưa các đồng chí, thưa anh chị em! Có một điều mà tôi phải nói thật, không thể sống bằng dối trá được nữa. Nếu cứ tiếp tục thế này thì không chỉ tôi chết mà toàn bộ ngôi làng dưới kia sẽ chết… Chết cả nghĩa bóng, nghĩa đen…!”. Hải sụt sịt, không khí trong hội trường chùng xuống, ai đó cười phá lên.

“Đây là công trình tuyệt đẹp đầy ý nghĩa nhân văn, nhưng nó đã bị lợi dụng, tùng xẻo… Có lẽ trước đây tôi là một thằng chó chết, nhưng… giờ phút này không như vậy nữa, tôi phải sống lại dù muộn màng…! Hôm nay chúng ta ngồi đây và thừa hưởng những gì được đánh đổi bằng máu xương cha chú, vậy mà trả ơn như thế sao? Phải đối diện với tội lỗi, không thể khác! Toàn bộ đơn thư liên quan tới quá trình thi công vừa được gửi, nay mai sẽ có phản hồi”. Hải mím môi, cả hội trường chộn rộn, ai đó vừa ho vừa chửi rủa. Các phóng viên nhao nhao, họ quây quanh anh, xoáy vào trung tâm buổi lễ.

Sang tuần sau, một đoàn kiểm tra khẩn cấp đã kéo về. Khơi ra những mảng bê tông rời rạc thiếu mác, những đoạn giằng được đúc với lõi thép đơn sơ khiến mọi người kinh sợ. Vụ việc bắt đầu được mở ra trên các báo.

Đêm ấy Hải cứ trằn trọc mãi. Anh nghe mùa xuân chạy rần rần trong ngực, nhịp tim đều đều. Có tiếng hát tiếng đàn xa xa, anh vùng dậy, phóng xe hướng về nghĩa trang của chú.

Chiếc xe nhẹ nhàng rời khỏi mặt đất, chầm chậm lướt qua những ngọn cây, bay ngang qua mảnh trăng hạ huyền. Tiếng vạc sành vang vang từ ngàn xưa và bầy đom đóm chớp lòe trên hàng hàng mộ chí. Trong ánh sáng mờ mờ, nhìn rõ những nếp nhà ánh lên trong thung lũng. Văng vẳng tiếng cười tiếng nói của chú: “Cháu đã phục hồi, thực sự rời xa cái chết. Ha ha… Khá lắm! cháu vừa đồng hành với chú, có biết không…?”. Tiếng hát tiếng đàn cứ miên man, mùi nhựa thông và cỏ non phảng phất.

Sau cái Tết đó thì vụ án đã bị khởi tố. Các hộ dân nơi thung lũng được di dời về làng mới, ấm áp yên vui.

Nghe nói Hải đã vào nam làm ăn và lập gia đình với người yêu thời đi học. Không biết bây giờ anh có còn mắc chứng ảo giác nữa không?

Tháng 12/2020

L.H