Mẹ hiền – truyện ngắn của Nguyễn Thanh

1363

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nghĩ lại trong suốt cả cuộc đời, Hiếu bao giờ cũng cảm thấy mình hoàn toàn không phải là một con chiên hay tín đồ ngoan đạo tôn thờ giáo chủ ở cõi thiên đường xa xăm nào. Hiếu mãi canh cánh trong hồn một niềm tin thiêng liêng tối thượng trong gia đình khi đã xem người mẹ như thượng đế, luôn gần gũi với mình trong suốt cuộc đời. Lớn dần lên trong một ngôi nhà lễ giáo nho phong trong họ tộc, Hiếu sớm ngộ ra được bao điều ý nghĩa về đạo lý gia đình cha mẹ. Bên trong sự hy sinh thầm lặng vô bờ của cha, công ơn “chín chữ cù lao” của mẹ. Hiếu luôn ghi khắc trong tim và một mực yêu thương, kính trọng mẹ như một tinh cầu rực sáng. Hiếu đã coi mẹ như một mặt trời riêng chói lòa hào quang, lúc nào cũng tỏa ánh sáng sưởi ấm cho cuộc đời mình tự thuở bé thơ cho đến khi trưởng thành, từ ngày vui hạnh phúc hồn nhiên cho đến những chặng đường khổ ải gian nan dù khi Hiếu đã có vợ con ở tuổi xế chiều.

Những buổi trưa ở miền quê oi ả, hình ảnh mẹ ngồi trên võng, với  những ngón tay gầy guộc cồm cộm những những nuộc gân xanh thời gian, đang cầm chiếc kim nhỏ khâu lại từng mảng áo rách của cha và các con trong nhà. Dù còn nhỏ dại, Hiếu nhìn  mẹ, không thể vô tư ngồi yên tập trung học bài. Mẹ mới vừa qua tuổi trung niên chưa ao lâu mà suối tóc dài phủ trên vai gầy của mẹ đã bạc phau một màu khói trắng. Những khoảnh khắc ấy, Hiếu cảm thấy vời vợi trong lòng  một niềm xót thương một đời khổ cực tảo tần cho chồng và các con của mẹ.

Với Hiếu, trong đời nó không bao giờ quên  được nghĩa nặng ơn sâu chín chữ cù lao (Cù: vất vả; Lao: khó nhọc) bao la như nước đại dương của mẹ. Hiếu luôn tự hỏi với lòng mình khi bất chợt chướng mắt nhìn thấy những đứa con ngỗ nghịch với mẹ cha mà tự hỏi thầm:

– Có ai hiện diện trên đời, được sung sướng hưởng thụ dưới ánh sáng mặt trời, được nhìn hoa tươi cỏ đẹp mà không đi ra từ lòng mẹ (1. Sinh). Từ lúc còn nhỏ được bồng ẵm nâng niu (2. Cúc) mà không có bàn tay mẹ. Khi  còn bé bỏng, chưa biết chạy giỡn vui đùa, lúc ốm đau, khỏe mạnh, đứa con từ núm ruột rứt ra của mình luôn nhờ mẹ ẵm bồng, ôm ấp (3. Phủ), cho bú, phải mớm từng chúm cơm nhai nghiền nhỏ trong miệng (4. Súc). Tuổi ngây thơ vụng dại, con đi chơi xa nhà, mẹ không ngớt cảm thấy lo lắng trong lòng, hết sức ngóng trông (5. Cố). Tới lúc tập tễnh cùng các bạn nhỏ bắt đầu cấp sách đến trường, dù mẹ triền miên bận rộn lo toan công việc tề gia nội trợ trong gia đình, người hiền mẫu vẫn không quên kèm cặp, dạy dỗ (6. Dục), dịu dàng khuyến khích con để hỗ trợ cùng thầy cô nó ở nhà trường. Tình cảm bao la, cao quý nhất thể hiện ở mẹ là mãi chung thủy một lòng thương con, nuôi dưỡng con suốt đời (7. Trưởng) cả đến những khi con trót sơ sót lỗi lầm. Với con cái, mẹ không tính toán mà tìm cách ủng hộ, đùm bọc che chở mãi con cho đến khi trưởng thành có được một vị trí trong xã hội. (8. Phục và 9. Phúc ). Những khi  đó, Hiếu tỏ ra rất khó chịu khi nghe có người phát biểu những lời nghịch ngợm không suy nghĩ có thể làm xúc phạm đến hình ảnh thiêng liêng của người mẹ hiền: Mẹ già như trái chín cây/ Gió lay mẹ rụng biết ngày nào chôn! Thay vì họ phải ca ngợi mẹ: Mẹ già như chuối ba hương/ Như xôi nếp hột, như đường mía lau.

Đinh ninh bất biến một tấm lòng hiếu thảo với mẹ, Hiếu đã tìm cách để ghi nhớ  ý nghĩa sâu xa chín chữ  cù lao như một âm giai thánh thiện nơi giáo đường hoặc chốn thiền môn bằng cách đặt thành một bài thơ Haiku: Sinh cúc phủ/Súc cố dục/ Trưởng phục phúc để làm phương châm đạo lý xử sự với mẹ cha. Mới vào lớp sơ đẳng ở làng quê, chữ nghĩa còn thưa thớt, nó vẫn xé lấy tờ giấy học trò vẽ nguệch ngoạc vào đó rồi trét cơm dán vào vách gỗ ở một góc phòng học riêng  trong nhà mà cha đã đặc biệt dành riêng cho đứa con ham học. Một hôm khác, thấy đứa cậu ấm buổi trưa không đi chơi ngoài vườn cùng các bạn nhỏ trang lứa trong xóm, mắt nó nhìn đăm đắm vào cuốn sổ tay, miệng ê a một cách say sưa, cha Hiếu đi nhẹ đến gần con tình cờ phát hiện ra trong đó những câu ca dao: Mẹ già ở túp lều tranh/Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con// Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra// Dưỡng sinh nghĩa nặng non cao/ Thờ cha kính mẹ, lòng nào dám phai…

Chân dung cao đẹp của người con ngoan điển hình như thầy Tử Lộ và tiến sĩ nhà thơ Phan Thanh Giản… vô cùng hiếu thảo với mẹ cha khi đã rạng rỡ công danh trên đường khoa hoạn, Hiếu mãi coi là những tấm gương sáng cho con người ngoan có đạo đức trong mọi thế hệ. Lớn lên đỗ cao sang Trung học, Hiếu cũng hay mượn đọc “Nhị thập tứ hiếu” của bạn vì tâm đắc với nội dung trong sáng của mỗi truyện trong sách.

Học tập tốt theo gương sáng của những danh sĩ hiền triết ngày xưa, phấn đấu không ngừng bồi dưỡng kiến thức ở trường học lẫn trường đời vốn được coi và một trường học lớn, Hiếu luôn lạc quan tin tưởng mình là người hữu ích cho xã hội .

Trước thảm cảnh chướng tai gai mắt đôi lúc xảy ra, Hiếu đã tỏ ra không thể nào yên tâm, vô cùng đau xót trước cảnh những người con bất hiếu đáng bị trời đánh đã đối xử với cha mẹ không còn chút đạo lý nghĩa nhân. Thậm chí trong cơn lồng lộn thú tính, có kẻ vô nhân vì lý do không đâu đã dám giết ông bà hoặc cầm dao nở đoạn tuyệt sinh mệnh của người đã mang nặng đẻ đau ra mình! Những ác nhân không tim mang độc tính cá biệt đó khiến dư luận xem họ không còn là con người mà chỉ là loài sinh vật hai chân từ trong lỗ nẻ chui ra vì những hành động tệ bạc hơn loài dã thú ở chốn rừng hoang.

Những ngày giỗ ông bà tổ tiên tại nhà bác Chín Hậu ở rạch Cái Tắc, ngang vựa lựa lúa cũ của bà ngoại Bảy Phố ông Tây Việt Minh mỗi năm tổ chức rầm rộ đông vui không khác ngày hội lớn ở làng quê. Từ một đêm hôm trước ngày chính cử hành lễ cúng kiến ông bà, bà con nội ngoại gần gũi trong thân tộc đã có mặt gần đông đủ mỗi người lãnh một công việc. Đêm ấy vào tiết Trung Thu quang đãng. Ánh trăng vàng lung linh giải lụa cả bầu trời quê êm đêm thơ mộng.

Trong ngôi nhà cổ thờ tự hằng mấy mươi đời con cháu gìn giữ, cô Ba Hiếu ngồi giữa bộ ván gỗ xưa bóng láng, miệng vừa ngỏn ngoẻn nhai trầu, mắt nhìn Hiếu đang đứng bên châm trà, chậm rãi nhắc chuyện xưa cho đám con cháu nghe.

Cậu Chín Hậu, ba thằng Hiếu, thuở trẻ là một trang thanh niên phong lưu tài tuấn còn hơn một công tử Bạc Liêu vì giỏi làm lụng mà còn biết chơi văn nghệ tài tử. Sau mùa màng làm ăn cật lực, đêm đêm cậu Chín thường mang đàn kìm đi ca hát đàn địch với bạn bè cùng trang lứa. Chỉ tội chỉ thương cho mợ Chín, má các cháu lúc nào phải có mặt cũng tức trực ở nhà lo cho đám gà vịt và đàn heo trong chuồng. Cô Ba Hiếu vừa nói vừa nhìn ra sau hướng nhà bếp nơi có mẹ Hiếu đang săn sóc cho lò bánh to kềnh nước đang sôi ùng ục trên ngọn bập bùng. Ngoài sân vuông sân phơi bằng phẳng, giữa những hàng cây sa bô sai oằn trái chín óng lưỡng, đám con cháu đang vui vẻ, tưng bừng đánh dượt võ thuật với nhau.

Hằng năm, cứ bắt đầu đến gần mùa Vu Lan với những ngày mưa già sùi sụt, giông bão thét gào ngoài bầu trời tối tăm lạnh lẽo, Hiếu cảm thấy ngậm ngùi khôn nguôi nuối tiếc về hình ảnh thân yêu của mẹ cha khuất núi không thể nào tìm lại được trong đời mình: Ngó lên nhan tắc đèn mờ/ Muốn nuôi cha mẹ bây giờ còn đâu.

Chao ôi! làm sao tôi có thể kéo lùi lại được thời gian đã mất trong bao nhiêu thập kỷ qua mau để cuộc đời mình ấm áp lại bằng hơi thở và tiếng nói của mẹ, được hông nóng lại bằng ánh nắng ấm áp của mặt trời riêng đời tôi. Không gian bên ngoài đường phố nước dâng lênh láng, gió thổi  xạc xào, Hiếu ngồi ở phòng văn hiu quạnh đăm chiêu lẩm bẩm một mình: Vắng cha, ăn cơm với cá, mất mẹ liếm lá đầu đường.

N.T