Một đời đợi một người

676

Hồ Xuân Đà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một đời đợi một người là tập truyện ngắn thể hiện sự chăm chỉ miệt mài, tận tâm dành cho văn chương của Bùi Đức Ánh.

 Tập truyện ngắn Một đời đợi một người 

Trong hội Nhà văn Thành Phố Hồ Chí Minh, tất cả mọi người đều biết đến Bùi Đức Ánh với danh xưng là một nhà thơ, một nhà thơ tình, mang đầy hơi thở lãng mạng, yêu đời thiết tha. Tác giả đã xuất bản 5 tập thơ, song song đó lần lượt ra đời những tập truyện ngắn. Có thể nói rằng, với sức sáng tác chăm chỉ, miệt mài đến như vậy, thì người viết phải dành tất cả tâm hồn mình, thời gian của mình, cùng sự quan sát cuộc sống vô cùng tỉ mỉ, lắng nghe thật tận tâm với những câu chuyện đời, chuyện người thì mới có thể thấu cảm từng nhân vật, thấm đẫm bao cảm xúc về cuộc đời, sống cùng, khóc cùng, cười cùng, vui buồn lẫn lộn cùng các nhân vật của mình để sắp đặt thành những câu chuyện logic, mang tính chất nghệ thuật, và truyền tải những thông điệp mang giá trị nhân văn.

Chắc chắn rằng tác giả Bùi Đức Ánh hiểu được vai trò của một nhà văn, nhà thơ trong xã hội hiện đại, nên ông hết lòng đặt từng viên gạch câu chữ, sao cho đầy tính truyền tải dễ hiểu, dễ cảm xúc, dễ đồng cảm, lay động trái tim con người, dẫu con người đó, có là cứng cỏi như đá tảng, hay lạnh như băng tuyết mùa đông, thì khi đọc văn của Bùi Đức Ánh sẽ mềm lòng, sẽ dịu dàng hơn, nồng ấm hơn, biết nghĩ lại hơn. Người ta vẫn thường nói, cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim, thì Bùi Đức Ánh viết văn dốc cạn cả những giọt nước mắt ở tuổi xế chiều, ở cái dốc sắp đến bên kia cuộc đời, mà vẫn thật yêu đời, yêu cuồng nhiệt cuộc sống này, tư tưởng đó – cách sống đó trong từng mạch văn phải chăng rất xứng đáng được độc giả trân trọng. Mà cũng đúng như nhận định đó, suốt những năm tháng bắt đầu hưu trí của mình, tác giả đã tận lực, tận tâm, tận cả tấm lòng- tư tưởng cho văn chương nước nhà, ông hào hởi sáng tác, ông nhiệt tình tham gia các hội nhóm giao lưu văn học, thơ ca.

Sự tích cực đó, tình yêu đó với thơ văn không dễ gì ai có được. Và khi đọc truyện “Nỗi buồn của nhà văn”, trích trong tập “Một đời đợi một người”, ta sẽ thấy nỗi buồn, sự ưu tư của Bùi Đức Ánh không chỉ đơn giản là tình yêu nam nữ, mà nó là cái nhìn trước thời cuộc, những điểm mạnh, điểm yếu của một xã hội đang phát triển tốt đẹp, vẫn sót lại đâu đó những thân phận người phụ nữ, chưa thể có được sự công bằng trong vấn đề bình đẳng giới. Đoạn  trích trong câu truyện, xin được giới thiệu cùng bạn đọc, đề cảm nhận tấm lòng, sự tận tâm với văn học của nhà thơ Bùi Đức Ánh.

“Cô đẹp trong mắt tôi, trong tâm hồn tôi như là một thần tượng, bởi cô là một cô giáo, nhưng thêm một chức danh nữa của xã hội, đó là nhà văn. Cái danh nghĩa của một người cầm bút, nó đẹp đẽ như viên pha lê, bởi có lúc cô nói với tôi: “Làm văn nghệ có tài nhưng phải có tâm để tôn vinh cái đẹp đến cho mọi người- không nên chia bè kết cánh, cục bộ địa phương, như đi đánh trận mà có thắng thua. Bởi làm văn nghệ  trước hết là người có văn hóa, có tư tưởng cao hơn những manh áo đời thuở như cơm ăn áo mặc, mà cần xem như việc viết văn làm thơ như một sứ mệnh cao cả, giải thoát cho con người những hỉ nộ ái ố, giúp con người giác ngộ khi sai cơ lỡ bước, tìm đường ngay thẳng, có đạo lý mà đi”. Nghe cô nói vậy – mà lòng tôi rưng rưng.” 

Một tác giả Bùi Đức Ánh như đang trẻ lại, như tuổi vừa đôi mươi làm chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động trong truyện ngắn: “Hoa Nguyệt Quế”. Một câu truyện với những cảm xúc, tình yêu thời sinh viên với khát vọng vào đời, định hình nên những tư tưởng sống vươn lên trong cuộc đời này: “Ngày em thi đỗ đại học, một trường sư phạm. Tôi mừng, vì Nguyệt Quế sau này sẽ trở thành đồng nghiệp của tôi. Nhưng không, vào đại học được một năm Nguyệt Quế, qua một cơn sốt, đến bệnh viện được bác sĩ chẩn đoán, em bị một loại bệnh hiếm gặp, bệnh lupus ban đỏ, một căn bệnh tự miễn, là do cơ thể có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch. Căn bệnh hiếm gặp, mà các công ty bán bảo hiểm đều liệt kê vào danh sách bệnh hiểm nghèo, và từ chối ký hợp đồng bảo hiểm. Tra cứu thông tin từ các nguồn, tôi cảm thấy bất an cho em. Nguyệt Quế xinh đẹp, lại thánh thiện trong từng suy nghĩ em nói, em hành động. Em bắt đầu tự vượt qua những khó khăn khi phải sống chung với bệnh. Bác sĩ khuyên em nên dùng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng, sống lạc quan yêu đời thì căn bệnh không có là gì, vẫn có rất nhiều người sinh con đẻ cái, lập gia đình dù trong người mang căn bệnh này”.

Trong câu truyện: “Mai Khôi – tình đầu của tôi”. Một câu chuyện mang đầy hơi thở, tâm hồn của một nhà thơ viết văn. Một tâm hồn luôn hường thiện, hướng tới cái đẹp, yêu thương cuộc đời vô hạn, để người đọc thêm quý mến, thêm yêu thương từng trang viết miệt mài như con ong thợ, của nhà thơ Bùi Đức Ánh. Xin được trích một đoạn trong truyện này: “Lần đầu tiên tôi gọi chính tên em. Đó là lần tôi biết em thuộc về người khác. Là hoa có chủ, là gái đã có chồng. Một mối tình thầm, mãi mãi sẽ câm lặng suốt đời, khi đã bao lần tôi muốn nói mà không thể nói, bao lần tôi muốn nắm tay em rồi rụt rè giấu lại, nhủ lòng mình chờ đợi ngày mai, nhưng tình yêu thì không bao giờ chịu chờ đợi.

Giữa những cảm xúc của con tim và những lý lẽ của lý trí đấu tranh cùng nhau. Và một con người như tôi, với sự ảnh hưởng giáo dục của một người cha nghiên cứu về nho giáo, và một người mẹ khắt khe trong từng con chữ đã làm nên một thằng con trai là tôi đây luôn hành động lấy lý trí quyết định tất cả. 

Và nàng, tình yêu đầu đời của tôi sẽ thuộc về người khác, tôi chỉ còn giữ lại hình bóng của nàng trong tâm trí, về những kỷ niệm suốt khoảng thời gian tươi đẹp trong màu áo trắng học trò. Một cuộc tình đầu tiên như viên pha lê lấp lánh, như nàng mimosa chỉ để tôi thơ thẩn nghĩ về. Có một loại tình yêu như vậy, chỉ nghĩ đến thôi, là cảm xúc dâng trào, biết mình đã từng yêu như thế. Một tình yêu theo tôi từng tháng, từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây…”

Một đời đợi một người – tập truyện ngắn là tác phẩm thứ 13 của Bùi Đức Ánh, một nhà thơ viết văn, với sự lao động văn chương nghiêm túc, có trách nhiệm với đời, ngợi ca cái đẹp, tình yêu quê hương, xây dựng cuộc sống, thì tập sách không chỉ dừng lại ở một tập truyện mang tính chất tình yêu lãng mạng, tha thiết, mà sâu thẳm trong đó là những thông điệp tác giả muốn truyền tải là con người cần được yêu, cần được quan tâm, để sống – cống hiến – và làm việc, xây dựng – kiến tạo xã hội loài người.

 H.X.Đ

Hội Nhà Văn TPHCM