Một tấm lòng thơ

1005

Nguyễn Thị Thu Thủy

(Nhân đọc tập thơ “Giọt mặn” của Trần Văn Thọ, NXB Hội nhà văn 2021)

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Thơ khởi phát từ lòng người ta” (Lê Quý Đôn). Khi tâm hồn con người ngân lên những cảm xúc, thơ cũng bắt đầu từ đó; thơ là nhịp cầu nối những tấm lòng, vì vậy sự chân thực, giản dị phải là phẩm chất tất yếu. Đến với tập sách của Trần Văn Thọ – Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng – có nhan đề thật gọn: “Giọt mặn”, ta được đọc những vần thơ chân thành của một trái tim không ngừng đập vì cuộc sống, tình yêu.

Giọt mặn là giọt kết tinh từ cảm xúc; lắng sâu qua những thăng trầm, va đập của đời người.

Trần Văn Thọ vừa là họa sĩ vẽ tranh biếm, vừa là nhà thơ. Thông thường nghe một họa sĩ biếm làm thơ, người ta dễ nghĩ thơ họ sẽ là thơ châm biếm, thơ thế sự. Song tiếp xúc với những tập sách anh đã xuất bản, ta hoàn toàn bất ngờ với những vần thơ dạt dào, da diết với tình đời tình người.

Sau tập thơ đầu tay “Về bến sông đêm” (2017), “Hương xưa” (tập ca khúc phổ thơ) (2020); Trần Văn Thọ vừa cho ra mắt tập “Giọt mặn” với 75 bài thơ 4 câu (tập thơ vừa ra mắt đầu năm 2021).

Con người si tình đến ngất ngây ở trang thơ trước, tiếp tục được phơi trải lòng mình với đề tài tình yêu vốn đã sở trường, và mảng thơ này chiếm nửa số bài trong tập thơ mới này. Thơ ca với Trần Văn Thọ là nơi gửi gắm hoài niệm về những cuộc tình “thầm kín chưa lần ngỏ”, để suy cảm “men tình ai ủ mà say lạ đời”, tự mình “nhớ nhung nhuộm tím cả vườn tương tư” (Chiều nhớ).

Một bóng hình chỉ còn trong dĩ vãng nhưng với người thơ như còn hiển hiện quanh đây. Và nỗi buồn, niềm nhớ, lòng tơ vương muôn đời nay vẫn là cảm thức quen thuộc của thơ: “Một tay đậy điệm nỗi buồn/ Một tay níu sợi hoàng hôn úa màu” (Lạc đêm). Sợi dây tình mong manh, ai có thể níu kéo được khi đời ta chạm ngõ hoàng hôn. Dẫu có hẫng hụt, xót xa nhưng tình yêu trong thơ Trần Văn Thọ đầy vị tha, bao dung. Đó một cách nhìn nhân văn của một trái tim yêu mãnh liệt, thiết tha: “Em xuôi phố thị xa quê cũ/ Thu Bồn sóng nước cuốn lời yêu/ Ngẩn ngơ sông rộng đò lỡ chuyến/ Chẳng kịp cho anh vớt bóng chiều (Bóng chiều)…

Bên cạnh mảng thơ viết về đề tài về tình yêu, Trần Văn Thọ còn dành nhiều sáng tác cho quê hương và gia đình; đây chính là điểm tựa về tinh thần, tạo nên sức bật cho thơ anh. Quê gốc ở vùng ngoại ô Huế; nhưng vì mưu sinh, cha mẹ anh phải rời làng vào chốn thị thành. Nỗi nhớ làng quê với những năm tháng tuổi thơ gắn bó cùng dòng sông bên nhà; có hương hoa dủ dẻ thơm nồng và tiếng chim lạc loài “bắt cô trói cột” thao thiết chảy trong những vần thơ anh. Kí ức một thời trẻ con chơi trò nặn đất sét, làm cối xay hột xoài, đi chợ Nọ luôn gợi nhiều ám ảnh: Hột xoài hóa chiếc cối xay/ Ta- em xoay tít vòng quay tiếng cười/ Bể dâu hóa cối xay đời/ Lãng quên chiếc cối hột xoài, sao em? (Cối xay hột xoài).

Dòng xúc cảm của nhà thơ tuôn trào nhất khi nghĩ về cha mẹ. Giọt mồ hôi mặn chát của đấng sinh thành phôi thai cho giấc mơ thơ ca ở anh và người con trai xa quê ấy đau đáu niềm thương cha nhớ mẹ: Giọt dài níu giọt vắn, thưa/ Mồ hôi mẹ mặn đẫm thừa nắng phơi/ Giọt rơi, từng giọt mặn rơi/ Thành hoa thành hạt thành lời thơ con” (Giọt mặn) hay: “Chiếc xe cọc cạch trên đường/ Còng lưng cha chở gió sương cuộc đời/ Mồ hôi ướt đẫm nụ cười/ Bóng cha lẫn với mây trời hoàng hôn” (Bóng cha). Giọt mồ hôi chát đắng của mẹ cha không chỉ xuất hiện trong những vần thơ này mà đã trở thành nhan đề của tập sách, chứng tỏ đây là một thi ảnh đầy sức ám gợi, thầm gửi niềm biết ơn sâu sắc của người con tha hương đối với bậc sinh thành.

Ở những bài thơ viết về các đề tài khác như: nhân sinh, Thiền… thi sĩ thể hiện lòng yêu cuộc sống và truyền cho độc giả những tin tưởng, hi vọng. Để có được điều đó con người cần chọn một thái độ an nhiên, buông bỏ mọi ưu phiền: “Lời kinh chùa quyện hương sen/ Gột sân si lẫn bon chen đời này/ Hái cành sen ướm trên tay/ Đóa hoa vừa nở đã đầy sắc hương” (Ngộ).

Suốt 75 bài thơ ngắn, Trần Văn Thọ luôn dành nhiều ưu ái cho thể thơ mang đậm linh hồn dân tộc: lục bát. Đây vốn là một thể quen thuộc nhưng cũng đầy thách thức nếu người viết không “chắc tay”. Trong kết cấu mỗi bài thơ lục bát bốn câu, hai câu đầu thường viết theo thể hứng của ca dao, và từ những sự việc hiện tượng quan sát được ấy hai câu cuối chuyển tải giúp anh những nỗi niềm. Người đọc không khỏi suy tư khi bắt gặp hình ảnh: “Soi gương chải tóc mùa xuân/ Sợi hiu hắt, sợi lo toan, xô bồ/ Chải vào kí ức hư vô/ Chợt thương một thuở hương bồ kết thơm” (Chải tóc). Từ hành động chải tóc, thi sĩ gửi vào đó niềm thương nhớ mái tóc dài của cô thôn nữ thơm thơm hương bồ kết; tiếc nuối vì giá trị truyền thống ấy có thể mai một bởi cơn bão lốc của cuộc sống hiện đại.

Đến với những trang thơ của “Giọt mặn”, ta gặp một Trần Văn Thọ tha thiết dâng tặng đời những quả ngọt kết tinh từ lòng đam mê sáng tác. Dẫu trong tập sách vẫn còn đôi bài ý tứ và thi ảnh chưa thật độc, lạ nhưng thơ ca vốn là tiếng lòng chân thực, sâu thẳm nhất, “thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã thật tràn đầy”. Có lẽ, độc giả gần xa luôn mong chờ, hi vọng những đột phá mới của Trần Văn Thọ trong thời gian sắp tới để hồn thơ anh thêm tròn đầy và giàu sức ngân rung.

N.T.T.T

Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng