Nguyễn Thị Phụng
(Đọc Bóng Rồng, tập truyện ngắn của Triều La Vỹ, NXB Hội Nhà văn 2020)
(Vanchuongphuongnam.vn) – Bóng Rồng dưới góc nhìn nhà văn vừa day dứt khôn nguôi, vừa chân tình phóng khoáng, vừa hồn nhiên mơ mộng ùa trên mỗi nhân vật trong mỗi cốt truyện được khai thác triệt để, không trùng lặp đó chính là phong cách sáng tác của Triều La Vỹ.
Bóng Rồng – tập truyện ngắn của Triều La Vỹ
Triều La Vỹ tên thật là Nguyễn Văn Thành, quê quán Phù Cát. Anh là bác sĩ chuyên khoa mắt của Trung tâm mắt tỉnh Bình Định. Khi còn là sinh viên đã đạt giải các cuộc thi thơ Đại học Y Huế năm 1991, 1995; Báo Mực Tím 1992, và có chùm thơ hay nhất năm 1997 của Tạp chí Sông Hương; Đến 2015, anh tiếp tục tham dự Cuộc thi Sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định. Tất cả đều Giải nhì (không có giải nhất), sau đó Nhà thơ được đăng quang Giải A Đào Tấn – Xuân Diệu (2010-2015) với tập Nhật ký đêm. Triều La Vỹ thuộc thế hệ 7X có gia tài thơ khiêm tốn: Bên kia lời hẹn (NXB Thuận Hóa-1996), Nhật ký đêm (NXB Văn học-2015), Ba bờ nắng in chung ba tác giả. Với bài “Cánh đồng” Triều La Vỹ được xếp vào mục Tiếng thơ quen thuộc trên sóng VOV2.
Trước và sau khi đạt giải Nhất truyện ngắn về đề tài lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định(2015), cho đến nay, vì sao Triều La Vỹ vẫn duy trì lựa chọn sáng tác truyện ngắn về lịch sử, bởi theo anh thì: “Viết truyện có yếu tố lịch sử quả thực khó. Vô cùng khó. Nhưng có khó khăn và thách thức, hạnh phúc mới thực có ý nghĩa”. Cái ý nghĩa ấy giúp anh thăng hoa ở Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Lửa mới, Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2017- 2019).
Và Bóng Rồng (NXB Hội Nhà văn- 2020) là tập truyện ngắn đầu tay của anh. Trong chừng mực viết về đề tài lịch sử, mỗi nhân vật xuất hiện đều là tiếng nói của nhà văn về cuộc đời và danh phận của họ. Như từ buổi đầu sơ khai đánh giặc giữ nước có Lời hứa hoa cỏ may (tr.45) cho đến các vương triều phong kiến đầy quyền lực, những cuồng vọng bất an phế truất ngai vàng, bảo vệ biên cương và sự an dân trong các truyện còn lại, đầy thử thách diễn ra từ thời Trần, Lê, Mạc cho đến cuối thời Nguyễn. Các nhân vật trong giai đoạn lịch sử ấy vẫn tồn tại theo cấu trúc chặc chẽ ở mỗi cốt truyện, đậm màu sắc thi ca đều thể hiện chủ đề nhất định. Phải chăng lợi thế nhà thơ Triều La Vỹ viết truyện ngắn đầy cảm hứng khi hòa mình trên mỗi trang văn của mình.
Không là thuyết minh cho Bóng Rồng, nhưng với Trầm hương (tr. 196) qua góc nhìn thi sĩ Tản Đà đã lí giải được mọi sinh hoạt văn hóa vùng miền đều có nét riêng cho ta yêu quý như việc xem tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, những cô gái dệt lụa ở Phú Phong – Tây Sơn. Cái bất biến lưu vào giấc mơ đẹp, hay đẹp như một giấc mơ. Tất cả tồn tại qua thời gian nếu được duy trì và phát triển. Suy thịnh cũng từ lòng người, khi cái tâm được khai sáng. chẳng chút ngỡ ngàng sự thật tất yếu xã hội.
Cho đến cái khí khái của một “Ông chảng ngang thiên” Đinh Văn Nhưng ở Bàng Châu có đủ tài nghệ trong Hoàng mai tửu (tr.219), bởi quá biết Gia Long không đội rời chung với Quang Trung, bởi thân xác Nguyễn Huệ đã bị giã nát rồi vứt xuống sông. Nên khi nghe “vua” vào Quy Nhơn, đâu dễ gì lệnh ông đến hầu. Điều đó khó che đậy bạo quyền quân vương: “Vua Gia Long cười gằn:- Ta là đế vương, đi tới đâu cây cỏ phải rạp mình tới đó. Đầu của trăm họ kiếm ta còn lạ gì, sá chi đầu của một lão gàn. Chẳng qua là… Vua im bặt. Bọn tả hữu biết ý đều cúi đầu lui ra. Ai cũng bấm bụng nhịn cười”(tr.220).
Đọc qua Mùa cá linh (tr.96) thời Minh Mạng, hễ đúng phép nước yên dân, là sự hòa hợp với các dân cư khác, là những trăn trở ưu tư của vị trung thần Lê Đại Cang đầy thăng trầm hiếm thấy trong đoạn văn: “Một thoáng trầm tư lướt qua khuôn mặt dạn dày sương gió của Lê Đại Cang. Ông đưa tay khẽ vuốt những sợi tóc mai lòa xòa trước trán của người thiếp yêu như để làm nàng yên lòng, giọng Cang trầm tĩnh và bình thản như thể đang nói với chính mình: – Nhờ làm lính ta hiểu thêm lòng quân sĩ khi lâm trận. Nhờ chiếc đòn khiêng võng ta mới biết lưng mình thẳng, như một cách để học làm người. Ta tin, lòng chí thành và trung nghĩa của ta sẽ làm minh quân cảm động…” (Mùa cá linh/tr.114). Ở Phù sa sông Nhị (tr.182), chỉ có kỉ cương và sự nghiêm minh trong việc bảo vệ đê điều, dân mới an cư lạc nghiệp. Bạn đọc có thể hả hê ở phần cuối truyện như bộ phim hình sự thỏa đáng.
Nếu như trong Mạc trà (tr.05) Triều La Vỹ đã khai thác của bậc võ nghệ Nhân Quốc công Mạc Đăng Dung đầu truyện, qua lời nhân vật “tôi” từng là người bạn tuổi thơ, sau đó được theo cùng Đô lực sĩ Đăng Dung vào cung và chỉ để pha trà, đằng sau mấu chốt bức tranh lụa Thiếu nữ… Rồi đầy uy quyền “…ra lệnh chém bêu đầu bọn thị vệ thân cận của vua vì ngờ chúng mưu tạo phản. Vua hãi quá chết giấc trên ngai vàng…”. Và nạn nhân chính là Mị gánh đòn roi tàn bạo của vua Quang Thiệu, rồi được Vú Lài giải cứu trốn khỏi cung. Đây chính là chi tiết vô cùng nhân văn. Diễn biến truyện không giấu được nỗi căm phẫn nhân vật Đăng Dung trước và sau khi xưng đế: đau khổ và oán hận vương vãi, chất chồng. Giết cả vua và cận thần thân tích, san bằng cả tôn miếu nhà Lê… Cho đến cái kết tìm về cõi tịnh mà dằn vặt khôn nguôi.
Ngẫm ra từ một nhân chứng Mạc trà qua “Bức tranh thiếu nữ” thay đổi cả ngai vàng trong vũng máu nội cung hoàn toàn trái ngược với Tuyết mai Yên Tử (tr.120), thời Trần thanh cao đầy niềm tin và sức mạnh trong sự đồng lòng trước điện Diên Hồng, cho sự tiếp nối bao thế hệ. Về kí ức không thể quên, sang sảng: “… Trận Đông Bộ Đầu ác liệt nhưng oai hùng nhất đời nội đó con...”. Còn kể tiếp cho vị khách- Sư thầy nghe: “Thằng con trai lão là tướng tiên phong dưới trướng Hoài Văn hầu Quốc Toản đấy. Đánh cừ lắm. Giặc Thát cứ nghe tên là khiếp vía bỏ chạy. Nhưng giặc tan bao năm rồi mà nó không về ông ạ”(tr.134). Rồi cho đến đời Tùng, cháu nội duy nhất “Nếu giặc lại đến cụ lại cho cháu lên đường”. Môt cái kết nhẹ nhàng mà sâu lắng dẫu nhà văn không nhắc lại ngai vàng – cung nữ của thực tại sao có thể đổi lấy thái bình và yên dân được. Mọi xáo trộn tâm hồn cũng được thời gian làm ấm lại.
Ở nhân vật “tôi” trong Gương mặt thủy thần (tr.75) đầy ám ảnh giữa hiện thực và giấc mơ về cái hạnh phúc mong manh tấm lòng người mẹ luôn trổi dậy ở nhân vật “tôi”. Dẫu biết ý vua là ý trời. Việc hiến thiếp cầu nghiệp đế không tránh khỏi. Một Thị Lộ đức hạnh tài năng đã cảm hóa được một Nguyên Long hụt hẫng. Và bản năng khó kiểm soát của Nguyên Long gây ra nhiều bất trắc cho Thị Lộ. Tất cả không thoát được dẫn đến bi kịch cuối truyện.
Riêng Lửa hát (tr.138) Nhà văn cháy hết mình cho một truyện kể rất chỉn chu dù không lời thoại, sự hồi hộp lo âu song hành cùng thời gian trong thắng bại, không thể thắng là vua thua là giặc, rất hiếm thấy cách hành xử ở một tướng lĩnh Trần Quang Diệu: “… Ra lệnh tha chết cho tất cả hàng binh. Quân lính Tây Sơn không ai được tơ hào một thứ gì của dân. Ông còn cho khâm liệm, chôn cất tử tế Võ Tánh và Ngô Tùng Châu theo quan lễ nghi gia thời Cảnh Thịnh”(tr.154).
Vẻ đẹp cốt cách Nguyễn Huệ – Quang Trung được dẫn dắt của nhân vật “tôi”, từ những hận thù đến trân quý Nhậm trong Dưới hiên Văn miếu*(tr.24). Ngỡ một Ngô Thì Nhậm ngạo mạn nhưng đầy bản lĩnh, lại trăn trở ê chề. Sự đồng cảm ở họ đều có nét chung: “Nhưng dù Nhậm với tôi như nước với lửa, như ánh sáng với bóng tối, chúng tôi luôn có một vùng giao thoa giống nhau là văn chương, chữ nghĩa. Nhờ thi phú tôi nhận ra Nhậm thanh sạch trong tâm hồn. Nhờ chữ thánh hiền tôi biết lòng Nhậm đầy những khao khát tận hiến như bao kẻ sĩ thời loạn”(tr.28). Và chính điều đó, trong mắt của Nguyễn Huệ – Quang Trung chỉ có một Ngô Thì Nhậm đầy tin cậy và trao quyền… Phải chăng không gian Dưới hiên Văn miếu đã nói lên được bao điều về thái độ của bậc trung quân ái quốc. Nó như kế thừa từ một bậc quân vương thời Trần đã nhận ra những non nớt mê hoặc khó mà tránh khỏi thuở ấu thơ trong Vết xăm hình rồng (tr.165) dằn vặt đau đớn tột cùng: “…Ta đã chối bỏ cắt lìa nguồn cội một thời sông nước lẫy lừng của tổ tông, ta đã đánh mất bản năng ngụp lặn của tộc Trần!”(tr.180).
Từ Vết xăm hình rồng cho đến Bóng Rồng (tr.56) có chung chủ đề tự tôn dân tộc dẫu là khoảng cách thời gian bao thế kỉ, một khi vương quyền pháp chế phải nằm trong tay của kẻ ngoại xâm khó mà tránh khỏi xung đột, mâu thuẫn. Bóng Rồng nói về Nguyễn Thị Định, vừa hồn nhiên lại khiêm tốn và kín đáo chính là bản chất thánh thiện vốn có của người con gái đất An Nhơn, hay khi những năm tháng ở hoàng cung. Để rồi “Cái điều bí mật ấy vén lên vào mùa hạ, tháng tư, năm Bính Thìn khi cả nước bàng hoàng đau đớn nghe tin cuộc khởi nghĩa Duy Tân bị dìm chết trong trứng nước. Vua Duy Tân cùng vua cha là Thành Thái bị đày biệt xứ. Định cùng con gái là Mệ Cưởi mới mười hai tuổi và con dâu Mai Thị Vàng xuống thuyền đi theo hai vua đến xứ người. Đêm ấy, làng Kim Châu chết lặng, con sông Trường Thi cuồn cuộn máu phù sa”(tr.70). Còn kẻ sĩ thì mài mực thảo văn tìm về Ức Trai tiền bối – người viết Bình Ngô Sách, về Tố Như tiên sinh đang mài trăng mà nhọc lòng, đâu dễ gì thoát tục trăn trở “Mai kia có loạn buôn chữ, nhà nhà làm thơ. Ta không viết nữa, ai còn nhớ Tố Như này. Nói xong ôm mặt khóc…” – Cầu tiên (tr.155).
Nguồn cội yêu nước trong vẻ đẹp Lời hứa hoa cỏ may (tr.45). Cách nhìn mới mở đầu ba dòng văn: “Giừng có chửa/ Bà giáo trề môi/ Cả làng Vệ nhốn nháo”. Nhưng người con gái dậy thì vẫn bình tâm thỏa thích dẫm trên những bước chân vào vườn cà trong đêm trăng thơ mộng… Rồi đứa bé ra đời, được người chị đặt tên Gióng là để nhớ cái nghề sinh nhai của ông bà, cha mẹ. Tuổi thơ Gióng nằm yên bên cạnh tuổi thơ cánh diều tre và cây sáo trúc của thằng Mẹt giữa trời háo hức. Người mẹ qua ba mùa rẫy khao khát con thả được cánh diều mà thằng Mẹt làm sẵn dành cho em Gióng. Rồi khi cả xứ mất mùa, giặc phương Bắc chực vào, vua bụm miệng chưởi đổng một lũ ăn hại nhát chết, cho loa đi khắp nơi cầu hiền tài. Từ thằng Mẹt tám tuổi đòi đi đánh giặc. Người mẹ trăn trở thốt lên: “Đất nước đang nguy nan. Gióng ơi. Ngày hội làng bọn nó giành giựt nhau để được ngồi ghế cao chiếu rộng, xâu xé nhau để được ăn mâm cao cỗ đầy. Sao việc cứu nước cứu nhà lại cần một đưa lên ba, miệng còn hôi sữa?”(tr.52). Đến khi đánh tan giặc, hai người mẹ đi tìm con: “Kìa Mẹt và Gióng đang mỉm cười hồn nhiên trên lưng những con diều tre. Chúng ơi ới gọi, chúng vẫy tay với chúng tôi. Rồi biến mất vào vòm trời cao vút cùng với ngân nga tiếng sáo”(tr.54). Đâu cần đến lí lịch, Gióng được sinh ra có quyền làm người. Xứ sở anh hùng đánh giặc cứ nhẹ tênh như cánh diều giữa trời xanh!…
Bóng Rồng dưới góc nhìn nhà văn vừa day dứt khôn nguôi, vừa chân tình phóng khoáng, vừa hồn nhiên mơ mộng ùa trên mỗi nhân vật trong mỗi cốt truyện được khai thác triệt để, không trùng lặp đó chính là phong cách sáng tác của Triều La Vỹ. Nhà văn đã thuộc về dân tộc, và lẽ phải luôn được công nhận vơi đầy những khát vọng yêu thương, về sự công bằng gắn liền với tên tuổi những anh hùng thành kính và biết ơn (Bóng Rồng, Tuyết Mai Yên tử, Dưới hiên Văn miếu, Hoàng Mai tửu… ), những xung đột nội tâm ở một số nhân vật đã được tháo gỡ đúng mức, minh bạch cho mỗi phận người(Mạc trà, Gương mặt thủy thần,…). Tất cả được sàng lọc từ trong sinh hoạt đời sống(Trầm hương, Phù sa sông Nhị, Mùa cá linh, Cầu tiên,…), đùm bọc yêu thương che chở, cao cả (Lời hứa hoa cỏ may, Lửa hát,…).
Bóng Rồng – không là sứ giả, nhưng là sự hoàn thiện về các nhân vật thời quá khứ. Nhà văn Triều La Vỹ lại có điều kiện khai thác về con người Bình Định khẳng khái, rắn rỏi lại chân tình, độ lượng bao dung (Trầm hương. Hoàng Mai tửu, Mùa cá linh, Phù sa sông Nhị, Lửa hát, Dưới hiên Văn miếu, Bóng Rồng) âu cũng là lẽ thường tình, bên cạnh những nhân vật lịch sử của đất nước cần được ghi tạc hay thanh trừ trong nhận thức của chính mình.
Truyện ngắn mà như thơ vậy.
10.12.2020
N.T.P