Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử

1633

14.02.2018-14:00

 Ảnh minh hoạ

 

Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử

 

ĐẶNG HUY GIANG

 

NVTPHCM- “Mùa xuân chín” có một cái tên rất đáng nhớ và hay ngay từ tên bài thơ. Bài thơ như một bức tranh đẹp, sống động và có tâm trạng. Nhìn chung tạo được tâm trạng trong thơ, không phải là chuyện dễ dàng gì, có lắm khi ở ngoài tầm với của thi sĩ…

 

MÙA XUÂN CHÍN

 

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

 

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây.

 

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Cảnh trí bâng khuâng sực nhớ làng:
– “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

 

Lời bình của Đặng Huy Giang:

   

Hơi hướm thì không mới, nhưng nhịp điệu lại đưa đẩy, tung tẩy. Đấy cũng là nét khác và là cái  điệu tâm hồn thường gặp ở những bài thơ chân quê, đèm đẹp của Hàn Mặc Tử.

   

Ở “Mùa xuân chín”, cũng vậy. Một số câu tuy ở dạng tả cảnh, tả tình nhưng lại rất gợi. Sự gợi ấy rất hấp dẫn người đọc. Và người đọc cũng dễ bị cuốn hút bởi sự gợi ấy mà quên chữ, quên câu. Những chữ “gợn” trong “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”, “hổn hển” trong “hổn hển như lời của nước mây”, “thầm thĩ” trong “thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc”, “sực” trong “cảnh trí bâng khuâng sực nhớ làng”  rất động, tạo ra cảm giác gần gũi, gắn bó, thân thuộc mà vẫn mới mẻ, khác lạ. Cũng có thể coi đấy là những chữ tài hoa của Hàn Mặc Tử.

   

Bài thơ có mấy cặp câu hay.

   

Đây là ví dụ thứ nhất:

 

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời

Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

    

Đây là vị dụ thứ hai:

 

Tiếng ca vắt vẻo lưng chùng núi

Hổn hển như lời của nước mây.

    

Đây là vị dụ thứ ba:

 

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín

Cảnh trí bâng khuâng sự nhớ làng.

    

Nhưng  cặp câu hay nhất thuộc về:

 

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

    

Riêng cặp câu cuối rất đáng đánh vào một vài dấu khuyên.

   

Vậy thì có thể suy ra: Khi chưa có chồng thì còn cuộc chơi, lấy chồng rồi (hoặc theo chồng) thì…hết chuyện.

    

Nhưng đấy là một sự lo lắng xa xôi bất chợt đến thôi. Vì ngày mai cơ mà, đâu đã phải hôm nay.

    

Thưởng thức xong hai câu thơ này, chợt nhớ hai câu của Hồ Dzếnh:

 

Đời mất vui khi giữ trọn câu thề

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.

    

Còn xa xôi hơn, lại có thể chợt nhớ hai câu thơ hết sức ấn tượng của đại thi hào Nguyễn Du:

 

Gái xưa, nay đã có chồng

Bạn xưa, nay đã thành ông cả rồi.

   

Trong đơn vị thơ này, cảm thức về thời gian là rất rõ; một sự nuối tiếc, thở dài là rất rõ. Riêng hai câu của Hàn Mặc Tử có vẻ định vị rõ hơn về cái sự “vật đổi sao dời”  trong một cảnh huống cụ thể hơn.

   

Sau chót, “Mùa xuân chín” có một cái tên rất đáng nhớ và hay ngay từ tên bài thơ. Bài thơ như một bức tranh đẹp, sống động và có tâm trạng. Nhìn chung tạo được tâm trạng trong thơ, không phải là chuyện dễ dàng gì, có lắm khi ở ngoài tầm với của thi sĩ. Trong thơ, tâm trạng quan trọng đến mức mà có người từng định nghĩa về thơ như thế này: Thơ là khoảnh khắc bừng rộ của tâm trạng.

 

    

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Cadière – nhà Việt Nam học kiệt xuất – Ngô Minh

>> Thơ trắng – nỗi trắc ẩn thân phận đàn bà – Nguyễn Văn Hoà

>> Phạm Khải & Trang sách mạch đời – Dương Kỳ Anh

>> Tình thế của những nhà nghiên cứu văn học – Huỳnh Như Phương

>> Hồ Xuân Hương: Tiếng thơ đối thoại với đời – Nguyễn Thanh Tú

>> Hương sắc núi rừng bừng dậy trong thơ – Quang Hoài

>> Thơ Nguyễn Đình Thi: Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em – Phùng Văn Khai

>> Lối đi tâm linh trong thơ Hoàng Cầm – Lê Thị Thanh Tâm

>> Chính Hữu – Người bộ hành không đơn độc – Nguyên An

>> Những hạt ngọc thơ Hàn đầu thế kỷ XX – La Mai Thi Gia

 

  

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…