Năm 20 tuổi và hai năm đời lính…

416

Châu La Việt

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mùa mưa 1970, trong những cơn mưa dầm dề của mùa mưa bên Tây Trường sơn, từng đoàn lính tráng còng lưng gùi gạo, gùi đạn… vượt qua những con đường rừng dài dằng dặc nhấp nhô đèo cao vực thẳm đưa lên phía trước cho cánh bộ binh đang mai phục để giành giật lại Cánh Đồng Chum. Nói thật chứ là lính pháo, đánh nhau có ác liệt, nhưng không ngại như cảnh cứ còng lưng gùi gạo thế này. Quần áo ngày nào cũng ướt sũng nước mưa, hàng tháng trời không biết bộ quần áo khô là gì, lang ben hắc lào khắp người, gãi mòn hết cả móng tay…

Nhà văn Châu La Việt

Giữa tình cảnh ấy, bất chợt một sáng tôi được chính trị viên đại đội gọi lên, đưa cho tờ quyết định: “Khẩn trương đi nhận nhiệm vụ mới ở Binh trạm bộ”. Nói thật, chưa biết nhiệm vụ gì, nhưng thoát cái cảnh đi gùi là sướng rồi, vội chào anh em, khoác ba lô ba chân bốn cẳng… Ngược!

Cũng đi mất mấy ngày mới về tới binh trạm bộ. Đón tiếp tôi là hai sỹ quan tuyên huấn có nụ cười rất tươi: ”Cậu là Hoài, Lê Khánh Hoài?”. Tôi hớn hở: ”Vâng ạ”. Một anh xiết tay tôi rất chặt, lại còn lắc lắc nữa. ”Tốt rồi. Mình là Ngô Xuân Thông, trợ lý văn nghệ. Còn đây là Phạm Trung Nhân, nhà văn, trợ lý tuyên truyền. Binh trạm ta mới có quyết định thành lập đội nghệ thuật để về Hà Nội tập huấn. Biết cậu là con trai nghệ sỹ Tân Nhân nên làm quyết định điều cậu về tham gia đội… Con nhà tông chẳng giống lông thì giống cánh!”

Tôi hết sức ngạc nhiên: “Binh trạm có hàng ngàn lính. Làm sao lại biết được em là con mẹ Tân Nhân ạ?” Anh Thông trợn ngược mắt lên: ”Thế mới tài chứ! Với lại mẹ cậu nổi tiếng như thế, ai mà chẳng biết. Này, mình mê tiếng hát của mẹ cậu lắm đấy nhé. Mình cũng đã viết không dưới 10 lá thư gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam yêu cầu mẹ cậu hát Xa khơi đấy. Thật bất ngờ binh trạm ta lại có con trai người nghệ sĩ lừng danh ấy…” Anh Nhân có vẻ dịu dàng hơn, pha trà, rót nước: “Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Bên quân lực họ tinh thật, cần diễn viên cho đội nghệ thuật là phát hiện ra ngay cậu để đưa về… Đội nghệ thuật mới thành lập, còn khan hiếm nhân tài lắm cậu ạ…”

Hai anh nhìn nhau gật gù, có vẻ đắc ý. Nhưng không hiểu sao, bỗng anh Thông nháy anh Trung Nhân, rồi nói: “Cậu thử hát cho tớ nghe một đoạn bài ‘Xa khơi’ xem nào?”. “Thôi chết! Tôi gãi gãi đầu: ”Thú thật với anh là em không hát được ạ?”, “Ôi giời ơi, vì sao thế?” “Em không có giọng ạ. Với lại từ ngày nhỏ, em ở với ông bà, cũng ít đựợc tiếp xúc với âm nhạc, hò hát lắm… (Tôi định thú nhận tiếp: Nói thật với anh, em chỉ mê thơ văn thôi, nhưng ghìm lại được). Anh Thông trợn tròn mắt kinh ngạc: ”Này, cậu nói đùa hay thật đấy? Đội Tuyên văn BT là đang rất cần người“. Rồi anh nhìn lại tôi từ đầu tới chân: ”Hay cậu giấu tài? Làm gì mà con một nghệ sĩ nổi tiếng như thế lại không biết hát!” Tôi gãi đầu tự thú: ”Em không dám nói dối anh đâu. Em nói thật đấy ạ!”. “Nhưng mà có đúng cậu là con trai nghệ sĩ Tân Nhân không? Hay bên quân lực họ nhầm cậu với ai khác. “Cậu là Hoài? Lê Khánh Hoài?”. “Vâng, em chính là Hoài ạ”. Tôi bắt đầu méo mặt “Không có lý”. Anh Thông lại nhìn anh Nhân. Anh Nhân thốt lên: ”Hay cậu múa cho tớ xem một điệu xem nào?”( Hóa ra bố này mê múa, hồi đi học ở Hải phòng đã tham gia đội múa trường, nên mới đề nghị thế). Ông Thông reo lên: ”Ừ đúng đấy. Không hát thì múa. Cậu thử múa xem nào!”. “Em càng không biết múa ạ!”. “Hả, thế có biết chơi đàn gì không?”. Hai bố dồn dập hỏi tôi. ”Dạ, cũng không ạ!”. “Vô lý nhỉ. Thế từ ngày nhỏ đã đóng kịch hay hát chèo gì bao giờ chưa?”. “Dạ, cũng không ạ”. Anh Thông thở dài não nề: “Con nhà tông không giống lông thì cũng phải giống cánh chứ lại… Ai dè đâu cậu…”. Rồi mặt anh tối sầm lại: ”Quân lực mất bao nhiêu ngày đi truy tìm cậu. Ai cũng hy vọng… Thế mà rồi…”. Và tiếp theo, là cả hai bố cùng nhìn tôi, rồi nhìn nhau thở dài não nề…

… Tất nhiên với tình cảnh ấy, tôi chỉ còn cách thu xếp ba lô để đằng sau quay, về lại đơn vị, lại đường trường ”còng lưng gùi gạo” chứ còn có hể nào khác!

Nhưng anh Thông, anh Trung Nhân cũng đều là những người tình cảm. Tiễn tôi về lại đơn vị, các anh ra suối đánh một mẻ cá để làm bữa liên hoan chia tay, lại cho mời cả hai cô gái Thu Hòe và Tuyết Minh mới từ đơn vị TNXP lên làm diễn viên hát chèo và ngâm thơ. Ở mặt trận đã hai ba năm, nói thật hôm ấy là lần đầu tôi mới được ngồi ăn cơm, trò chuyện với phụ nữ, nên cũng có phần xao xuyến. Và có lẽ bởi thế tôi bỗng nổi hứng, xin đọc một bài thơ tôi sáng tác trước ngày vào mặt trận để tặng lại các anh em làm kỷ niệm trước lúc chia tay… “Mày lên đường hôm trước/ Tao ra đi hôm sau/ Trường Sơn gánh cả nước/ Hai đứa mình đuổi nhau…”

Chỉ đọc khổ đầu, ai dè đâu cả anh Trung Nhân, cả anh Ngô Xuân Thông đều trợn tròn mắt nhìn tôi. Anh Thông lắp bắp: “Này, cậu nói lại đi, cậu bảo bài thơ này là của ai?”, “Dạ, của em ạ…”. Anh Thông đỏ bừng mặt, cứ như tôi nhận vơ “Cậu nói thế nào ấy chứ!” (Hình như anh định nói tiếp: Cái ngữ mặt cậu mà làm được thơ thế này à, nhưng đã ghìm lại). Tôi ngượng quá, lại “sỹ “ với hai em nên cãi lại anh: ”Của em chứ còn của ai nữa…”. Anh Thông rút ngay một cuốn sổ trong túi ra, màu giấy đã vàng khè: ”Tôi nói cho cậu biết nhé. Đây là thơ của một nhà thơ trẻ, hồn nhiên lắm, lần đầu dám đưa mày mày tao tao vào thơ. Nhà thơ trẻ này tên là Châu La Việt, bài thơ từng in ở báo Văn nghệ TW. In ngay trang một nhé. Tớ đã được đọc bài thơ, đã chép vào sổ tay này, đã đọc đi đọc lại đến thuộc lòng, lại được nghe cả nghệ sỹ Linh Nhâm ngâm trên đài nữa. Dự định của tớ là tới đây sẽ quyết dàn dựng cho Tuyết Minh bài thơ này để đem đi biểu diễn… Thế mà cậu lại dám nhận thơ của mình…” Cái nhìn của anh nhức nhối quá, làm tôi cáu tiết: ”Thì em chính là Châu La Việt mà!” Anh Trung Nhân tròn xoe mắt nhìn tôi: ”Lý lịch cậu là Lê Khánh Hoài mà”, “Vâng. Nhưng em đẻ ở Châu Phong Đức Thọ Hà Tĩnh, nên đặt là Châu, lại có con sông La chảy trước nhà nên có chữ La, còn Việt là Cửa Việt Quảng Trị quê mẹ em. Thế mới là Châu La Việt…” Anh Thông vỗ đùi reo lên: ”Ôi giời ơi, thôi đúng rồi, thằng này đúng là Châu La Việt. Bởi tôi nghiên cứu thì nghệ sỹ Tân Nhân đúng quê ở Cửa Việt Quảng Trị, nên bà ấy hát ‘Xa khơi’ hay ‘Câu hò bên bên Hiền Lương’ bằng cả nước mắt nhớ quê…“

… Nhưng xem ra điều này vẫn còn mỏng manh quá, vẫn là ngoài sức tưởng tượng của các anh, nên dù đã rất hứng, anh Thông vẫn còn thận trọng: ”Bây giờ thế này nhé, cậu thử đọc lại một lần nữa cả bài thơ để tặng anh em, nhất là tặng cho hai em Thu Hòe Tuyết Minh đây. Nếu đúng là thơ cậu sáng tác, thì chắc là cậu phải thuộc lòng…” Quả thật tôi cũng hơi run. Chả gì cũng hai ba mùa chiến dịch rồi, chỉ đạn bom súng ống, có lúc nào mà nghĩ đến thơ ca, chẳng hiểu còn nhớ mà đọc cho các anh, các em nghe không. Nhưng trước lời đề nghị như một thử thách ấy, tôi thây kệ mọi điều và hắng giọng đọc một mạch. Cả anh Ngô Xuân Thông, anh Trung Nhân, cả hai em Thu Hòe Tuyết Minh, lại thêm mấy anh chàng ở mâm bên cạnh dồn sang, đều như lặng đi trong tiếng đọc thơ, và khi hết bài, anh Xuân Thông bế thốc tôi lên: ”Cái thằng này… Cái thằng này… Mày đúng là Châu La Việt rồi, đúng là con nghệ sỹ Tân Nhân rồi. Con nhà tông không giống lông thì giống cánh anh em ạ. Thơ nó hay quá!”. Nói rồi anh chạy tới, lấy ngay ba lô của tôi đã để sẵn đấy (Tôi đã trù tính liên hoan xong là vác ba lô chào các bác em… ngược luôn!). Anh Thông cẩn thận đeo ba lô như bám vào người, rồi nói: “Bây giờ thì cậu không được đi đâu hết. Cậu phảỉ ở lại đây với chúng tớ. Cậu sẽ là nhà thơ của BT để chuyên sáng tác thơ ca cho em Tuyết Minh đây đi biểu diễn cho các đơn vị. Nghe rõ chửa”.

Đấy là ngày tôi rời D 11 pháo ca xạ về đội tuyên văn BT 11. Bao năm trôi qua, hôm rồi cùng các cựu chiên binh trở lại chiến trường xưa, có cả chủ nhiệm chính trị Nguyễn Phú Nho, tiểu đoàn trưởng Hoàng Anh Phúc, thằng Ngô Quốc Lập ở ban tuyên huấn BT, tôi hứng lên trên ô tô đường dài đã kể lại cho mọi người nghe. Khi câu chuyện dứt, ngồi bên tôi là “ông tá” nhà thơ Mai Nam Thắng vỗ đùi tôi đến đét một cái: ”Chuyện bác hay quá. Nhưng bác kể chưa duyên, bác phải để em. Để em viết“. Nói thật nghe nó nói thế, tôi kinh ngạc quá, chuyện tớ thì có gì mà viết. Thế mà nó viết thật, in đến gần cả trang một tờ báo thuộc loại đệ nhất nước nhà, đọc lôi cuốn lắm, (lại cứ tưởng đang đọc Lôi Phong hay Thép đã tôi thế đấy). Đọc xong ngẫm nghĩ thời hóa ra cái tuổi 20 của mình cũng được đấy chứ nhỉ, mà không đi lính thì làm gì ra mà hay như thế.

Mới bảo Mai Nam Thắng hôm nào cho anh mấy tờ báo nhé, anh gửi tặng các anh Phạm Trung Nhân, Ngô Xuân Thông, một “bố” sau này là Chủ nhiệm Nhà văn hóa Tổng cục Hậu cần, còn một “bố” là Chủ nhiệm Nhà Văn hóa BTL Hải quân, từng có cả “Thần đồng” Trần Đăng Khoa trong sỹ số đơn vị.

Oách lắm!

C.L.V