Ngày xuân coi hát cọp – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh

874

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tuổi thơ tôi là những năm dài bão giông ly loạn ở làng quê trong những ngày thực dân Pháp trở lại xâm lăng Nam bộ. Ngôi trường tiểu học cổ kính bằng gạch đã rêu phong, bên cạnh đình làng đã bị giặc bắn phá nát tan trong một trận ruồng bố dữ dội của bọn giặc Tây. Bọn học trò nhỏ lớp sơ đẳng như tôi phải tạm học trong một ngôi chùa cổ nhỏ thấp lè tè, khiêm tốn nằm khép mình sau nhà lồng cũ chợ xã bên cạnh những cây bàng tán rộng. Bên kia sông Trà Mơn, dưới bóng mấy cội sao già cao lênh khênh, nằm ngạo nghễ trên doi ngả ba sông là đồn Đại đội 14 giáo phái phản động thân Pháp, thuộc phe Năm Lửa ở Chợ Mới, Cái Vồn. Không khí chiến tranh ngột ngạt bao trùm khó thở. Bọn con nít nhỏ thơ ngây mới đến trường bắt đầu làm quen với chữ nghĩa như tôi, ngày ngày đi học, lòng dạ không lúc nào yên.

Nhà tôi ở rạch Cái Tắc, một nhánh sông Trà Mơn gần đầu vàm kênh Mười Thới, đối diện với ngôi nhà xưa rộng lớn có lẫm lúa to của bà Bảy Phố, nay đã xơ xác tiêu điều. Bà Bảy là bà ngoại của anh Ba Paul – một ông Tây Việt Minh, bạn vong niên của ba tôi. Chính anh Ba Paul sớm giác ngộ cách mạng, đi theo kháng chiến, đã dẫn anh em du kích từ vùng trong, trở về đốt cháy rụi ngôi nhà bà ngoại thân yêu của mình vào một đêm tối trời đầu mùa tiêu thổ kháng chiến, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mỗi ngày, khi không gian lành lạnh còn giăng mờ sương đêm, bắt đầu văng vẳng tiếng vạc khuya eo óc báo hiệu trời đêm bắt đầu sang canh tư, tôi thường thức dậy sớm, đi nhờ theo xuồng mẹ bơi ra chợ bán trái cây, rau cải… Lúc trời sáng hẵn, sau khi tiếp mẹ tôi dọn hàng lên chợ ngồi bán, tôi lủi thủi một mình tới trường học.

Ngay từ thuở còn rất nhỏ ở nhà chưa đi học tại làng quê, tôi có biểu hiện là một đứa bé ham học đến mức khác thường. Những buổi trưa yên ả vắng vẻ trong nhà, tôi thường lấy sách vở đi học của anh chị tôi, đem ra đặt dưới nền gạch đọc ê a túi bụi, vẻ mặt ra chiều thích thú, khiến cha mẹ anh chị tôi không khỏi ngạc nhiên. Sau đó, bắt đầu lúc mới vào lớp sơ đẳng a, b học từng chữ một trong bảng chữ cái cho tới khi hoàn tất chương trình Cao học Văn chương tại Đại học Văn khoa Sài Gòn ra trường, tôi luôn được cấp học bổng nguyên, ít khi rời khỏi vị trí số một trong số trên sáu bảy mươi thành viên học trò trong lớp.

Học bạ các lớp của tôi, thầy cô đều phê rất tích cực: Hạnh kiểm: Thật Tốt; Học tập: Thật Giỏi. Tôi luôn nhận được Giấy Khen, vào cuối tuần và bảng Danh dự vào cuối tháng. Cuối mỗi quý, tôi được nêu tên trên bảng Danh dự trình bày màu sắc rực rỡ với cặp rồng cùng chầu một trái châu ở giữa, cùng với học sinh Giỏi ở các lớp khác trong trường, không khác như Bảng Vàng ngày xưa “đề danh” các sĩ tử thi đỗ Trạng nguyên, được treo tại chỗ cao, trang trọng có nhiều người lui tới. Cuối năm học, sau lễ Tổng kết tại nhà trường, nhờ học Ưu Hạng, mấy hôm sau, tôi được đến một trong các rạp hát lớn tỉnh Cần Thơ như rạp Tây Đô, Huỳnh Lạc (đường Võ Văn Tần ngày nay) hay rạp Trung Ương (đường Tân Trào ngày nay) để lãnh một Phần thưởng giá trị gồm có: truyện hay (bằng tiếng Anh, Pháp và tiếng Việt), tự điển và đồ chơi lành mạnh cho học trò cùng với một giấy khen. Phần thưởng lủ khủ nhiều thứ mang không hết, nên tôi phải gọi xe lôi đạp chở về nhà gần cầu Cái Khế. Sau đó không lâu, tôi tiếp tục nhận một vé đi Nghỉ Hè tại Đà Lạt hoặc Vũng Tàu.

***

Gia đình tôi gốc nông dân, ba tôi ít chữ nghĩa, coi đó là niềm vui, tỏ ra hãnh diện có tôi là đứa con học giỏi lại ngoan hiền, biết thờ cha kính mẹ và luôn phục tùng anh chị trong nhà. Ba tôi hãnh diện, đem treo các giấy khen, bảng danh dự vào khung kính hoặc dán trên vách gỗ cao, dễ đọc trong nhà để bà con hay khách đến chơi nhà trông thấy.

Cuối chạp năm ấy, chưa thấy bóng bầy chim én ríu rít bay về, mùa xuân vẫn như vội vàng đến sớm với ngọn đông phong hiu hiu lành lạnh, làm xao xác những tàu lá dừa xanh um như mái tóc cô gái tuổi teen phe phẩy trên đôi bờ con sông bé nhỏ ngầu đục phù sa. Dưới bầu trời quê trong sáng chớm xuân, không gian yên ả, dòng sông Cái Tắc quê tôi thỉnh thoảng vỡ òa lên với tiếng trống thôi thúc rộn ràng của những chiếc ghe tam bản nhỏ gọn, sau đuôi gắn máy Kohler, chạy vùn vụt khắp thôn làng, quảng cáo cho một đoàn hát nào ở tỉnh mới về quê về biểu diễn. Không khí thời chiến không cho phép hát đêm, lại không có nhà hát tại thị trấn xã, các đoàn thường phải biểu diễn buổi chiều ngay khuôn viên nhà lồng nơi trung tâm chợ xã có nhiều người lui tới. Một rạp hát dã chiến được hình thành bằng những tấm cằn- tăn (mê bồ), tấm đăng, đệm, đôi khi cả những chiếc chiếu hoặc màn cũ…bao kín mít hết những chiếc cột gạch quanh khu nhà lồng chợ. Trước mặt nhà lồng là cửa rạp hát, trông ra bãi chợ buôn bán sầm uất nằm cạnh bến sông có những tấm pa no dựng hai bên với hình vẽ màu sắc rực rỡ giới thiệu các tuồng hát với dòng chữ to lớn, nêu tên những vở tuồng biểu diễn của đoàn.

Trong thời gian rảnh rỗi không hát, ban lãnh đạo đoàn hát và diễn viên sinh hoạt ồn ào vui nhộn như một đại gia đình chung quanh rạp hoặc phía sau hậu trường. Sân khấu trình diễn của nghệ sĩ được dựng lên bằng những chiếc thùng phuy rỗng đôi khi kèm thêm bục giảng giáo viên và bàn ghế học trò mượn được của một trường học gần đó. Buổi xế chiều hôm ấy, đoàn cải lương nổi tiếng của ông bầu Ba Bản là gánh hát Thanh Cần, một trung ban với dàn diễn viên yêu nghề được nhiều người quen biết như: Thành Được, Kim Thoa, Minh Chí,… và danh hề Hai Râu nổi tiếng. Đoàn Thanh Cần chuyên hát tuồng Tàu, giới thiệu sẽ biểu diễn tại chợ Tân Quới những vở tuồng quen thuộc của đoàn như: Phàn Lê Huê vấn tội Tiết Đinh San, Tiết Giao đoạt ngọc, Thần nữ dâng Ngũ Linh kỳ… hứa hẹn sẽ đem nhiều giờ phút giải trí lành mạnh cho bà con mộ điệu sân khấu dân tộc ở làng quê.

Hôm ấy vào ngày giáp Tết, sau lễ đưa Táo Quân về trời, gánh hát Thanh Cần chuẩn bị biểu diễn đặc biệt vở tuồng ruột của đoàn là Bà Phàn Lê Huê vấn tội Tiết Đinh San – chồng bà – với dàn nghệ sĩ nòng cốt của đoàn. Ngay từ lúc trời còn mờ sương, ông bầu Ba Bản đã nhanh trí cho thuê thêm nhiều ghe máy và người đi quảng cáo rộng thêm ở các làng lân cận. Trước cửa rạp nơi nhà lồng chợ, quang cảnh cũng rộn rịp khác thường với giàn loa phát thanh inh ỏi liên tục suốt cả buổi sáng. Người đến mua vé trước cũng đông đúc hơn mọi ngày. Tại bến ghe tàu nơi bờ sông san sát ghe xuồng đủ loại với cảnh người đi coi hát lên xuống tấp nập. Mẹ tôi vốn mê cải lương, thừa biết có vở hát hay hôm ấy, nhưng vì bận rộn việc buôn bán quanh năm suốt tháng, ngày nào cũng trưa muộn mới về nhà nên không bao giờ nghĩ đến việc thưởng thức đờn ca hát xướng.

***

Dù rất ham học nhưng bản tính giống ba tôi rất mê cải lương từ bé, nên trong lòng đã háo hức từ mấy bữa trước ngày đoàn hát bắt đầu biểu diễn vở tuồng mình ưng ý. Sau buổi học sáng, từ trường học, thay vì đi một mạch về nhà như thường ngày, tôi tìm cách lánh khỏi mấy thằng bạn học cùng xóm, quay lại trước cửa rạp hát tại nhà lồng chợ. Vừa đến nơi, tôi bị cuốn hút ngay bởi cảnh tấp nập, ồn ào của khán giả tranh nhau mua vé trong không gian miền chợ quê vang vọng inh tai tiếng ca vọng cổ mùi mẫn của những nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ như Út Trà Ôn, Thành Công, các cô Tư Sạng, Bạch Huệ… phát ra từ trong dĩa hát, được phát lại nơi các loa phát thanh treo cao trước cửa rạp. Loay hoay giữa rừng người hâm mộ sân khấu cải lương, tôi bất ngờ nghe phát thanh viên đoàn thông báo tuồng hát sắp bắt đầu biểu diễn từ một giờ trưa, tức là đúng vào thời điểm mỗi ngày tôi đã về đến nhà sau mỗi buổi sáng đi học.

Vì quá mê cải lương, hôm ấy, tôi đánh liều không về nhà sớm để ở lại tìm cách coi hát cọp, vì không tiền mua vé vào cửa. Trong tam thập lục kế, theo trải nghiệm của những bậc đàn anh đi trước, chuyên môn coi hát cọp, khán giả không tiền có thể vào xem hát đỡ ghiền vào lúc nghệ sĩ trình diễn đến gần mãn tuồng. Khi đó, đoàn hát sẽ vén mở cửa chính, theo cách gọi là thả giàn cho khán giả bên ngoài vào xem tự do. Cách xử lý khôn khéo này được coi là một hình thức khuyến mãi có lợi cho đoàn hát. Nếu thích, họ có thể mua vé chính thức xem hát vào những buổi diễn hôm sau. Thứ hai là cách xem cọp trông có vẻ kỳ cục, hơi khó coi, là vạch kẽ vách che hay chui lỗ chó ở sát tận nền gạch rạp – cách này chỉ có thể thực hiện được trong trường hợp đoàn hát biểu diễn tại nhà lồng chợ xã ở quê.

Tính tôi rụt rè, không dám theo hai chước trên nhưng khoái chí vì đã sớm nghĩ ra được diệu kế tuyệt vời. Bên sân nhà ông hương sư Giáo, bạn ba tôi nằm sát nách nhà lồng chợ có sẵn mấy gốc vú sữa cành lá sum suê thân cao, rắn chắc. Chỉ chịu khó trèo lên ngáng chân qua một cháng ba nào thuận tiện là tôi có thể từ ngoài trông vào sân khấu xem hát. Bởi lẽ trên cao phần vách bao quanh rạp hát không rào kín để khán giả ngồi trong rạp được thông thoáng khí trời và ít bị cảnh nóng bức ngột ngạt.

Quên hẵn bao nỗi mệt nhọc và lòng bàn tay, bàn chân bị trầy xước đau rát vì leo cây, tôi cảm thấy bị thôi miên bởi từng động tác diễn xuất điêu luyện của các nghệ sĩ sân khấu. Hai vai diễn chính Phàn Lê Huê và Tiết Đinh San lộng lẫy trong bộ xiêm y rực rỡ dưới ánh đèn màu. Mỗi cái khoát tay, nhích chân, liếc mắt điệu nghệ của nghệ sĩ Kim Thoa trong vai Phàn Lê Huê đay nghiến, quỡ trách ông chồng Tiết Đinh San đáng thương, khiến tôi không nháy mắt, say sưa theo dõi mỗi tình tiết của nhân vật. Mê ly hấp dẫn hơn cả là đoạn Tiết Đinh San xuống giọng kể lể, tự bào chữa với giọng ta thán về những khuất tất lỗi lầm của mình, nghe thật ngậm ngùi, cảm động. Rồi sau đó, Tiết Đinh San xuống chữ hò bắt đầu vào luôn bài ca vua vọng cổ của bác Sáu Lầu, với giai điệu u hoài thật vô cùng mùi mẫn. Trong khi thời tiết buổi trưa bên ngoài nóng hùng hực như lửa thiêu, khán giả trong rạp im phăng phắc như để uống từng giọt ca thảm thiết lâm ly của Thành Được trong vai Tiết Đinh San. Tôi đã không tránh khỏi một lần hú hồn vì đang đang mải mê dõi theo tuồng hát, suýt té rơi xuống đất, hai tay vội ôm chặt vào thân cây vú sữa, mặt mày tái mét.

Chiều muộn ngày hôm ấy, ba tôi thấy có việc khác thường hơn mọi hôm. Tôi sáng sớm đi học buổi trưa không về, cả nhà đều thấp thỏm, trong lòng áy náy không yên. Hồi hộp, lo lắng, ba tôi phải bỏ một buổi chiều không đi ruộng, vội vã xách cây dù cũ, bươn bả đi bộ ngay ra trường tiểu học Tân Quới để tìm kiếm tôi.

Ba mẹ tôi vốn cần cù theo nghề ruộng rẫy bao đời như ông bà nội tôi và đa phần bà con trong họ tộc. Trong những bữa cơm ở nhà có đông đủ thành viên, ba tôi thường nhìn anh em tôi, vui vẻ nói như một lời ký thác cho con cái:

– Ba muốn các con mỗi đứa phải có một nghề vững chắc để suốt đời có thể nuôi sống được không những bản thân mà còn cả cho gia đình. Ba thích những người theo một nghề có ý nghĩa như ngành sư phạm. Dạy học là dạy con người về cách làm người. Thầy cô giáo là những người theo một nghề cao quý, tuy đạm bạc mà có cuộc sống lương thiện, thanh cao như bác Đối, dì Mai, những thầy cô giáo mẫu mực ở quê mình.

Tính tình chơn chất, không mấy khi ba tôi dùng nhiều lời lẽ, trừ đôi lúc thấy cần phải bộc bạch điều tâm huyết với con. Tôi hiểu rõ được đó là tất cả nỗi niềm kỳ vọng thiết tha của người cha đúng nghĩa, hết lòng thương con và suốt đời đã đói nghèo, cực khổ vì con. Hiền lành nhưng ba tôi rất nghiêm trong giáo dục với các con theo truyền thống của ông bà nội tôi. Con cái giỏi ngoan được khen thưởng, bằng sai phạm, ngỗ nghịch sẽ bị phạt đòn, răn dạy. Mẹ tôi kể lại chuyện chú bác tôi khi đã có gia đình, vợ con mỗi khi có lỗi nặng, vẫn phải chịu ông bà bắt nằm dài úp mặt xuống bộ ván gỗ, nhận đòn roi và nghe lời răn dạy để sửa chữa về sau. Sau lần về nhà muộn vì mãi mê coi hát cọp, tôi lại một lần nữa bị ba cho ăn đòn bằng cây roi mây già để khuất sẵn sau tủ thờ ông bà. Bao nhiêu tuổi là chịu phạt bấy nhiêu roi. Ba vừa chẫm rãi nhịp roi trên mông tôi, vừa nhắc nhở, khuyên dạy để về sau tôi không còn sai phạm lỗi lầm.

Vừa thương tôi, vừa sợ tôi bị đòn đau, mẹ cùng các chị tôi chạy đến khóc xin ba tha tội cho tôi với lý lẽ thật đầy đủ lo-gic: tôi là đứa con ngoan, học giỏi mới phạm lỗi lần đầu tiên, nhưng tất cả đều bị ba tôi mạnh mẽ phủ quyết. Nằm im trên bộ ván, không dám khóc to, lén ngoái nhìn lại ba thể hiện sự chấp hành lời khuyên dặn của bề trên, tôi hiểu được nhiều điều khi trộm thấy đôi mắt ba rưng rưng nhòe ướt trong lúc phạt đòn tôi.

Trong những ngày giỗ quan trọng của nội tôi hiện diện đông đủ bà con, cô bác không khỏi ngạc nhiên… Một đứa bé thân thể gầy ốm như tôi, được sống lại sau ba lần chết hụt: té sông được ba vớt kịp, bị chó có nọc dại cắn suýt chết được ba hết lòng chạy chữa thoát khỏi bệnh hiểm nhưng sau đó lại mang bệnh suyển suốt đời vì hệ lụy sau lần bị chó dữ cắn. Bẩm sinh ham học, nhờ cha mẹ yêu thương hết lòng lo lắng, răn dạy, qua bậc tiểu học ở làng quê, tôi đã thi đậu ra thành phố, vào lớp Đệ Thất, đỗ Trung học Đệ nhất cấp. Vào Đệ nhị cấp, tôi đỗ trong cùng một năm hai bằng: Tú tài Toàn phần Toán và Tú tài Toàn phần Văn Chương – Sinh ngữ.

Sang Đại học, tôi tốt nghiệp Cử nhân Văn khoa rồi hoàn tất chương trình Cao học Văn chương tại Đại học Sài Gòn trước 1975. Nhớ lại, khi còn học lớp Đệ Ngũ (lớp 8 ngày nay), vẫn ở tình trạng một học sinh Ưu hạng được cấp Học bổng nguyên, với lời phê tích cực của nhà trường về đạo đức và học tập, tôi được ba cho ăn đòn thêm lần nữa trong dịp từ thành phố về quê nghỉ hè. Ba phạt vì tôi đã lỡ làm rớt bể cái tô kiểu xưa quý giá trên đường đi trả lại cho thiếm tôi trong xóm. Lần chịu đòn này, không đau nhiều ở thể xác, cũng không được mẹ và các chị xin tha vì tôi đã là một thiếu niên học qua đệ nhất cấp. Nhưng tôi lại xót xa nhiều trong lòng, rồi cảm thấy thêm thương ba đến thầm ứa lệ. Đường roi của ba không còn mạnh, cách quãng không đều như xưa, không khác chi một cung đàn lỗi nhịp, khiến nước mắt tôi chảy ướt đẫm xuống phần ván gỗ nơi tôi nằm. Vì tôi cảm nhận ra những báo hiệu không vui về sức khỏe ba đã không còn được sung mãn như ngày nào.

Thuở còn hồn nhiên vô tư mài đũng quần trên ghế nhà trường, hay mãi lo sự nghiệp khoa danh, tôi chưa có cơ hội đền đáp công lao nuôi dưỡng của cha mẹ trong cảnh tuổi cao sức yếu. Bước chân ra trường đời, gặp cuộc sống còn khó khăn thời bao cấp những ngày mới giải phóng, tôi phải tất bật chạy gạo cho gia đình, lo cho đám con đông ăn học, thực sự tôi cũng chưa săn sóc được chu đáo mẹ cha trong cảnh túng thiếu đã một đời nắng sương vất vả đói nghèo vì nuôi con ăn học.

Hằng năm, cứ đến mùa mai đào rộ nở chào đón xuân sang, dọn mâm lên bàn thờ thắp hương cúng ông bà, tôi có dịp trông rõ lại trong ảnh đôi mắt hiền từ, dịu dàng của cha mẹ tôi. Hình như các bậc sinh thành vô cùng hạnh phúc được nhìn thấy cảnh con cháu đã học hành thành đạt, ăn ở thuận hòa, vui vẻ đoàn tụ trong ngày xuân thiêng liêng ấm cúng của đại gia đình họ tộc. Tôi không ngăn được ngậm ngùi, trong lòng cảm thấy thương nhớ khôn nguôi mẹ cha với công lao trời biển, trọn đời cực khổ hy sinh cho con, giờ đây đã khuất bóng trên cõi đời mà anh em tôi chưa đền đáp được phần nào công ơn cúc dục cù lao. Giờ đây, con cháu có mặt đông đủ với mâm cao cổ đầy trong mấy ngày lễ Tết, tôi không sao vui được vì đã vắng bóng mẹ cha. Ôi! Thật là buồn, nhưng bây giờ tôi biết phải làm sao đây: Ngó lên nhan tắt đèn mờ/ Muốn nuôi cha mẹ bây giờ còn đâu!

16.02.2021
N.T