Ngược phía mặt trời, viết lời đại ngàn

753

Trúc Thiên

Bài giới thiệu tập truyện ngắn “Thung lũng cô đơn” – Nguyễn Kiên Cường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đọc Nguyễn Kiên Cường lần đầu với “Bình nguyên và đại ngàn”, thoáng giật mình bởi từ rất lâu, ít ai viết về non cao rừng thẳm đầy thương cảm như thế. Chuyện về những thung sâu luôn mang màu huyễn hoặc kì bí, luôn dẫn dụ độc giả bằng chất ma mị chúng ta vẫn thấy nhan nhản nhiều tác giả khai thác. Thế nhưng với Nguyễn Kiên Cường, câu chuyện núi rừng được khắc họa bằng giọng văn dung dị và mộc mạc đến độ “hiền lành trong từng câu chữ”.

Tập truyện ngắn “Thung lũng cô đơn” của Nguyễn Kiên Cường

Nguyễn Kiên Cường sinh năm 1980, tốt nghiệp Báo chí nhưng hiện lại là Công an tỉnh Phú Thọ. Anh mang đến cho độc giả một phong cách viết chừng mực, điềm đạm và đầy đặn cảm xúc. Không cố tình làm màu phong cách bằng các câu chữ to lớn, những đại từ lồng lộng đa nghĩa, hay kết cấu lắt léo đánh đố độc giả. Đọc Nguyễn Kiên Cường chúng ta dễ nhận ra một lối viết dựa theo cảm xúc làm nền, và triển khai mạch truyện liền trôi từ đầu đến cuối. Viết về núi rừng, nhưng hành văn phổ thông, và dễ đọc, dễ hiểu. Cách tiếp cận này, khiến Nguyễn Kiên Cường chinh phục hầu hết độc giả ngay lần đầu tiên đọc tác phẩm của anh, tạo một phong vị nhẹ nhàng nhưng lắng đọng.

Núi rừng, bản làng, thung sâu trong truyện của anh hiện rõ lên một sự cô đơn xa xót nhưng không tối màu và nghiệt ngã như nhiều tác giả cùng thời. Phải chăng chính cốt cách người lính và tư tưởng luôn hướng đến điều chính nghĩa, mà hầu hết các sáng tác nằm trong tập truyện đầu tay “Thung lũng cô đơn” đều chọn cho mình một cái kết mở lối. Như một niềm tin mạnh mẽ vào chân lý, sau tất cả, cô đơn nào cũng sẽ trả về chúng ta sự trải nghiệm để vững tiến trên bước đường đời sau này.

Tập truyện bao gồm 11 truyện khắn khá hay. Hầu hết các tác phẩm đồng đều nhau về chất lượng, không có một tác phẩm nào chênh so với tác phẩm khác. Điều này chứng tỏ Nguyễn Kiên Cường có nội lực viết và còn có thể đi một con đường dài với văn chương. Trong lời giới thiệu cho tập truyện, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã viết: “…Cường bình thản, chậm rãi, kĩ lưỡng vừa đủ, sắc sảo vừa đủ. Buồn cũng không buồn quá, dù có những chi tiết khiến người đọc thấy tê tái, ám ảnh. Cường có một vùng đất để yêu mến, đắm đuối, thương nhớ, đấy là điều may mắn với một tác giả”. Thế mới thấy, chính sự thương nhớ về thung sâu đã đi cùng mình năm tháng đời người, mới khắc họa rõ nét một Nguyễn Kiên Cường “yêu thấm đẫm” núi rừng như thế. Một tình yêu dạt dào xúc cảm, in đậm trong từng lời anh chàng Phan miêu tả về thung lũng của mình trong “Gió qua rừng”.

Thung lũng của Nguyễn Kiên Cường cô đơn, người của bản làng cũng cô đơn, cây cỏ cũng cô đơn. Tất cả đều hiện hữu một nét đượm buồn đến nao lòng dạ. Thể như cả đại ngàn đều hát lời bi thảm cho thời cuộc đã đổi dời. Chẳng thể tìm đâu một đại ngàn xanh thắm vang dậy tiếng chim muông. Chẳng thể nào quay về thời trai gái lên nương rẫy, hay tối trời bên bếp lửa hồng quây quần. Chẳng thể nào tìm lại những điều xưa cũ bởi thời gian luân chuyển, vạn vật đều thay đổi, lòng người làm sao có thể đứng lại mãi mãi nơi miền trung du thoải thoải dốc đèo này. Có chăng, chỉ là con người ta tìm về trên những “Chuyến tàu hoài niệm”.

Những Phan, những Phần, những Kiên, những Tạo. Những chàng trai, cô gái, những ông bà, những cha mẹ. Tất cả đều làm nên một thung sâu buồn thương nhưng đậm đà tình cảm con người với núi rừng một cách thao thiết. Người đọc như tìm thấy sợi dây gắn kết của chàng trai trẻ với cây cỏ, con suối, phiến đá, nhà sàn… Để rồi gấp trang sách lại, có lẽ bạn đọc cũng như tôi, dao dác hỏi lòng, là Cường viết cho chính Cường phải hay không? Viết về một tình yêu đại ngàn thẳm sâu từng tế bào mạch máu của mình, như chính nguồn sống nuôi dưỡng anh hằng ngày. Nếu là vậy, thì chúc mừng Nguyễn Kiên Cường, đâu phải ai cũng dễ dàng nói lên được tình yêu của mình với mảnh đất đã cho mình sự sống một cách thành công trọn vẹn như anh.

Thứ khó diễn đạt nhất chính là câu chữ bộc bạch tận đáy tâm hồn. Viết sao cho không khiên cưỡng. Viết sao cho đừng sống sượng. Viết sao để độc giả thêm thương mảnh đất mà bạn đang mang đến trong tâm khảm độc giả. Đó mới là một sự viên mãn khi bạn chọn câu chữ để nói lên tấc lòng thành của mình. Rất may, Nguyễn Kiên Cường đã chinh phục hầu hết độc giả, ngay từ những trang sách đầu tiên. Cho đến những trang sách cuối cùng, Cường như càng vỗ về bạn đọc, để họ như sống trong mênh mông kí ức của tác giả. Một kí ức ngọt như đường. Ngọt đến thân thương.

Rất lâu rồi, làng Văn mới lại có một tác giả mới, kể chuyện đại ngàn mà nhẹ nhàng như thế. “Thung lũng cô đơn”, như một bức tranh thô mộc nhưng đầy hấp lực.

T.T