Phan Trang Hy
(Vanchuongphuongnam.vn) – Mùa Thu trong âm nhạc được nhiều nhạc sĩ viết. Từng có “Buồn tàn thu” của Văn Cao, “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong, “Thu quyến rũ” của Đoàn Chuẩn, Từ Linh v.v… Và, riêng Phạm Duy cũng có những bản nhạc viết về mùa Thu như hòa điệu cùng các nhạc sĩ khác trong làng tân nhạc Việt Nam. Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ đôi điều về mùa Thu trong lời ca của Phạm Duy.
Cố nhạc sĩ Phạm Duy
Mùa Thu được Phạm Duy làm ca từ trong những bài hát làm rung động bao trái tim yêu nhạc một thời. Đó là mùa Thu của cuộc chiến chống thực dân Pháp với bao chàng trai lên đường cứu nước theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc:
“Từ ngày, từ ngày chinh chiến mùa Thu
Có chàng ra lính biên khu ai ơi tung hoành (ư ư ừ)
Chiều về trên cánh đồng xanh”.
(Nhớ người thương binh, 1947)
Đó còn là Thu của những chiều bình yên với hình ảnh trâu bò hiền lành, với hình ảnh áo chàm thân thiết, bình dị để rồi một ngày người dân cày góp công sức vào cuộc kháng chiến:
“Thu về đồng lúa nương chiều
Tay dân cày ngừng giữa làn gió
Lúa ngát thơm trên những cánh nương
Tiếng súng xa nghe lẫn oán thương
Đây nhà nông phá rừng gây luống
Mai về để lúa trên ngàn
Ta nuôi người gìn giữ non nước
Lấy sức tôi chen với sức anh
Lấy máu tô cho thắm núi xanh
Đem mồ hôi tưới đồng lúa xanh”.
(Nương chiều, 1947)
Trong bài ca “Thu chiến trường” (Huế, 1946 sau khi từ chiến khu trở ra Bắc), Phạm Duy đã viết về mùa Thu vào một chiều biên khu. Nghe gió rừng, tưởng là lời ngàn năm vọng lại; nghe gió Thu lại thương bao kiếp người mong manh trong cõi chiến tranh. Chỉ có lời nguyện cầu cho đất nước hòa bình, để muôn người ca câu thái hòa:
“Thu ơi Thu! Ta vỗ súng ca
Ca cho đời, cho Thu với ta.
Nơi biên khu, mong nhớ khúc ca
Câu Thái Hòa cho muôn chúng ta”.
Tiếp đến là mùa Thu trong lòng trẻ thơ. Mỗi khi đến Rằm tháng Tám, tôi thường nghe những bài hát về Trung Thu trên radio như “Thằng cuội” (Lê Thương, 1946-1954), “Rước đèn tháng Tám” (Đức Quỳnh, 1950). Và có cả “Ông trăng xuống chơi” (1973) của Phạm Duy, với ca từ phù hợp với trẻ thơ:
“Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo
Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút
Ông trăng xuống chơi ông bụt thì ông bụt cho chùa
Ông trăng xuống chơi nhà Vua thì nhà Vua cho lính…”
Ai đã từng qua lứa tuổi thơ, dễ gì quên được tết Trung Thu! Có trống múa lân rộn ràng, có bánh kẹo ngọt thơm. Nhưng có lẽ thú nhất, ấn tượng nhất là được rước đèn, rước đuốc vui múa lân theo nhịp trống:
“Kìa trăng sáng ngời
Đêm rằm Trung, Trung (ứ ư ư) Thu
Đời vui trống ròn
Tiếng ca lẫy (ý y y) lừng
Từ ngõ ngách làng
Đèn đuốc rước triền mien
Bao người đóng góp
Vui chung một (ư ừ ư) miền”.
(Em bé quê, Sài Gòn 1954)
Bên cạnh đó, Phạm Duy còn sáng tác những ca khúc liên quan mùa Thu, theo tôi, hầu hết nói về tình yêu đôi lứa. Từng có “Mùa Thu Paris” (Sài Gòn, 1959, phổ thơ Cung Trầm Tưởng): “Mùa Thu Paris/ Trời buốt ra đi/ Hẹn em quán nhỏ/ Hẹn em quán nhỏ/ Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề…”, hoặc “Mùa Thu Chết” (Sài Gòn, 1965?, phỏng thơ Guillaume Apollinaire): “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo/ Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi!”…
Ai đã từng yêu, chắc hẳn đều mong được sống cùng nhau. Có kẻ bị gia đình ngăn cấm; có người bị hoàn cảnh này, hoàn cảnh nọ không đến với nhau được. Chỉ có nỗi sầu muôn thuở. Chỉ có nước mắt dành cho nhau. Chỉ có niềm đau chất chồng theo năm tháng. Chẳng oán trách, chẳng giận hờn. Chẳng còn gì trên thế gian so với cuộc tình chôn vùi theo năm tháng, theo những giọt mưa Ngâu tháng Bảy:
“Còn gì nữa đâu mà phải khóc nhau
Có đi theo mùa Ngâu tới suối reo nghìn thâu
Tình chôn đã lâu
Còn gì nữa đâu mà kể với nhau
Có sống bao đời sau thì đã mất nhau
Còn gì nữa đâu mà gọi mãi nhau”.
(Còn gì nữa đâu, Sài Gòn 1960)
Và cũng ca từ nhắc đến mưa Ngâu, nhưng không phải để mừng rơi nước mắt khi gặp lại, mà để tìm cõi thiên thu, nơi chốn không còn vướng nợ trần gian, nơi gọi là tình yêu vĩnh cửu:
“Một người bèn ra ven sông
Buông theo nước cuồn cuộn mau
Một người chìm sâu
Trong khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu
Cuộc tình thương đau
Êm êm trôi theo nước xuôi về đâu?
Hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau”.
(Hẹn Hò, 1954)
Viết về mùa Thu, nhiều thi nhân cũng như nhạc sĩ đều dùng hình ảnh lá vàng khô, lá rơi… Lưu Trọng Lư từng viết: “… Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô?” (Tiếng Thu). Cũng thế, Đoàn Chuẩn, Từ Linh rung cảm bằng giai điệu: “… Với bao tà áo xanh đây mùa Thu/ Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ/ Lá vàng, từng cánh rơi từng cánh/ Rơi xuống âm thầm trên đất xưa…” (Gửi gió cho mây ngàn bay”). Còn Phạm Duy mượn hình ảnh lá Thu rụng cuối mùa để diễn tả nỗi sầu của đôi lứa yêu nhau bởi cách ngăn giữa dòng đời còn biên giới:
“Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ
Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa
Tuổi xanh như lá Thu rụng cuối mùa
Mộng về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ”.
(Bên cầu biên g. iới, 1947)
Mùa Thu như là thời khắc để tiếng lòng cất lên tiếng khóc. Không thể không khóc khi ai đó từ giã cõi trần, khi tình yêu bị lừa dối, lỗi lầm, hạnh phúc mỏng manh, khi niềm tin đánh mất, khi người xa người. Đặc biệt là khóc cho chính mình, bởi như Nguyễn Công Trứ từng viết: “Trần có vui sao chẳng cười khì?” (Chữ nhàn):
“Nước mắt mùa Thu khóc than một mình
Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh
Giọng ca buồn bã vào trong đời úa
Thời gian còn đó còn thương còn nhớ hoài
Trời ơi nước mắt mùa Thu khóc thân phận mình”.
(Nước mắt mùa Thu, Sài Gòn 1961)
Cũng là nhớ thương, than khóc, nhưng đây là nỗi niềm thương nước, thương nòi. Tiếng khóc như da diết cho “bốn ngàn năm mệnh nước nổi trôi” (Tình ca):
“Mùa thương nhớ ai, mà mùa Thu khóc?
Nước thương nhớ ai, nước nhọc nhằn trôi?
Ôi! Thương nhớ ơi, thương giống nòi lòng man mác!
Ôi! Thương nhớ ơi, tìm giọng hát bài thơ”.
(Thương ai nhớ ai, Sài Gòn 1972)
Mùa Thu còn là mùa để ai kia hòa lòng vào tình nhung nhớ, yêu thương. Chỉ có những giấc mơ hiền hòa hòa điệu tơ lòng. Chỉ có khúc tình ca bảng lảng sương Thu. Có cả hương gây mùi nhớ, có cả trăng đa tình cùng gió cho tình Thu đẹp ngời:
“Đêm Thu yêu kiều, hớn hở ơ ớ
Như lòng trinh nữ
Đón gió muôn phương
Bay về đây
Hương ngọc ngà
Đêm Thu mơ màng ru ngủ u ú
Những người yêu Thu
Có những tình tơ trong bài thơ”.
(Tình ca mùa thu, Sài Gòn 1956)
Còn trong bài “Mộng du” (Sài Gòn, 1959), hình ảnh mùa Thu như hòa vào cái tôi đa tình, lãng mạn của Phạm Duy. Một chốn mơ hồ, phiêu bồng lãng đãng cõi tình Thu:
“Đêm đêm người mở lòng ra
Ôm ta trong cánh tay ngà
Giã từ đời bằng mây gió
Thả hồn theo cánh mây xa.
Ta đi bằng một sợi tơ
Lung linh luồn trong khói mờ
Ta treo hồn vào tình Thu
Thấy mình trôi loãng trăng loà”.
Viết về Thu, nhưng lời ca lại ấm áp tình yêu. Mùa Thu không còn là buồn thương, khóc nhớ, mà là mùa khơi mở tình yêu sau mùa Xuân, bởi “Mùa Thu là mùa Xuân thứ hai khi mỗi chiếc lá là một đóa hoa” (Albert Camus). Thu sang, tình yêu lại nở đầy. Tình yêu nở đẹp tương lai:
“Bàn tay ôm anh trong cuộc tình đầy
Một Thu sang, tim anh nở tròn ngày
Bàn tay ấm áp, ôi bàn tay bão táp
Bàn tay son, vẽ đời đôi”.
(Một bàn tay, Sài Gòn 1959)
Trong “Một đời nhìn lại – Ngàn lời ca”, Phạm Duy viết: “Bước vào thập niên 90, tôi bước vào mùa Thu của đời mình. Tôi soạn bài Tình Thu để tặng mình nhiều hơn là để tặng người nghe nhạc”. Quả thật, nghe bài này, tôi có cảm nhận Phạm Duy ngộ được đời người, ngộ được sự tuần hoàn, sinh hóa của đất trời:
“Đã Thu về đó, ới ơ người tình
Đã già thêm nửa hành trình thương yêu
Đã nghe nhịp sống, ới ơ đìu hiu
Đã nghe gần gũi nhạc thiều âm ty
…
Đã Thu vàng úa, ới ơ tình rồi
Tôi còn mê mải cuộc đời đi quanh
Hát lên một tiếng, ới ơ buồn tênh
Tiếng Thu một khúc mà thành thiên thu”.
Mùa Thu không của riêng ai. Mỗi người có cách cảm riêng của mình về nó. Phạm Duy cũng vậy. Và theo tôi Phạm Duy có nỗi đau hạnh phúc riêng nên ông cảm thấu mùa Thu bằng âm nhạc, bằng những lời ca còn mãi với thời gian.
P.T.H
Tháng 07/2020