Nguyễn Đình Ảnh – cặm cụi một nhà thơ đi bộ

778

Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh sinh năm 1942 tại quê Sơn Dương, Lâm Thao, Phú Thọ. Nhà thơ qua đời tháng 12/2006. Ông tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, sau đó vào bộ đội; Năm 1987 được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Cuối năm 1975 ông chuyển ngành về công tác tại hội VHNT tỉnh Vĩnh Phú. Các tác phẩm chính đã xuất bản: Chào đất nước (1970), Trăng rừng (1977), Hoa cỏ miền đồi (1982), Trước cổng trời (1989), Giã biệt một ánh sao chiều (1992), Sắc cầu vồng (1996), Vầng sáng và những kỳ tích – thơ – trường ca (2000). Nhà thơ đã được nhận: Giải C Thơ năm 1998 của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật; Giải thưởng Hùng Vương về Văn học Nghệ thuật 5 năm của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ…


Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh.

Với tiêu đề bài viết như vậy, người đọc sẽ cho rằng tôi đã “phân loại” nhà thơ theo cơ học hoặc theo “cách đi” chăng? Vâng, tôi muốn nói trọn vẹn cả hai nghĩa của các khái niệm ấy vào trường hợp “đời sống” và “đời viết” của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh.

Với tiêu đề bài viết như vậy, người đọc sẽ cho rằng tôi đã “phân loại” nhà thơ theo cơ học hoặc theo “cách đi” chăng? Vâng, tôi muốn nói trọn vẹn cả hai nghĩa của các khái niệm ấy vào trường hợp “đời sống” và “đời viết” của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh.

Chúng tôi – những người viết trẻ trên quê hương Vĩnh Phú trước đây, bây giờ là Phú Thọ và Vĩnh Phúc – đều chung cảm nhận: nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh luôn thong dong, đủng đỉnh, sống chậm với mình với đời. “Lớp nhà văn trẻ ở Phú Thọ nhớ về ông là nhớ về một “bà đỡ”…”. Nhà thơ cứ cặm cụi viết, cặm cụi đi, cặm cụi sống với vẻ an nhiên – như có gì đắc ý, như có gì chênh chao, như có gì đơn lẻ. Sống như vậy, viết như vậy, đi như vậy… ông đã thản nhiên biết mình – biết người đó chăng?

Quả thực ở cõi đời này, cõi văn chương này, cái chuyện “đi” thế nào có quan trọng lắm đâu. Người ta thường chú trọng ở đích đến, ở cách đến – “khác đi khác đến” ấy mà. Nhớ lại sinh thời ông, hình ảnh biểu trưng về ông là dáng dấp đi bộ đến cơ quan, đi bộ loanh quanh đâu đấy cùng bạn hữu văn nghệ… Nhà thơ ít “dính líu” tới xe máy hay ôtô. Bây giờ đọc lại thơ Nguyễn Đình Ảnh, tôi vẫn bình tâm với niềm tin như ngày nào mà nhận ra: ông thực sự là mẫu người chuyên chú cho thơ. Ông viết chậm, đi chậm trong sự lao động – sáng tạo nghệ thuật một cách chăm chú – mải miết thật mình.

* * *

Nhớ những năm 90 thế kỷ trước, ông nhiều năm phụ trách biên tập tạp chí Văn nghệ của Hội (ba năm cuối 1998-2000 ông là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh). Khi ấy, tôi đang chập chững say thơ và tập làm thơ. Hình ảnh còn ấn tượng mỗi khi gặp hoặc chia tay ông ở cơ quan Hội thường là, dáng ông đi bộ lững thững thanh mảnh, nhẹ nhàng với chiếc mũ phớt sẫm sáng trên đầu và chiếc cặp da sờn cũ trên tay, hoặc đôi khi là một tờ báo – tạp chí nào đấy. Thuở ấy, mọi người yêu thơ, làm thơ, bàn về thơ hình như có sự hồn hậu chân tình và cởi mở hơn. Thuở còn ở bộ đội, tôi đã đọc và chép vào sổ tay nhiều câu thơ của ông (đăng trên các báo) viết về miền biên cương phía Bắc và miền trung du Đất Tổ thật cảm động mà vẫn lung linh. Có khi vui vui, tôi đọc lại thơ của ông một thời biên giới cho ông nghe.

Vó ngựa băng qua triền đá chon von

khẩu súng khoác sáng lên khi nắng xói

đấy là bức chân dung chiều biên giới

tạc vào cao vời vợi núi cùng non…

(Chân dung chiều biên giới – 1978)

Hàng cây đứng như trong truyền thuyết

mà gió cồn lên cho sóng xao

cứ vui như thế, buồn như thế

ai biết ngày mai sẽ thế nào!

(Bỗng nhớ tiếc – 1990)

Âm vang sau tất cả tiếng bom

là tiếng em ta học bài trong lớp

là tiếng mõ trâu dền trên đỉnh dốc

tiếng hát theo chân người đi mở đường…

(Chào đất nước – 1970)

Lần nào ông cũng cười cười hồn nhiên, đôi mắt lim dim chớp chớp, gật gật đầu bảo tôi: À thế à, thế ra anh Đỉnh cũng nhớ được thơ chú ảnh thật à. Sinh thời, ông thường gọi tôi là anh, anh Đỉnh và xưng chú. Ông cũng hay nhắc tôi: say thơ, sáng tác thơ mà ít thuộc thơ (cả của mình, của người) là một hạn chế đấy. Từ đấy, tôi có nhận ra điều này mà khó sửa, khó tiến bộ thật.

Trụ sở Hội Văn nghệ thời đó luôn vui vẻ, thanh thoáng như “mái nhà chung” cho các hội viên mỗi khi lui tới. Tôi cũng là một tác giả chịu khó học hỏi, thậm chí cả gan “bàn cãi” với các bậc thầy, bậc anh trong văn chương qua những gặp gỡ như vậy và đâu đó. Tuy nhiên, tôi nhận ra ở nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh, nếu được trò chuyện riêng với ông thì sẽ rất lý thú. Vì thế, thi thoảng 2 – 3 tháng một lần tôi thường đến chơi thăm ông tại nhà riêng để được nói chuyện nhiều. Đấy là các buổi chiều, buổi tối những ngày cuối tuần. Tôi được ông tiếp chuyện thật chí tình về thơ, về văn chương nghệ thuật. Ông thường nghe trước hoặc gợi cho tôi nói trước về những vấn đề gì đó. Sau đấy ông trao đổi, “nói lại cho rõ” và thống nhất cùng tôi về những chuyện vừa trao đổi. Đến phần ông, ông thường nói say, nói dài nhưng thật mới lạ và cuốn hút sự nghe, sự nghĩ trong tôi. Tôi nhận ra, ở những trò chuyện riêng này, từ ông đã “hoá thân” thành nhà giáo văn chương, nhà phê bình văn chương thấu đáo và bài bản. Thỉnh thoảng trong những gặp gỡ ông thường nhắc tôi đưa thơ để in. Tôi luôn cám ơn và từ chối việc in thơ nhiều…

Nhớ lại những năm tháng qua lại thăm gia đình ông ở mé đồi vắng sau trường cấp 3 Việt Trì dạo ấy, tôi vừa thấy mình “người lớn”, vừa thấy mình như có gì “không phải” trong ứng xử đời thường. ấy là nhiều lần đến thăm chơi gia đình, được ông tiếp chuyện, được vợ con ông chào đón cởi mở, mà tôi “tịnh không” mang biếu xén chút quà cáp gì “gọi là”… Vậy nhưng cũng trong thời gian ấy, tôi nhớ, đi chơi đâu với nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn hay một vài người khác, thì tôi lại cứ “học theo ông Nhàn” quà cáp này nọ “cho nó tình cảm”…

* * *

Những năm 90 của thế kỷ trước, tôi hào hứng học hỏi sáng tác thơ. Đôi khi “điếc không sợ súng” cũng tập tọng viết vài bài báo dưới dạng giới thiệu sách hoặc phản ánh này nọ. Có lẽ nhận thấy sở thích “bình loạn” ấy của tôi, nên nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh cũng thường nói kỹ hơn cho tôi nghe quan điểm thơ của ông về thời sự văn chương trong tỉnh, trong nước. Có nhiều cách tiếp cận tri thức văn học, nhưng qua cách “tâm tình văn nghệ” của ông, tôi nhận thêm ra nhiều điều thú vị. Qua ông, tôi thêm hiểu về thơ của những tác giả “trẻ và mới” mà nổi tiếng trong làng thơ Việt khi ấy: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Linh Khiếu, Mai Văn Phấn, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quyến, Nguyễn Ngọc Phú… và một số nhà thơ nhà văn khác. Cùng một số người khác, nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh đã như những người thầy đầu tiên truyền cảm hứng sáng tạo và tiếp thêm kiến thức văn học cho tôi dần nhận ra con đường để đi (và phải đi)… nếu muốn đến bến bờ của văn chương – nghệ thuật.

Thoáng đó thôi, nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh đã đi “xa ngoài Cổng Trời” đến 4 năm. Bốn năm qua, tưởng ông còn bận cặm cụi chuyển nhà, cặm cụi đọc sách và làm quen nơi ở mới xa phía ngoại thành Việt Trì, nên chưa tiện trở lại Hội chơi. Nhưng ông đã làm cuộc “bứt phá”, cuộc ra đi thực sự. Trụ sở cơ quan Hội văn nghệ – nơi quá nửa đời công tác ông đã gắn bó – giờ đã đổi thay. Khó còn nhận ra “cảnh cũ người xưa”. Nhưng tôi vẫn gặp thơ ông đâu đó, vẫn nhìn thấy ông đâu đó qua dáng dấp những đồng nghiệp quen – lạ, những hội viên văn nghệ đây kia…

Xin kết lại bài viết nhớ về nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh, như thêm lần tạm biệt ông – tôi cùng đồng ý lời nhận xét của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải mà khẳng định rằng: “Ông là nhà thơ được học hành cẩn trọng và chu đáo, lại tôi luyện trong khói lửa chiến tranh nên ông khá thận trọng trong biên tập và nhận xét tác phẩm của hội viên, của cộng tác viên. Chưa bao giờ thấy ông mang thơ của người này, người kia ra đàm tiếu”. Vâng, ông là nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh, nhà thơ của đắm đuối tình người – tình đất trung du. “Ai bảo là nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh đã “ra đi”…” (*)

Theo Ngô Kim Đỉnh/Vanvn

(*) Những chữ in nghiêng trong ngoặc kép được trích trong bài viết của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải in trong Tuyển tập thơ Nguyễn Đình Ảnh – NXB Hội Nhà văn 2007.