Nguyễn Khai Phong – Hồn thơ cô đơn và nhân hậu

764

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyễn Khai Phong (1942-2019), là nhà văn, làm thơ, viết kịch bản và tiểu thuyết. Anh cùng quê với tôi ở Cái Vồn, Cần Thơ (nay thuộc Bình Minh,Vĩnh Long). Anh và tôi cùng học trường trung học Phan Thanh Giản – chiếc nôi văn hóa của nhiều nhà cách mạng và văn nghệ sĩ cách mạng Tây Nam bộ như Lưu Hữu Phước, Sơn Nam, Viễn Phương…


Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Khai Phong.

Cuối thập niên 60, khi chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành chính sách tiêu diệt những người kháng chiến và đàn áp trí thức sinh viên học sinh yêu nước, anh đã bỏ trường cùng với các anh Nghệ Hữu Chí (và vợ là Phạm Thị Lài), Huỳnh Hữu Khải, Đoàn Văn Thế… vào chiến khu (1958) nhưng các anh Khải, Thế đã hy sinh năm 1968. Tác phẩm anh đã xuất bản Người con gái Tây Đô (truyện ký – 1969), Cánh hoa lý hồng đỏ (Tập truyện ngắn – 1987), Bài thơ xa vắng (Tập thơ – 1990), Chuyện tình bến Tô Châu (Tiểu thuyết – 1990), Chuyện như tiểu thuyết (Tiểu thuyết – 1997), Lửa Vòng Cung (Kịch bản phim 5 tập – 2001), Chuyện tình nàng Sara (Tiểu thuyết – 2006), Truyện và Ký Nguyễn Khai Phong (2006), Bài thơ tình yêu (Thơ – 2016) và một tập Tiểu thuyết dở dang Chuyện tình anh và em. Bài thơ nổi tiếng Ký ức Vòng Cung do Nguyễn Thanh phổ nhạc (2003) được nhiều ca sĩ trình bày.

Nhà thơ Nguyễn Khai Phong là Phân hội trưởng Phân hội Văn học Nghệ thuật TP. Cần Thơ và là Chủ tịch hội Nhà văn TP. Cần Thơ do anh đứng ra đề xướng thành lập ở Đồng bằng sông Cửu Long. Với tấm lòng ưu ái vô bờ với anh em khiến tôi vô cùng xúc động, chính nhà văn Nguyễn Khai Phong trước tiên – đã đề xuất cùng các nhà thơ, nhà văn đáng kính vốn thương và hiểu tôi: Trịnh Bửu Hoài, Lương Minh Hinh, Lê Đình Bích, Nguyễn Trọng Tín, Lương Ngọc An… đã gợi ý để cùng các bạn văn nhất trí giới thiệu tôi vào Hội Nhà Văn Việt Nam (19/03/2019) dù biết con đường về La Mã với tôi vẫn còn nhiều khê diệu vợi! Nhân kỷ niệm vừa tròn một năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Khai Phong, tôi xin mượn bài viết này để chân tình bày tỏ tấm lòng biết ơn cố nhà văn Nguyễn Khai Phong, mà bóng hình người chủ tịch tài hoa và nhân hậu đã ngự sâu trong tâm hồn văn nghệ sĩ và độc giả đất Cầm Thi.

Trong lịch sử văn chương nhân loại, chủ đề tình yêu ở bất luận không gian và thời gian nào vẫn là nguồn suối ngọt ngào vô tận đối với nghệ sĩ thi nhân. Cùng chủ đề này, Biển và Em của Khai Phong là bài thơ tình hay.

Vào một chiều yên ả đầu mùa hè năm 2004 không xa, anh và tôi có dịp đi thực tế về vùng đất Ba Động, nơi bờ biển hiền lành Tây Nam bộ thân quen với anh trên những chặng đường công tác trong thời chống Mỹ. Đứng trên mảnh đất ngày xưa còn ấm nồng kỷ niệm từ những ngày đấu tranh gian khổ, tức cảnh sinh tình, nhà thơ Nguyễn Khai Phong không thể không cảm thấy trong lòng bồn chồn rạo rực một nổi nhớ nhung về kỷ niệm hôm nào.

Theo một triết gia phương Tây, con người từ nhỏ mới sinh ra trần trụi và đã khóc óe ngay từ lúc mở mắt chào đời vì mang mặc cảm tự ti. Với Khai Phong, một hồn thơ dạt dào nhạy cảm, anh cũng không ở ngoài qui luật tự nhiên đó. Trước cảnh trời cao đất rộng mênh mông của biển khơi và xanh ngát đại ngàn, anh càng thấy mình vô cùng cô đơn bé nhỏ, lòng thiết tha muốn được cùng người san sẻ. Tính bộc trực và thành thật của người Nam bộ, không xa xôi văn vẻ giới thiệu gì trước về bối cảnh, nhà thơ đã bộc lộ ngay nỗi lòng mình như thể sợ không ngăn kip dòng cảm xúc dâng tràn. Do vậy, người đọc dễ nhận ra phần mở đầu bài thơ là cảnh trống vắng:

Không có em
chiều nay
biển vắng

Với lời thơ tự nhiên mà hàm súc tích dù cấu trúc câu khá mới, tác giả đã làm nổi bật ngay chủ đề bài thơ chỉ trong bảy chữ được sắp xếp trong ba dòng đầu bài thơ. Nỗi trống trải càng đậm đặc sau thoáng chốc băn khoăn vì sự bế tắc của phương tiện thông tin được coi là hiện đại nhất:

Gọi điện cho em
Vinaphone nghẽn mạch

Giữa không gian trời nước mênh mông, nhà thơ không tránh khỏi cảm thấy đơn lẻ vì thiếu người tâm sự:

Buồn hay vui
biết nói cùng ai

Thật đúng với tâm trạng của một nhà thơ phương Tây: “Một người mà nhớ một người/ Vắng em là cả đất trời quạnh hiu” (Un seul être vous manque, tout est dépeuplé).

Trong khi ngoại giới bắt đầu cuộc trình diễn như khích động giày vò tâm tư tác giả. “Sóng biển” và “bờ cát” vốn là những hình ảnh hóa thân cho chủ thể chính trong thơ tình thường gặp ở Xuân Diệu (Biển), Xuân Quỳnh (Sóng)…, ở đây được nhà thơ Nguyễn Khai Phong sử dụng tù ngữ “sóng đôi” thật đúng chỗ. Vì lẽ trong thiên nhiên, “sóng biển” và “bờ cát” lúc nào cũng vờn nhau khăng khít như động thái gắn bó mặn nồng:

Sóng vỗ nhịp
Sóng trườn bờ cát
Cát cảm hứng phơi mình…

Sóng và cát như con người biết yêu thương và hành động. Trong tình yêu, đối tác nam thường giữ vai trò chủ động nên nhà thơ đã khéo chọn từ “trườn” khá lạ và bạo: “nghiến nát cả bờ em” (Biển). Trong chúng ta, ai cũng hiểu tình yêu là môi trường tâm lý sắc màu luôn thay đổi khôn lường. Nhìn theo một góc cạnh nào đó, tình yêu như một “tôn giáo”, nó làm nên tất cả bằng một sức mạnh vô cùng (Tolstoi) và hiện hữu dưới
ánh mặt trời như một chân lý vĩnh hằng. Thế giới ái tình là một không gian đặc biệt tĩnh lặng với sự “hành hương” của chỉ hai “tín đồ” “say đạo”. Vắng đi một, tấn kịch đời “tâm lý tình cảm” song diễn đó sẽ không còn tồn tại nữa. Sóng và cát như anh và em, “một quả đôi” (Huy Cận), “tuy hai mà một” (Tản Đà), “như hình với bóng” (Khai
Phong). Nhìn “Những đôi tình nhân so vai” tay trong tay, âu yếm bên nhau:

Họ đi tay yếu trong tay mạnh
Ca khúc ân tình giữa gió sương (Thế Lữ)

Nhà thơ cảm thấy thua thiệt vì một mất mát lớn. Tất cả trở nên vô nghĩa như biển thiếu bờ, sóng xa cát:

Không có em
anh lấy gì so sánh
Không có em
anh biết phải làm gì?

Tâm trạng nhà thơ mang dấu ấn hoài niệm không khác gì Thôi Hộ và Lamartine thuở nào: Da diết bâng khuâng nhớ bạn tình khi trở về thăm lại chốn xưa. Từ trước tới nay, mỗi nhà thơ có một cách diễn tả khác nhau về chân dung tình yêu qua những trạng thái tình cảm và tâm lý vô cùng tinh tế, phức tạp. Ông chúa thơ tình Xuân Diệu muốn cắt nghĩa tình yêu nhưng cũng cảm thấy bất lực: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”, trong khi Xuân Quỳnh lại đào sâu những góc cạnh đối cực mâu thuẫn trong thế giới tình cảm yêu đương: “Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ”. Riêng Khai Phong có vẻ chân chất hiền lành khi anh dùng ngôn ngữ mộc mạc tự bạch tâm sự của mình. Nhưng sau đó nhà thơ tiếp tục bộc lộ thêm bản ngã mình khi triết lý về bản thể của tình yêu như một chàng trai trải nghiệm ở tình trường:

Biển muôn đời vẫn thế

Tác giả kết thúc bài thơ như một điệp khúc bằng cách thay từ và đảo câu phần mở đầu:

Anh thiếu em
biển vắng
chiều nay…

Thi sĩ như muốn nhắc lại một ấn tượng khó phai. Đó là sự thiếu vắng bạn tình.

Dù sao đi nữa, là người yêu thơ, chúng ta nên mở rộng tâm hồn tìm hiểu thêm về tác giả để nhìn kỹ lại bài thơ. Không nói đến anh từng đạt giải nhất thơ với bài Dệt chiếu (VNGP Tỉnh Cần Thơ-1965), ta có thể khẳng định Nguyễn Khai Phong là nhà văn nặng hồn thơ. Đi thực tế Lộ Vòng Cung lịch sử, anh có bài Ký ức Vòng Cung, đến với thành phố biển Nha Trang phong cảnh hữu tình, anh có dịp trút tâm tình trong hai thi phẩm cùng nhan đề Bài thơ gởi lại và gần đây trong lần trở lại Ba Động, anh sáng tác bài thơ này.

Từ đó có thể nói, mỗi lần Khai Phong hạ bút gieo vần, theo tôi, tác phẩm của anh là những vần thơ có hồn. Có thể minh chứng thêm bằng những bài thơ của anh đã in trong tuyển tập “15 nhà thơ Đồng bằng sông Cửu Long”. Là bạn văn đồng hương cùng trường trước ngày giải phóng, tôi đã thông cảm nhiều với anh cho đến ngày anh bị thương (1972) trong một trận chiến đấu ác liệt thời chống Mỹ.

Hôm nay tổ quốc yêu thương đã sạch bóng quân thù sau ba mươi năm thống nhất đất nước, ước mơ chung của mọi người dân Việt Nam là được hưởng hạnh phúc an bình bên cạnh người thân ruột thịt và bầu bạn ân tình. Biển và Em là tâm trạng trống trải cô đơn vắng của một hồn thơ sâu lắng đáng yêu lúc sinh tiền khi anh về thăm lại biển Ba Động
Chúng ta có thể đồng ý với nhà thơ Lê Chí nhìn nhận Biển và Em của Khai Phong là một bài thơ tình hay nhưng buồn, nên dễ gây xúc động nơi người yêu thơ. Bút pháp bài thơ dung dị thông thoáng với thể loại tự do, thi tứ cảm động và nội dung chủ đề nhất quán và cô đọng như những vần tứ tuyệt. Biển và Em ắt có một giá trị nhân văn rất đáng trân trọng vì đã khắc đậm được một chân dung tình yêu gần gũi đời thường mà trong chúng ta, ai cũng có thể cảm nhận mình đã có lần trải qua trong cuộc đời tình ái.

Nguyễn Thanh

Biển và Em 

Không có em
chiều nay
biển vắng;
Gọi điện cho em
Vinaphone nghẽn mạch

Buồn hay vui
biết nói cùng ai
Sóng vỗ nhịp
Sóng trườn bờ cát
Cát cảm hứng phơi mình…
Sóng và cát
như hình với bóng
Không có em
anh lấy gì so sánh
Không có em
anh biết phải làm gì?
Biển muôn đời vẫn thế
Những đôi tình nhân so vai
như sóng và cát

Anh thiếu em
biển vắng
chiều nay…

Biển Ba Động, 4. 2004
Nguyễn Khai Phong