Nguyễn Thành Châu – Nghệ sỹ sân khấu bậc thầy

2415

Năm Châu tên thật là Nguyễn Thành Châu (1906-1977), một nghệ sĩ bậc thầy của nền sân khấu cải lương Nam bộ. Ông đồng thời là diễn viên tài danh, nhà viết kịch uy tín, đạo diễn lẫy lừng, một và nghệ sĩ có óc cách tân sân khấu nước nhà với chủ trương một nền nghệ thuật trình diễn tiến bộ theo các nước phương Tây. Không những làm giám đốc của nhiều đoàn hát lớn, nghệ sĩ Năm Thành Châu còn là giáo sư kịch nghệ đầu tiên của trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, soạn giả của có công hơn 50 tuồng cải lương sáng giá mà còn có công lớn trong việc đào tạo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, và cả cả trên lĩnh vực chuyển âm, lồng tiếng phim tuồng cải lương và phim nước ngoài trong giai đoạn kỹ thuật này còn phôi thai ở nước ta. Nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu được Nhà nước phong thưởng là Nghệ sĩ Nhân dân (đợt 2-1988).   

Nghệ sỹ Năm Châu

Mỹ Tho hay Định Tường, tiền thân của Tiền Giang hôm nay, là miền đất thiêng nghệ thuật với đồng ruộng mênh mông trù phú, thị trấn tỉnh gối đầu bên sông Tiền hiền hòa, từng đi vào lịch sử kháng chiến chống quân Xiêm xâm lược tại Rạch Gầm và nghệ thuật thi ca trữ tình dân gian : “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ/ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu/ Anh về học lấy chữ nhu/ Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ”. Nơi đây là chiếc nôi ấm áp, rộng lớn của cải lương Nam bộ với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cả nước. Thầy Năm Tú (tên thật là Châu Văn Tú (còn gọi Pierre Tú), bầu gánh của đoàn hát tiền phong cùng tên, tiếp đến là các cô : Bảy Nam (1913-2004), Phùng Há (1911-2009), Kim Cương (sinh 1937), và Trần Hữu Trang (1906-1966), Nguyễn Thành Châu… tất cả đều là Nghệ sĩ nhân dân  trong địa hạt nghệ thuật sân khấu cải lương. Với Năm Châu, tức NSND Nguyễn Thành Châu, ông xứng đáng là ngôi sao sáng, biểu tượng cho một nghệ sĩ sân khấu bậc thầy của nước nhà.

NSND Năm Châu tên thật là Nguyễn Thành Châu, sinh ra tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho trong một gia đình công chức thanh liêm. Thân sinh của anh Năm Châu lúc ấy đang làm việc tại Tòa bố Mỹ Tho. Vì tính cương trực đã làm mích lòng ông Tỉnh trưởng người Pháp nên ông bị thuyên chuyển ra làm việc tại đảo Phú Quốc, Rạch Giá. Đang học năm thứ hai, ban Thành chung trường Trung học, nhân kỳ nghỉ hè, anh ra Phú Quốc thăm cha. Đến ngày khai trường, vì bão tố, tàu bè không trở về kịp đất liền, khiến anh Năm Châu bị trễ ngày nhập học. Nhà trường cúp học bổng và anh bị đuổi học. Gia đình định cho anh lên tiếp tục học trường Tabert Sài Gòn. Nhưng có tinh thần tự lập, lại muốn theo nghiệp cầm ca, anh Năm Châu (năm 16 tuổi) xin gia nhập gánh hát của thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Thầy Năm Tú, chủ gánh hát không phải là nghệ sĩ nhưng từng du học ở Pháp về, có khuynh hướng muốn đào kép bỏ lối hát ca ra bộ theo phong cách cũ trước đó đã từng áp dụng ở các tuồng : Trang Tử thử vợ, Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên- Nguyệt Nga… Vóc dáng phương phi, ngoại hình đẹp trai lẫn giọng ca trời phú, không bao lâu, anh Năm Châu chóng trở thành kép chánh nổi tiếng nhất trên sân khấu cải lương lúc bấy giờ. Chưa nói đến đoàn hát mà anh vừa là bầu gánh, diễn viên chính, vừa là soạn giả kiêm đạo diễn, tham gia bất luận gánh hát nào, nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu luôn giữ vai trò kép chính. Cũng chính anh Năm Châu là đạo diễn cho các phim : Người đẹp Bình Dương, Chức Nữ – Ngưu Lang của hãng phim Mỹ Vân, do nữ minh tinh đóng vai chính là Thẩm Thúy Hằng, một trong “Ngũ đại mỹ nhân” (Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Nga, Thanh Thúy xưa, Kim Cương) được coi là biểu tượng nhan sắc một thời của đất Sài Gòn hoa lệ năm xưa.

  Anh Năm Châu, trong những lúc nói chuyện tâm tình với anh em nghệ sĩ, thường khiêm tốn cho biết là anh đã học được nhiều bài học quý giá trong nghề hát ở ông Bầu kiêm đạo diễn thầy Năm Tú. Từ đó, với tinh thần cách tân, anh Năm đã khai sáng ra một dòng nghệ thuật cải lương tuồng Tây, song song với cải lương tuồng Tàu theo đường lối mới là làm cho sân khấu Thật và Đẹp. Anh Năm nói : “ Tôi chủ trương một sân khấu ‘Thật và Đẹp’ bắt đầu bằng những câu chuyện có thể xảy ra trong cuộc sống bình thường, cuộc đối thoại và động tác của diễn viên cũng thật như mình thấy trong cuộc đời”. Tôi nhớ rõ, khoảng đầu thập niên 1950, lúc còn học tiểu học tại Cần Thơ, vốn mê xem cải lương, tôi có dịp đi coi hát cọp cùng bạn bè trong những lần đoàn Việt Kịch Năm Châu đến trình diễn tại rạp hát Tây Đô. Chính vì chủ trương cách tân : Thật và Đẹp còn hơi xa lạ đó mà các buổi diễn của Đoàn Việt Kịch Năm Châu, so với các đoàn khác, không mấy tấp nập khán giả từ trước đến nay vốn đã quen với sân khấu truyền thống ngự trị bởi diễn viên đẹp và ca mùi bản vọng cổ. Đoàn Việt Kịch của nghệ sĩ Năm Châu phục vụ cho công chúng được 7 năm (1948-1955). Gia đình anh Năm Châu, chị Kim Cúc, Kim Lan (em vợ) cùng nhạc phụ anh là nghệ sĩ tiền phong Bảy Nhiêu tập hợp thành nhóm chuyển âm cho hãng phim Mỹ Phương và hãng phim Mỹ Vân ở Sài Gòn.

Với tài năng, uy tín và trải nghiệm chuyên môn thuần thục, nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu được mời làm giáo sư kịch nghệ của trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Nghệ sĩ Kim Cúc, vợ anh. Nghệ sĩ Duy Lân, soạn giả Lê Hoài Nở…và các nhạc sĩ kỳ cựu Hai Khuê, Sáu Tửng cũng được mời làm giáo sư giảng dạy chung trường với anh Năm Châu. Tài năng và danh tiếng của nghệ sĩ Năm Châu đã tăng dần lên trong trong hai năm (1922-1924) mới bắt đầu gia nhập gánh hát của thầy Năm Tú cho đến các đoàn sau nầy : Nam Đồng Ban, Tái Đồng Ban (1925-1928) của ông Bầu Hai Cu, Huỳnh Kỳ (1929-1936) của bầu: Georges Lê Công Phước (Bạch Công Tử), Trần Đắc của doanh nhân, điền chủ Trần Đắc Nghĩa tại Cần Thơ rồi đến gánh Con Tằm (1946) do anh Năm Châu đứng dầu, Và sau này là đoàn Việt Kịch Năm Châu (1948-1955). Thời kỳ rực rỡ nhất của ban Việt Kịch Năm Châu là hai năm cuối của đoàn hát cải tiến này (1952-1955) khi trình diễn vở “Tây Thi, gái nước Việt”. Ở vở tuồng này, anh Năm Châu vừa làm đạo diễn, kiêm diễn viên hai vai trung tâm: Ngô Phù Sai và Phạm Lãi, đã gây tiếng vang lớn về khuynh hướng nghệ thuật cải lương mới, bất ngờ làm say mê khán giả lúc đó.

 Sự cống hiến đa dạng của anh Năm Châu cho nền sân khấu cải lương nước nhà mang ý nghĩa to lớn. Vừa là kép chính đẹp dáng ca hay diễn tốt trong nhiều vai : Võ Đông Sơ, Lục Vân Tiên, Trang Tử, Kim Trọng…trong những vở tuồng nổi tiếng do anh biên soạn. Anh Năm kiêm luôn là một đạo diễn giỏi, có thiện ý kèm cặp dạy nghề hát cho anh em nghệ sĩ, vừa là một soạn giả sung sức tài năng sáng tác những vở : Mộc Quế Anh, Anh hùng náo Tam môn Nhai, Tái Sanh duyên, Mổ tim Tỷ Can, Thôi Tử thí Tề Quân, Võ Tòng sát tẩu…và sau này là cá vở: Nợ dâu, Men rượu hương tình, Sân khấu về khuya,,,,,cho các đoàn hát mà anh là diễ viên chính. Nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu còn thể hiện tinh thần xã hội cao đẹp khi anh mua một trại cưa bên kia Cầu Bông (1952) làm chỗ ăn ở cho cả đoàn Việt Kịch Năm Châu. Bếp ăn chung nhưng trại phân ra từng khoảnh cho gia đình mỗi nghệ sĩ. Nhân lúc ở Sài Gòn có phong trào Truyền bá Quốc ngữ, anh Năm Châu nhờ giáo sư và học sinh trường Huỳnh Khương Ninh – một địa chỉ tốt của ngành giáo dục tư thục do một chủ trường yêu nước tiến bộ thành lập – đến dạy cho các diễn viên và công nhân sân khấu chưa biết chữ. Nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu còn ổ xúy thực hiện nếp sống mới trong giới nghệ sĩ: cấm cờ bạc, hút sách, nghiện rượu, không được nói tục, chửi thề – những thói hư tật xấu xưa nay thường  thấy có trong các đoàn hát.

 Con người đa tài thường đa tình. Định luật này xưa nay càng không khó tìm thấy ở giới nghệ sĩ. Cuộc đời tình cảm của nghệ sĩ Năm Châu – hay đa phần các nghệ sĩ khác – cũng biến thiên sinh động theo đồ thị biểu diễn tài năng và tần số thăng trầm của kẻ tài hoa trong không gian sân khấu nghệ thuật. Chưa kể mối tình câm vượt không gian thời gian của cặp đôi nghệ sĩ tài sắc lưỡng toàn giữa Năm Châu – Phùng Há từ khi mới bước vào môi trường nghệ thuật, người vợ đầu tiên của nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Thành Châu là nghệ sĩ Ngọc Xoa (tên thật là Sáu Trâm), nữ diễn viên người gốc Long Xuyên, sống một thời gian với Năm Châu rồi bỏ chồng về quê luôn ! Tiếp đến là nữ danh ca Tư Sạng ở với Năm Châu được 5 người con trong đó có danh ca Thanh Hương, vợ của danh hài Văn Chung (sau đó là kép Hùng Minh) và con trai cả là Nguyễn Thành Văn, chủ rạp hát Tây Đô tại đường Nguyễn Thái Học (nay là đường Võ Văn Tần) trước 1975 tại Cần Thơ. Tôi nhớ lại một kỷ niệm đẹp về tấm lòng hào phóng nghệ sĩ của anh Nguyễn Thành Văn. Cuối năm 1974, từ trung học Cái Răng mới chuyển về dạy tại trường Trung học Đệ Nhị cấp tại Cần Thơ, tôi tiếp tục nghiệp làm báo, chủ biên, trình bày và  minh họa cho tờ Đặc san Xuân Phan Thanh Giản 1975. Khi cùng học sinh lặn lội đi xin quảng cáo tại rạp hát Tây Đô, tôi được anh Nguyễn Thành Văn – con trai của NSND Nguyễn Thành Châu và nữ danh ca Tư Sạng, chủ rạp Tây Đô tiếp đón niềm nỡ. Anh Văn có vóc người trung bình, nước da trắng trẻo, vẻ mặt luôn tươi cười, vui vẻ nhận đăng trọn một trang quảng cáo vào bìa chót của tờ đặc san với giá ủng hộ 50.000 đ (số tiền lúc ấy tương đương với giá trị hơn hai chiếc xe Honda 50 chính cống của Nhật. Nhưng cô Tư Sạng mẹ của anh Văn sau đó, cũng sang ngang, bỏ anh Năm Châu, về làm thứ phi cho ông Ngô Văn Mạnh, chủ hãng dĩa hát nhựa màu đen Asia ở Sài Gòn. Cuối cùng là bến đỗ tình yêu thứ ba như một huyền thoại – nghệ sĩ Năm Châu với nghệ sĩ Kim Cúc nhỏ hơn anh gần 20 tuổi. Cả hai sống hạnh phúc với nhau như Tiên Ông -Ngọc Nữ, có 6 người con phần lớn đều theo ngành nghệ thuật và đã thành đạt, cho đến khi NSND Năm Châu vĩnh hằng về với tổ nghiệp vào năm 1977.

 Tưởng cũng nên biết câu chuyện câm động về Mối tình câm vượt không gian thời gian giữa Năm Châu và Phùng Há tái hiện rất cảm động qua ứng xử giữa các nghệ sĩ: Phùng Há-Năm Châu và Kim Cúc-Phùng Há, trong ngày NSND Năm Châu từ biệt cõi đời, sân khấu và công chúng mến mộ nghệ thuật cải lương. Có thể xem đích thực đây là một bức tranh đẹp rực rỡ về nghệ sĩ giữa bạn tình, bạn diễn, sáng chói tính nhân văn trong lĩnh vực nghệ thuật mà ta không sao quên được. Giới nghệ sĩ hay kể lại, ngày anh Năm Châu mất, NSND Phùng Há hay tin, chạy vô nhà thương vấp té liên hồi. Anh em nghệ sĩ có mặt phải chạy ra đở, dìu cô vô nhà. Cô Bảy đứng không vững, nghẹn ngào nức nở, cố đến gần bên cố nhân đang nhắm mắt. Cô Phùng Há nắm vai anh Năm lay gọi, như muốn vực anh dậy: “Khoan, anh khoan đi. Anh có nghe không. Anh phải nghe tôi nói rồi mới yên lòng ra đi được. Tôi biết anh vẫn còn uất hận trong lòng, sở dĩ tôi làm vậy là vì anh, vì thương anh, thương vợ con anh. Giờ đây, tới phút cuối nầy, tôi vẫn yêu anh…”. Cô Bảy khóc ngất, như trong mê sảng, nói với người tình xưa đã xuôi tay mà không biết là chung quanh cô có rất nhiều người trong đó có cả chị Kim Cúc đang là vợ chính thức của người vắng số. Chị Kim Cúc xúc động, vỗ về cô Bảy: “ Chị Bảy, trước khi nhắm mắt, ảnh còn gọi tên chị, hỏi chị ở đâu”. Chị Kim Cúc không thể nói tiếp vì cô Bảy đã ôm chị mà khóc ngất: “Nghệ sĩ trót sinh giàu cảm lụy/ Dầu tàn thân thế khó quên nhau” (Thơ Tchya). Ta nghĩ, phải có những trái tim tuyệt vời mới chứa đựng nỗi mối tình dang dở hàng nửa thế kỷ mà vẫn chưa phai. Phải có tâm hồn cao cả mới thể hiện được tình yêu chân chính thanh cao và nén được những hờn ghen vị kỷ, để san sẻ cho nhau nỗi đau thương và biết an ủi cả người tình địch như nghệ sĩ Kim Cúc ứng xử với cô Bảy Phùng Há. Dường như chỉ trong khổ đau nghiệt ngã, người ta mới thực sự trưởng thành: Đau thương càng nhiều, con người càng vĩ đại  (Corneille).

Nhận định về NSND Nguyễn Thành Châu, vua soạn giả vọng cổ NSND Viễn Châu (1924-2016) đã chân tình: “ Năm 1923, anh Năm Châu đã là kép chính sáng giá nhất của ban cải lương thầy Năm Tú ở Mỹ Tho, anh là người tài giỏi trông rộng, nắm bắt tình thế để ứng biến cho nghề, cho sân khấu một cách thần thông”. Cải lương chi bảo (Viên ngọc quý của cải lương), NSND Bạch Tuyết, tiến sĩ Âm nhạc Dân tộc đầu tiên Việt Nam, tốt nghiệp Đại học Ngữ văn, từng du học hải ngoại nhiều năm, và cũng là người nghệ sĩ đầu tiên mặc nhiên xóa tan thành trì của định kiến “Xướng ca vô loại” của một số người. Chính bà đã coi trọng những nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há …là bậc thầy đáng kính như cha mẹ: “Năm 1961, lúc tôi về ban Thống Nhứt, thì tên tuổi của ba Năm Châu, má Phùng Há đã được lứa hậu sinh chúng tôi xem như Tổ nghề”. Tóm lại, ta có thể trân trọng NSND Nguyễn Thành Châu như nghệ sĩ lớn đa tài giàu nhân cách của sân khấu cải lương tiến bộ và tinh thần cách mạng trong ngót sáu mươi năm, bên cạnh những ngôi sao sáng tiền phong như Trần Hữu Trang, Phùng Há, Út Trà Ôn… mà chân dung và tài đức anh đã in sâu vào lòng công chúng mộ điệu và sân khấu nghệ thuật cải lương nước nhà.

Tương Như