Nguyễn Thị Thu Huệ & Làn khói xám

816

21.3.2018-00:10

  Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ

 

Làn khói xám

 

TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN THỊ THU HUỆ

 

NVTPHCM- Sinh nhật mẹ đúng ngày Chúa giáng sinh, luôn có cây thông con con, và cái bánh, ghi dòng chữ Chúc mừng sinh nhật bà Ngọc béo – là những món quà mấy chục năm nay con cháu tặng mẹ. Mỗi lần gặp một chuyện gì, tôi thường lẩm bẩm “Mẹ lại đúng rồi”.

 

Bị phản ứng là không nhân văn, quá tàn nhẫn khi chiếc quan tài được đẩy dọc hành lang, rồi đưa vào lò lửa cháy rực được nhà tang lễ phát trực tiếp hình ảnh cho gia đình người mất xem, bây giờ hai màn hình tivi chỉ phát đến cảnh chiếc quan tài được đưa qua cánh cửa sắt, trôi về cuối hành lang trắng với một người đẩy chậm chậm, rẽ sang đường khác, xong tắt phụt.

 

Cùng lúc đó, bên ngoài, điện cắt. Tất cả chìm trong bóng tối. Mọi người ồ lên. Những tiếng khóc im bặt. Đám đông đau buồn tự động dịch chuyển sang phòng bên trái có một điện thờ, chả ai bảo ai, tất cả cùng quỳ mọp xuống đất và vái. Tiếc khóc râm ran lẫn trong tiếng trách, sao em bỏ chị mà đi thế, chị đáng phải đi trước em mới phải. Mới hôm nào, em còn nói, qua mùa đông, chân đỡ đau, chị em mình đi thăm mộ ông bà….

 

Tôi cũng quỳ, giữa những người họ hàng đủ mọi lứa tuổi. Chắp tay trước ngực và nhìn bát hương chi chít chân hương chật kín. Ai cũng tin giữa hai thế giới, mỗi que hương là một cây cầu bắc ngang cho họ gặp nhau. Khói hương nối hai thế giới, cứ tin như thế đi.

 

Trong không khí đậm đặc hơi người, hơi hương nghi ngút, bác Đỗ chợt kêu: “Mọi người ra hết ngoài sân đi, khói lên rồi”. Sau tiếng thất thanh, bàn tay chắc nịch của bác nắm lấy cánh tay tôi, kéo giật lên.

 

Tôi chúi người, vùng đứng lên chạy theo bác. Mọi người trôi ra khoảng sân rộng. Nhà tang lễ một tầng hơi giống ngôi chùa dài. Xa hẳn khu tưởng niệm là một ống khói cao xây bằng gạch, để trần không trát. Do thiêu đốt mỗi ngày, màu gạch sậm lại, như môi những bà già nhai trầu đến khô nứt nẻ vẫn không nhổ bã.

 

Khói từ đỉnh ống đang cuộn lên. Đen đặc. Bác Đỗ háo hức nhìn chằm chằm vào cuộn khói đang đùn lên, nói nhanh: “Khói đen là cháy ván gỗ. Khi nào hết khói đen, khói trắng là mẹ cháu. Nhớ nhé. Mẹ cháu là khói trắng”. Quay sang nhìn mọi người, bác ra lệnh, như lâu nay vẫn thế: “Tất cả nhìn lên ống khói đi, cô Ngọc sắp ra đấy. Rất nhanh rồi đi mất đấy. Tập trung vào. Nhìn đi”.

 

Trên đỉnh cột, khói đen nhạt dần, loãng ra mỗi khi có cơn gió lộng lên. Bụng tôi quặn thắt, đau đớn cầu gió đừng có thổi nữa, mẹ bay mất sao con thấy. Cũng may, sau cơn gió to cuốn khói đen đi, lặng ngắt. Một làn khói mỏng bay lên. Màu xám. Làn khói màu xám bác ạ. Mẹ là khói xám. Tôi thầm thì, hai mắt cũng như toàn thân bung ra như nuốt vào mình làn khói mỏng mảnh phải nhìn rất sâu mới thấy.

 

“Ừ. Khói màu xám. Mẹ cháu đấy” – Rồi quay sang họ hàng đang ngửa mặt nhìn chăm chăm vào ống khói, những cánh tay vẫy chào như cảnh tiễn nhau những sân ga, giọng bác như reo: “Cô Ngọc đấy, thấy cô Ngọc không?”. “Có. Con có thấy cô Ngọc”. “Cháu có thấy bà trẻ Ngọc ông ơi”. Bọn trẻ con, đầu đeo khăn tang, có đứa nhảy lên vỗ tay như mỗi lần mẹ tôi đến chơi và chia quà cho từng đứa theo sở thích mà bà nhớ rất rõ.

 

Tôi không nhớ mình đã đứng nhìn cái ống khói bao lâu, với một bàn tay giơ lên chào mẹ đến khi bác ôm lấy vai, kéo đi “Giờ thì mẹ cháu tha hồ vi vu”.

 

Chiếc xe đầy kín người ngồi ngay ngắn từ lúc nào để đợi tôi. Bước lên xe, ngồi bên cạnh bác, lúc nào cũng là bác. Có khi cả năm gặp bác vài lần vào những ngày giỗ ông bà, hay Tết, nhưng bác luôn là bức tường cho tôi nghỉ mệt. Xe chậm chậm ra khỏi nghĩa trang. Dọc hai bên đường xác hoa rơi, lẫn tiền vàng thỏi bằng giấy đỏ, giấy vàng người sống rải cho người chết có cái mà tiêu ở cõi khác. Hai bên đường, mùa khô, cây cối phủ bụi buồn bã. Một người mẹ tay cầm cái chổi dài, tay cầm cái quần, đuổi đánh một thằng cu cởi truồng không chịu mặc ấm, lạnh thế này.

 

Một chiếc xe bò đi ngược chiều. Người chồng cầm cái que dài lâu lâu quất nhẹ vào cái mông gầy xương nhô cao, người vợ ngồi sau lơ đãng gậm quả ổi, nhìn vu vơ. Thằng cu con nằm gối đầu lên đùi mẹ, chăm chú đọc truyện cạnh những bu gà trống rỗng.

 

Xe chở chúng tôi nhảy giật lên mấy cái qua đường tàu cũ trồi cao, xuống dốc rồi rẽ về thành phố.

 

Trời tối dần. Mọi con đường đều kẹt cứng người và xe. Những khuôn mặt mệt mỏi, nhăn nhó. Những đứa trẻ ăn thịt xiên hay ập mặt vào gói xôi tự ngoạp bằng miệng những miếng nhỏ thay bằng thìa xúc sau lưng bố mẹ chống đói chạy từ lớp học này sang lớp học khác. Bến xe bus đầy những đôi mắt ngóng ra xa.

 

Bác Đỗ, vẫn là bác, chỉ tay sang bên kia đường, quay sang cậu Kiên, đang trầm ngâm mắt không ra nhắm, cũng chẳng phải mở sau cặp kính cận, tay bóp cái vỏ quýt, mùi thơm bay loang: “Chỗ kia. Ngày xưa cậu nằm đắp chiếu. Tôi nghe tin báo, chạy đến nhận xác cậu.

 

Ôm một lúc, thấy người mềm ấm. Tôi lay gọi, nghĩ là mình mất thằng em trai duy nhất, rồi thấy hình như tim cậu còn đập. Tôi điên cuồng bế cậu be bét máu toàn thân, đưa về Bạch Mai cấp cứu..”. Tất cả mọi người ào nghiêng về phía bác Đỗ chỉ. Đấy là một ngã ba đường lớn có nhiều khu công nghiệp bên trong.

 

Tất cả phải băng qua đường tàu hỏa để vào, và nơi này không có chắn tàu với những người bẻ ghi. Vợ cậu tiếp lời: “Sau mấy tháng mê man, sống sót, em có hỏi, tiếng còi tàu báo hiệu to thế sao anh không nghe mà cứ rẽ vào để tàu kéo đi mấy chục mét nát bươm người ra. Anh Kiên bảo, hôm đấy họp lần cuối để ký hợp đồng một dự án rất to. Trúng vụ này, cả nhà mình có việc.

 

Anh huýt sáo suốt dọc đường. Trời mưa to, áo mưa trùm kín chả nghe thấy gì ngoài bản nhạc của chính mình. Ông lái tàu sau vụ đâm anh Kiên, bị tâm thần bỏ nghề luôn. Mọi người nói, hôm ấy, ông bấm còi điên loạn từ xa, nhưng anh Kiên vẫn rẽ và mắc vào cái móc ở đầu toa…

 

Những đứa cháu lặng ngắt nghe người lớn nói chuyện. Tôi nhớ, hôm ấy, mẹ về, vừa đi vừa ngã xiêu vẹo, thất thần, nói được đúng một câu: “Cậu Kiên bị tàu hỏa cán. Khổ quá. Sao cậu lại khổ thế”. Xong mẹ khóc. Và chuẩn bị mấy thứ đồ lặt vặt, rồi đi. Ngày nào mẹ cũng vào viện, chằm chằm đúng nhìn em trai nằm giữa nhằng nhịt dây. Tôi vào thăm cậu, chẳng thấy cậu. Thấy toàn băng và những cái dây nối với rất nhiều máy móc chạy điên loạn.

 

Xe chạy qua nơi ngày xưa cậu bị tai nạn, mọi người bắt đầu nói chuyện khác. Cậu bớt im lìm, quay sang nói chuyện với bác Đỗ, lâu lâu nhớ nhầm chi tiết nào đó, vợ cậu lại đính chính. Tôi con một, mọi việc lớn bé của hai mẹ con sau ngày bố mất, đều do nhà bác Đỗ lo liệu. Bác có 4 anh chị, giờ thành 8 con. Như một thói quen bất thành văn, tôi như con thứ 5 của bác, là em út của các anh chị, dù chỉ sống chung nhà đến khi tôi 6 tuổi thì ra ở riêng.

 

“Bây giờ về hết nhà cô Ngọc. Ngày mai, và tất cả những hôm cúng tuần, không đứa nào được vắng mặt, đi công tác cũng phải về. Về cho cô vui. Sau 49 ngày, cô đi hẳn, lúc đấy hãy hay”.

 

***

 

Còn một chặng rất xa mới về đến nhà. Trên xe, mọi người bắt đầu cười ha ha khi nói lại những chuyện cũ. Ngày bé, mẹ bị đẻ thiếu tháng, lại vào đúng đêm Noel, rét buốt. Bà đưa mẹ về, ông và mấy người bạn cùng dạy học bấm độn tử vi thế nào, bảo con bé này nó sẽ cứu mạng mọi người trong nhà nếu có biến. Cố mà nuôi nó. Vì câu phán đó, sau này, bác và cậu hay bị ông cho ăn đòn. Tản cư. Mẹ tôi đi giữa, bà gánh đôi quang đựng các đồ quý nhất và mọi người vây quanh, cứ như có mẹ ở giữa là bom rơi đạn lạc không dính vào. Có nhiều cuộc chiến trôi qua, gia đình và mọi người bình an, nhưng không ai nhắc lại lời phán ngày xưa của ông ngoại.

 

Về gần thành phố, xe càng chạy chậm. Mỗi năm hai lần, cả họ thuê xe đi Nghĩa trang Yên Kỳ thăm mộ tổ tiên, trồng cây, nhổ cỏ mời các cụ về ăn Tết hay ra giêng với tục lệ tảo mộ đầu xuân. Bao giờ thứ tự ngồi trên xe cũng như hôm nay. Lần này thiếu mẹ và Tân, con thứ hai của cậu Kiên. Tân đặc biệt giống cậu Kiên, cái gì cũng đẩy đến cùng, để tìm ra câu trả lời không nhầm lẫn. Lần cuối gặp nhau, Tân bàn chuyện mở ban nhạc, vài ngày tới rủ chị tới xem một chương trình em diễn với các bạn. Tân giống cậu Kiên nhất ở đôi mắt, hấp háy, hóm hỉnh. Có cảm giác đôi mắt ấy đọc vị ra những lời nói dối, nên khó mà qua mặt được Tân.

 

Chưa đến ngày hẹn với em thì bác Đỗ gọi điện: “Tân mất rồi, đang đi dạo trên biển ở miền Trung, tụt phải hố cát và bị cuốn xoáy ra biển. Mai bác đi đón nó về”. Tân bỏ đi khi tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất đang đến với bao dự định. Cậu Kiên và mợ Hoa chợt như những người vẩn vơ ngẫn ngờ, giữ nguyên các góc của em, hàng đêm vẫn đợi cửa mỗi khi có tiếng xe máy chạy qua con ngõ nhỏ, lại lập cập bảo nhau, bật đèn ngõ lên, thằng Tân về đấy.

 

Rất nhiều những bữa giỗ ông bà tổ tiên, hay ngày Tết, tất cả tập trung nhà bác Đỗ, mọi người nói đủ mọi chuyện, trừ Tân. Nhiều năm sau, bác Đỗ gặp tôi, buồn bã: “Bác vừa to tiếng với cậu Kiên. Năm năm rồi mà cậu vẫn giữ nguyên si mọi thứ phòng thằng Tân. Cái màn mắc một nửa vì nó quen tháo hai đầu bên ngoài chui ra, tối về chỉ việc mắc 2 cái dây là chui vào ngủ cho nhanh. Quần áo, xe máy, những cái đàn… đâu nguyên đấy.

 

Ngày nào ra vào cũng nhìn như vậy, sao sống được chứ. Bác nói cậu ấy cất đi, Tân nó đang sống ở thế giới của nó, có khi sướng gấp tỷ lần ở đây ấy chứ. Cậu Kiên níu giữ thế, nó vui sao được”. Sau này, Tư, con trai trưởng của cậu, một kiến trúc sư đã lay chuyển được bằng cách làm cho bố mẹ một ngôi nhà mới, đúng dịp thành phố mở đường, cắt ngang nhà cậu. Cậu là thế, chỉ chấp nhận thay đổi do khách quan tác động, khác hẳn mẹ tôi, luôn thay đổi do tự thân giác ngộ.

 

Rồi cũng về đến nhà với một hiện thực là mẹ đã rời đi từ chung cư này sang ở chung cư khác. Khoảng ba mươi phút sau khi làn khói xám bay lên, khi tôi vẫn đứng nhìn lên bầu trời dõi mắt theo những đám mây trôi lừ đừ thì bác Đỗ cùng cậu Kiên đã ra nhận tro cốt của mẹ, đặt vào cái bình và gửi vào một ô chung cư dành cho người mới mất. Mỗi căn phòng nhỏ xinh vừa đủ đặt bình tro và bát hương. Người ở nhanh thì vài ngày, người lâu có khi cả năm. Tôi đợi được ngày thuận, sẽ chuyển mẹ khỏi chung cư càng sớm càng tốt, vì nơi đây, như bác Đỗ nói, giống các nhà nghỉ ở Ga tàu hay bến xe, đủ các thành phần phức tạp, ồn ào mẹ cháu không thích đâu.

 

Căn hộ chung cư chúng tôi ở cũng có nhiều phòng, giờ đồ đạc đẩy gọn vào các góc nhà để bầy những mâm cỗ với nhiều món ăn truyền thống mỗi khi nhà có việc nghiêm cẩn. Mấy mâm người lớn. Mấy mâm trẻ con. Ăn uống được 15 phút, mọi người bắt đầu nói cười với nhiều chuyện về mẹ ngày xưa. Ai nhớ chuyện gì kể chuyện đó. Những tiếng cười chợt bật lên.

 

Tôi chạy giữa các mâm. Thêm nước canh nóng vào bát măng khô. Thêm ớt, hay bỏ đá vào những cốc bia. Được khoảng một tiếng, không khí quay về như những bữa cỗ trước khi mẹ mất. Tôi có hai con trai, Hoàng là anh và Việt là em. Hoàng ngồi mâm các bạn, im lìm chìm trong góc khuất của căn phòng nhỏ cùng chục thanh niên tuổi 25 ăn uống lặng lẽ. Rất nhanh, chúng rồi đứng dậy chào mọi người ra về. Hoàng và Việt xỏ giày đi cùng các bạn. Ra đến cửa, Hoàng quay lại, mắt đỏ đọc, nói nhanh: “Con xin lỗi, con không thể chịu được. Tại sao bà vừa mất mà mọi người cười nói vui thế mẹ. Con xuống quán nước ngồi với mấy thằng đây. Lát con với thằng Việt lên dọn dẹp, mẹ nghỉ sớm đi”.

 

Tôi sững lại nhìn con, ngơ ngác: “Bà đang ở đây mà. Bà đang rất vui vì có tất cả những người bà yêu quý nhất. Mọi người đang nói chuyện với bà, nhắc lại những kỷ niệm. Lần nào ăn uống của họ hàng mình chả vui thế này?”. Hoàng trố mắt nhìn tôi, có gì đó vừa tuyệt vọng lẫn thất vọng không giấu được. “Con cứ coi như bà đang ở trên gác, hoặc ở phòng trong kia đang lấy cái gì đó rồi xuống. Hoặc bà mệt đi ngủ trước. Con nhìn đi, mẹ con mình có thể tìm thấy bà ở đâu nếu không có cậu Kiên ngồi kia. Cậu rất giống bà, nhất là thần thái, ánh mắt khi cười. Hay bác Đỗ, miệng khi bác cười, có phải miệng bà không? Bà ở trong mọi câu chuyện mọi người đang kể, con ngồi nghe sẽ thấy bà”. “Vâng, con hiểu. Nhưng con chưa quen với không khí này”.

 

Cánh cửa đóng lại sau lưng chúng nó, tôi mới nhớ là cả ngày hôm nay, hai đứa không nói một câu nào. Lúc gian truân khó khăn nhất, khi chủ nhà tang lễ nói mọi người hãy đứng dậy dành một phút tiễn biệt người thân, Duy và Việt đứng hai bên cùng choàng tay ôm lấy tôi, khóc nức không ra tiếng.

 

***

 

Chưa bao giờ ở bữa cỗ với họ hàng, tôi lại muốn không kết thúc như hôm đấy. Mãi sau này, khi quen với việc không bao giờ thấy mẹ, tôi mới hiểu là không ai quen với cô đơn ngay khi vừa mất người thân. Càng hiểu tại sao thằng cháu ngoại ngủ với bà từ lúc lên 6 do mẹ sinh em bé, và lớn lên trong ngôi nhà dù nó đi đâu lúc về cũng có bà ngoại đợi cửa đã sốc khi mới từ nơi bà mỏng manh làn khói xám bay lên, vài tiếng sau mọi người đã có thể cười nói.

 

Cuộc sống là thế.

 

Chúng tôi đã căng thẳng lo lắng khi nghĩ về ngày này, khi sức khỏe của mẹ yếu dần, do tuổi già, do thể chất mẹ vốn yếu ớt vì sinh non, thiếu tháng. Rất nhiều lần bác sĩ gọi tôi ra và nói, gia đình nên chuẩn bị cho bà, có gì tốt nhất chúng tôi đã làm hết. Nỗi lo mất mẹ lâu lâu trào lên như những cơn sóng, rồi lại cuốn ra xa. Cuộc sống cứ thế trôi qua và mọi người dần quen với những lần đưa mẹ đi cấp cứu, xong mẹ lại về, mỗi lần yếu đi một chút. Nhưng khi mẹ đi thật, vào ngày hôm ấy, và mãi sau này, tôi mới thấm thía cảm giác mất mát vô hình. Mất mát vô hình.

 

Mỗi ngày qua đi, chúng tôi vẫn sống và làm mọi việc với vẻ tỉnh bơ như ngày mẹ ở cùng. Chẳng ai, từ bà hàng xóm bán bún ngay cửa cầu thang ngày nào cũng gặp, hay những đồng nghiệp bạn bè thấy tôi khóc vì nhớ mẹ. Tôi có thể kêu toáng lên vì đau đầu hay vấp bật móng chân khi bước vội, nhưng tuyệt nhiên không kêu nhớ mẹ. Chúng tôi nhớ mẹ theo cách hàng ngày mua các thứ mẹ thích, cái bánh rán hay túi bỏng ngô mang lên thắp hương mời mẹ.

 

Sinh nhật mẹ đúng ngày Chúa giáng sinh, luôn có cây thông con con, và cái bánh, ghi dòng chữ Chúc mừng sinh nhật bà Ngọc béo – là những món quà mấy chục năm nay con cháu tặng mẹ. Mỗi lần gặp một chuyện gì, tôi thường lẩm bẩm “Mẹ lại đúng rồi”.

 

Sau 7 lần cúng tuần, 49 ngày, tôi dọn bàn thờ riêng của mẹ để nhập bát hương lên chung với bàn thờ gia tiên. Ảnh mẹ và bố để cạnh nhau, hai bát hương riêng. Hai con đã quen với việc những người anh em, con cháu của mẹ tụ tập ở nhà tôi cúng tuần cho mẹ xong là ăn uống và cười đùa kể những câu chuyện cũ. Có vẻ như ai cũng lưu giữ một kho kỷ niệm, chỉ đợi có dịp là nhắc lại.

 

Thích nghi với hoàn cảnh và nhớ về nhau theo những cách riêng, thật may là các con đã ngộ ra điều đó sớm hơn tôi, từ nỗi đau mất bà ngoại. Ngày cúng tuần đầu tiên, Hoàng và Việt đã cười nói mỗi khi một chuyện cũ về bà được nhắc lại. Bác Đỗ kể, năm 1979, bà cháu đi công tác ở Lạng sơn, khi đấy đang chiến tranh biên giới, chồng xin đi theo để được chứng kiến mọi chuyện bằng mắt.

 

Khi ông đến điểm đoàn tập kết, mẹ cau mặt: “Tại sao lên biên giới, nơi quân mình đánh nhau ngày đêm mà anh mặc đẹp thế”. Ông ngớ ra, quần ca ki vàng, áo khoác mỏng nâu nhạt, là những bộ đồ giản dị nhất rồi. Sau đấy, may ông nhìn thấy bên đường có hàng quần áo liền nhảy xuống mua một bộ đồ công nhân, thay ra, bà cháu vui hẳn. Cả đời ông, bị mỗi bà chúng mày soi xét, mắng mỏ mà ông phải chịu đấy.

 

Lần khác, bà giận ông cả tuần, chỉ vì lần đấy ông chở bà về Sơn Tây chơi thăm người quen, dừng ở hàng chè chén ven đường, bà bán nước chạy ra, bưng cái ghế, kính cẩn nói với bà cháu: “Ghế của cụ đây, mời cụ ngồi”. Xong quay sang ông, chỉ tay vào trong: “Còn anh thì ngồi tạm võng nhé, vì quán chỉ có đúng 1 cái ghế to và chắc”.

 

Mỗi người sẽ sống mãi trong trí nhớ của người khác, theo những cách riêng. Hoàng và Việt cười ngoác mồm, đứa rót bia, đứa gắp đá vào ly cốc của mọi người. Khi nghe cậu Kiên kể lại những lần tranh luận như cãi nhau giữa cậu và mẹ, Hoàng thì thầm: “Con hiểu sao bà và ông Kiên hay cãi nhau rồi”. “Tại sao?”.

 

“Tại hai người giống tính nhau. Ông Đỗ khác hẳn, lại là anh trưởng, nên không tranh luận với các em”. Cứ thế, trước ngày cúng tuần thứ hai, thứ ba, hai thằng lại chuẩn bị đón họ hàng với tâm trạng phấn khích vì trong đoàn người đó, bà sẽ đi ở giữa, như hơn bảy mươi năm trước có cô bé luôn đi giữa đoàn người chạy tản cư, rồi cùng nhau băng qua những cuộc chiến.

 

***

 

Tôi đóng một cái tủ tường, chạy dọc bên bức tường của bàn thờ bố mẹ, cất tất cả di sản một đời của mẹ vào đấy. Có lần, tôi nghe Hoàng nói với Việt, nếu nhà cháy, em nhớ ôm cái cặp của bà theo nhé. Việt bảo, em nhớ rồi.

 

Những quyển nhật ký viết cho tôi từ ngày mới sinh ra, có những trang xé một nửa, chắc tức ai đấy viết xong, sợ người khác đọc nên xé. Những bức ảnh đen trắng, phần lớn những người trong đấy đã mất.

 

Hồi còn sống, mẹ cất giữ chìa khóa cái tủ này rất kỹ, có lần quên ở đâu, mặt mẹ thảng thốt hơn mất tiền. Tôi đưa thợ khóa về, mở cho mẹ xong, thấy toàn giấy là giấy, cười “Con tưởng mẹ cất vàng”. Mẹ trừng mắt nhìn tôi: “Con không hiểu chúng quan trọng với mẹ thế nào đâu. Mỗi ngày, mẹ sẽ kể cho nghe một chuyện từ những bức ảnh, hay dòng nhật ký này”.

 

Rồi vài lần mẹ cũng kể những câu chuyện đứt gẫy, có chuyện kể lặp lại mấy lần không khác một chữ, giống như máy hát đĩa kim, đến đúng chỗ vấp, cứ thế quay đi quay lại một câu. Thấy những trang nhật ký rách lem nhem, mẹ ngơ ngác như ai xé mất chứ không phải chính mình đã xé. Rồi những bức ảnh đen trắng mờ mịt mẹ nâng niu cất trong cái cặp, lâu lâu dặn tôi: “Nếu chả may nhà cháy, chỉ cần con xách cái cặp này là đủ”.

 

Thỉnh thoảng, tôi gạ mẹ mang ảnh ra, hỏi xem ai đây ai đây, mẹ luôn nói những cái tên lạ hoắc không liên quan gì đến người trong ảnh mà tôi rất biết. Hồi đầu, tôi có bật lại, bảo mẹ nhầm rồi. Mẹ cáu, thu hết lại và cất đi, bảo con thì biết gì. Sau tôi không tranh luận nữa, mà gật gù hưởng ứng theo cách mẹ kể về những người trong ảnh, chuyện người này nhầm sang người kia khiến mẹ rất vui, giống như chúng tôi đang ngồi giữa không khí của bức ảnh, với những người mà tôi biết họ đã mất từ lâu.

 

Một chiều mùa mưa. Đi làm về, thấy mấy cô đồng nát ngồi chắn ngang đường trú mưa, tranh thủ sắp xếp chiến lợi phẩm thu nạp trong ngày. Khi dọn đường cho tôi qua, một cô cầm cái cặp, cái cặp nếu nhà cháy chỉ cần mang nó theo, ném mạnh sang một góc. Cặp bung móc, đổ ra những sấp ảnh. Trên cùng là ảnh đen trắng bố mẹ bế tôi hồi ba tuổi.

 

Người tôi nóng bừng, túm luôn lấy cô đồng nát, hỏi sao cô có cặp này. Lúc đầu, cô hơi hốt hoảng, sau chỉ tay lên gác, bảo bà Ngọc – lại còn biết tên mẹ tôi – gọi bọn cô lên cho đấy. Bà còn cho cô nhiều áo quần, cho chứ bọn cô không hề ăn cắp. Cô thề độc. Cô nói sai các con cô không gặp mẹ.

 

Tôi cuống cuồng nhặt những tập ảnh, giấy tờ, những cuốn nhật ký mỏng, những lá thư từ thời chiến viết trên giấy vàng, cuốn sổ dán phiếu bé ngoan của tôi ngày học vỡ lòng… cho lại vào trong cặp. Mẹ tôi còn đưa các cô những gì nữa, tôi chuộc lại. Một cô khác đưa ra một chồng giấy báo đã buộc dây cẩn thận sau khi chia loại nào ra loại đấy. Nhờ các cô đưa hết lên nhà giúp tôi. Không sót gì nhé.

 

Sau khi cùng họ tìm kiếm giữa đống đồng nát, vỏ lon bia hay những vỏ chai nước rửa bát nhựa, tôi nhặt được lại cả những hộp quà tặng, là những cái bút, hay huy chương của mẹ, đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân, một vài cái thẻ. Bỏ vào tay mỗi người số tiền khiến mặt ai cũng giãn ra hài lòng, mọi người bưng hết lên, cất nhẹ nhàng vào góc nhà.

 

“Lần sau, mẹ tôi có gọi cho các cô, các cô cứ nhận, xong trả lại tôi, vì nếu các cô không nhận, mẹ sẽ gọi cho người khác, tôi không thể biết mà tìm về”. Các cô cũng mừng, bảo: “Bà cho bọn cô từ chiều. Xuống đường tự nhiên trời đổ cơn mưa, không thì cũng chả gặp cháu”.

 

Vào nhà. Mẹ đang ngồi lọt thỏm trong cái ghế có hai tay vịn chắc, đầu hơi ngả ra sau, lim dim mưa ngoài khung cửa, có mấy con chim Họa mi, cu gáy nhảy chồm chồm trong lồng sợ mưa. Trên lòng là ba con mèo ngủ ngon lành. Từ đấy về sau, tôi luôn chờ xem có lúc nào mẹ nhắc đến cái cặp đựng kỷ niệm một đời của mẹ nhưng tuyệt nhiên không, mặc dù càng cuối đời, mẹ càng tỉnh táo.

 

***

 

Cuộc sống chỉ giá trị đúng vào thời điểm ta thấy hài lòng nhất. Mẹ hay nói với cậu Kiên mỗi khi hai người tranh luận một chuyện nào đó, vì hai chị em luôn trái ngược nhau về quan điểm sống. Cậu luôn cất giữ từ vật chất đến ý nghĩ, quan niệm đã mọc ra trong đầu và tiếc những cơ hội đã vuột khỏi tay. Mẹ lại thấy, vật chất hay tinh thần chỉ giá trị ở từng thời điểm, khi chúng không làm bà vui là cho qua. Cơ hội sẽ vô giá trị nếu mình không biết nó đến để nắm lấy, chả có gì phải tiếc.

 

Riêng bác Đỗ, có vẻ loay hoay với màu của làn khói mẹ tôi bay lên, nhiều năm sau, trầm ngâm: “Bác nói thật, cháu đừng giận. Bác vẫn thấy mẹ cháu là khói màu trắng. Mọi người đều thấy thế. Có thể, hai mẹ con cháu có tín hiệu riêng mà không ai nhìn thấy, An ạ”.

 

Có vẻ, gần 80 năm cuộc đời, mẹ luôn tự thấy mình đúng, rồi sai, rồi đúng. Nhưng tôi tin, có một điều mẹ không biết, mãi mãi không bao giờ biết, là rốt cuộc, mẹ hay ai rồi cũng chỉ như một làn khói, màu xám.

 

Noel 2017

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Mười bảy năm và mười bảy ngày – Ái Duy

>> Bẫy tình – Hoàng My

>> Rừng mắm – Bình Nguyên Lộc

>> Thằng Đúa – Lê Mỹ Ý

>> Cách một trời mưa – Hồ Anh Thái

>> Người tử tế – Y Mùi

>> Con dê bốn mắt – Đỗ Bích Thuý

>> Bộ móng tay màu đỏ – Phát Dương

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…