Bùi Văn Kha
(Vanchuongphuongnam.vn) – Không hiểu vì sao, khi viết về Nguyễn Lương Ngọc, tôi lại nhớ câu thơ của Tản Đà tiên sinh “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi/ Trần thế em nay chán nửa rồi”, và câu thơ của Quang Dũng tài hoa “Mây ở đầu ô mây lang thang/ Ôi chật làm sao góc phố phường”. Văn chương nó lạ lắm. Đường đầy người đi, đi nhiều, đi liên tục thành đường mòn. Với phàm giới nói chung đó là điều tốt. Thi nhân thì không. Khuôn phép sáo mòn khác chi con vẹt. Không xấu, thậm chí thuận nhĩ hóa thuận ngôn, nhưng không trình ra được cái mới, nghĩa là không sáng tạo, nghĩa là không phát triển, nói kiểu triết học, là phi tiến bộ. Thế là bảo thủ còn gì, vì anh thành tảng đá đứng ì cản trở dòng chảy của cuộc tồn tại không ngừng.
Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc
Đấy là tình hình chung những năm 80 thế kỷ 20. Ai cũng muốn là người Nhà nước cho chắc chân! Ai cũng muốn đi nước ngoài để đổi đời! Ở phía Bắc, ai cũng muốn được vào Hộ khẩu Thủ đô hưởng chế độ tem phiếu!
Bắt buộc phải thay đổi. Và Đảng ta, cùng nhân dân ta, cùng đất nước ta, đã thay đổi, vào năm 1986. Đây là cả một cuộc tranh đấu cũ mới diễn ra trên các mặt của chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội, và thơ.
Và thơ đã có những đại diện của mình. Một trong những đại diện đó là nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc.
Ông ngông lắm, cũng như xứ Đoài huyền học lắm. Ông bắt đầu bằng Hội họa lập thể như một phát ngôn. Tôi muốn phác thiệu đôi nét về trường phái hội họa lập thể. Bắt đầu là Danh họa Picasso và Braque. Dựa trên sự nhấn mạnh về kiến trức cơ bản của hình thức, những nghệ sĩ này đã sử dụng nhiều điểm lợi nhuận để phá vỡ hình ảnh thành các hình dạng hình học. Thay vì hình thức mô hình hóa trong một không gian ảo giác, các hình được mô tả như là sự sắp xếp động của các khối và mặt phẳng nơi nền và tiền cảnh được hợp nhất. Đó là vào những năm 1906 ở Paris. Dĩ nhiên, một vài dòng không nói được nhiều về chủ nghĩa lập thể, nhưng xem tranh lập thể Femme Assise (1909 – vẽ người tình) của Picasso hay Violin và Pitche (1910 – đàn violin và bình đựng nước) của Braque sẽ thấy sự khác biệt giữa mỹ học mới với mỹ học truyền thống. Cùng thời, ở nước ta, cụ Phan Bội Châu với phong trào Đông du, cụ Phan Chu Trinh với phong trào Duy tân, cùng với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của các cụ Lương Văn Can, Nguyễn Quyền,… cũng vào những năm 1905 đến 1910. Sở dĩ tôi gắn hai cái hội họa và cách mạng ở Pháp và Việt Nam vào đây, nguyên do cả hai đều chung một tôn chỉ: Đổi mới. Và gắn với Nguyễn Lương Ngọc vì ông xuất hiện và sáng tác cùng với Thời kỳ Đổi Mới. Và ông đổi mới bằng thơ. Hội họa lập thể, ngay từ những câu đầu tiên , đã thẳng thừng trình nguyên nhân ra đời của nó, đó là cảm quan và pháp tắc đã đầy và mốc rồi. Lao động kiểu cũ cũng không ổn, thiên chức phản ánh sự thật, và cả nội lực tự nó cũng không còn, thì phải cải tử hoàn sinh. Bấy giờ là đầu những năm 1990. Xã hội Việt Nam, và cả nghệ thuật nữa, phải cải tổ và kết cấu lại. Xã hội phải cần chính trị và lực lượng. Lực lượng gồm con người, tiền bạc, và tri thức. Còn nghệ thuật cần cái gì?
Nguyễn Lương Ngọc, cụ thể từ em, với vật liệu cũng từ em, để biến cát thành thủy tinh, biến dòng sông thành ánh sáng. Cũng từ em mà kéo anh về từ tha hóa bị đạp tan mà thành lập cái nguyên sơ vĩ đại: người đàn bà. Bởi mọi thứ vĩ đại trên trái đất này đều bắt nguồn từ mẹ. Sự sáng tạo vĩ đại nhất là sự sáng tạo ra con người. Hội họa lập thể, 6 mặt, phẳng, nhiều góc nhìn, xét đến cùng, vẫn lấy tiên đề là sự “sinh”!
Hội họa lập thể
Khi mắt đã no nê
Những quy tắc lên men
Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật
Có gì không ổn
Có gì như bệnh tật
Khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sỹ
Anh không còn muốn nhìn những gì mình đã vẽ
Chính nước mắt, hay máu tứa từ cái nhìn bền bỉ
Đã cho anh chiếc lăng kính này đây.
Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại
Nung chảy mình ra mà tìm lõi
Xé toang mình ra mà kết cấu
Em tặng anh cát
Đây nó là thuỷ tinh
Em tặng anh dòng sông
Đây nó là ánh sáng
Em tặng anh chính anh mà em vừa tìm được
Đấy là em.
Nhất là ở bài thơ Xúc phạm. C. Mác, khi viết về thợ thuyền trong Công xã Paris, gọi họ là “những người dám tấn công trời”. Mỗi khi một giai đoạn Sử thi – Anh hùng ca vừa xong, thì những ngôi sao nhiều lắm. Có ngôi sao của Vũ Cao trong Núi Đôi. Có ngôi sao trong “Có một đêm như thế”, “mắt anh mắt em lóng lánh vì sao”, nhiều, nhiều lắm, kể cả “vì sao trơ trọi phía trời xa” nữa. Nguyễn Lương Ngọc trừu tượng lại thành “sao”, một danh từ chung. Và ông anti (xúc phạm – đối lập) bằng các tiên đề của mình. Xúc phạm chính sự hiến tế, vị trí và ngưỡng mộ. Và xúc phạm trở thành tiêu chuẩn đánh giá sự ngưỡng vọng. Đổi chiều rồi. Cũng chỉ ở tư duy thôi. Vì cái anh nghệ sĩ hiếm khi thành dũng sĩ Heraclet dám đấu với thần thời thần thoại, hay quyết tử quân Lê Văn Định ôm bom ba càng lao vào xe tăng Pháp năm 1946. (Nhân đây khi xem bộ phim Đào, phở và piano – tôi thấy khá hay ở mặt khai thác cái hào hoa – so với cái bi tráng của phim Các men cùng sử liệu này cũng khác, và mới. Nghệ thuật phải thế!).
Nguyễn Lương Ngọc, là nhà thơ, quay lại Chế Lan Viên. Nhưng cụ Chế cứ định cư ở “tinh cầu giá lạnh”, còn Nguyễn Lương Ngọc, với cái bản nguyên nông nghiệp của mình, lại về quê. Ở quê, nơi ao chuôm, ngoài cá cua rắn ếch còn có con niềng niễng. Nó màu xanh đen, hiền lành, sống trong nước, chứ không trong bùn như lươn chạch, không hang hốc như rắn cua, không lưỡng cư như ếch nhái. Nhỏ nhoi thay là ngưỡng vọng!
Xúc phạm
Nhìn những ngôi sao
Phỏng đoán những ước mong của chúng
Tôi bắt đầu sự xúc phạm
Không có hai con người giống nhau
Còn một ngôi sao với một ngôi sao
Tôi tiếp tục sự xúc phạm
Bao giờ, tôi và anh, và bạn
Cũng bắt đầu ngưỡng vọng bằng xúc phạm
… tha thứ, mếch lòng
hay hoan nghênh
Còn em, em của anh
anh yếu ớt và kém cỏi
Đại khái như một người
Một ngôi sao xa xôi
Biết bao giờ tới nơi
Có thể khi ấy
Nơi đôi mắt trong trẻo kia
Những con niềng niễng đang bơi
Thường Nguyễn Lương Ngọc trừu tượng, cô đọng, trí cách mà tinh chắt giọt hồn. Cũng có lúc, ông trải lòng mình bằng thơ văn xuôi để đưa hết ý tình vào trang viết. Thời gian, có lúc bọc quanh ông, để ông tiềm thức, để ông vọng văn vấn thiết như một Đại phu (người Tàu gọi thầy thuốc là Đại phu).
Sau khi nhìn gió, nước, đất, hoa, cùng đồng hồ có ba kim đầy đủ giờ phút giây, tượng trưng cho ông, bố, con, thì tiểu vũ trụ này, dù có hoa sen biểu tượng của thanh tịnh, vẫn thủy mạc quá. Dẫu biết rằng dưới ánh trăng kia của đồng quê nước Việt, từ thời Nam Cao, không, xa hơn từ thời Nguyễn Du, không, xa hơn nữa, từ thời Nguyễn Trãi, cái gì cũng như tĩnh lặng, có xao xác cũng chỉ là chiếc lá rụng, bông hoa nở, hoặc con cò, con vạc, con nông.
Nguyễn Lương Ngọc đưa một cái xúc động mãnh liệt vào một nhân vật trữ tình truyền thống: Sư nữ!
Sư nữ, tất nhiên là nữ. Là nữ còn trẻ, cho nên ngoài lần tràng hạt, gõ mõ tụng kinh, thì còn là một con người. Nàng, mân mê đôi vú nhục cảm, có thể cho con, nếu có người tình. Có người tình mới không khập khiễng. Mèo, về đêm, trong nhân gian, là tượng hình của rạo rực khát khao giống loài. Sao người ta có thể quên bản năng tình dục nhỉ. Nguyễn Lương Ngọc xa em, nhớ em, biết chứa bản năng, nhưng nhờ em mà huệ hạnh. Biết điều ấy rồi, loài người mới chấp làm người.
Đồng hồ vĩnh cửu
1.
Thắp đèn, bật quạt, vén màn, ngồi viết. Tôi thấy một sân khấu, mình vừa là tác giả, diễn viên diễn cương, vừa là người xem, vừa là chính tác phẩm và cuộc đời đang sinh ra nó. Cánh màn gió lất phất, nó đã lất phất, đang lất phất và sẽ lất phất, nói thế nào cũng đúng, cũng chính xác, vậy bỏ thì đi, nó lất phất.
*
Trên tường, trước mặt, có cái đồng hồ ba kim cứ giật giật chạy. Không rời mắt khỏi nó được, liền nhấc xuống, thì ra phía sau là một cửa sổ tròn. Sao lại tròn, không kính, không chớp, không gờ, then. Cửa sổ nhìn ra bể đêm hun hút trong trẻo. Mấy ngôi sao đang tắm, đang bơi, bao nhiêu đom đóm trong đám sao ấy?
Cũng không rời mắt được, một đứa trẻ giữa bể đang kêu cứu, sao nó giống mình thế, không nghe rõ tiếng kêu, muốn ra cứu mà không được. Cái đồng hồ đã nhấc xuống, không treo lên nữa, cửa đã mở cho thấy cửa. Ta không đóng lại nữa.
2.
Cái đồng hồ ba kim, kim giây là con, kim phút là bố, kim giờ là ông. Thế nào nhỉ, kim giờ là con, kim phút là bố, kim giây là ông!
Hai lần rồi, kim phút là bố. Bố là con của ông.
Vậy là cũng trong kim phút, kim giây và kim giờ thêm một lần sống
Cái đồng hồ đã nhấc xuống, đứa trẻ kia là thế nào, với mình.
*
Đấy, kêu cứu chán, giờ nó lại bơi, nghịch nước, làm như bể là một cái chậu. Nó toe toét cười.
Bố trẻ ơi, ông nhóc ơi!
Giờ nó ngồi, trang trọng, nghiêm nghị nhìn mình, nhìn xuyên qua mình. Bao nhiêu uy vũ ở một đứa trẻ.
Có cái gì đằng sau. Quay lại, lại một cửa sổ y như thế ngay chỗ mình tựa lưng. Nó vẫn đấy, lại toe toét cười, phô cái lợi hồng hồng. À, đã đôi mầm răng sữa.
Người ta trưởng thành làm sao nếu không có răng.
Đôi mầm răng sữa như hai cái mộng hoa.
Quê tôi ở làng Tòng Thái, huyện Ba Vì – chân núi Tản Viên có cái đầm, dân gọi đầm Long.
Đầm thiêng lắm, đồn truyền nhiều giải.
Đầm ấy sinh sông Tích, tôi tắm từ bé đến giờ.
Vốn đầm nhiều sen, mỗi mùa nở một cách. Là nói thế.
3.
Hoa sen nở không lựa chọn. Giữa đầm, hoa nở. Ven bờ, hoa nở, hái về nhà cắm vào lọ, hoa nở, và mang bày giữa người thích mặc cả, hoa vẫn nở.
Là hoa thì nở, dẫu biết nở là chết.
Khi hoa mãn khai, đẹp trọn vẹn, cũng là lúc cái chết hiển lộ, hay huyền lộ cũng vậy.
Thế gọi là sinh nở
Mẹ dạy, người ta là hoa đất
Đấy là câu vô thuỷ vô chung của các bài ca, các thi phẩm. Không đâu vắng nó cả.
Tôi thỉnh một tiếng chuông, kêu một tiếng chuông.
Bên chùa, sư nữ thở dài, người tính dậy tụng, lần tràng hạt, nghĩ thế nào lại thôi.
Nàng nằm, đầu nhớ tóc lênh láng quanh gối. Tóc là gì?
Đôi vú nàng nhớ đôi môi của đứa con, đôi môi của người tình. Người yêu nàng, nàng yêu người.
Sao chẳng bên nhau. Không. Đột ngột nàng thét lên: Anh!
Tự nhiên những ngón tay măng búp của nàng, đã bao ngày của chàng, âu yếm đôi vú mình.
Tên chữ là đôi nhũ hoa.
Một con mèo thò đầu qua cửa rồi lững thững bỏ đi. Nó trèo lên đầu hồi trai phòng, ngồi im phăng phắc.
Mẹ dạy, người ta là hoa đất.
Mèo dạy tôi cách rơi, và đứng lên, một bông sen nở. Ở Trung Hoa cổ, người ta xem mắt mèo đoán giờ.
Xa em, anh thường khi nhờ mắt em mà đi đứng.
Cũng ở định dạng ấy là bài Lý do. Nguyễn Lương Ngọc theo luật nhân quả mà vấn đáp. Cả bài thơ là cả những vấn đề của tự nhiên nhi nhiên. Cả bài thơ chỉ muốn một đơn giản là tự nhiên nhi nhiên. Lành thay!
Lý do
Gửi Thiều
Chúng ta, tôi, anh, em và ít người, tìm mãi lý do
Lý do của đất, của bùn, lý do nước sông về biển và biển tan nát mà không tan nát được
Không, vâng, tìm lý do của các loài cây, các loài thú, các loài đá, địa y và nấm mốc, tìm lý do của máu, một loài máu tự cho là cao quý bởi thực không gì làm cho nó bẩn được nhưng có thể làm cho nó biến mất.
Cũng như ta chưa bao giờ sinh ra, trên đời.
Lý do của những con chuột tủi hổ với những chiếc răng cứ mọc không ngừng,
và của những hạt thóc lép như ngực một người đàn bà chờ chồng không dám sống vì phải sống và của những cánh buồm cứ phồng những miếng vá lên vì nỗi niềm kẻ khác
và những con cá tầng đáy, những cốc tách nơi miếu thờ bị quên lãng, những bình vôi nơi một gốc gạo hoa đỏ rụng cuối mùa cho trò chơi của trẻ con.
và những cặp tình nhân lao vào nhau như những con thú điên cuồng bởi biết mình đang lao vào cái chết như một khuôn mặt đẹp mê hồn làm tôi câm họng
và lý do của lưỡi khô trong miệng không cho một người tốt
nói lời từ giã cuộc đời lẽ ra tuyệt vời mà chỉ còn ngậm ngùi nỗi niềm của nước lọc
Và lý do của địa ngục trong lòng bàn tay mịn màng làm tôi nghẹn ngào
Lý do của đàn kiến bu quanh xác một con mèo không hỏi vì sao con mèo phải chết.
Các lý do quây quanh biến ta thành ngọn gió lạnh nhớt ngu ngốc kiêu hãnh và cuối cùng ẩn mình trong hang thiêng như cái tổ của con rắn nước, hay một kẻ giết người phải trốn chạy rồi thành Phật.
Bạn ơi, lẽ nào, và tôi đang thấy mẹ mỉm cười, cha mỉm cười khói thuốc ấm một buổi mai trộn vào sương ủ mặt trời đang hé mắt cẩn trọng xoãi mình trên biển.
Trong mồ hôi đầm đìa những bắp thịt của một ngư dân, một vận động viên bơi ếch đang về đích, một thôn nữ áo phin môi nẻ vì hanh nhấp lại vị cái hôn trộm đứa con cầu tự của người bạn gái. Và con gái tôi mỉm cười bao dung khi tôi nằm nũng, đầu gối lên đùi vợ đọc lại cuốn sách về chiến tranh, thiếu nó, mất nó, thật khó ăn nói với nhau.
Bi kịch, lý do, chúng ta đi trên con đường gió gào không thể nhận dạng nhưng nhất định là nhân dạng
Và anh yêu em vì không tìm ra lý do, vì không thể không yêu em và vì cuộc đời khốn nạn này thật đáng sống, thật tuyệt chẳng có lý do nào khác.
Lý do đất đã mang tôi, nước mang tôi, và tôi mang tất cả trên đường về, một tia sáng xanh nhói lên trong ngực, uốn lượn và ôm chặt lấy em. Trên đường về.
Lớp chúng tôi, hầu như ai cũng tâm đắc hai câu thơ của Trần Dần “Tôi khóc cho những người bay không có chân trời/ Và khóc cho những chân trời không có người bay”. Trong bài thơ Tìm gặp, Nguyễn Lương Ngọc, dùng thủ pháp ngụ ngôn, dùng con chuồn chuồn, con kiến, và con người, để nhân hóa cả ba con ấy. Chuồn chuồn bay, kiến tìm mồi, và rình rập nhau theo tự nhiên.
Kiến cần cù, chuồn bay mỏi. Người muốn đến giữ lại một cánh chuồn, nhưng không được. Ước mơ và hiện thực nó tàn nhẫn lắm. Còn may, dấu vết còn lại của cánh bay là ngọn gió vẫn an ủi tình đời.
Tìm gặp
Sau đường bay gắng gỏi không cùng
Anh đậu trên cành tầm xuân xanh biếc
Anh tới khi nào, tôi không được biết
Bí mật chuyến bay cánh giấu đi rồi
Còn lại màng tơ đẫm nắng
Và dòng kiến ngược xuôi
Sức bao nhiêu ở cuối cuộc đời
Đủ chống những con kiến đói
Trong giống chuồn chuồn, anh còn trẻ thôi
Hay đã ngả chiều mệt mỏi
Anh không thể cất mình lên nổi
Hay chọn đây làm chỗ gửi thân
Đàn kiến đến khi anh vừa khuất
Hay đang mơ chao lượn giữa trời
Tôi đã rón rén từng bước, nín thở
Mong giữ được một cơ thể biết bay
Nhưng chỉ gặp chút nỗi niềm ngọn gió
Mát mát đầu ngón tay.
Trong thơ Nguyễn Lương Ngọc, trái đất và bầu trời, với những gì hữu cơ trong đó, luôn là cảm hứng của phản đề duy lý. Giang là loài chim thuộc họ Hạc, không thích di cư, sống theo bầy ở vùng nước nông, quanh quẩn cùng người. Nhưng nó bay trong đất trời. Nó bay trên mây, nó bỏ lại mây, khi em nói về tương lai. Thú vị. Em nói về hy vọng. Anh liên hệ với thực tế. Điều ấy đã và đang và sẽ xảy ra với những ai cuốn trong cuộc người bay – chân trời.
Đàn giang
Này, đàn giang trắng
Khoảnh khắc
Từ đất rạch lên trời
Từ trời buông xuống đất
Các vị đến cùng chúng ta
Các vị rời bỏ chúng ta
Em đang nói về tương lai ư
Đàn giang bay mải miết
Chẳng lẽ anh ngắt lời em
Em đang nói về tương lai à
Trên cao, đám mây vàng sững sờ.
Nhưng Hạc cơ! Hạc mới trực diện với cả một văn hóa, thậm chí là văn hóa tâm linh, trong đời sống tinh thần phương Đông. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, hình tượng loài chim hạc ảnh hưởng sâu sắc trong văn hóa phương Đông và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng thanh cao. Hạc là con vật tượng trưng cho sự tinh tuý, thanh tịnh, thần tiên thoát tục còn gọi là Tiên hạc. Chim hạc là loài đứng đầu trong họ lông vũ còn gọi là đại điểu hay nhất phẩm điểu có tính cách của một người quân tử, là con chim của vũ trụ, của tầng cao, báo hiệu sự chuyển mùa, đại diện cho thế lực thiên nhiên từ trời xanh. Hạc loại linh vật được cho là bất tử của loài chim, là loài chim có phẩm chất cao quý, mạnh mẽ đối đầu với khó khăn, mang lại nhiều may mắn Trong nghệ thuật và hội họa truyền thống, có rất nhiều những bức họa thủy mặc về chim hạc, nó ẩn chứa một tầng ý nghĩa nào đó mà hình ảnh của nó rất được chú trọng.
Loài hạc có bộ lông màu đen tuyền hoặc trắng muốt và có tuổi thọ chính vì vậy mà nó có biểu tượng là sự trường tồn, là tuổi thọ và sự bền vững, hạc còn biểu tượng cho sự thanh đạm, thuần khiết nên được đặt trên bàn thờ ngụ ý tới phẩm chất cao quý, mạnh mẽ đối đầu với khó khăn, mang lại may mắn và ấm êm. Truyền thuyết nói rằng hạc là chim tiên sống lâu, trong cuốn “Tướng hạc kinh” đã gọi hạc là “thọ bất khả lượng” (sống lâu không thể tính) hay “hạc thọ thiên tuế” (hạc sống nghìn năm). Trong Bát vật thì Hạc được thể hiện bằng hình hạc đứng trên lưng rùa thường để trên bàn thờ, đình, chùa, hạc đầu đội hoặc mỏ ngậm một cái đế để cắm nến. Hạc là một con chim hình dáng gần giống như loại sếu được thần thoại hóa và mật thiết quan hệ đến tín ngưỡng biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa âm và dương.
Xin phép được dẫn bài Chim hạc già của Đại thi hào Nguyễn Trãi để minh chứng:
Ngẫm hay thế sự nhẹ bằng lông.
Ăn uống chăng nài bổng Vệ công.
Lầu nguyệt đã quen tiên thổi địch ;
Non xuân từng bạn khách ăn thông.
Cánh xâm bạch tuyết mười phân bạc ;
Đính nhuộm đơn sa chín chuyển hồng.
Nghìn dặm trời dầu đủng đỉnh,
Kham cười anh vũ mắc chưng lồng.
Tôi phải dài dòng trích dẫn văn tự để nói cái đóng góp lớn nhất của Nguyễn Lương Ngọc trong khoảng độ này. Đó là cái bi quan được dựng thành biểu tượng, qua đoạn thơ “Hạc trắng!/ Hạc trắng!/ những con đã sinh ra thì đã chết/ những con chưa chết thì chưa sinh ra.”
Gọi Hạc
Con cắt trắng
xếp cánh
khi gặp con khướu vàng
Con khướu vàng
khép mỏ
khi gặp con hạc đỏ
Con hạc đỏ
nức nở
nhìn
con hạc trắng
Hạc trắng!
Hạc trắng!
những con đã sinh ra thì đã chết
những con chưa chết thì chưa sinh ra.
Hồng Hạc, chủ nhân của đồng quê trong thơ Nguyễn Linh Khiếu, khóc nhìn con hạc trắng, chính vì cái thanh cao thoát tục ấy, cái hình tượng văn hóa ấy, cái biểu tượng tâm linh ấy, đã nằm ở trạng huống (tình huống trạng ngữ) kết thúc một thời không, nhưng chưa bắt đầu một thời không mới.
Thơ nói đã đủ rồi. Nguyễn Lương Ngọc, Với ba tập thơ: Từ nước – 1990, Ngày sinh lại – 1991, Lời trong lời – 1994, đã làm được rất nhiều cho thơ Việt Nam từ 1986 Đổi Mới đến nay. Thơ ông, dẫu có thể có lúc bi quan, vẫn là khẳng định giá trị mỹ học nhân văn, một nhân văn mang tính nghệ sĩ, của người nghệ sĩ. Ông đến với giới hạn cuối cùng để được trọng sinh. Ông biệt ra một hình tượng nhà thơ đi bộ cùng nhà văn Hòa Vang từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh để mà Gọi Hạc!
Hà Nội, tháng 11/2024
B.V.K