Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói về đoạn thơ trích gây tranh luận

1147

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mấy hôm nay, có rất nhiều bạn hỏi tôi về mấy câu thơ trích trong một cuốn sách đọc thêm nào đó và hỏi có phải thơ tôi không? Sao Khoa lại viết thế? Tôi xin thưa rằng, đó là thơ của tôi viết năm 1969 khi Bác mất, ở bệnh viện Mắt Hà Nội.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Đây là bài thơ kể chuyện. Một em bé nằm ở bệnh viện, mơ thấy Bác Hồ đến thăm, Bác cho em quà và đắp lại cái áo cho em khi đêm phanh ra hở ngực, rồi lặng lẽ ra đi. Em bé tỉnh dậy và thấy đấy chỉ là giấc mơ. Còn sự thực là đầy trời đèn sáng trong mưa. Mọi người vẫn đang viếng Bác (Xin nhớ hồi Bác mất, mưa tầm tã suốt một tuần), và em nghĩ rằng, có lẽ Bác chỉ yên nghỉ ban ngày, còn ban đêm Bác đi chăm sóc trẻ con, nhất là những em bé bất hạnh phải nằm trong bệnh viện.

Bài thơ có gì là ghê sợ đâu. Bác Hồ yêu thương trẻ em là điều ai cũng biết. Chúng ta đã từng thấy bức ảnh Bác bón bột cho một em bé ở Việt Bắc. Bác còn viết: “Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”… “Đêm nay trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”… Bác còn viết Bác chỉ muốn làm xong công việc rồi “Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau….”. Tôi viết bài thơ này cũng chỉ nói về tấm lòng Bác đối với trẻ con. Bài thơ viết khi tôi có 11 tuổi, đang nằm viện.

Chuyện Bác Hồ đến thăm là giấc mơ của em bé đang nằm viện. Câu chuyện cũng chỉ diễn ra trong bệnh viện. Chỉ tiếc người làm sách lại trích mấy câu cuối, và đoạn trích lại tách ra khỏi bài, nghĩa là tách ra khỏi hoàn cảnh của câu chuyện nên người đọc không hiểu gì cả. Còn tất nhiên câu hỏi thì không có gì khó. Chỉ yêu cầu đặt câu hỏi cho những chữ in đậm thì em bé nào cũng làm được. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn những người làm sách nên cẩn trọng. Có những câu thơ tách ra, nó vẫn đứng được độc lập. Nhưng cũng có những câu không tách ra được. Trường hợp mấy câu trích này là thế. Muốn tách phải có lời dẫn. Ở đây không có lời dẫn. Đấy là điều rất tiếc. Cả bài thơ đây:

EM GẶP BÁC HỒ:

Có ai se sẽ ngồi xuống đầu giường
Đưa bàn tay mát như kem sữa
Xoa lên trán em đang dịu lửa
Vuốt lên mắt em đang bớt mờ
A, Bác Hồ!
Bác Hồ ta đó!
Bác mặc tấm áo ka ki
Bàng bạc sương rừng Pắc Bó
Trán Bác có ngôi sao
Thảo nào
Bác đi đêm không lạc
Bác cười rung rung chòm râu
Mắt Bác sao mà thương thế
Tóc Bác thơm lừng gió bể
Thơm nắng đường xa
Bác cho em nhiều quà
Và khen dạo này em béo khỏe
Hơn ngày xưa nhiều

Cúc áo em bị đứt từ chiều
Đêm phanh ra, hở ngực
Bác đắp vào cho em
Rồi Bác ra rất êm
Bác đi!
Bác đi rồi!
Em bỗng oà lên khóc
Tỉnh dậy thấy ướt đầm mái tóc
Nhìn xem Bác có đâu đây
Chỉ thấy đầy trời đèn sáng, mưa bay
Người người lặng im đi viếng Bác
Bóng đèn rưng rưng nước mắt…

Đúng rồi
Bệnh viện em vừa truy điệu Bác chiều nay
Nhưng Bác chỉ yên nghỉ ban ngày
Chứ ban đêm là Bác rời linh cữu
Bác chào chú đứng gác
Rồi đi vòng quanh khắp trên thế giới
Để chăm sóc trẻ con
Nhất là đứa nào phải nằm trong bệnh viện…

Viện Mắt – phố Bà Triệu, đêm 9-9-1969

Nguồn: Trần Đăng Khoa, Góc sân và khoảng trời, NXB Văn hóa dân tộc, 1999