Nhân phẩm bị đánh cắp – Truyện ngắn Phùng Chí Cường

603

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi tới viết bài tại một trại phục hồi nhân phẩm. Bà trưởng trại đưa cho tôi xem cả chồng hồ sơ của hàng trăm cô gái điếm, bà thản nhiên kể về những mảnh đời lầm lạc đã phải đến cái nơi thâm sơn cùng cốc này, để khai lý lịch với bà. Tôi lật xem từng trang, trang nào cũng có dán ảnh. Trong tập hồ sơ ấy có những gương mặt không lấy gì làm đẹp, thậm chí có những người đàn bà tưởng như đã tắt lửa lòng ở cái tuổi sáu mươi mà vẫn lên trại như thường. Thì ra người ta bị đưa vào đây không phải chỉ là những kẻ ăn chơi, đú đởn, lười lao động, mà còn vô số những thân phận bị xô đẩy từ muôn nẻo đường đời…

Tác giả Phùng Chí Cường

Ai đây? Một khuôn mặt khá xinh, đôi mắt buồn hoang hoải. Sao cái tên lại là Nga? Tấm ảnh hút vào đôi tròng kính cận của tôi. Trời ơi! Tôi lấm lét nhìn về phía bà trưởng trại, bà ta vẫn đang liên hồi nói về một cô gái nào đó vừa trốn trại. Tôi cố bình tĩnh cầm tờ hồ sơ ấy lại hỏi bà:
– Có phải cô này tên là Nga không ạ? – Bà ta chỉ nhìn lướt qua thôi.
– Cũng lâu lắm rồi, từ lần đầu lên trại cô ấy đã khai là Nga, tôi chỉ biết thế còn tên thật là gì thì tôi chịu thua. Cánh này nó ma lanh lắm, làm hồ sơ một lần rồi dùng cho cả nhiều lần lên trại sau đó. Cái cô Nga này thì tôi đã nhẵn mặt rồi!
– Vậy còn về phần gia đình cô ta thì sao?
– Cô ta bảo là đã chết sạch cả. Bốn lần bị bắt lên trại thì bốn lần đều trốn, mà tôi cũng chả thấy ai thăm nom cô ấy bao giờ! Đang nói chuyện thì anh quản giáo hớn hở xuất hiện:
– Bắt được con Nga rồi dì ơi! Nó chạy vào núp trong rẫy cà phê của đồng bào dân tộc, lẩn trốn ở trong đó mà nó còn ngồi tết được chiếc mũ giống y như vương miện hoa hậu bằng lá đót nữa kìa. Vừa chập tối nó mò ra đường để bắt xe về thành phố, thế là cháu túm được!

Vậy là đúng Hà của tôi rồi, mười mấy năm đã trôi qua tôi chưa bao giờ gặp lại em. Ngày ấy em cũng cứ đòi tôi tết cho chiếc vương miện bằng lá đót như vậy, em đội lên đầu rồi cười ỏn ẻn… Tôi sốt ruột quá nên xin phép bà trưởng trại đi ngay xuống dãy nhà của trại viên. Người ta cũng vừa đưa em về, em vẫn tươi cười chào những người đàn bà cùng hội cùng thuyền với mình. Kẻ trốn trại ở đây không hề bị đối xử một cách hình sự như tôi tưởng. Thấy tôi, em đá lông nheo: “Chào cán bộ!”. Rồi bĩu môi nhìn tôi bằng con mắt đa tình: “Anh có nhận ra em không? Hôm ấy anh và em ở đó… đó!”. Một cô khác nói chen vào: “Thôi đi mày ơi! Phận mình chỉ là con điếm, anh ấy là người ăn bánh trả tiền, xong cơn thèm khát là bái bai liền thì nhớ sao nổi…”. Sau đó là hàng mớ các ngôn từ tục tĩu phát ra với chất giọng khiêu khích, nhưng dù sao tôi vẫn đủ tỉnh táo để nhận biết đó là trò trêu trọc của các ả ấy mà thôi. Tôi lặng lẽ lại gần Hà:
– Em định trốn hả?
– Thì về thành phố gặp mấy cha xe ôm, để ăn vài tô cháo cật dê cho đỡ thèm. Lúc xuống thì có đứa rình mò đón rước, lúc lên lại có người nhà nước đưa lên. Vậy không sướng à!
– Em không nghĩ là…? – Em nhướng mắt nhìn tôi đàng điếm:
– Chả nghĩ gì cả, có những bà cố đã hơn sáu chục tuổi rồi mà vẫn ham đi khách, kiếm thêm chút đỉnh để ăn trầu, rồi lên trại như cơm bữa. Các bà ấy cũng đếch lo giữ thể diện cho con cháu của họ. Còn như cái thân em thì cứ thoải mái mà mần, có gì phải suy nghĩ hả cán bộ!
– Vậy em không còn nhớ tới cô Hằng, anh Hoàng và cái xóm Cây Gòn nghèo khổ của em hay sao? Tôi nhìn thẳng vào mắt Hà dằn giọng, đám đàn bà có mặt ở đó ngạc nhiên, sì xầm. Tôi lạnh lùng trở về phòng khách mang theo nỗi buồn se sắt…

Em không nhận ra tôi trong hoàn cảnh này là lẽ dĩ nhiên, nhưng tôi thì không thể hình dung nổi sự lột xác quá đáng, để trở thành một con điếm ăn sương nơi đầu đường góc chợ của em. Tôi nhắc đến cô Hằng, anh Hoàng và xóm Cây Gòn nghèo khổ ngày ấy, là để trả đũa và muốn nhắc nhở cho em biết, hãy sớm hoàn lương khi còn sót lại một chút nhân tính, còn cơ hội đổi đời. Cô Hằng là mẹ của Hà, anh Hoàng là tôi, còn xóm Cây Gòn là nơi có túp lều của mẹ con Hà ngày ấy. Tôi còn nhớ. Vào một đêm mưa to gió lớn giữa mùa hè oi ả, mẹ con cô Hằng ướt luốt tuốt xuất hiện ở cái xóm Cây Gòn toàn dân định cư này. Sở dĩ xóm tôi có tên là xóm Cây Gòn, bởi không biết từ bao giờ ở khu đất trống mênh mông giữa xóm, mọc lên ba cây gòn đứng sừng sững như ba vị thần linh, mỗi độ tháng ba nó nở hoa đỏ rực như muốn đốt cháy cả mảng trời xanh thăm thẳm trên đầu. Tháng năm, hè về nó nhả bông trắng xóa, bông trắng như mây bay lơ lửng chơi vơi khắp xóm. Dưới gốc ba cây gòn kia mẹ con cô Hằng phát đám cỏ tranh, chặt những cây sặt làm chòi để ở. Ban ngày cô Hằng bế con vào xóm, cuốc cỏ, hái chè thuê kiếm ăn. Cô Hằng đẹp lắm, hai hàng mi cong cong một viền xanh đen phủ kín hai tròng mắt, mỗi khi cô nhìn xuống… Nhà tôi neo người, nương đồi lại rộng nên mẹ con cô cứ cơm ngày ba bữa ở làm cho nhà tôi suốt. Mẹ tôi trả công cho cô bằng ngô, khoai, sắn, chừng nào cô cũng chả quan tâm, những hôm mưa to gió lớn mẹ con cô ngủ lại ở nhà tôi luôn. Tôi là con một, bố lại đi xa nên mẹ tôi và cô Hằng giao hẳn việc trông nhà và trông em Hà cho tôi. Tôi và Hà đu chung một cánh võng, nuôi chung những chú dế mèn và cùng nghe tiếng dế kêu sầu mỗi khi màn đêm buông xuống. Một hôm tôi dắt em đi lang thang tới bên bờ suối Đá Bàn, tìm đốt những tổ ong muỗi trong các bụi le, lấy nhộng mang về để chơi trò chơi nấu cỗ. Dòng suối chói lòa ánh nắng. Từ trong bụi le nhìn xuống dòng suối đang đổ nước ầm ào, tôi bủn rủn khi nhìn thấy hai bóng người trần truồng trên phiến đá bên bờ suối. Trời ơi! Cô Hằng và lão Bảy Xị đang quắp lấy nhau chờn vờn trên mặt nước, lát sau cô Hằng ngồi chồm hổm lên một tảng đá, bắt hai tay trên đấu gối, trông cô không khác gì một bức tượng được đẽo gọt tròn trĩnh dưới ánh mặt trời lấp loáng… Hôm sau gặp lại cô Hằng ở nhà, tôi ấm ức nguyền rủa về cái chuyện cô quan hệ với lão Bảy Xị. Cô thản nhiên nghe, thản nhiên cười xa xăm và luôn miệng: “Chẳng bao giờ cháu hiểu được đâu!”. Rồi cứ mỗi lần tôi cõng Hà vào xóm chơi với các bạn, cô Hằng lại nhìn theo bằng con mắt nửa buồn nửa vui, làm cho tôi không thể hiểu nổi cái nhìn buồn vui lẫn lộn ấy của cô! Lão Bảy Xị dan díu với cô Hằng được vài tháng rồi “quất ngựa truy phong” theo bọn buôn gỗ lậu đi biệt tích.

Sau đó tôi cũng theo bố mẹ về thành phố sinh sống. Đêm cuối cùng ở lại xóm Cây Gòn, tôi trốn mẹ để xuống chia tay em Hà. Bên cửa sổ lênh láng ánh trăng, trên chiếc chõng tre cô Hằng lại đang quặp lấy một gã đàn ông to như hộ pháp. Tôi lỏn vào giường của Hà như thằng kẻ trộm, Hà mở mắt chớp chớp: “Anh Hoàng, sao anh lại xuống đây?”. “Im!”. Nghe có tiếng người cô Hằng từ trong buồng hoảng hốt chui ra, lão hộ pháp kia cũng chuồn rất lẹ. Tôi ghé vào tai Hà: “Mai anh phải về thành phố rồi!”. Nghe tôi nói đoạn tự nhiên Hà khóc hu hu rồi vô cớ cứ bắt đền tôi. Cô Hằng liền dang tay ôm choàng hai đứa chúng tôi vào lòng, tôi cũng không nhớ là lúc đó mình đã nói những gì với cô ấy nữa, còn Hà cứ tức tưởi khóc rồi lại bắt đền mẹ, cô Hằng thì nhẹ nhàng xoa đầu tôi và luôn miệng: “Chẳng bao giờ cháu hiểu được đâu!”. Quả thật lúc đó tôi cũng chả hiểu gì và cho đến bây giờ tôi vẫn không sao hiểu nổi…

* * *

Tôi đang ngả mình trong phòng nghỉ của trại phục hồi nhân phẩm thì có tiếng gõ cửa. “Vào đi!”, tôi ra giọng trịch thượng. Một cô gái bước vào, đứng rụt rè, làn my cong dài cụp xuống như chiếc nơm đen bóng. Tôi nheo mắt nhìn Hà từ đầu xuống chân, em bẽn lẽn nhìn tôi thẽ thọt: “Anh Hoàng…”

Khi hoàng hôn xếp lại, màn đêm cũng dần buông. Chúng tôi cùng nhau dạo bên sườn đồi quanh trại, trời sáng trăng suông. Hà được làn sương trắng tẩy rửa, em thánh thiện với những ký ức tuổi thơ. Hà bật lửa châm thuốc lá. Tôi quay lại nhìn em và xót xa liên tưởng về một người con gái đã từng là cánh bướm ăn sương nơi đất khách. Chúng tôi đi như vô định, đi đến rã rượi đôi chân trong im lặng, cuối cùng chúng tôi nằm ườn ra cho đám cỏ tranh nhau cứa vào da thịt. Hà nằm sấp, hai bàn tay em chống cằm nhìn tôi bằng cái nhìn của cô Hằng thuở nào. Bị kìm nén từ lâu nên Hà hăng say kể cho tôi nghe về những chuyện đã xảy ra, mà không để ý xem tôi có nghe hay không. Trong khi tôi vẫn chăm chú lắng nghe và được biết: Những ngày sau đó cô Hằng đã nhiều lần ăn nằm với một số người đàn ông lạ, đến tá túc qua đêm tại căn chòi xập xệ ấy. Rồi một ngày kia cô đi làm trên nương nhốt Hà ở trong nhà, ba ngày sau cô Hằng vẫn không về, bé Hà đói lả, những người ở xóm Cây Gòn phải phá cửa vào cứu Hà thoát chết. Một tuần sau người ta thấy xác cô Hằng trôi dạt bên bờ suối Đá Bàn, có tin đồn rằng cô ấy đã bị đánh ghen. Từ đó Hà được mọi người trong xóm chở che đùm bọc… Lớn lên, Hà lại đi làm thuê cuốc mướn như mẹ của mình. Giữa lúc ấy có một đứa bạn, mắt xanh, môi đỏ, móng tay vàng khè từ trên phố huyện về rủ Hà đi làm tại một cửa hàng ăn. Việc của em là dồn tất tật các thức ăn thừa lại, rồi tống cả vào nồi canh “tạp xì ngầu” để bán lại cho khách. Được hơn một tuần thì có một ông khách là lái xe đường dài xin nghỉ lại. Đêm ấy hắn xộc vào màn của em, theo sau là mụ chủ. Bà ta trợn mắt: “Con bạn mày nó bán mày cho tao lấy hai triệu rồi, thế mày không biết hả cháu? Rõ khổ!”. Đêm ấy em thành đàn bà và nhân phẩm đã bị đánh cắp. Từ đấy em bị nhốt trong bốn bức tường, bất kể đêm hay ngày hễ thoảng thấy mùi dưa khú, cá ươn, là em biết có kẻ no cơm ấm cật đang mò vào. Rồi một hôm, một thằng béo động cỡn đang vật vã em thì công an ập đến. Thế là sau đó cái trại này trở thành nơi thường trú của em! Nói đến đây Hà ngồi chồm dậy giận dữ, tôi như kẻ mộng du và chợt nhận ra là người mình đã ẩm ướt sương đêm, Hà nhìn tôi như thù oán: “Anh bỏ xóm Cây Gòn đi mà chẳng bao giờ trở lại, giá như em đã chết rồi thì cũng đoạn một kiếp người. Từ trại về em không còn ai thân thích, đi đến đâu em cũng thấy người ta nhìn mình bằng ánh mắt nguyền rủa, người ta bảo anh đã theo bố mẹ đi diện HO rồi và… mẹ em là một con đĩ!”. Đang rù rì tâm sự thì Hà lại gằn giọng: “Từ bấy giờ em không còn dám nghĩ trên đời này còn có anh. Giá mà em còn hy vọng một ngày nào đó em sẽ gặp lại anh và anh vẫn còn nhớ tới em, thì mọi sự đã khác. Đằng này…”. Em lại chùng giọng xuống thủ thỉ kể: “Anh biết không. Những người đàn bà ở cái trại phục hồi nhân phẩm này, lúc nào cũng nói là tao chả còn gì để mất. Họ coi khinh những cái đang tồn tại để mà lăn xả vào chốn nhơ nhớp. Họ cứ đi khách, bị bắt, trốn, rồi lại lên trại như một vòng quay định mệnh. Em mới thật là đứa chả còn gì để mất, nhưng đôi khi em thấy mình cũng có vẻ có giá bên một thằng đực rừng rực thèm muốn, ít ra lúc đó em còn là một món hàng chất lượng cho đến khi nó bải hoải nhả em ra!” Trong đêm trăng ấy ngồi bên tôi Hà như bừng tỉnh, em vẫn ngoan ngoãn và mềm yếu như xưa, em quấn lấy tôi như anh em ruột thịt. Em ôm tôi, lần đầu tiên em ôm tôi mà không khóc, cũng là lần đầu tiên tôi ôm một người phụ nữ như thế mà không theo bản năng giới tính. Tôi buông em ra mỉm cười, thẽ thọt: “Em còn đẹp lắm!”…

* * *

Câu chuyện là những mảnh ký ức thuở ấu thơ ở xóm Cây Gòn của chúng tôi. Đôi khi nhớ tới Hà tôi lại chạm phải những đớn đau và nuối tiếc cho số phận một con người mà nhân phẩm đã bị đánh cắp! Ra trại, em xin đất ở khu tái định cư bên kia xóm Cây Gòn. Em lấy một anh chàng chân chất, đã trải qua một lần đò và là chủ một trang trại nhỏ ở làng bên. Một lần tôi lên thăm. Hai vợ chồng em đang chăm sóc những giàn chanh dây trĩu quả, hứa hẹn một mùa bội thu, đồng thời em cũng chuẩn bị đón đứa con đầu lòng sắp sửa chào đời. Một gia đình hạnh phúc đã được dựng xây sau bao nhiêu mất mát, khổ đau… Tôi mỉm cười nhìn hai vợ chồng Hà rồi quay lại nhìn về phía xóm Cây Gòn. Ở đó, tất cả vẫn như còn nguyên vẹn!