Nhớ lắm ổ bánh mì chan tương – Tản văn của Diệp Linh

855

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cái nghèo đã đeo đẳng suốt cuộc đời của má tôi. Má vất vả khi sinh và nuôi anh em tôi khôn lớn. Cứ mỗi lần về quê, món quà tôi mua cho má là ổ bánh mì không để má chan nước tương ăn như ngày xưa thời còn nghèo khó, như chờ con nước ròng đi hứng cá.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Con đường làng ở vùng sâu biên giới chỉ là bờ ruộng nhỏ nhấp nhô sau lũy tre làng đầy cỏ dại. Mồ côi cha, má tảo tần vất vả nuôi anh em tôi ăn học, do không có xe đạp nên anh em tôi đành “cuốc bộ” từ sáng tinh mơ đến chiều tàn mới về đến nhà.

Từ nhà đến trường phải đi một quãng đường rất dài, mùa nước nổi lại càng khó khăn gấp bội khi cánh đồng lúa, trong xóm trắng xóa nước với nước. Thấy má khổ nhiều, anh em tôi bàn nhau nghỉ học đi làm kiếm tiền sửa căn nhà lá nghèo xơ xác cạnh dòng sông cho má.

Nghe tôi nói, má phán câu xanh rờn “Má của bây làm mướn quen rồi, kiếm tiền may quần áo, đóng tiền học. Còn vài công đất làm lúa cũng đủ gạo ăn cả năm được rồi. Tụi bây phải ráng học hành cho đàng hoàng đừng dốt như má”.

Ngày nào cũng vậy, anh em tôi đi học về thì trời đã tối, còn má vẫn lom khom ngoài đồng nhổ cỏ, dọn bờ. Đói bụng, xuống lục cơm chỉ có cơm nguội và chén nước tương cùng dĩa rau hái ngoài đồng đem về. Tôi ngồi ăn cùng hai đứa em mà rớm nước mắt. Phải chi đời má bớt khổ thì hay biết mấy.

Cứ mỗi lần về quê, má dặn dò đủ thứ “Đường xá thành phố xe cộ đông đúc, bây đi chầm chậm thôi nghen hôn. Còn bánh mì khỏi có mua, má mua sẵn ở nhà rồi, đừng có mua ở thành phố đem về”.

Học hết cấp III, anh em tôi khăn gối lên Sài Gòn học, má ở nhà một mình. Cuối tháng anh em tôi về với má, còn má ngồi trước sân như chờ con nước lớn. Má nói câu khiến đứa nào cũng thấm thía: “Tụi bây, bây giờ có việc làm ổn định, tao không cần tiền của tụi bây nhưng đi đâu cũng nhớ làng quê nghèo, vẫn nhớ ông bà tổ tiên, nhớ quê hương và nhớ ổ bánh mì không mà cả nhà mình ăn cùng nhau là má vui rồi”.

Về quê lần này, anh em tôi lấy lưới ra con kênh trước nhà hứng cá. Lâu lắm mới có dịp ngâm mình dưới dòng nước, bắt từng con cá, con tép. Đó là cảm giác giúp chúng tôi lưu giữ những ký ức về dòng sông, con nước và cuộc đời dãi nắng dầm sương của cha má – những người nông dân tay lấm, chân bùn.

Dẫu cho ổ bánh mì giờ có khác đi, nhưng cách ăn của má vẫn không thay đổi làm tôi không thể nào quên được. Má làm xong thì kêu “ Mỗi đứa lấy một ổ mà ăn, ăn xong hễ đứa nào còn đói xuống bếp lục cơm mà ăn”. Bữa ăn không cao lương mỹ vị, không cầu kỳ phức tạp, nhưng gia đình ấm áp với ổ bánh mì gắn liền với kỷ niệm nghèo khó một thời.

Má ơi! Con chỉ mong má ngồi với chúng con ăn bánh mì thêm vài chục năm nữa. Má hứa vậy với tụi con nghen má!

D.L