Mùa này buổi chiều ưa có gió. Những trận gió trút nỗi giận hờn thốc tháo ra triền sông.
Nhà văn trẻ Trần Huyền Trang
Chiều nay, hiên nhà Hiền cũng mới bị gió lùa giật tung tấm liếp tre cũ kỹ. Cô đã nói chồng thay tấm liếp đó từ mùa hè năm trước nhưng có lẽ gió cũng đã cuốn lời cô đi cùng những hạt cát li ti từ chiếc ghe chở cát núp dưới bóng cây bần. Đụn cát ứ đầy trên ghe có khi che khuất tầm mắt vời vợi của cô hướng về bên kia sông. Bên đó, tấm lưng chồng cô mất hút.
Nhà văn Trần Huyền Trang ở TP Hồ Chí Minh
Thi thoảng, chồng cô về nhưng không từ hướng đó. Có đêm, anh trồi từ sông lên nhà, rón rén nhẹ êm. Hiền không ngủ say. Mỗi lần chồng đi là cô trằn trọc đến gần sáng, mắt gần như dính cứng lên trần nhà. Không hề nghe tiếng vỏ lãi ngoài bến sông nhưng sáng ra, cô đã thấy anh nằm gọn ơ trên tấm phản trước nhà. Có trưa, chồng gọi cô ra bến xe tỉnh đón. Hiền lớ ngớ giữa bến xe nhộn nhạo, không cách nào nhận ra chồng mình. Đâu chỉ có mình cô không nhận ra anh. Mẹ anh cũng lặng đi. Bà không chắc đó là thằng con mình. Mắt bà hẫng đi khi ngó bộ vest anh mặc. Cũng bộ vest bảnh tỏn đó, cũng nụ cười hào sảng và đôi mắt lá răm như muốn nhấn chìm bao phụ nữ trong đáy mắt nhưng nó như nhát dao cứa tim bà, bật máu.
Hiền dúi nỗi nghi ngờ vào đôi bàn chân thô kệch nhuốm phèn, vài móng thúi um, đen thui với không biết bao lần lặn ngụp vùi dưới bùn sình, dằm đâm chảy máu. Mỗi lần tháo ao cá, đôi bàn chân đó lại có thêm một cái móng chân thúi.
Cái hư nhiều, cái hư ít. Những đầu móng gần như bị cắt trụi sát da nhưng có cơ hội là vẫn tróc cả móng sừng lên. Nhiều lần cô lật qua lật lại cái móng chân đã tróc của chồng. Nó không khác gì cái vảy rơi ra khỏi lưng con cá. Nghĩ vậy thôi mà mỗi khi ra sau hè mần cá, cô lại run tay khi đánh vảy. Anh cười sằng sặc khi nhìn cô mếu máo vừa đánh vảy vừa cầu nguyện cho con cá. Anh nói:
– Lành như em, không làm ăn lớn được là phải! Có con cá mà cũng sợ. Anh… sợ em thiệt!
Cô run tay mỗi lần kéo đôi giày tây ra khỏi chân chồng khi đón anh trở về. Mấy ngón chân thúi vẫn y nguyên. Chồng không biết cô thậm thụt soi xét trong lúc anh say li bì – vừa say rượu, vừa say xe. Nhìn anh nằm co ro trên tấm phản ngủ say và đôi chân xấu xí kia vẫn chưa trôi hết lóng phèn, cô ráng tin thân xác kia vẫn là của mình.
***
Mấy bữa nay, nhìn đôi mắt Hiền, mẹ chồng biết sóng gió đã ngập trong lòng cô con dâu. Bà cũng đã từng để đời mình mặc kệ theo những cơn sóng gió ba đào đó. Một người đàn ông dù có yêu thương mình đến mức nào rồi cũng có lúc đôi tay họ bung ra những đợt sóng nhấn chìm thứ tình yêu tưởng như tường thành. Những lời thề hẹn hóa ra chỉ để đẹp lòng đôi bên trong đám cưới. Chuỗi ngày dài chạm mặt nhau hằng ngày, lời yêu lời thương đã mòn đi ít nhiều. Với bà, những lời đẹp đẽ ấy không mòn mà lại bốc hơi nhanh đến không ngờ.
Chồng bà cũng bốc hơi giữa một trưa nắng gắt, để bà loay hoay ở bến xe đò liên tỉnh. Sau này, bà đau xót nhận ra cái cớ “bị lạc” giữa bốn bề xe đến và đi giúp ông nhanh chóng rời khỏi đời bà, nhẹ nhàng như cơn gió. Người “đi lạc” tưởng mình là con cá quẫy đuôi vui sướng. Con cá quẫy một phát nhảy khỏi ao nhà ngoạn mục. Kẻ ở lại trong căn nhà trống trước dột sau mà lòng trĩu nặng như đeo đá. Những ngày tăm tối đó, tiếng khóc của những đứa con là liều thuốc chữa lành cuộc đời bà.
Lần lượt những đứa con lớn lên. Dù thiếu sự uốn nắn của cha, chúng vẫn hồn nhiên mà lớn, như lúa tới kỳ thì thản nhiên trổ đòng, tỏa hương thơm nức. Bà vui với những lần được kết thông gia dù trong tận thâm tâm vẫn không giấu được nỗi cô đơn hờn tủi. Những lần hồi hộp đối diện thông gia hay lập cập bước lên sân khấu làm nghi thức cưới cho con, bà đều thấy một nỗi trống vắng đến lạnh người. Dù cuối cuộc rong chơi, chồn chân mỏi gối, ông đã về đây, run rẩy đứng bên bà với tư cách vợ chồng như trước kia nhưng bà biết sẽ không bao giờ có được hơi ấm nào từ cái nắm tay gượng gạo của ông, từ ánh mắt đã có phần ngầu đục mà hơn nửa cuộc đời đã không ngoảnh lại nhìn bà thêm lần nào.
Bà không nhắc gì đến con trai khi ngồi cùng con dâu ở tấm phản trước sân nhà. Mắt Hiền dõi qua phía bên kia sông. Chiều nay nước lớn. Tiếng ghe cát đi về nghe rõ mồn một giữa gió sông lồng lộng. Bà đưa Hiền chén chè đậu đen cốt dừa. Về làm dâu bà hơn năm, tính nết Hiền sao, bà thuộc hết. Biết con dâu thích ăn chè đậu, hôm nào đi chợ bà cũng mua mấy bịch chè. Nay bà cũng mua chè cho cô nhưng biết chắc Hiền không có tâm trạng nào để ăn.
– Má à! Khi nào ảnh dìa, má đưa lại cái này cho ảnh giùm con nghen má.
– Sao bây không đeo, đưa lại chi con?
– Con… con không cần nữa, má!
Hiền gói gọn bộ vòng xi-men bảy chiếc bản lớn cùng với sợi dây chuyền, đôi bông tai trong một tờ báo gọn gàng, hai tay đưa bà. Bà giật thót. Con gái xứ này, đứa nào mà hổng mê đeo vàng. Cái thứ trang sức cứ ra nắng là chói chang đó như có một sức mạnh mê hoặc bất cứ ai nhìn thấy. Hiền cũng vậy. Hồi mới cưới, con trai bà chỉ đủ tiền sắm đôi bông tai, cặp nhẫn cưới, sợi dây chuyền vàng 18K mỏng lét cho Hiền mà cô không hề buồn, không mảy may so đo tính toán. Hiền vui mừng khi được má chồng đeo cho sợi dây chuyền cưới, nói con cảm ơn má đã thương yêu con. Bộ vàng cưới đó, Hiền đeo suốt trên người như báu vật. Vậy mà…
Bộ vòng xi-men là con trai bà sắm cho Hiền sau này, sau những lần đóng bộ vest, giày tây biến mất khỏi nhà đi làm ăn xa. Những lần đó, anh trở về bận nào cũng luôn có vàng, khi vài phân, khi vài chỉ, khi là vàng miếng, lúc lại vàng nhẫn. Bà nghe con trai đưa vàng cho vợ cất, tự thấy mừng trong bụng. Vậy là con mình nó biết mần ăn, dành dụm. Bà tưởng Hiền cũng vui mừng khi đón nhận những thứ vòng vàng lấp lánh từ chồng. Nhưng, cũng những lần đó, thứ lấp lánh nhất trong mắt Hiền, trên môi Hiền tắt dần. Thứ mùi thơm nồng nặc của nước hoa trên bộ vest anh mặc, mùi rượu tây tỏa ra từ thân hình còn chưa thôi hết phèn bỗng trở nên lạc lõng kỳ cục trong ngôi nhà đơn giản bên sông. Bà và Hiền – má chồng và nàng dâu – ngơ ngác trước người đàn ông là con trai, là chồng đang nằm thõng thượt trên bộ ván, kệ gió lùa tấm liếp rách phất phơ ngoài hiên.
Hôm nào đó, bà không nhớ nổi, hình như bà thấy con dâu khóc. Một lần đó, rồi mắt Hiền sau đó trống rỗng mặc kệ gió lùa, mặc kệ những hạt cát trên ghe theo gió lớn bay vào mắt, cay xè.
Bà run run nắm tay Hiền, đặt gói vàng vào tay con dâu.
– Con đừng nghĩ quẩn, để má lo!
Hiền lặng im ngồi với bà hết buổi chiều, đến tận khuya, quên luôn cơm nước, quên hết mấy con cá bống định chiều kho tiêu. Nỗi buồn kỳ cục đến mức mấy con cá cũng trở nên tanh lượm khiến cô cồn cào bụng dạ. Phía trong, ba chồng đã ngủ sau khi ăn cháo, uống thuốc. Những cơn đau nhức nào để ông ngủ yên nên thỉnh thoảng ông lại trở mình, thở hơi lên đứt quãng.
Hai người ngồi với nhau đến khi nghe rõ sương khuya thấm vào da thịt. Hiền cuống quýt xin lỗi má chồng vì bữa nay mình hư quá, để bà nhịn đói một cách vô duyên hết sức. Bà dỗ dành: “Má không đói. Con ngủ đi”.
Tờ mờ sáng, bà rờ chỗ con dâu nằm thấy lạnh tanh. Bến sông cũng im vắng không một gợn sóng. Chỉ còn tiếng thì thầm bà thả vào bầu trời đầy sương, lặng ngắt.
***
– Giờ con phải tìm cô ấy ở đâu, hả má?
Bà nhìn con trai thẫn thờ hút thuốc trên bộ ván. Bà biết, nếu Hiền đã muốn biến mất, cô sẽ chẳng dại gì về nhà ba má ruột. Ông bà thông gia chỉ đánh tiếng thở dài mà bà nghe ruột gan mình như có nước sôi dội lại.
– Con phải tìm thằng cha đó. Con phải làm cho ra lẽ. Nếu anh ta không đặt điều nói này nói nọ, Hiền đâu có bỏ con.
Bà lắc đầu, phẩy tay biểu con đừng nói bậy.
– Không có lửa làm sao có khói. Con Hiền không phải là má. Rất nhiều người ngoài kia cũng không như má đâu con!
Anh thòng chân đá qua đá lại. Bộ ván có tuổi, kẽo kẹt theo từng cú đá lẫy hờn. Mặt anh đỏ như gà chọi khi má nhắc lại những ngày ba anh mất hút theo những người phụ nữ ở nơi xa xôi nào đó. Những ngày đó, mấy anh chị em phải uống nước cơm chắt rồi lớn lên, nào biết mùi sữa thơm hay đồ ăn ngon lành như mấy đứa con nít trong xóm. Những ngày đó, chiều chiều má giấu nước mắt trong khói bếp cay xè, nấu cám heo, nuôi bầy heo lớn cho con có tiền đi học. Má làm gì vĩ đại đến mức có thể gồng gánh cho mấy chị em được học hết đại học nhưng ít ra đứa nào cũng biết chữ để làm vốn vào đời. Một mình má cơi nới miếng đất ao thành đất nền. Căn nhà lá nhờ vậy cứ vài năm rộng ra một chút. Mấy cái ao nuôi cá mà anh thừa hưởng bây giờ cũng một tay má cầm xẻng xẻ đất mà thành.
Rồi ba về, cũng bất thình lình như lúc ông rời bỏ mấy mẹ con. Hàng xóm không còn nhận ra người đàn ông phong độ ngày nào. Ông về mang theo một mớ bệnh tật. Không còn bộ vest bảnh tỏn, chỉ còn bộ quần áo nhàu nhĩ không che giấu nổi những vết loét đang lan rộng của căn bệnh thế kỷ. Hôm đó, mấy chị em ngồi im bên bến sông, nghe rõ tiếng cá đớp bóng trăng bên mạn ghe. Không ai nói với nhau lời nào nhưng anh biết tim ai cũng nghẹn. Má đã không đành thì mấy chị em sao nỡ, dù chẳng ai cam tâm khi nhớ về quãng thời gian đầy hờn tủi mà ông đã để lại cho mình.
***
Từ bữa Hiền đi, chiếc ghe cát cũng đột nhiên biến mất. Anh quay cuồng trong những nỗi hồ nghi.
Hiền không biết nhiều lần anh đi giao thương trên thành phố, về tới bến sông thì nửa khuya, nước đã đứng ròng. Nghĩ người chủ ghe cát dẫu gì cũng là người quen trên bến sông này, anh xin ngủ nhờ rồi sáng sớm quá giang qua nhà mình. Việc làm ăn trên thành phố cũng dễ dàng tuôn ra kể khi anh nâng ly rượu cùng chủ ghe để qua một đêm khó ngủ. Anh còn nói ráng chuyến này nữa, gom hết tiền hàng rồi anh về với vợ luôn, không đi nữa. Chủ ghe cười khề khà:
– Cái dở của đàn ông tụi mình là gì anh biết không? Là bỏ người phụ nữ của mình cô đơn quá lâu. Họ sẽ quen với nỗi cô đơn đó. Còn mình thì sao? Ra rìa!
Chủ ghe nhắc lại câu đó khi lần này chạm mặt nhau trên chợ huyện. Anh gằn giọng:
– Anh đã nói gì với Hiền? Cô ấy đâu?
– …
Không có câu trả lời nào thỏa đáng cho người đàn ông đang sục sôi nghi hoặc ấy. Chỉ có đôi mắt buồn rười rượi của Hiền nhìn anh. Chưa khi nào cô thấy anh ầm ào dữ tợn vậy. Chỉ biết là má chồng đã đúng khi bà xoa tay cô trong tay mình.
– Nếu con thấy cô đơn quá, nếu cần một cuộc ra đi để giải tỏa những nghi kỵ trong lòng mình, con cứ đi!
Má không cho phép con dễ dãi với cảm xúc của mình. Con không cần phải nén nỗi buồn, giả đò vui vì má. Con không thể sống cuộc đời như má. Con cần phải khác đi.
***
Cầm túi me dốt mà vợ chủ ghe tìm khắp chợ huyện mua tặng, Hiền sững sờ.
– Sao chị biết…
– Phụ nữ với nhau mà!
Hiền rón rén bước vô hiên. Thế nào má chồng cũng ngồi đó. Hiền đi, bà cũng sẽ ngồi mình ên như vậy, nhìn bến sông đếm con nước lớn ròng, đếm đến khi nào Hiền về bên bà thì thôi. Bà nói rồi.
Anh đi phía sau Hiền, vẫn chưa thể tin rằng mình còn có thể đưa được vợ trở về. Người chủ ghe cát còn quyết bán chiếc ghe, chấm dứt cuộc lênh đênh để trở về nhà với vợ con thì sao anh có thể để Hiền với nỗi cô đơn như má anh đã từng.
Buổi chiều gió vẫn giật phần phật trước hiên nhà nhưng gió không còn mang những hạt cát bay vào mắt Hiền nữa. Mà chiều nay, chếch bên kia rặng bần, cô còn phát hiện một mảnh trăng non vừa nhú.
TRẦN HUYỀN TRANG