Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

52

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ trần Quang Quý thành danh trong nghiệp bút từ khoảng 10 năm cuối của thế kỷ XX và trở thành gương mặt tiêu biểu của thơ ca nước ta 10 năm đầu thế kỷ XXI. Nói như thế có vẻ rạch ròi quá. Sáng tác của nhà thơ đúng là có nhiều giai đoạn nhưng phân chia năm tháng của sáng tạo nó cứ như mắc áo lên giá đinh. Chính nhà thơ cũng đã nói “Giờ chỉ sự im lặng nghe được tiếng khóc của chiếc đinh/ có một nỗi đau còn lớn hơn nhiều nỗi đau mà chiếc đinh cắm xuống”.

Ở đâu trên thế giới này không biết, ở Việt Nam, thơ ca lúc nào mà chẳng là phần quan thiết của đời sống tâm hồn. Thậm chí sức sống và sức mạnh của thơ nhiều khi được nhân dân và dân tộc coi như một “binh chủng mũi nhọn”. Ở đây tôi không có ý chơi chữ giữa mũi nhọn và chiếc đinh. Nhưng là nhà thơ phải chấp nhận sứ mệnh góp tiếng nói của mình, tự mình vừa cứu rỗi giải thoát mình, vừa nuôi dưỡng, sẻ chia chắp cánh cho tinh thần đồng loại. Vấn đề là anh dùng ngôn ngữ gì và cách nhìn nào, quan trọng nữa, đích của sáng tạo ở đâu, chất văn hóa, cá thể và loài, tự do và xã hội… ra sao, mới biết anh là ai, đại diện cho ai, và vì ai mà viết.

Hiện thực của Thời kỳ Đổi Mới bắt buộc con người công dân phải chuyển đổi suy nghĩ và hành động. Bây giờ là thế giới của Hội nhập – Liên kết – Hợp tác – Văn hóa – Phát triển – Hiệu quả bền vững… nhưng lại phải trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Về lý luận chung thì như thế, thơ hoặc văn học mà nói vậy thì làm một pano ghi vào là xong. Tự do là một quá trình con người tự giải phóng, là một lộ trình điều chỉnh của cá nhân và xã hội. Trong quá trình và lộ trình ấy, con người lại, ngoài tư tưởng, cần phải định ra khế ước và văn hóa để phanh chế nó. Vậy nên, khi sự thuyết phục phải dùng hình tượng, thì ấy là nó đã nói bằng ngôn ngữ văn học.

Trần Quang Quý có lý khi nói về tự do, nhưng là một sự tự do Duy lý – Duy cảm – Duy mỹ chứ không phải là một thứ tự do vô tổ chức, manh mún, vô cảm. Thậm chí anh còn đấu tranh với thứ tự do ấy. Gốc, ở anh, là Đất, là Người – Ta bắt đầu cùng thơ anh đi tìm luận giải:

“Tôi nhặt sông Hồng đổi chỗ cho Tô Lịch thau rửa cặn phố/ nới rộng Hồ Gươm mong tránh cơn bi kịch ao làng/ tôi nhổ những căn nhà siêu mỏng, mái chóp, mái bằng nhấp nhô thò thụt/ hàm răng vô tổ chức bẩm sinh/ gặm rách xanh trời, chọc giận mỹ cảm/ thay vào đó một con đường, một công viên, một khu phố biết giã biệt hình ống/ Tôi thổi điệu kèn chôn những tư duy rất dai manh mún/ bố cục lại không gian thay một không gian cóp nhặt tự do làng/ bởi một lẽ giản đơn, những giọt máu của tôi của bạn đã đập bằng tâm thức Hà Nội/ sao để sóng Hồ Tây mài mòn bờ lãng mạn/ những kỷ nguyên thực dụng và vị kỷ lên tầng?/ Tôi cố thử những cách sắp đặt khác/ lộn ngược phố lên, úp nhà vào đất tìm trật tự mới/ và bất ngờ lại đụng tổ tiên/ dấu tích Thăng Long sương khói/ Thăng Long cách ta chiều sâu hai mét/ mà nụ cười ngạo nghễ đã ngàn năm/ ngàn năm, hậu sinh chậm lớn/ Làm gì để đóng dấu một gương mặt khác/ gương mặt đồng cảm thời cuộc/ Có sáng tạo nào, cách tân nào, đột khởi nào mà không va đụng/ Hỏi ai, ai trả lời ta, Hà Nội?/ gõ cửa Thăng Long, các cụ nhoẻn cười…” (Trò chơi hình khối) – Dù Trần Quang Quý muốn phá hết ngoặc đơn đi, nhưng đến đây tôi thở phào hạ được một dấu chấm hết, chứ anh dùng cú pháp câu liên câu mà rất ít dấu chấm và chấm hết. Câu của anh, theo thông lệ, bắt đầu bằng chữ in hoa, tôi ngắt ý để bạn đọc dễ theo dõi.

Giọng thơ trữ tình trí tuệ, theo thể tự do có liên vần, có tính nhạc dưới hình thức văn xuôi. Ngôn ngữ ẩn dụ xen biểu tượng, xen suy lý: vừa thơ vừa chuyện vừa trí tuệ. Trong vai trò tái tạo bằng con mắt kiến trúc, nhà thơ đại diện cho một cái nhìn mới của văn minh đô thị muốn có “những cách sắp đặt khác/ lộn ngược phố lên, úp nhà vào đất tìm trật tự mới” – “bởi một lẽ giản đơn, những giọt máu của tôi của bạn đã đập bằng tâm thức Hà Nội”. Chống ô nhiễm môi trường, kiến trúc chắp vá, manh mún lạc hậu không “đồng cảm thời cuộc” – sự trì trệ của tư duy. Dẫu biết “Có sáng tạo nào, cách tân nào, đột khởi nào mà không va đụng”.

Đảo lộn, úp ngược thì gặp “dấu tích Thăng Long sương khói… cách ta chiều sâu hai mét…”. Trần Quang Quý biện giải: “mà nụ cười ngạo nghễ đã ngàn năm/ ngàn năm hậu sinh chậm lớn” – Hậu sinh cặp đôi với tiền bối ngàn năm – lúc này là sự đối diện thế hệ. Liên tưởng câu thơ Tản Đà: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”, câu thơ miêu tả ấy cách ta đã tám mươi năm rồi. Vậy “hậu sinh chậm lớn” là một ý thơ suy lý – lối viết của hôm nay.

Cả bài thơ nói lên được một nguyện vọng làm cho Hà Nội xanh thật – sạch thật – đẹp thật nhưng hiện thực thì ngổn ngang “tự do làng” muốn “gương mặt khác” thì “va đụng” bất lực; hỏi ngày xưa thì “các cụ nhoẻn cười…”, hiền lành quá, cổ vũ kiểu âm phù. Câu trả lời là chính ta – tự ta phải lo thôi – đấy là phát ngôn cho một thế hệ hậu sinh tân tiến muốn thay đổi ít nhất là tư duy không gian, cái đích mà bài thơ hướng tới (Bài này làm năm 2006, Đổi Mới đã được 20 năm). Báo chí thế sự thông tin mạng là câu chuyện thường ngày. Một câu chuyện hình sự đã vào thơ:

“Tòa án vừa tuyên tử hình một kẻ buôn ma túy/ người vợ khóc câm/ những đứa trẻ ôm chân giường ngác ngơ mất bố như ôm một chiếc xích/ xích nỗi đau đến độ vô cảm/ Một người mẹ khác quặn xé khi đứa con chết vì tiêm chích/ căn nhà hoang bởi những cuộc ra đi/ và một cuộc ra đi không bao giờ trở lại/ đứa con trai độc nhất mà người mẹ sẵn sàng đánh đổi mọi giá trị/ đã đánh cắp tâm hồn người mẹ/ Có năm tháng nào lòng ta buồn hơn/ nỗi buồn khắc vào mặt thế hệ hình thập ác/ nỗi buồn mong manh réo rắt vĩ cầm/ một đôi mắt hóa thành bờ vực…/ Hai người mẹ, hai số phận có cùng tên Nỗi đau/ dù không thể lấy nỗi đau này chia cho nỗi đau khác/ và bi kịch ở chỗ, không vị quan tòa nào phán được/ nỗi đau cùng cội nguồn/một cái tên: Cám dỗ!” (Khác biệt và không khác biệt).

Dùng thể thơ tự do văn xuôi trần thuật, với giọng tự sự xen lẫn trữ tình, bài này thực là một sáng tạo trong thơ khi chỉ ở một khuôn khổ bài thơ mà ta tưởng như một trường ca kết hợp được nhân vật, giọng điệu, ấy là do khéo dùng ngôn ngữ văn xuôi trần thuật với ngôn ngữ thơ ẩn dụ. Thiện và Ác là bản căn phật tính khởi nguyên – Dục tính là nguyên nhân của khổ đau. Pháp luật chỉ mình nó thôi là không đủ, phải có một cái gì nữa ngoài nó mới cứu được các nhân vật trong câu chuyện trên. Còn nhà thơ đau một – nỗi – buồn – thế – hệ.

Bằng thứ văn Biểu tượng Ẩn dụ, kể chuyện với thơ tự do, dùng cách chủ nghĩa Hình thức kết hợp Tượng trưng, giọng trữ tình suy lý, bài thơ “Siêu thị mặt” dưới đây là một đóng góp cho thơ sự trừu tượng cá nhân trong Thời thị trường:

“Mặt gánh cái tôi/ mặt của những mặt người/ mặt hình chiếu lộ thiên bản ngã/ Mỗi ngày ra đường, tôi lạc vào cả một siêu thị mặt/ nhỏ to, ngắn dài, tròn méo, buồn vui, cáu giận hay lạnh tanh chảy thành dòng trên phố/ cuộc mưu sinh hăm hở/ bật lên sắc màu tạo hóa/ Những mặt nạ treo dài trên shop phố Hàng Gai/ con đẻ của trò chơi núp bóng/ mặt bán rong thường trú vỉa hè nghèo/ mặt mậu dịch lạc mùa tiếp thị/ Có thể mua chăng lam lũ cánh đồng/ những giọt mồ hôi chảy dài đời mặt/ Trong ánh đèn mờ, thậm thụt bóng người ta mua sắc/ bao cơn phê ngã giá nụ cười/ Ngay cả một chiếc ghế, không ít người tranh thử mặt/ giá mặt ngồi đâu chỉ mua chơi/ Những lô mặt xếp hàng trong hội nghị/ những cái mặt đong đưa ngoài chợ/ mặt mỹ nhân hay mặt tài năng/ mặt nhìn xuống hay mặt nhìn thẳng/mặt ngó lơ haymặt cô hồn/ Cuộc sống của tôi là sống giữa tầng tầng thế giới mặt/ cuộc bắn phá của mắt/ cuộc cứu vớt của nụ cười/ hay trò chơi giấu mặt…/ Tất cả đã nhào tôi giữa dòng chảy tha nhân/ tôi trồi lên hay chìm xuống mặt mình/ tôi nhân nghĩa hay tôi hiểm ác/ tôi đo bằng cách ném mặt mình vào siêu thị mặt/ hy vọng mỗi ngày giá nhân nghĩa nhích lên/ Tôi gọi mặt về sau những cuộc đi rông gió trăng đồng cỏ…/ sau cả những lơ ngơ mặt khác/ mặt ơi/ mặt ơi/ tiếng người chợt thức/ biết mặt mình không mặt hình nhân/ Lúc rảnh rỗi tôi ngồi nghịch mặt/ tách làm hai làm ba hay tráo ghép những cái nhìn góc cạnh/ tháo cơn mơ/đong bụi cuộc đời/ Đôi lúc túng tiền gánh mặt bán buôn/ lại chỉ gặp những người mua lẻ”. (nói rõ, đây là sáng tạo của Trần Quang Quý khi trừu tượng xã hội chỉ còn những khuôn mặt, không chỉ là vai diễn sân khấu, mà còn là thị trường, triển lãm).

Thực ra đây là tác nhân con người và xã hội. Nhà thơ văn minh trừu tượng hóa thành siêu thị và mặt. Như vậy việc quy nạp cái cụ thể dễ hơn, mà tránh được cảm xúc trần trụi thị trường cùng những gì quanh nó. Văn miêu tả thơ phân thân cũng chỉ nhằm kết nhủ rằng “mặt ơi/ tiếng người chợt thức/ biết mặt mình không mặt hình nhân/…/ Đôi lúc túng tiền gánh mặt bán buôn/lại chỉ gặp những người mua lẻ”.

Một loạt bài Hình thức – Tượng trưng khác: Răng và lưỡi; Mặt; Cái mũ; Bầy rốn; Điệp khúc những ngón chân; Từ vực sâu cuống họng; Xúc giác; Đồng loại; Mặt ghế; Chiếc gươm trong viện bảo tàng; Mắt thời gian cắt lớp… Tôi muốn kỹ hơn ở bài Bầy rốn: “Tôi đi ngược mùa hè căng mởn làn da/ ngược rốn/ áo lửng như cánh buồm kéo xô nghiêng những phố ven đường/ Thanh xuân tung tẩy cười thơm dậy mùi con gái/ vắt vẻo một ngày rốn lên ngôi/…/ Tạ ơn mùa hè/ ngôn ngữ nóng cảm xúc/ mùa mắt thả rông mùa đi chăn rốn/ giá của tự do phơi phới trên đường/ Và từ rốn bung ra ngàn con mắt/ những ánh mắt giao nhau trên bầu trời cận thị/ Một góc nhìn/ giản đơn một cách nhìn/ ùa lên những con đường bình minh thơm rốn”.

Xin dừng ở đây một chút để nói về mỹ cảm của Trần Quang Quý qua những câu thơ nổi tiếng độ hai mươi năm trước: “Mùa thu xa nhau mùa thu rất rộng/ Rót bao nhiêu thương nhớ cũng không đầy” mà nhà thơ Vân Long đã bình là một trong những câu thơ mùa thu hay và cảm động. Hay: “Lối về nhỏ, căn nhà ta bé nhỏ/ Một tiếng guốc khua cũng đủ chật rồi/ Em nấu bếp nhìn anh trong mắt ướt/ Thế là chiều Hà Nội bớt lang thang” được nhóm tác giả Hồ Anh Thái, Nguyễn Đăng Điệp, Phạm Xuân Nguyên,… đánh giá là câu thơ tình nói được “niềm khát khao hạnh phúc đời thường” của dòng văn học sau 1975.

Từ cái đời thường của hạnh phúc – mang màu sắc của cá nhân như là bản nguyên của đất, bản tính của người luôn là sự giải thoát, của khách thể và chủ thể.

Thời điểm này trong vốn từ của mình Trần Quang Quý đã mở rộng biên độ đến không giới hạn cốt nói được một cách nhìn khác, một mỹ quan khác. Đấy chính là sự đồng cảm thời cuộc. Và đấy, theo tôi, chính là nhân văn nhất. “Người là hoa của đất”. Hành Thổ là một trong năm Ngũ Hành. Đất cũng là một trong bốn nguyên tố cơ bản cấu thành vũ trụ theo quan niệm Đông phương. Trần Quang Quý chọn những khái niệm có tính biểu tượng nhằm khai triển bản năng bằng lối nói và cảm thức hình tượng theo ngôn ngữ tái tạo tự nhiên. Anh bỏ phép tu từ quy ước để hướng tới cái đẹp của tiếng nói đời sống hiện hữu. Mỹ cảm ấy đáng được ghi nhận.

Đây là bài “Màu tự do của đất” – viết năm 2010:

“Những ngọn khói cay mùi rơm rạ dắt tôi về cánh đồng lồng lộng sao đêm/ tôi hít thở màu tự do của đất/ ngọn khói buộc thân phận nông dân vào cây cột tâm thức làng/ và mái đình cong câu ngược tầm nhìn/ những ngõ xóm ngủ hiền trên ngõ/ mỗi buổi sáng một ban mai mọc trong họ tiếng hạt nảy mầm…/ Còn vẳng lên bầy châu chấu bò quanh ký ức quê làng/ nức thơm mùa hái gặt/ củ khoai lùi bong ra cơn đói/ dẫn ngược con đường in dấu vết thuở ông bà mở đất/ những giần sàng gạn lấy nhân sinh/ Liềm hái thèm ngày thôi gặt gió sương/ người nông dân thèm tự do được giải phóng mình khỏi nhọc nhằn cơ bắp/ và tự do đầu tiên lại là tự do không thoát ly bùn đất/ tự do của mồ hôi/ tự do neo đời mình vào cánh đồng sương gió/ Trong trùng điệp bóng quê, trong trùng điệp gót người xa khuất/sợi tóc làng rụng xuống ca dao/ áo rách áo lành bọc được bao nhiêu nhân nghĩa/ chiếc áo làng tôi, chiếc áo đã vị bùn/ ai cởi cho ta mùi khói cơm thơm?”.

Giọng điệu tự sự giản dị – dùng cả thành ngữ, vẫn là thơ tự do, vẫn hình thức tượng trưng, nhưng là lời nói của đời sống hiện thực. Cách đặt câu trở về truyền thống. Đây thực sự là tư duy hình tượng, chỉ dùng lối nói hình tượng, thoát khỏi suy lý. Là bài thơ thuần nhất dù là thơ tự do nhưng không có hoặc có ít văn xuôi nhất.

Hình ảnh và khúc đoạn được mở ra theo một tuyến tính hợp lý. Ít ai ngờ đây là bài thơ theo mỹ cảm truyền thống để nói lên tâm lý, khát vọng của con người.

Chỉ là bởi tư tưởng của bài thơ hướng tới cái gốc, và gốc đó là mẹ đất, cái nhân quả là người nông dân và nhân sinh ngũ cốc. Còn nhớ câu “tự do là nhận thức được cái tất yếu” – bài thơ đạt được một tứ lớn: không được thoát ly Đất Mẹ – hình ảnh “ai cởi cho ta mùi khói cơm thơm?” kết tứ dạng nghi vấn giả định thực ra câu trả lời đã có từ trên.

Bài “Bình minh trên sông Hằng” cũng theo ý này, nhưng xuất phát là nước:

“Sông Hằng mang gương mặt của mặt trời quẫy trong đêm/ hy vọng tưới sáng những cánh đồng lầm lũi và bạt ngàn lục địa”. Chất tự sự suy lý lấn hình tượng nhưng cũng có đoạn kết đầy ý nghĩa: “Có thể nào khác trong thế giới còn nhiều nước mắt/ mọi nẻo đường sinh kế lại tìm cách quay về dưới những ngôi nhà lúp xúp/ nhưng ấm áp và bình yên muông thú/ trong tiếng bò rống lên thức giấc bình minh/ Dòng sông như người mẹ cần lao và đa mang vắt từng giọt sữa/ sữa của trời xanh sữa đất đai huyền bí/ rót nhân từ từng cuống họng châu thổ” (năm 2012).

Nhân thể, ta xét cả hai bài: “Châu thổ” và “Bài hát tháng Mười”. Cả hai được sáng tác gần nhau, quãng 2005 – 2008. “Những cánh đồng châu chấu vừa hát lên cùng gió tháng Mười/ chúng mang hơi thở tháng Mười này sanh những tháng Mười khác/ tháng Mười dâng hạt/ rón rén heo may/ sương muối gặt hoàng hôn tóc mẹ/ những giấc người bạc trắng giấc mơ/…/ em đã buộc tôi từng nút thắt ký ức/ trăng hổn hển tuột đêm trinh nữ/ tiếng hát sương khuya, cánh đồng cỏ dại/ ngây ngất làn môi/…/ trên bầu ngực mùa thu đang cốm/ khảm khắc ngân âm điệu cánh đồng mê cảm” (Bài hát tháng Mười). “Tôi nghe tiếng ngáy cánh đồng gập ghềnh lồng ngực những người đàn ông/ tiếng hổn hển buổi chiều tuột bờ vai thôn nữ/ hoàng hôn quờ quạng những ngón tay sần/ hơi thở bời bời rơm rạ/ Và tinh mơ xoắn những đường cày/ chập choạng bờ sương rụng tóc/ bản tấu đa âm và đơn điệu muôn thuở côn trùng/ một ngày cốm thơm lên mùa thu mới” (Châu thổ).

Tôi nghĩ không nhiều nhà thơ Đương đại nào ở Việt Nam thi vị hóa nông thôn, nông dân, nông nghiệp như nhà thơ Trần Quang Quý (Tôi dùng Đương đại theo nghĩa thực tại Việt Nam ở Thời kỳ Đổi Mới, thời kỳ thế giới Một cực chuyển dần sang Đa phương). Dẫu vẫn nhiều dấu hỏi từ chiếc liềm cong, phận người, lời thề, đức tin, khát vọng,… người nông dân vẫn phải gồng lên trước cực nhọc, thất bát, thiên tai… nhưng tình yêu và hình ảnh họ được làm đẹp dẫu có là hoài niệm tưởng tượng.

Có lẽ bài “Có con đường vẫn chạy trong ký ức” lý giải cho ta phần nào việc nhà thơ chủ động hướng tới đất và kiếp người trên đất, trong đất: “Tôi mang em đi trong không gian hoang vu như từ kỷ xa xăm nào/…/ gương mặt em như ánh sáng không sao lặn khỏi chiếc hộp ký ức/…/ cây duối già rộ những quả chín đỏ bên con đường ngày mưa lâm thâm/ làm sao ta bước qua con mắt hốc duối già lưu giữ giọng em/ khi run run vẽ con đường mơ hồ hạnh phúc/ cây duối già giờ không còn bên con đường già/ chúng cất ta vào những ngày xưa”.

Còn bây giờ:

“Giấc mơ của bầy cá luôn ám ảnh bóng hình chiếc thớt/ Những mắt lưới gài bẫy trong veo/ Biển mỗi ngày vẫn sóng/ Cây rơm mơ ngoạm những đàn bò/ Thảnh thơi nằm ở góc vườn, vàng một màu thắng cuộc/ Những chú chuột mơ gặm sống bầy mèo và rửa vuốt vinh quang…/Trong thế giới của những chiếc thớt bủa vây/ Thương thay những chú cá không rạch qua được số phận/Ta thấu những bình minh của chuột lặn trong mắt mèo/ Những cây rơm rạn gió sương từ thuở còn bùn đất/ Rực lên hương vị tháng Mười/ Nhưng ước vọng không dài hơn một que diêm/ Đành một ngày mục nát dưới kỷ nguyên của nấm/ Những giấc mơ/ Ta đọc những giấc mơ trên từng mơn mởn lá/ Trong thẳm sâu những đôi mắt lặng im kia/ Trong cả những từng trải và khờ dại/ Những trái tim yếm thế cất lên/ Chính khúc bi ca người cất lên/ Bóng hình chiếc thớt” (Giấc mơ hình chiếc thớt – viết năm 2002).

Đây là cách nói ngược trong ca dao, nhưng thi tứ mạnh hơn, tức là ta giả dụ trong ca dao một đôi khi có tứ, chứ thường chỉ có ý và nghĩa thôi. Bởi vì tương phản này là mạch suy lý kiểu Emanuen Cant, nhưng sáng tạo của Trần Quang Quý là dùng hình ảnh giấc mơ – một hoàn hảo hình thức tượng trưng – tức là thế giới vô thức, ở đây là thuần khiết. Thế mà trong giấc mơ “… bi ca người cất lên/ Bóng hình chiếc thớt” là đã cách câu chuyện thần thoại Hy Lạp “Lưỡi gươm của Đamoclet” những 2500 năm mà ý vẫn nối nhau. Sức tải của ca dao Việt Nam được nhà thơ tái tạo lại bằng ẩn dụ để truyền dẫn tư tưởng về kiếp người nhỏ bé, trong vòng tròn (của chiếc thớt) “làm ta kinh hãi vô cùng” (chữ dùng của nhà thơ Bùi Việt Mỹ).

Tôi nghĩ, hơn mười năm trước, Trần Quang Quý đã có chủ đích dứt khoát đưa chủ nghĩa hình thức và tượng trưng vào sáng tác. Anh lại muốn có suy lý – biểu tượng trong ngôn ngữ. Anh lại muốn có thơ tự do văn xuôi trong thể loại. Anh muốn nhuần nhuyễn hơn giọng tự sự trữ tình. Vì vậy việc anh kết hợp thành phương thức Hình thức Tượng trưng, dùng lời nói và từ làm công cụ biểu đạt chủ ý và thi tứ. Thế mạnh về chi tiết của văn xuôi, hình ảnh của thơ, lô gic của suy tưởng, trừu tượng nhằm làm bật lên đời sống hiện thực.

Về Thi pháp, nếu Cổ điển từ thời Arixtot đã có lối Thơ kể chuyện, trong đó người kể và sự bắt chước (hay mô phỏng) quyết định tài năng tái hiện. Những thời kỳ tiếp theo và đã qua, thơ kể chuyện có lúc thăng, lúc trầm vì có nhiều loại hình mới về ngôn văn thể cách… Ở nước ta, tính từ năm 1930, thời Thơ Mới có Nguyễn Bính với Lỡ bước sang ngang, Hoa với rượu, Viếng hồn trinh nữ,… Sau này Hữu Loan với Màu tím hoa sim, Hoàng Cầm với Lá diêu bông, Cây tam cúc,… sau nữa là Vũ Cao với Núi đôi, Giang Nam với Quê hương. Thời chống Mỹ và Hậu chiến có Thu Bồn (Bài ca chim Chơ rao), Nguyễn Trọng Tạo (Trường ca Đồng Lộc),…

Đến Trần Quang Quý, anh vẫn dùng thủ pháp Thơ kể chuyện nhưng không chỉ đơn thuần là truyền dẫn và minh họa. Bây giờ, thơ không tham vọng ôm lấy sân khấu, dù là sân khấu cuộc đời. Thơ lúc này lấy ý tứ tác động, phát hiện và quan thẩm những đơn nhất, theo cách nhìn duy cảm – duy lý – duy mỹ bằng ngôn ngữ văn phức hợp để nâng hợp cấu trúc hiện thực. Không khỏi có lúc tư tưởng lấn át nghệ thuật, nhưng Thơ suy lý đành nhẽ phải thế. Tôi tạm gọi thơ Trần Quang Quý là Thơ suy lý hình thức. Không biết trên thế giới có thứ thơ này biệt ra như một lối sáng tác chưa. Ở Việt Nam trên mười năm nay, một trong những người đại diện tiên phong, đó là Trần Quang Quý.

Tôi xin khép lại bài viết này bằng đoạn thơ: “Sau vụ gặt những con đường mệt nhoài nằm thở trong rơm rạ/ những chiếc liềm mỏi gặt giờ nằm im trên vách/ chúng vẫn cong lên hình dấu hỏi/ những dấu hỏi ngàn năm mai táng trong thẳm sâu luống đất/ những dấu hỏi bay lên ngái cay mùi tro bếp/ những dấu hỏi ngượcvề cổ xưa tiền kiếp/ Hạt lại gieo. Nhẫn nại. Hạt người”.

Bùi Văn Kha