Những loài cây quý lá tươi xanh…

142

Lê Vạn Quỳnh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vừa rồi đi Hà Nội tôi kiếm được cuốn Con giai phố cổ (1) của Nguyễn Việt Hà. Thú nhất là kiến giải của tác giả về bạn vong niên “Có một điều đại may mắn, thậm chí là ân sủng của Thượng Đế cho những đàn ông đang chập chững muốn lớn hoặc suýt soát trưởng thành, đấy là có được một người bạn vong niên. Bạn vong niên là bạn lệch tuổi, đương nhiên già hơn, và thường già hơn một Can (10 năm) hay một Chi (12 năm). Hầu hết những người bạn vong niên đó thường đọc thiên kinh vạn quyển, đều hút thuốc như cái tẩu, đều kiêu bạc nhàu nhĩ bất hạnh nhưng hóm hỉnh nhẹ nhàng hài hước”.

Chiếu theo cách Nguyễn Việt Hà, anh Lê Ngọc Thạch dạy môn Vật lý cùng Trường Chuyên Lam Sơn, là bạn vong niên của tôi, có điều anh hơn tôi gần hai Can. Đôi lúc thấy tôi loay hoay vất vả mơ căn nhà mặt phố, anh đến mở nút thắt nhẹ nhàng. Chẳng hạn, anh hẹn tôi tới thăm thầy Nguyễn Xuân Dương, người thông tuệ văn hoá – lịch sử, đạo học xưa, và đặc biệt Thầy là người am hiểu văn học Pháp sâu sắc của xứ Thanh ta. Ý là anh muốn kéo tôi về với văn hoá, văn chương, với đời sống bình dị. Đời người kiếm tiền biết bao giờ cho đủ.

Chưa kịp tới thăm thì một hôm, anh Thạch cùng thầy Dương đến tôi tại gian nhà tập thể rộng chừng 15 mét vuông. Lúc ấy Thầy đã ngoài 70 dáng khỏe khoắn đôi mắt sáng và hiền. Thầy đặt cái mũ vải trên mặt bàn rồi cầm tay tôi bằng đôi bàn tay mềm mại ấm áp. Chỉ đáng tuổi con cháu, cử chỉ Thầy làm tôi ái ngại y như các thầy dạy tôi hồi nhỏ tại quê. Có lẽ khuôn vàng thước ngọc đã lập trình cùng những khúc riêng tư đầy ám ảnh đã cho ra một tâm thế giữ dành khuôn mẫu là vậy. Thì ra thầy Dương muốn nhờ tôi dạy thêm môn Hóa cho Thủy con chị Thoa cháu ngoại của Thầy. Chỉ có một việc như vậy mà thầy cất công đến tận nhà. Cũng từ lần gặp đó tôi được biết, sau khi đậu tú tài phần thứ nhất, Thầy học trường Anbe Xaro, vài tuần sau chuyển sang học trường Bưởi và đậu tú tài triết học (phần thứ hai) tại đây. Sau thời gian không lâu học trường Luật, năm 1945 thầy được điều động về dạy văn học tại trường Collège Đào Duy Từ, ít lâu sau Thầy chuyển sang ngành tư pháp, làm Chánh văn phòng Toà Thượng thẩm Trung Bộ. Từ 1950, Thầy chuyển về giáo dục, gắn bó với các Trường cấp 2 Hoằng Hóa, Hậu Lộc hơn 30 năm. Lúc đã hưu thầy vẫn được mời dạy tiếng Pháp cho trường Dòng thuộc Toà Giám mục thuộc địa phận tỉnh Thanh Hoá, làm cộng tác viên cho khoa ngoại ngữ Đại học Hồng Đức, và tham gia Ban nghiên cứu lí luận của Hội VHNT tỉnh Thanh Hoá.

Mùa đông Quý Tỵ đến sớm trong tiết trời se lạnh vào một buổi sáng tôi tới thăm thầy Nguyễn Xuân Dương tại 66 – Trần Cao Vân, TP Thanh Hoá. Thầy sống cùng gia đình con trai cả, Bác sỹ Nguyễn Xuân Uyên. Hôm đó, con trai thứ Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tế cũng từ Tp Hồ Chí Mình về thăm thầy cô. Tiếp tôi tại phòng khách có bộ ngựa bằng gỗ hương sẫm màu, Thầy ngồi phía đối diện với tôi, còn anh Uyên, anh Tế ngồi ghế nhỏ hơn phía bên. Chừng hơn nửa giờ Thầy mời tôi lên phòng riêng ở gác 2, một gian phòng nhỏ đầy sách có chiếc radio cũ đặt cạnh tivi màu, màn hình nhỏ nhưng khá nét. Hai tấm bằng Huân chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ được Thầy đặt trong tủ kính. Phía trên có ảnh của các cụ thân sinh: Cụ bà Trần Thị Tiệp, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; Cụ ông Nguyễn Xuân Lâm, người làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa. Cũng từ đây, tôi được biết Cụ thân sinh của thầy làm Tri huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Thấy tôi tần ngần trước nét dịu dàng quý phái của người con gái quê trong bức ảnh đen trắng đã ố vàng, thầy vào gian trong mời cô ra và giới thiệu: – Bà ơi! Đây là ông giáo dạy cháu Thủy nhà ta ngày trước. Thầy nói nhẹ rồi hướng ánh nhìn về phía bức ảnh: – Nhà tôi hồi còn trẻ. Thời ấy, con gái không được học xa nhà, chỉ học xong yếu lược là được rồi. Tôi gặp cô lần đầu nhưng trước đây anh Lê Ngọc Thạch đã kể cho tôi nghe về vợ thầy – cô Nguyễn Thị Cầu – cũng thuộc dòng dõi khoa bảng/quan lại. Ông nội của cô là cụ Cử Nguyễn Liên người làng Nga Lộ, xã Nga Mỹ, huyện Ngà Sơn từng làm Tri phủ Anh Sơn, Nghệ An, còn Cụ Cử Trần Thương Liễn làm bố chánh tỉnh Bình Định lại là cậu ruột sau khởi nghĩa làm Chủ tịch xã Nga Bạch rồi Chủ tịch huyện Nga Sơn. Hai làng Nguyệt Viên và Nga Lộ cách nhau không mấy đoạn đường. Chỗ thân thuộc qua lại cũng chỉ trong ngày. Tôi cứ tưởng tượng một buổi mai nắng nhẹ, chuyện trăm năm cháu con lại được các ông Cử ông Nghè dòng họ Nguyễn hai làng ước định trong lúc thưởng trà hay bình phú vịnh thơ. Sự sắp đặt của ông cha âu cũng là nhân duyên tiền định cho thầy cô sống hòa hợp bên nhau hơn bảy mươi năm.


Nhà giáo Nguyễn Xuân Dương.

Tôi sực nhớ có lần anh Lê Ngọc Thạch kể, bố anh dạy tiểu học thời Pháp, được trả lương kèm theo phụ cấp cho vợ con. Thầy Nguyễn Xuân Dương dạy trung học lương cao hơn nhiều, suy từ lương giáo viên tiểu học thì lương thầy khi mới về dạy trung học: 180đ /tháng; phụ cấp cho vợ: 40đ; phụ cấp cho con: 28đ; tổng: 248đ (khi ấy thầy cô chỉ mới có con gái đầu lòng là chị Thoa). Tôi xin thầy được biết như thế liệu có đúng không, Thầy dè dặt hỏi: – Sao ông hỏi kỹ càng thế? Tôi thưa: – Em xin thầy làm tư liệu cho bài viết về giáo dục, đây là tư liệu quý. Có lẽ câu chuyện của tôi đã vô tình chạm đến cái gốc nguồn con nhà gia thế quan lại đã ám ảnh thầy sau gần cả đời người. Thầy rót chén trà nóng rồi chuyền cho tôi bằng cả hai tay, tôi vội đỡ lấy và đặt nó trong lòng bàn tay như không muốn bị mất đi cái cảm giác của cử chỉ ngày càng hiếm gặp trong thời hiện đại.

Đợi cho không khí lắng đọng trở lại, tôi mạnh dạn hỏi thêm: – Thưa thầy, trong Cuốn Collège de Thanh Hóa – Đào Duy Từ – Lam Sơn 80 năm 23 nhân vật nổi tiếng nhà nghiên cứu văn học Lưu Đức Hạnh viết rằng nhà thơ Hữu Loan từng làm Tổng biên tập các tập Giai phẩm và sau đó giải nghệ về quê làm vườn, cày ruộng, thồ đá. Là bạn là đồng hương, em nghĩ thầy có nhiều kỉ niệm với nhà thơ tài danh nhưng cuộc đời lại nhiều phân khúc ? Thầy lặng đi giây lát rồi bồi hồi tâm sự, Hữu Loan cùng tôi thi đậu tú tài phần thứ nhất một khóa với Nguyễn Đình Thi, Trần Văn Xuân. Nghe nói sau này Hữu Loan có viết báo Nhân văn. Tôi không có dịp gần gũi, nhưng một lần – khoảng 1953 – được nghe ông Trương Tửu (sau này là người của nhóm Nhân văn – Giai phẩm) nói chuyện văn chương tại trường Lam Sơn. Tôi cùng mấy người bạn được mời dự. Lúc chúng tôi đến thì học sinh các lớp đã tập trung đông đủ ở sân trường. Khi ông Trương Tửu xuất hiện, ông Đoàn Nồng hiệu trưởng nhà trường trân trọng giới thiệu nhà văn Trương Tửu và ông hỏi các trò: – Các em thích nhà văn Trương Tửu nói chuyện gì nào? Văn học dân gian, nước ngoài hay Truyện Kiều? Tất thảy các em đồng thanh: – Thưa thầy, Truyện Kiều ạ! Ông Trương Tửu mắc cái can cầm tay vào góc bàn rồi vui vẻ: – Tốt quá! Tôi cũng muốn vậy, thế ta bắt đầu nhé. Ông dẫn dắt vấn đề từ Thanh Tâm Tài Nhân đến Nguyễn Du, tài sắc và số mệnh. Cũng có thể cảm giác lần đầu trực tiếp nghe Trương Tửu nói chuyện nên đoạn mở của ông thật ấn tượng, ông nói liền mạch không sách vở, đại ý là: Trong giới trí thức nước ta, không có một tác phẩm văn chương nào làm bận rộn dư luận một cách phiền phức bằng cuốn Truyện Kiều của thi sĩ Nguyễn Du, hơn 150 năm qua, hết lớp nhà nho quý tộc này đến lớp nhà nho lạc ngũ khác, hết loạt học giả tư sản nọ đến loạt văn nhân trung lưu kia, kẻ trước người sau, kẻ xướng người họa, kẻ đánh người đỡ, thi nhau, đua nhau, hùa nhau bàn luận về Kiều, hát tuồng Kiều, bói Kiểu, chiếu phim Kiều, giải thích Kiều, kỷ niệm Kiều, bày ra một cảnh tượng văn chương rất huyên náo, mới thoạt nhìn tưởng đơn thuần chỉ có tính cách thẩm mỹ, nhưng xét kỹ thì thấy chứa đựng nhiều tính cách tâm lý và xã hội sâu xa, phức tạp.

Kể đến đây thầy dừng lại chốc lát và kể tiếp giọng như lắng lại: – Tài nói năng của ông ấy rất ít người bì kịp. Như chợt nhớ ra điều gì hệ trọng lắm, thầy đi về phía giá sách lấy tờ Nghệ Thuật Mới, số 13 – 14/2013 đặt vào tay tôi và nói: – Tài năng ông Trương Tửu đã rõ, nhưng với tôi thông minh kiệt xuất phải là ông này. Lật vội trang báo, thầy chỉ vào tít Tiếp xúc văn hóa Việt Nam và Pháp ở trang 6, phía dưới bài có dòng chữ: Giáo sư Phan Ngọc.

– Thưa thầy, em có đọc bài viết này và cuốn “Bản sắc văn hóa Việt Nam” của Giáo sư Phan Ngọc, có lẽ thầy gần gũi với Giáo sư Phan Ngọc?

– Chúng tôi quý nhau lắm! Vì quen nhau cũng đã từ lâu, Cụ Thượng thư Phan Võ, thân sinh ông Phan Ngọc là bạn của ông chú tôi, Cụ Thượng thư Nguyễn Xuân Đàm. Hai cụ cùng dự khoa thi Hội năm Canh Tuất Duy Tân thứ tư (1910), và lúc vào điện thí cả hai cụ cùng đỗ Phó bảng. Sau khi ra làm quan hai cụ vẫn có liên hệ chặt chẽ với nhau, nên về sau ông Phan Ngọc và tôi thân nhau cũng là chuyện thường tình. Ông Phan Ngọc, là tác giả của nhiều công trình văn hóa, văn nghệ, dịch giả nổi danh thông thạo tám ngoại ngữ.

Vui chuyện thầy kể lại: Cách đây có lẽ gần hai chục năm tôi tới thăm gia đình ông Phan Ngọc tại Hà Nội. Hai ông bà có mời tôi ở lại dùng cơm. Lúc chia tay, bà Phan Ngọc nói vui: – Nếu trong xử thế, anh Ngọc được mềm mỏng như bác thì có lẽ anh ấy ít gặp phiền phức hơn nhiều. Tôi ngạc nhiên: – Sao chị lại nói vậy? Tôi gần suốt một đời chỉ cần mẫn chăm sóc lớp học trò nhỏ tuổi nơi thôn dã, anh Ngọc là học giả có tên tuổi, thầy của các thầy bây giờ, đi đây đi đó được nhiều người trọng nể…. Ông Phan Ngọc vội nói: – Nhà tôi nói vui đấy anh ạ! Có đôi chút phiền phức thời Nhân văn – Giai phẩm, nhưng đã qua rồi. Chúng ta sở dĩ còn được như thế này phần lớn nhờ ở nghĩa nặng gia đình và thâm tình bè bạn. Lúc ấy tôi thấy Thầy lặng đi, ánh mắt hướng ra thật xa phía bên ngoài cửa sổ như để tìm lại dấu xưa, rồi Thầy nói chậm rãi: – Tết rồi, bà Phan Ngọc điện thoại chúc tết gia đình tôi, có nói Giáo sư trí tuệ còn minh mẫn nhưng đi lại giao tiếp khó khăn. Tôi và ông Phan Ngọc chắc không còn cơ hội gặp nhau.

Đi Hà Nội nhân dịp Quốc khánh năm 2014, tôi tới thăm Giáo sư Phan Ngọc, chuyền lá thư và gói trà quí của thầy Dương cho người bạn già tại căn hộ số 06 tầng 10 khu đô thị Ecompark – Văn Giang – Hưng Yên cách trung tâm Hà Nội chừng hơn nửa giờ xe chạy. Căn hộ rộng gần 100m2, ba phòng ngủ, cửa kính khá rộng có thể nhìn thấy những hàng cau, hàng dừa cạnh lối đi đầy cỏ, quê làng như ngay bên cạnh Giáo sư. Ông bà Phan Ngọc nghe nói tôi mang thư của thầy Dương từ Thanh ra thăm thì vui lắm. Chia tay, ông bà tặng thầy Dương và tôi mỗi người một cuốn sách Nền văn hoá mới của Việt Nam do Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin / 2013 ấn hành. Bà thay ông viết lời tặng rồi ân cần: – Chúng tôi chỉ có sách làm quà. Mong anh giáo chuyển lời chúc trường thọ của chúng tôi tới vợ chồng bác Nguyễn Xuân Dương.

Mỗi khi nghĩ về hạnh phúc đời người thì hình ảnh hai cặp vợ chồng Giáo sư Phan Ngọc và Nhà giáo Nguyễn Xuân Dương lại sống động trong tâm trí tôi. Thật may cũng lần đi Hà Nội đó, tôi được người bạn tặng cuốn Lần giở trước đèn”(2) của thầy Nguyễn Xuân Dương. Lặng lẽ trước từng con chữ của gần 300 trang sách với nhiều vấn đề tư tưởng, thơ ca, văn hóa và đẫm đầy nghĩ suy nhân thế. Từ những luận bàn về các danh nhân trong lịch sử nước nhà có nguồn gốc xứ Thanh: Minh Mạng, vị vua thông minh hiếu học, cá tính mạnh mẽ; thi sỹ – nhà vua Lê Thánh Tông, ý thức trách nhiệm lớn lao của bậc đế vương cùng tấm lòng nhân ái đối với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ; những vần thơ về cảnh sắc đất nước đẹp như gấm hoa của chúa Trịnh Sâm; người học trò nghèo Đào Duy Từ chí lớn, giúp chúa Nguyễn trong việc nội trị ngoại giao, phòng thủ đất nước đến chuyện ngày tết của nhà chí sĩ Phan Bội Châu ở Thái Lan và Nhật Bản. Những việc tưởng như bé nhỏ: Tản mạn quanh chén trà, Lễ hội đền Lê, Chuyện ngày xuân với từng con vật trong 12 con giáp… được đặt cạnh các vấn đề tư tưởng – triết học to lớn, phức tạp như Khổng giáo, Phật giáo trong hai bài viết Đại quan về nội dung học thuyết của Khổng Tử, Đôi nét về nguồn gốc và giáo lý đạo Phật. Thầy kể, thi vấn đáp triết học lúc học ở trường Bưởi, nhiều bạn hướng vào đề tài gắn với các triết gia lừng danh: Nietzche, Henri Bergson…, thầy chọn Phật giáo, Khổng giáo và sau đó tiếp tục nghiên cứu chúng qua Đức Phật của học giả Oldenberg người Đức, Quan điểm của tôi về cuộc đời Phật Thích Ca Mâu Ni của học giả người Nhật. Như vậy, những vấn đề thâm hậu, phức tạp của triết học Phương Đông cộng với nền tảng Hán học theo cách nhìn Tây học đã giúp Thầy Nguyễn Xuân Dương kiến giải chúng một cách tường minh cũng là lẽ đương nhiên.

Ngoài Lần giở trước đèn, nhà giáo Nguyễn Xuân Dương đã hoàn thành 13 tác phẩm thuộc nhiều thể loại: khảo cứu, ký sự, biên soạn, dịch thuật. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến: Hai cuốn được dịch chung từ nguyên bản tiếng Pháp Bí mật thành Pari của Eugène Sue (4 tập), Tỉnh Thanh Hóa của giáo sư Charles Robequain, biên soạn nhóm tác phẩm “Những tác giả tiêu biểu của nền văn học Pháp thế kỷ 18 – 19Những truyện cổ tích nổi tiếng thế giới.

Một lần gặp thầy, tôi mạnh dạn hỏi: – Thưa thầy, lấy tên Lần giở trước đèn cho tập sách, có phải thầy tâm đắc với câu thơ “Cảo thơm lần giở trước đèn” của Cụ Nguyễn Du không ạ?

– Vâng! Thầy gật đầu đôi mắt ánh lên nụ cười hiền hậu rồi ân cần nói thêm: Cũng như mọi người dân Việt, tôi yêu thích Truyện Kiều và kính trọng thi hào bậc nhất nước Nam ta. Tên tập sách còn gợi nhớ kỷ niệm một thời của tôi.

Như có tiếng vọng từ thẳm sâu kí ức, thầy kể giọng trầm hẳn xuống, đầu những năm 50 thế kỷ trước, thầy chuyển về ngành giáo dục làm Hiệu trưởng Trường cấp 2 Hoằng Hóa (cả huyện khi đó chỉ có một trường cấp 2), gia đình sống ở làng Dư Khánh (xã Hoằng Đạo) cách quê làng Nguyệt Viên chừng tám cây số, còn trường thì đặt ở Bút Sơn. Dân làng cho đất, giúp làm nhà. Về sau khi cán bộ, giáo viên dùng chế độ tem phiếu lương thực, vợ con thầy cũng được nhà nước cho hưởng theo quy định. Có lần, phụ huynh lấy lương thực hộ, họ đã thay ngô sắn bằng gạo. Lớp học thời ấy vào ban đêm. Học sinh đi học mang theo tấm ván làm mặt bàn, kèm theo các thanh gỗ ghép thành ba chân để có thể gấp lại cho gọn, cái đèn thắp sáng bằng dầu hỏa, bóng đèn bằng vỏ chai đã cắt đáy, gọi là đèn chai. Ngoài công việc hiệu trưởng, mỗi tuần thầy dành ba tiết dạy văn cho học sinh cuối cấp. Những bài giảng về Truyện Kiều của Thầy có sức vang động đến học sinh và người dân trong vùng. Công đoàn trường có bận muốn chuyển giờ giảng Kiều của thầy sang buổi khác để khỏi phân tâm bà con khi hội họp. Lúc ấy, cuộc chống Pháp đang vào hồi quyết liệt, tâm sức người dân phải toàn tâm cho kháng chiến. Thầy Dương là con gia đình có nguồn gốc quan lại nên việc giảng dạy càng phải giữ gìn thận trọng. Bài giảng Kiều dưới ánh đèn chai và Lần giở trước đèn tên tập sách có được sự tương tác là vậy.

Giáo sư, NGND Đinh Xuân Lâm, người bạn thời Colège Thanh Hóa trong lời giới thiệu tập sách Lần giở trước đèn có đoạn viết: “Khi tôi vào học năm thứ nhất (1937) thì anh Dương đã học năm thứ 2, tuy cách nhau chỉ một lớp nhưng anh đã chững chạc lắm rồi, đầu tóc dưỡng rẽ luôn ngay ngắn, chân đi guốc, áo dài theo mùa, khi vải cát bá trắng, lúc lại vải the lương”. Nhớ về thầy, tôi nhớ hình ảnh thầy khi gần trăm tuổi, thanh cao dáng hạc trong bộ pizama màu trắng kẻ sọc xanh dịu, giọng nói cùng bước đi thật nhẹ; đón hoặc tiễn khách đến thăm, thầy ra tận cửa cầm tay, nét lễ nghi của đạo học dường như vẫn không chịu vơi đi.

Mỗi khi nghĩ về Thầy và nhiều trí thức cùng thời có trí tuệ mẫn tiệp, cuộc sống lặng lẽ nơi thôn dã, tôi lại liên tưởng tới những loài cây quý lá tươi xanh, sắc hoa đỏ mặn mà toả hương cho vùng đất sự an lành. Một trái tim nhân hậu, một trí tuệ sáng ngời, là điều con cháu và lớp lớp học trò luôn nhớ về Thầy.

L.V.Q

(1) Con giai phố cổ – Nguyễn Việt Hà – NXB Trẻ – 2014

(2) Lần giở trước đèn – Nguyễn Xuân Dương – NXB Thông tin và Truyền thông – 2011

P/S: Do khuôn khổ báo VĂN NGHỆ số 41 chỉ trích đăng bài viết này trên 2 trang ở mục chân dung văn học, tác giả trân trọng gửi tới  VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM toàn bộ bài viết.