Paris xanh muôn thuở

650

Vũ Tuấn Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cụ có thể cho cháu biết, tại sao tháp này lại trở thành biểu tượng của nước Pháp? Ở Paris còn rất nhiều di tích lâu đời hơn và giá trị hơn chứ ạ?
Ông cụ nghe thấy thế bèn phá ra cười rất sảng khoái. Tại sao á? Cụ tự hỏi rồi cầm lấy chiếc batoong để bên cạnh và vẽ lên trên mặt đất một chữ rõ đậm – Amour, có nghĩa là tình yêu. Tháp Ép-phen có hình dáng của chữ cái đầu tiên A. Nước Pháp tôn thờ Tình yêu, với người Pháp nó là tôn giáo.

Một góc Paris – Nguồn internet

Đặt chân tới Paris, có lẽ, là một sự kiện khó quên nhất trong đời những ai có được may mắn này. Sự ngưỡng mộ đối với thành phố huyền thoại chắc chắn được làm nên bởi sức mạnh lan tỏa vô hình của nghệ thuật từ hàng trăm năm nay, với bao tên tuổi của các nhà triết học, nhà thơ, nhà văn, các nghệ sĩ, kiến trúc sư nổi tiếng và không nổi tiếng của Pháp và thế giới. Có một điều đặc biệt lạ, khi bước chân trên các con phố của Paris, tôi không hề thấy ngỡ ngàng như ở Matxcova hay Berlin hoặc Amsterdam. Một cảm giác cứ vương vấn như ta quay trở về các khu phố cổ Hà Nội vậy. Cũng những con phố nhỏ hẹp đông đúc người qua lại, cũng những cửa hàng buôn bán ngay trên vỉa hè. Một điều đập ngay vào mắt là rất đông người nước ngoài gốc Phi và gốc châu Á. Có lẽ, điều thành công nhất mà nước Pháp làm được trong mấy trăm năm đô hộ các nước thuộc địa là tạo nên những hình mẫu mô phỏng tương tự Paris tại hầu khắp các châu lục và một tình yêu gần như sùng kính đối với văn hóa Pháp tại các nước này.

Cần phải nói rằng, khó có ở đâu mà chúng ta, nhất là thanh niên, tìm thấy được sự hài hoà giữa các tình cảm xáo trộn bên trong tâm hồn với môi trường xung quanh như ở Paris. Thành phố mở ra trước mỗi người những điều bí mật của riêng mình, nhưng đồng thời cũng không cho ai biết và cũng không thể biết đến tận cùng được mọi ngóc ngách của cuộc sống Paris dưới ánh mặt trời và Paris trong bóng đêm, ngay cả những người sinh ra và chết đi tại đây. Paris không sạch như nhiều thủ đô châu Âu khác. Mỗi ngày, người ta thu dọn được 13 tấn phân chó trên khắp các con đường, công viên của thủ đô.Chúng ta có thể nhìn thấy ở khắp nơi cái vẻ cẩu thả đáng yêu và rất trí tuệ qua cách ăn mặc, cách  bài trí trong các cửa hàng cửa hiệu. Cái sự nhởn nhơ vô ưu của người dân Paris trong các quán cà phê bên đường, qua cái dáng ngồi gần như nằm ườn ra trên ghế hoặc cách gác đôi giày da không được đánh xi bóng loáng lên ghế của những cô những cậu thanh niên ngồi đọc báo đọc sách, tán gẫu trong công viên hoặc nằm ngả ngớn trên các thảm cỏ xanh mướt. Tóm lại, Paris là một xưởng nghệ thuật khổng lồ của một nghệ sĩ thiên tài nơi mà mọi kích thước, mọi màu sắc, mọi âm thanh đều được chấp nhận, đều tìm được bạn thưởng thức, cái này không chèn ép không che lấp cái kia mà xếp cạnh bên nhau, nơi mà người ta tự cảm thấy mình giàu có vì truyền thống văn hoá và thấm đẫm hơi thở của đông tây kim cổ. Đứng bên bờ sông Xen, lấy mũi giày hất mấy hòn sỏi rơi tõm xuống mặt nước gợn sóng lao xao, thì bất cứ người Nga, người Thổ, người Hy Lạp hay Trung Quốc, Việt Nam… cũng chẳng cảm thấy quá ngỡ ngàng xa lạ gì vì hình như từ khi còn bé thơ, hình bóng của Tháp Ép-Phen bên bờ sông Xen đã chiếm giữ đâu đó, một góc nào đó trong tâm hồn. Tôi bước đến bên cạnh hai ông bà già tóc bạc trắng đang ngồi tung những mẩu bánh mì cho đàn chim bồ câu dưới vòm cuốn khổng lồ của chân tháp và hỏi:
– Cụ là người Paris, phải không ạ?
– Chúng tôi sinh ra ở đây và cũng sẽ chết ở đây – Cụ bà nói, không giấu vẻ tự hào
– Cụ có thể cho cháu biết, tại sao tháp này lại trở thành biểu tượng của nước Pháp? Ở Paris còn rất nhiều di tích lâu đời hơn và giá trị hơn chứ ạ?
Ông cụ nghe thấy thế bèn phá ra cười rất sảng khoái.
– Tại sao á? Cụ tự hỏi rồi cầm lấy chiếc batoong để bên cạnh và vẽ lên trên mặt đất một chữ rõ đậm – Amour, có nghĩa là tình yêu. Tháp Ép-phen có hình dáng của chữ cái đầu tiên A. Nước Pháp tôn thờ Tình yêu, với người Pháp nó là tôn giáo – Nói đến đây ông quay sang ôm quàng lấy bà vợ già và hôn lên má một cái rõ to. Một cảm giác ngượng nghịu thoáng qua trên gương mặt của bà già và hình như đôi má bà cũng hồng lên dưới làn da nhăn nheo điểm đồi mồi.
– Anh có nhìn thấy tấm lưới màu xanh chăng kín vòm cuốn của chân tháp không? – Bà già chỉ tay lên phía trên đầu – Cũng vì tình yêu mà nhiều người tìm đến đây để tự kết liễu cuộc đời của mình bằng một cú nhảy ngoạn mục. Chính quyền đã phải chăng lưới để đỡ lấy những con thiêu thân của chữ cái A đấy.
Cũng như tại nhiều thành phố châu Âu khác, chúng ta có thể được chiêm ngưỡng nụ hôn ở khắp mọi nơi công cộng, thanh niên hôn, trung niên hôn, ông già bà cả cũng vẫn hôn. Họ hôn ngay trên vỉa hè giữa dòng người xuôi ngược, họ hôn trong lúc xếp hàng chờ mua tờ báo hay một suất bánh mì kẹp thịt kiểu Thổ Nhĩ Kỳ buổi sáng, họ hôn trong xe ôtô khi chờ đèn xanh đèn đỏ, họ hôn trên xe buýt, trên tàu điện ngầm, đi xe đạp… Đàn ông hôn đàn ông, đàn bà hôn đàn bà. Những đôi đồng tính cũng công khai biểu lộ tình cảm của mình không chút e dè ngượng ngập…
Paris không là Paris nếu vắng bóng những nụ hôn này.
Paris có lẽ là một thủ đô mà ẩm thực của cả thế giới hội tụ về đây đông đúc nhất và rực rỡ nhất. Mùi vị đặc trưng của bếp núc  châu Âu, Ả Rập, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia… túa ra trên các đường phố của quận 13. Сhúng tôi đến thưởng thức món ăn Pháp tại nhà hàng La Couple, một nhà hàng có tiếng ở Paris, được khai trương từ năm 1911. Theo như chỉ dẫn của chủ nhà hàng thì những năm trước cuộc cách mạng tháng 10 Nga, nhà hàng này là nơi lui tới thường xuyên của các lãnh tụ vô sản như Lenin, Troski… còn các danh nhân văn hoá có Pikaso, nhà thơ Nga Gumilev, Jăng Pôn Sart, Joz Simenon… Trên tường của nhà hàng treo đầy ảnh của các vị này như một chiêu quảng cáo, còn thực sự họ có đến đây hay không thì chỉ có… cơ quan phòng nhì Pháp mới biết mà thôi. Thực đơn chính của nhà hàng là các món hải sản. Khách có thể tự do đi lại quan sát không chỉ nội thất độc đáo mà cả công việc bếp núc của các đầu bếp với những chiếc mũ trắng cao lênh khênh trên đầu. Chờ đợi người phục vụ bưng món ăn ra cũng phải mất 30-40 phút, với cái dạ dày lép kẹp cồn cào vì đói sau một ngày tham quan nhiệt tình thì đến… giấy ăn cũng là một món ngon chứ chưa nói gì đến hải sản!
Người Pháp nói chung ăn uống cũng đơn giản như cách ăn mặc của họ vậy. Đơn giản nhưng có thẩm mỹ. Mốt thời trang Paris và phụ nữ Paris là hai khái niệm, theo tôi, không tỷ lệ thuận với nhau. Tại Kiev và Matxcova, trên đường phố gặp nhiều phụ nữ xinh, sắc sảo và giàu nữ tính hơn ở Paris. Nhưng có một điều tôi nhận thấy là sự bình đẳng giới ở đây so với Đông Âu mạnh hơn nhiều. Người phụ nữ tự kéo lấy những chiếc vali nặng trên sân ga và một mực từ chối những lời xin giúp đỡ của cánh mày râu. Cử chỉ đỡ tay người đàn bà lên các phương tiện công cộng,  trong suốt thời gian ở Paris tôi chưa được mục sở thị, ở Liên Xô cũ đó là việc rất đỗi bình thường.
Paris cũng thức dậy sớm chẳng kém gì Hà nội. Từ cửa sổ căn buồng khách sạn 7 tầng tại khu gần chợ trung tâm, tôi ngắm nhìn màn đêm thu xanh phớt cứ nhạt dần nhạt dần trên các tháp chuông, trên các mái nhà cổ. Tiếng động cơ xe cộ tuy chưa rõ hẳn song cũng đã như tiếng sóng ì ầm vỗ ở bờ xa. Từ phía chợ, đưa lại một hương vị rất đặc trưng của các khu chợ hoa quả, thực phẩm. Một mảnh trăng lưỡi liềm nhạt thếch vẫn treo lơ lửng trên vòm trời, tưởng chừng chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ làm nó rơi xuống tòa nhà cổ bốn góc Pale-Roal nơi vào các thế kỷ 18-19 các nhà thơ, các nhà chính khách Pháp trú ngụ. Đối diện của toà nhà này là ngôi nhà mà hai văn hào Balzac và Victor Hugo thường xuyên lui tới. Từ đây, theo hàng trăm bậc thang nhỏ hẹp lên đến tầng sát mái là nơi ở của nữ thi sĩ Marselina Dep O-Vanmon. Cách đó không xa, lấp loáng một tượng đài bằng đá cẩm thạch mà từ đó Kamin Demulen, một nhà báo, nhà hoạt động xã hội  nổi tiếng của Cách mạng Pháp, đứng ra kêu gọi nhân dân tấn công chiếm ngục Baxti. Từng viên đá trong khu vực này đều là nhân chứng của lịch sử nước Pháp. Tại một khu nhà nằm sát thư viện quốc gia, ngay cạnh bảo tàng Louvre, vào những năm giữa hai cuộc đại chiến thế giới, văn hào người Áo Stefan Zweig đã thuê một căn hộ và cho ra đời kiệt tác “Bức thư của người đàn bà không quen biết”.
Chủ khách sạn nơi tôi trọ là một ông già Việt Nam 80 tuổi đã sống ở Pháp 60 năm, song tiếng Việt nói vẫn rất sõi, thậm chí chất giọng Nam bộ còn đậm đặc. Ông khoe các con ông đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và điện ảnh. Ông xách giúp tôi chiếc túi đựng máy ảnh, máy quay phim ra tận chỗ đỗ của chiếc xe taxi để ra ga đi Strasbourg thuộc tỉnh Elzas. Bắt tay tôi bằng bàn tay vẫn còn rất ấm áp, ông nói: “Để có một tâm trạng trẻ trung vui tươi ở Paris thì không nhất thiết cứ phải đến vào đúng mùa xuân. Paris xanh muôn thuở mà!”

II

Nằm ở vị trí Trung tâm Tây Âu, Elzas chiếm một vị trí địa lý quan trọng. Nếu giải thích từ “Strasburg”- thủ phủ của tỉnh, thì có nghĩa là: “Nơi gặp gỡ của các con đường”. Elzas trở thành một đầu mối thương mại và là một trong những trung tâm kinh tế của Pháp và Tây Âu. Tỉnh này đứng vị trí đầu bảng trong tất cả các tỉnh của Pháp về khối lượng hàng hoá xuất khẩu. Tại đây, có tới hơn 30 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn 800 công ty nước ngoài mở văn phòng đại diện. Một năm hai lần, vào mùa xuân và mùa thu các Hội chợ công nông thương diễn ra tưng bừng, nhộn nhịp. Trong suốt nhiều thế kỷ, thủ phủ Strasburg thay đổi nhiều lần tổ quốc của mình và chính thức thuộc Pháp từ năm 1918. Thành phố giữ được vẻ cổ kính kiểu kiến trúc nhà thờ Gothic của thế kỷ 11, nhà thờ đạo tin lành Saint Pierre le Jeune, viện bảo tàng mỹ thuật với nhiều đồ vật quý hiếm từ thế kỷ 15.
Con đường Rượu Vang nổi tiếng chạy vắt qua các thung lũng, núi đồi đẹp như tranh với chiều dài 170km, nổi tiếng bởi nhiều loại  rượu vang trắng như “Sivanher”, “Muskat”…
Nằm không xa con đường Rượu Vang là thành phố Sulz, nơi tọa lạc lâu đài của dòng họ Dantes. Mục đích của chuyến đi liên quan tới cuốn sách đang viết dở về thi hào Nga Puskin được ấp ủ trong tôi suốt gần 20 năm sống và học tập, làm việc tại Liên xô cũ. Những tư liệu mà tôi may mắn có đựơc trong tay làm đảo lộn toàn bộ những gì mà chúng ta đã được biết về thi hào, nhất là đời tư của ông. Chuyến đi đến Sulz lần này của tôi chỉ  là để tận mắt nhìn thấy nghe thấy một đoạn đời còn ẩn khuất dưới lớp bụi lịch sử của kẻ đã được định mệnh tình cờ cộp cho cái dấu bất tử vào trán chỉ bằng một cái nháy cò trong một cuộc đấu súng có vẻ như chỉ vì tình.
Người đầu tiên trong dòng họ Dantes định cư tại Sulz vào năm 1720 tên là Zan-Ari- Antes, là một nhà công nghiệp chuyên sản xuất các loại vũ khí lạnh. Tài sản của ông ta được nhân dần lên đủ để mua được danh hiệu quý tộc với chữ “De” đệm phía trước và tấm gia tộc  hiệu có ba thanh gươm bắt chéo. Tòa lâu đài của dòng họ gồm 3 tầng, có ngôi tháp ở cuối toà nhà. Trên bức tường có tấm biển, chắc  mới vì nước sơn còn bóng, ghi dòng chữ: “Khách sạn – nhà hàng Sato Dantes”. Thực ra, toà lâu đài này trông giống một trang trại rộng thì đúng hơn, chỉ có toà tháp là di tích còn sót lại của toà lâu đài cổ được xây từ năm 1605. Người chủ hiện nay của toà lâu đài này là ông Philip Smember, vừa mua lại nó trong một cuộc bán đấu giá, kể với tôi ngay trước sân của toà nhà: “Đây là một di tích bốn thế kỷ. Tôi đã tốn không ít tiền của để tu bổ lại toàn bộ cả trong và ngoài tòa nhà, với hy vọng các khách du lịch từ Nga có thể hình dung được khung cảnh của các nhân vật đã đi vào lịch sử. Bên trong hiện vẫn đang tiến hành sửa chữa một số phòng để làm gian trưng bày các tác phẩm hội hoạ của các hoạ sĩ Nga đang sinh sống tại miền đông nước Pháp. Đây cũng là một truyền thống của gia đình Dantes lúc sinh thời, thích tiếp đãi các nghệ sĩ, nhà thơ nhà văn”.
Qua lời kể của ông chủ thì toà lâu đài là điểm đến yêu thích của  thanh niên. Đây là một di tích mang màu sắc lãng mạn về tình yêu của một thanh niên Pháp và một cô gái quý tộc Nga. Không phải vô lý mà rất nhiều đám cưới đã diễn ra tại đây. Nhiều đôi vợ chồng mới cưới từ khắp nơi đã hưởng tuần trăng mật trong tòa lâu đài này. Tại đây có các phòng mang tên “Aleksandr Puskin” , “Natalia”, “Ekaterina”… khung cảnh xung quanh được bảo tồn nguyên dạng, thậm chí một số cây dẻ, cây sồi có tuổi hàng mấy trăm năm. Đứng trên ban công của căn phòng “Ekaterina”, ông Philip chỉ tay ra ngoài vườn, nói: “Từ đây, Ekaterina Goncharova (chị của vợ Puskin) vẫn hàng ngày ra đứng ngắm những tán lá cây dẻ, cây sồi, khung cảnh này rất giống thiên nhiên Nga, quê hương xa xôi của cô”.
Sau khi xảy ra vụ đấu súng kinh hoàng, Dantes bị trục xuất khỏi Nga và quay trở về Sulz cùng với người vợ trẻ Ekaterina Goncharova. Ở đây, cô được người dân trong vùng biết đến  với biệt danh “Người đàn bà có khuôn mặt buồn”. Ekaterina sống trong toà lâu đài này khoảng 6 năm và mất năm 1843, sau khi sinh đứa con thứ tư, vào tuổi 31.
Đối với Dantes, việc bị buộc rời khỏi Nga lại là bước đi đầy hứa hẹn tương lai. Đuổi theo Dantes để trả thù có em trai của Puskin và con trai của nhà sử học Karamzin. Song, Dantes không những sống mà còn thành đạt trên con đường danh vọng, trên chính trường. Sau cái chết của vợ mình, Dantes chuyển sang hoạt động chính trị, vừa là một doanh nhân vừa là nhà chính trị. Ông ta được bầu làm thị trưởng thành phố Sulz. Năm 1850 Dantes trở thành Chủ tịch hội đồng tối cao của tỉnh Elzas. Năm 1852 ông ta được Bônapac III cử sang Nga đàm phán không chính thức với Nikolai II và hoàn thành tốt trọng trách này. Vào năm 40 tuổi Dantes được bầu vào nghị viện Pháp.
Theo như lời kể của người hướng dẫn bảo tàng thì Dantes rất hài lòng với số phận của mình và cho rằng nếu như không có cuộc đấu súng với Pushkin thì ông ta chỉ dám mơ ước đến chức Trung đoàn trưởng tại một tỉnh nào đấy xa xôi của nước Nga mà thôi. Trong các cuộc nói chuyện và trả lời phỏng vấn báo chí, Dantes cũng thổ lộ niềm day dứt vì cái chết của nhà thơ Nga vĩ đại, song bao giờ ông cũng nói thêm: “Tuy nhiên, Pushkin cũng có thể giết chết tôi trong cuộc đấu súng này”. Dantes chết năm 1895 ở vào tuổi 83, chính tại lâu đài này, giữa đàn con cháu chắt và trong sự trọng vọng của chính quyền và nhân dân thành phố Sulz.
Trước lúc rời khỏi Sulz, tôi có may mắn được tiếp chuyện với ông Vianhem, nhà hoạt động sân khấu Pháp, đạo diễn và thủ vai chính trong vở kịch “Pushkin và lời tiên đoán về một người tóc trắng” (Pushkin được bà bói tiên đoán sẽ chết vì một người tóc bạch kim. Dantes tóc bạch kim). Vở kịch này được xây dựng theo kiểu hồi ức của Dantes về nước Nga, về các cuộc gặp gỡ với Puskin. Rạp hát thường được dựng ngay trên bãi cỏ trước sân của toà lâu đài. Một số trang phục được đặt làm ở Xanh-Peterburg. Ông Vianhem cho biết: “Sau khi nghiên cứu về con người Pushkin để viết kịch về ông và những người đương thời, tôi đi đến kết luận: Pushkin không chỉ là một nhà thơ thiên tài mà còn là một nhân vật gai góc, gây khó chịu cho nhiều các quan chức cao cấp của thời đại mình. Ông viết rất nhiều các tiểu luận, văn châm biếm chỉ trích cay độc hoặc chế giễu khinh bỉ  các đối thủ, thậm chí tất cả những ai ông không ưa, trong đó có cả Nga hoàng. Điều này, ở thời đại nào, cũng không dễ bị bỏ qua. Từ đó nảy sinh những âm mưu chống lại nhà thơ…”.
Ông Vianhem khẳng định rằng các vở kịch của ông giúp cho người Pháp và người Nga hiểu nhau hơn, xóa đi mối hận thù do cuộc đấu súng để lại. Điều quan trọng là cần phải hiểu vụ đấu súng này không chỉ là tấn bi kịch của nền văn hóa Nga mà còn của cả nhân loại.
Trong lúc chờ mọi người ra xe, tôi bước đến bên cạnh cây sồi già hơn 300 tuổi và ngắt một cành làm lưu niệm. Tôi sẽ để nó trên bàn viết của mình như để tạo nguồn cảm hứng vì chính tại đây, giữa khung cảnh của tòa lâu đài cổ, mạch suy nghĩ về cuốn sách viết về Pushkin mở ra một hướng mới mà tôi linh cảm thấy nó gần với Sự Thật hơn cả.

(Paris – Elzas – Kiev. Đầu thu)

V.T.H