Phương ngoại – Truyện ngắn của Diễm Thi

1064

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thuở còn nhỏ dại, Khôi ngờ nghệch chưa hiểu nhiều về ý niệm nội ngoại. Khôi ngây thơ chỉ biết mẹ sinh ra, cho nó bú mớm, ẩm bồng rồi cùng ba cực khổ nuôi dưỡng nó lớn lên. Mãi cho đến khi vào lớp sơ đẳng, Khôi mới cảm nhận rõ ý nghĩa cội nguồn hai từ ngữ ấy trong một lần bà ngoại Khôi về thăm nuôi khi mẹ nặng nề cưu mang em nó trong bụng. Bà con bên nội gồm những họ tộc về phía ba Khôi như cô chú, còn bên ngoại gồm những người cùng mang dòng máu của mẹ như cậu dì.

Ba của Khôi là con út trong gia đình đông con nên khi lớn lên, Khôi không biết mặt ông bà nội và các cô bác lớn vì các vị đã sớm theo ông bà trước khi nó mở mắt chào đời. Do vậy, hoàn cảnh đã khiến Khôi hồn nhiên dành trọn vẹn hết tình cảm đứa cháu trai ngoan hiền cho bà ngoại. Trong một lần dẫn nó đi bộ gần mười cây số về thăm viếng bà ngoại, ba Khôi nhìn thẳng vào đôi mắt nó, nghiêm trang nhắc nhở: Cây có cội, nước có nguồn, người có tổ tông, nội ngoại con cháu đồng phải tương kính, nhớ nghe con ! Khôi nghiêm trang lắng nghe khắc ghi trong lòng lời ba dạy bảo.

Trang Tuấn Kiệt, ông ngoại Khôi là người Minh Hương xưa kia quê gốc ở tỉnh Sơn Đông mãi võ, Trung Quốc theo cha mẹ sang Việt Nam tỵ nạn Mãn Thanh vào cuối thế kỷ thứ 19. Gia đình họ Trang đến lập nghiệp tại Bồ Húc, Phong Hòa, một làng nhỏ nằm cặp một nhánh sông rộng hữu ngạn sông Hậu, nay thuộc huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Ông Tuấn Kiệt thời trẻ khi còn ở Trung Quốc, ngay từ tuổi thanh niên đã nổi tiếng lẫy lừng là một võ sĩ cừ khôi, từng vô địch tại nhiều tỉnh lớn, được lắm tay đấm đáng gờm kiêng nể. Về sau, có tuổi, lo ngại bị bệnh hậu, ông ngoại Khôi giải nghệ mở quán ăn bán cho khách qua đường. Khi sang miền đất mới còn hoang sơ vắng người, duyên trời đưa đẩy, do ý hợp tâm đầu, ông Tuấn Kiệt kết nghĩa Châu Trần với bà ngoại Khôi là Danh Thị Thơm. Bà Thơm là một thiếu nữ dân tộc đẹp như một hoa khôi gốc người địa phương, hiền lành bản tính cần cù, giỏi lo làm ăn. Quanh năm suốt tháng, bà Thơm vấn chiếc khăn màu thổ cẩm trên đầu, đội thúng nan, lặn lội đi hết các làng bán cốm dẹp và cá khô. Đến tuổi cao, ông bà ngoại Khôi tiếp tục gầy dựng cuộc sống bằng nghề truyền thống buôn bán chạp phô của người Hoa và sinh ra hai người con là Anh Thư, mẹ Khôi và cậu ba Khôi là Trang Tuấn Tú.

Mẹ Anh Thư của Khôi từ thuở nhỏ, nổi tiếng là thiếu nữ đẹp nhất làng theo quan niệm con gái đầu gà đít vịt – mẹ Cam-pu-chia, cha Chệt. Chính đôi mắt sáng mi kép trữ tình, long lanh với đôi đồng tử đen tuyền màu hạt nhãn nổi bật trên khuôn mặt o voan xinh xắn của mẹ Khôi và nước da trắng mịn thuở thanh xuân đã hút hồn bao chàng trai phong lưu tài tử, khiến họ phải hằng đêm mơ màng tơ tưởng. Thân người tầm thước, dáng đi đứng khoan thai, tha thướt cộng hưởng với giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng nhưng trong vắt như tiếng suối đại ngàn cũng đã khiến cho nhiều bậc mày râu đa tình đã trót quên đi tuổi tác của mình. Lớn lên mới bắt đầu lo xây dựng cuộc sống, Tuấn Tú cậu Khôi đã hiếu thảo với cha mẹ, và thương chị muốn giảm đi gánh nặng cho gia đình. Với thể lực vạm vỡ, khỏe mạnh hằng ngày lặn lội đi xa cắt lúa thuê hoặc vất vả nhận làm các công việc nặng nhọc nguy hiểm như đốn cây, bửa củi để lo tiếp cha mẹ.

Nhưng bất hạnh, chàng trai hiếu để phải mất sớm trong một tai nạn nghề nghiệp. Từ đó, bao nhiêu công việc gia đình dồn hết cho mẹ Khôi và bà ngoại. Thương cha mẹ sống đơn chiếc trong cảnh gieo neo chật vật, đang ở tuổi thanh xuân dạt dào nhựa sống, Anh Thư vẫn chưa muốn sớm lấy chồng. Hằng năm, vào mùa mưa, Anh Thư giúp cha mẹ trong công việc ruộng rẫy sau nhà. Sang những tháng nắng, mỗi ngày, Anh Thư chịu khó cùng mẹ, chèo chiếc ghe nhỏ, đội nắng dầm mưa đến tận các làng quê xa xôi heo hút ở miền xa bán tạp hóa. Không là khách thương hồ chuyên nghiệp, đôi lần đi bán hàng xa không kịp về nhà, hai mẹ con phải tìm nơi yên ổn cắm sào ngủ đỡ qua đêm. Là nhi nữ thanh tân, nhưng Anh Thư, mẹ Khôi khi còn trẻ vốn là gái lai được trời phú cho một thể trạng khỏe mạnh và bộ óc minh mẫn, lại giàu lòng tự tin khác biệt nhiều bạn gái cùng trang lứa. Tính khí lại khảng khái, cộng với sự tôi luyện cơ bản những thế võ nữ giới tự vệ do cha truyền lại, Anh Thư dù là thân gái vẫn luôn như một điểm tựa vững chắc cho mẹ già trong mọi tình huống khó khăn nguy hiểm. Trong một ngày say việc, cả hai mẹ con hăm hở vượt sông Hậu sang bán hàng gần chợ Ô Môn, bỗng gặp ngày trời mưa to gió lớn buổi chiều không kịp về nhà phải cắm sào, neo ghe lại khá xa bờ sông cái để tạm qua đêm nhằm tránh bọn thảo khấu giang hồ.

Không gian đêm khuya tĩnh lặng với tiếng gió đêm xào xạc và âm thanh lách tách của tiếng sóng vỗ vào mạn ghe. Đang thiu thiu dỗ giấc sau một ngày chèo chống mệt nhọc đường xa, bỗng trên sông, có tiếng động khác thường. Hai mẹ con bà Thơm vụt tỉnh ngủ, chăm chú lắng tai nghe động tĩnh. Trong màn đêm đậm đặc giăng phủ dòng sông hun hút mênh mông, bỗng lù lù hiện ra hai bóng người đàn ông mặc đồ sậm, mang khẩu trang đen điều khiển một chiếc xuồng gắn máy Kohler từ xa tiến lại gần ghe hàng đang neo đậu. Chúng hùng hổ cặp sát nách chiếc ghe hàng của hai mẹ con Anh Thư. Linh tính có việc không hay, giữ thái độ bình tĩnh, Anh Thư nhanh trí mạnh mẽ sớm lên tiếng trước phủ đầu bằng giọng rắn rỏi:

–  Các ông muốn gì đây?

Biết rõ chuyện gì có thể xảy ra, Anh Thư đưa mắt quan sát hai tên lạ rồi  ngó vô mui ghe nói nhanh với mẹ Thơm vừa ngồi dậy.

–  Mẹ ra trước mũi ghe giữ vững giây neo và sào cho con. Theo quán tính, bà Thơm hối hả đưa tay hốt hết mớ tiền bán hàng trong ngày, nhét nhanh vào túi chiếc áo lót trắng cũ bên trong áo bà ba rồi cài nhanh lại bằng chiếc ghim tây.

–  Không dông dài. Các người khôn hồn muốn sống hãy gom tiền bạc, lột hết vòng vàng đưa hết cho tao.

Một trong hai tên giang tặc hùng hổ lên tiếng như ra lệnh. Sau khi hối hả buộc chiếc xuồng máy của chúng vào ghe hàng của Anh Thư, tên cướp sông to con nhảy phóc sang mũi ghe Anh Thư, khiến chiếc ghe hàng lắc lư, chao mình trên mặt sông gây nên tiếng động óc ách. Bình tỉnh, trong thâm tâm nghĩ rằng chưa phải vội nhổ cột chèo ra thay côn đối phó vì nó vẫn tay không, Anh Thư  nhanh nhẹn hai tay xăn gọn chặc hai ống quần lên gần tới gối, cuốn tay áo đến cùi chõ và trụ mình chuẩn bị ở thế đứng tấn. Hít mạnh một hơi thở sâu cho không khí đầy phổi để lấy công lực, Anh Thư chuẩn bị tập trung tinh thần để đối phó. Mẹ Thơm hiểu rõ con gái mình hơn ai hết, nhất là các đường quyền tự vệ nữ giới phòng thân bằng tay không bà đã dạy kỹ và cho con gái thực hành thuần thục, sau mấy lần thử nghiệm thành công bằng chiến thắng trong những lần tỉ thí. Mẹ Thơm bình tĩnh ngồi trước mũi ghe, chủ động giữ vững sào cho con gái đối phó trong khi liên tưởng đến các thế võ tấn công đối thủ bằng côn gậy đao kiếm mà chồng bà – võ sĩ Trang Tuấn Kiệt danh bất hư truyền lúc còn sinh tiền đã rèn luyện nhuần nhuyễn cho vợ và các con.

Khoảnh khắc trong không khí căng thẳng giữa đêm đen, thấy hai mẹ con bà bán hàng im lặng, hai tên giang tặc thầm nghĩ là họ đang hoang mang lo sợ mình nên được thế lớn tiếng giục giã:

– Nào, mụ già kia, ta nhắc lại, hãy đưa hết tiền bạc vòng vàng của cải cho ta. Còn cô em gái xinh đẹp con bà cũng theo ta luôn về làm áp trại phu nhân để cùng hưởng cảnh giàu sang phú quý cả đời.

Vừa nói xong, tên giang tặc đầu xỏ nhích lại gần chỗ Anh Thư, hắn nôn nao biểu lộ tính hiếu sắc, vồ tay toan làm hỗn với cô gái trẻ bán hàng.

– Áp trại phu nhân không xứng đáng, tao muốn làm bà nội mày. Anh Thư gan góc,  đanh đá trả lời tên giang tặc không chút nao núng.

Liền sau đó, tên đạo tặc thứ hai lùn mập, chân cà thọt, mang bị đựng cũng bỏ ghe máy, vội vã bước sang lái ghe hàng gần Anh Thư. Hắn hò hét đòi lấy của, tỏ vẻ muốn xông vô mui khiến chiếc ghe hàng nhỏ phải chịu khẳm thêm sức nặng, lao chao trên mặt sông. Hắn xắn xả đến gần như muốn vồ lấy cô gái. Anh Thư nhẹ nhàng né sang một bên. Trong thế Kim kê độc lập, nhanh như chớp đoạt lấy thời cơ trong lúc nó không cảnh giác, nàng lấy sức gạc mạnh chân tên cướp bằng đòn cước sở trường, khiến nó liểng xiểng gần ngã vì thâm tâm còn chủ quan trước người đẹp. Nắm lấy thời cơ tiếp tục động thủ trước, Anh Thư đưa tay chớp nhoáng tung một đòn quyền sấm sét trúng ngay mặt tên đầu xỏ khiến nó loạng choạng muốn ngã gục. Vừa nghĩ thầm trong óc là cho mày biết tay gái thương hồ Cửu Long, Anh Thư vừa chớp nhoáng tặng cho nó một đòn cước trời giáng vào ngay hạ bộ, khiến tấm thân mập ú của nó liểng xiểng. Miệng la ú ớ, hai tay chỉ kịp bụm lấy của quý thì khối thịt bồ tượng của hắn đã văng tỏm xuống sông, loi ngoi như chuột mắc nước. Trong khi đó, trước mũi ghe hàng, tên giang tặc còn lại cũng bị mẹ Thơm bình tỉnh trong tư thế Quan Âm ngự tòa sen, thanh toán nhanh gọn nó bằng một đòn quyền phổ thông Nhất dương chỉ trúng ngay vào đôi mắt thằng cướp sông khiến nó mất vía không còn thấy gì trời đất! Hồn vía lên mây, tên cướp chỉ kịp nhảy trở lại sang ghe máy của chúng, hối hả lo vớt đồng bọn lên ghe, rồi hấp tấp rồ máy lủi mất vào bóng đêm mịt mùng giăng bũa trường giang.

Trang Thị Anh Thư, mẹ Khôi từ tuổi thanh xuân trẻ đẹp, một dạo là cô gái thương hồ, bán hàng xén rong ruổi tư mùa, lênh đênh trên sông nước miệt vườn trong một ngày đã gặp ông chín Hậu là ba nó, một nông dân cần cù chất phác ở đầu vàm kênh Mười Thới  ở gần nhà ông Tây Việt Minh Ba Paul.

Dù chỉ biết đọc biết viết, mẹ Anh Thư của Khôi xứng đáng là một bậc nữ lưu anh kiệt tài đức với tấm lòng yêu thương dào dạt gia đình con cháu. Với Khôi, những kỷ niệm tuổi thơ tươi đẹp trong sáng về hình ảnh bà ngoại Thơm vô vàn kính yêu và mẹ Anh Thư Khôi vẫn không bao giờ phai mờ trong đời nó.

Những ngày lễ giỗ vui vầy trong năm ở nhà ba mẹ Khôi, sự có mặt của bà ngoại luôn mang lại nguồn ám áp và niềm vui cho gia đình và con cháu cả hai bên họ tộc. Khôi và các chị, em gái nó vốn có tinh thần thượng võ truyền thống như bên ngoại, nên rất thích được bà ngoại hướng dẫn tập vũ thuật trong những lúc rảnh rang công việc, nhất là được xem ngoại múa võ trong những đêm trăng sáng ở sân phơi trước nhà sau khi kết thúc công việc bận rộn trong những ngày lễ giỗ.

Tọa lạc cách biệt yên tĩnh giữa những cây vú sữa, sa bô tán lá rậm rạp, sân phơi lúa trước nhà ba mẹ Khôi khá rộng và bằng phẳng trong khoảnh khắc đã biến thành một sân khấu biểu diễn võ thuật dã chiến. Dưới bóng trăng lung linh, bà ngoại Khôi lúc bấy giờ, vừa qua tuổi trung niên nhưng đã biểu diễn thật sinh động những thế võ đánh đường quyền cước với tay không trước đối thủ có vũ khí. Vừa múa vừa lâm râm đọc thiệu nghề võ, kỹ thuật của ngoại Thơm điêu luyện hấp dẫn đến nỗi chị em Khôi có lúc phải nín thở để thưởng thức những lớp võ biểu diễn bay bướm bằng côn, gậy của bà. Khôi cảm thấy đã mắt nhất là những màn ngoại múa gươm và song kiếm bằng những con dao yếm dài, và những chiếc mác vót bén ngót sáng láng mà mẹ Khôi và các chị đã dùng để cắt thịt, sắt chuối lúc ban chiều, khiến khán giả trong nhà ai cũng cảm thấy nổi da gà. Những khoảnh khắc ấy khiến Khôi liên tưởng đến một không gian huyền thoại trong những trang tiểu thuyết võ kiếm hiệp kỳ tình mà nó từng đọc ! Đến ngày tuổi cao, bà ngoại Khôi vẫn phương phi với vẻ đẹp già giặn và giữ được phong độ ấn tượng hiếm thấy đã hằn in dấu ấn mạnh mẽ của một nữ cao thủ danh bất hư truyền!

Ở tuổi thất tuần, trong một lần ngoại về thăm nuôi mẹ Khôi lúc có mang em nó, Khôi đau đáu nhận ra ngoại đã không còn khỏe mạnh như ngày nào. Bà ngoại Thơm thân thương của Khôi giờ đã gầy yếu hơn với lớp da ngoại nhăn nhúm lốm đốm trổ đồi mồi. Khôi cảm thấy xót xa trong lòng hơn là đôi mắt ngoại đã kéo một màn trắng đục khiến bà không còn trông rõ, mỗi lần đi ngoài hoặc đến nhà thăm con cháu, em gái Khôi phải dìu tay bà. Dù vậy, thấy mẹ Khôi đơn chiếc và thương các cháu, ngoại vẫn đi xuồng từ  Bồ Húc, vượt ngót mươi cây số xuống nhà Khôi, nán lại mấy tháng trời, lo lắng ở gần con gái cho đến khi sinh nở xong mới về nhà.

Buổi chiều muộn tang tóc của một ngày bọn Tây bố ráp. Bầu trời vàng úa thê lương sau cuộc càn quét của tàu chiến thực dân Pháp từ sông Hậu hùng hỗ chạy vào sông Phong Hòa bắn phá nát tan nhà cửa, cây cối hai bên bờ sông. Mái nhà ngói đổ nát tan hoang, nhà lá bị thiêu rụi còn nghi ngút khói. Những cây dừa bị trọng pháo chém gục đầu, cây xoài bị tróc gốc, gảy cành nằm ngã xác xơ. Không gian tiêu điều, vài bóng người chạy giặc mới lẻ tẻ trở về nhà nhưng không khí chiến tranh tang tóc vẫn như còn hăng hắt mùi khói đạn. Bên cạnh bờ sông, bà ngoại Thơm Khôi nằm cứng lạnh trên vũng máu nâu khô quánh. Đôi mắt hiền lành năng nhìn các cháu bây giờ đã nhắm nghiền. Trên mặt đất ẩm nước, từng đàn kiến riện từ xa đã bắt đầu lũ lượt kéo về phía ngoại dưới khoảng không bên trên là mấy con nhặng đang bay vùn vụt khiến Khôi trầm ngâm, bùi ngùi hiểu ra… Mọi người mới vỡ lẽ, cả nhà con cháu nuôi ngoại đều đi ruộng, khi bọn quỷ dữ đến hung hăng bắn phá xóm làng, bà ngoại Khôi trong lúc ở nhà một mình, tai yếu mắt mờ, trong lúc lần mò tìm nơi tránh đạn, không ngờ đã vô tình đi về bờ sông có tàu giặc!….

Nước mắt ràn rụa, Khôi cảm thấy trong lòng vô cùng xót xa, tê tái nghĩ đến bà ngoại, một trang nữ kiệt anh thư tròn vẹn công ngôn dung hạnh và giàu lòng thương yêu gia đình con cháu.

– Mẹ ơi!

– Ngoại ơi!

Bà Danh Thị Thơm, người phụ nữ tài hoa, là người mẹ, người bà giàu lòng thương con cháu của Anh Thư, và Khôi đã biền biệt đi xa về nơi phương ngoại vĩnh  hằng.

Diễm Thi