(Vanchuongphuongnam.vn) – Rồi tôi cũng trở về trong chảy tràn nhung nhớ! Tôi về khi đất trời chớm xuân. Rạo rực lòng tôi mùi quê hương quen thuộc. Mùi tanh tanh, mằn mặn của biển cả quyện trong gió nồm non lan tỏa khắp đất trời. Mùi nhớ nhung dịu dàng, trong vắt chảy tràn từ khóe mắt để giọt nối giọt rơi xuống… giọt nối giọt rơi vào lòng cồn cào tha thiết.
Ảnh minh họa – Nguồn internet
Ngày ấy, tôi ra trường. Xe chạy xa dần. Tôi nhìn ngôi trường nhập nhòa, liêu xiêu trong màn nước mắt. Thứ nước mặn chát chảy tận cõi lòng. Những giọt nước ấy mãi theo tôi rong ruổi trên con đường quê đi xin việc. Còn bao nhiêu giọt chảy ngược đọng lại trong tim cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng con đường ngày ấy tôi đi đã được đánh dấu bằng mồ hôi và nước mắt. Tôi muốn dạy gần nhà để có điều kiện chăm sóc cha già bị mù lòa. Nhưng không, tôi nhận ra rằng cuộc đời này có những điều mãi mãi chỉ là ước mơ dù trong tầm với. Cha xin cho tôi được dạy gần nhà, trường ở trung tâm “phố biển”. Vậy mà tôi đã chối từ. Tôi từ chối chỉ vì loáng thoáng nghe được cuộc đối thoại giữa cha với người sẽ ký quyết định: “Không đi xa dễ thôi, có điều… hòn đất ném đi hòn chì ném lại”. Không biết cha tôi có “hòn chì” để ném lại không. Chỉ biết rằng có một “hòn đất” ném đi, đã ném xuyên tim tôi đau nhói. Hơn ba mươi năm trong nghề giáo cha sống đạm bạc, thanh cao. Cha luôn nhập thân vào nhịp đập ngọt ngào của chữ nghĩa để rót vào tai, để hút lấy ánh mắt trong trẻo của học trò mà không màng danh lợi. Chưa bao giờ cha cúi luồn, nịnh bợ hay đút lót cho ai. Giờ đây, Người phải gồng hết khả năng của mình để không phải xa tôi. Trên đời này có thứ tình thương nào tha thiết và bao la hơn tình cha mẹ thương con! Suy ngẫm. Day dứt. Tôi không muốn vì con mà cha phải đánh đổi một giá quá đắt. Đánh đổi điều tôi luôn tự hào về cha. Thôi thì, “Đi cho biết đó biết đây/ Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Ra đi mà lòng buồn rười rượi. Nỗi buồn thấu tận cao xanh. Thương nhất là nội cứ ủ rũ, đăm chiêu, mặt mày như người đưa đám tang. Cả ngày không nở nổi nụ cười. Có chăng cũng chỉ như vì sao băng vội lịm tắt. Đôi mắt nội đã trũng sâu giờ như hố đen thăm thẳm. Hai gò má vết nhăn chi chít lại hằn thêm tựa giao thông hào hun hút sâu.
Tôi dấn thân làm cuộc “cách mạng” hừng hực tuổi đôi mươi nơi núi rừng xa vắng. Tôi mang nặng hành trang, mang nặng kí ức của thời sinh viên âm ỉ cháy trong lòng. Ra đi mà lòng còn ở lại không muốn rời xa. Tôi quay đầu nhìn, hình ảnh thân quen cứ loang dần. Bất chợt vỡ òa dáng nội lưng còng. Miệng cười móm mém. Tay xách chiếc lồng xinh xắn. Hối hả theo tôi. Trong lồng không phải chim hay gà mà là một chú mèo Tam Thể. Tôi ngỡ ngàng, nội bảo: “con Linh Miêu đấy”.
Thấy tôi hững hờ, nội thả nỗi buồn xa lắc. Nỗi buồn rớt xuống ghim sâu vào lòng đất, xoáy vào tim tôi. Thương nội, không mang đi sao đành. Mang theo thì lỉnh kỉnh như dân tị nạn. Tưởng chừng như cuộc ra đi không có ngày trở lại. Tôi đưa tay đón chiếc lồng mà chần chừ, do dự. Nội cười rạng rỡ: “Mẹ của nó là nàng mèo vàng đẹp tuyệt. Chẳng biết có phải do sắc nước hương trời không mà chàng rắn rồng phải lòng, quấn quýt, cuộn tròn nhiều vòng. Nàng mèo lim dim, thích thú phát ra tiếng rên “méo méo…” khác thường. Người ta bảo rắn rồng giao phối với mèo sẽ sinh ra linh miêu. Cháu chịu khó mang theo, nơi rừng núi chuột bọ nhiều, nó không phụ công ơn người nuôi dưỡng, nâng niu, chăm sóc”.
Lòng dâng trào tràn lên khuôn mặt. Nụ cười nở bung trên môi tôi trong vắt, sáng bừng. Tôi an ủi lòng, thôi thì có thêm bạn đồng hành là thêm niềm vui, bớt nỗi buồn, nỗi nhớ nhung. Tôi cảm ơn nội và đón nhận chàng Tam Thể như đón nhận kỷ vật.
Tôi yêu thương, chăm sóc Tam Thể rất chu đáo. Đến bữa ăn tôi phải nhai cơm, dù ít ỏi tôi vẫn luôn dành phần cá cho nó. Miếng cá bằng miếng cơm, chàng Tam Thể ngày một phổng phao. Bộ lông vàng pha trắng xen lẫn đen nhánh óng mượt như nhung. Chiếc mũi đỏ xinh xắn làm nổi bật khuôn mặt tròn trịa, tươi tắn. Đôi mắt tròn xoe màu ngọc bích như viên bi nước, thêm những sợi ria trắng hơn cước trông thật oai vệ như chú hổ con.
Xa nhà, mọi tình thương yêu tôi đều dành cho Tam Thể . Nó luôn quấn quýt bên tôi mà không chịu rời nửa bước, cứ như hình với bóng. Tôi lên lớp, nó theo nằm trên tảng đá bên cửa sổ. Tảng đá đã thành chiếc nệm. Ru ngủ, vỗ về từng giấc mơ của Tam Thể. Nó thường lim dim như một triết gia trầm tư suy nghĩ. Lúc thì nằm duỗi thẳng chân tay, sưởi ấm chút nắng tàn đông hanh hao vàng, hanh hao lan tỏa hương núi rừng. Nằm chỉ là bất đắc dĩ. Nó liền vươn vai như lực sĩ rồi ngồi thu mình. Tai dựng đứng. Ria mép cựa quậy. Mắt mở to thao láo. Miệng bình thản nghe tôi giảng bài cho học sinh mới ngộ nghĩnh chứ.
Ban đêm tôi và Hoa ngủ cùng giường. Nói chiếc giường nghe cho hay chứ chỉ là những thanh tre ghép lại. Nằm nghe ê ẩm cả lưng. Lăn qua, trở lại vang tiếng kêu như quặn thắt. Cứ trở mình, càng nghe đau nhức. Nỗi đau len vào giấc ngủ. Chập chờn trong mơ. Tam Thể thường trèo lên ngực tôi mới chịu nằm yên. Tôi bắt nằm dưới chân, nó thường cựa quậy. Những lúc tôi ngồi soạn bài, nó nhè nhẹ trèo vào lòng rồi cuộn tròn thu lu lúc nào tôi không biết nữa. Thương Tam Thể đến độ, tôi vẫn để yên. Nghe đâu ngày xưa nhà tiên tri vĩ đại Mohamet đã thương yêu con mèo Muezza của mình đến mức con mèo ngủ trên tay áo rộng, ông ngồi dậy không muốn làm mất giấc ngủ của con vật yêu mến, nên ông đã tự cắt tay áo ở bộ y phục đắt tiền của mình.
Một hôm, Tam Thể khoanh tròn, thiêm thiếp trong lòng tôi. Cái mũi nhỏ xíu hồng hồng vẫn hênh hếch như giả vờ ngủ hay nó đã ngủ mà ria mép cứ rung rung, không biết nữa. Bất chợt, một con chuột trên nóc nhà “chít, chít…”. Tiếng chít gọi đàn, tha thiết lắm. Tam Thể vùng dậy phóng lên bàn, nhìn trừng trừng lên nơi phát ra tiếng kêu. Nó dùng phép thôi miên. Chú chuột sợ rơi xuống đất. Tiếng rơi nhẹ tênh như chiếc lá. Tam Thể không cần phóng vội mà đủng đỉnh, chậm rãi đến gần. Hình như chú chuột sợ đến vỡ mật mà chết. Tam Thể lấy chân dí dí lên đầu, không thèm ngoạm cổ. Từ đấy phòng ở của chúng tôi chẳng còn tiếng chí cha, chí chít của lũ chuột nữa.
Mùa này, miền núi sao mà dễ mưa đến vậy! Mùa mưa thì dai dẳng, nước từ trời cao đổ xuống chẳng nói làm gì. Những ngày nắng, một đám mây chiều màu xám đục, lững lờ bay ngang qua cũng mưa trắng trời, bàng bạc núi. Một trận thôi, đường lầy lội, rút chân lên không được. Dính luôn cả ánh mắt trong chiều vàng chập choạng tối. Có tiền nhiều khi cũng chẳng biết làm sao đi chợ mua thức ăn. Ăn cơm với muối hoài nghe đắng chát cõi lòng dù không làm giảm đi lòng yêu nghề mến trẻ. Chỉ tội nghiệp Tam Thể ăn cơm nhạt, nhai nhỏ nhẻ thật đáng thương. Một ngày nọ, mưa đã dứt nhưng nước sông còn chảy xiết, dòng sông đục ngầu, tai tái màu nước. Tan trường, tôi phải cõng hai đứa học trò qua sông. Cõng trên lưng đứa học trò nặng gần bốn mươi ký mà nghe nhẹ tênh như mang chiếc cặp. Chắc tại lòng yêu thương học trò và bởi việc làm có ích. Về đến nhà, nhá nhem tối, chỉ có tiếng bìm bìm kêu và tiếng chim rừng thánh thót là sáng bừng. Hoa đã dọn cơm chờ sẵn. Ngoài đĩa rau luộc đã nhuốm màu xanh thẫm còn có đĩa cá. Hai con cá niêng, nằm nghiêng lấp lánh vảy bạc. Tôi ngạc nhiên, Hoa cười mà nháy mắt với Tam Thể, đố tôi: “Cá ở đâu ra?”. Tôi không tài nào đoán nổi. Đành nói như thầy bói phán hết trật: “Cá ở dưới sông”. Hoa cười ngặt nghẽo: “Đừng nói mình gầy là thầy đủ thứ nghen”. Thời gian ấy, thân tôi gầy như que củi lại đen thui đen thủi như cột nhà cháy nữa chứ.
– Công của Tam Thể đấy – Hoa nói nghiêm túc, không đùa nữa.
Tôi ôm Tam Thể vào lòng, vuốt ve, nựng nịu như với người yêu: “Tam Thể tài giỏi quá!”. Hai cái đầu cá tất nhiên Tam Thể xứng đáng được thưởng rồi. Sự tất nhiên lâu ngày trở thành niềm vui và trở thành khắc khoải đợi chờ mỗi khi trời đùng đùng cơn gió bão. Từ đó Tam Thể rất siêng năng đến suối bắt cá về cải thiện bữa ăn cho chủ và cả cho mình.
Thời gian cứ thế trôi đi. Trôi tuột vào bóng đêm của núi rừng thăm thẳm cao, hun hút xa. Mới ngày nào khai giảng, tiếng cười của học trò nghe khô khốc, hốc hác thế mà bây giờ đã cuối tháng chạp ta rồi. Tháng chạp nơi núi rừng còn rét căm căm, sương muối bủa tấm lưới khổng lồ lên xóm nhỏ heo hút, buồn thiu giờ thêm lặng ngắt. Tôi ngồi thả hồn về phương trời quê, ánh mắt xuội lơ, đờ đẫn. Chắc dạo này đang nồm non hây hẩy. Không khí tết đã rạo rực đến từng ngõ nhỏ. Nơi đây vẫn yên bình, lặng lẽ. Thế mà mấy hôm nay học sinh nghỉ học nhiều. Nhìn chỗ ngồi trống vắng, khoảng trống lòng tôi bục vỡ. Tôi và Hoa phải đến từng nhà tìm hiểu lý do, động viên các em đi học. Nhà nào cũng cửa đóng then cài. Vắng lặng. Im ắng đến khiếp sợ. “Hoa ơi”, “Lan ơi!” tiếng gọi đông cứng như đá đông lạnh. Nước mắt tôi trào ra, chảy tràn xuống má. Ra đồng mới biết các em cùng gia đình làm mọi cách để diệt chuột. Cánh đồng lúa xanh mơn mởn, đang ngậm đòng thế mà lũ chuột cắn phá nát tan. Từng vạt lúa gục ngã, thân cây còn trào nhựa sống. Hoa bàn với tôi: “Ta mang Tam Thể đến giúp bà con thôi!”.
Tôi ở nhà, Tam Thể đâu chịu đi xa. Như hình không rời bóng. Tôi mang hai cây cọc ra đóng giữa đồng như đóng cuộc đời lên cánh đồng lúa xác xơ, tả tơi do chuột tàn phá. Ban đêm, mắc võng, quấn chăn, tha hồ “ăn gió, uống sương”. Tam Thể ra sức vẫy vùng, tả xung hữu đột, thoả chí nam nhi. Một đêm Tam Thể lập chiến công diệt ba, bốn trăm tên giặc chuột. Do chuột quá nhiều, tưởng chừng như trái đất này có bao nhiêu chuột đều gom hết về nơi này. Tam Thể chỉ cắn chết rồi bỏ. Sáng ra mới nhâm nhi, tự thưởng cho mình vài anh chuột béo. Tam Thể được lũ nhỏ ghiền phim chưởng phong là “sát thủ đại hiệp”. Tiếng lành đồn xa, thế là tôi và Tam Thể phải giúp bà con diệt chuột từ cánh đồng này sang cánh đồng khác mà không thể về quê ăn tết.
Tôi buồn riêng chút ít mà mọi người vui chung lớn lao, tôi thấy hạnh phúc lắm rồi. Xúc động dâng tràn khi tôi và Tam Thể được đài Truyền hình tỉnh làm phóng sự “Dũng sĩ diệt chuột” hẳn hoi. Niềm vui lớn gấp bội, chảy râm ran theo từng mạch máu. Lúc ấy, nội đang ốm, gắng gượng dậy xem phóng sự trên ti vi. Nội cười móm mém và khoẻ hẳn ra. Cha tôi điện thoại báo tin mừng, giọng cha trẻ lạ, ngọt ngào tha thiết. Tôi vui sướng đến tột cùng cảm giác.
Hậu quả của nạn chuột hoành hành, gióng hồi chuông báo động. Thế là nhà nhà nuôi mèo, người người nuôi mèo. Ngóc ngách, xó xỉnh nào cũng tiếng mèo kêu. Tiếng kêu theo vào tận cả giấc mơ. Mèo mẹ nào cũng dạy con leo trèo. Trèo nhẹ đến không phát ra tiếng động. Rồi rình, nhìn bóng đen miên man trôi mà ánh mắt đổ đầy theo chuyển động nhỏ nhất. Lại dạy cả thế vồ, chụp để con mồi khiếp sợ mà chưa ăn thịt liền.
Tam Thể không thèm bắt chuột nữa mà đi đâu cũng vênh vênh, váo váo, khoe khoang thành tích. Giờ đây, Tam Thể luôn tự hào “chiến công” cũ rích, xưa như trái đất của mình. Nó nhìn đời bằng nửa con mắt, bằng những cái nhếch mép, rung rung những sợi ria mép lúc nào cũng đắc ý. Nó xem họ hàng nhà mèo của nó chẳng ai ra gì. Chỉ có nó mới đáng để sống trên cõi đời này mà hưởng thụ!
Những đêm trăng sáng vằng vặc. Sáng đến rỡ ràng, gió núi bao la vi vút, đàn mèo tỏ tình. Ngôn ngữ của mèo biểu lộ tình cảm qua cử chỉ, con người còn có thể hiểu được. Chẳng hiểu lời tỏ tình của chúng sao mà ai oán, thảm thiết đến thế. Âm thanh từ xa vọng lại cứ như tiếng trẻ con khóc. Tôi đùa với Hoa: “Tội nghiệp, lũ mèo đực tỏ tình bằng thứ tình yêu năn nỉ, van xin!”. Tôi vuốt đầu Tam Thể: “Sao không đi kiếm bạn tình cho vui. Đừng lọc lừa kén chọn. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa đó nghen cưng!”. Nghe thế nó rúc đầu vào lòng tôi, như bảo rằng đấy chỉ là việc làm nhảm nhí. Nó cong đuôi ve vẩy như bằng lòng với hiện tại của mình.
Ngoài kia, lũ mèo tỏ tình mà như than, như khóc. Tiếng khóc não nùng quá! Tôi không tài nào ngủ được bèn rủ Hoa đi ra sân ngắm trăng. Tam Thể đi theo, nghe tiếng gọi bạn tình ở chỗ nào, nó trừng mắt về phía đó, lũ mèo khiếp vía, bỏ chạy tán loạn. Không biết lũ mèo bỏ chạy vì sợ nó là “dũng sĩ diệt chuột” hay gì nữa đố ai mà biết. Dũng sĩ diệt chuột thì chuột sợ chạy, đằng này mèo lại sợ mèo cũng lạ nhỉ! Tôi cố suy luận, đoán già đoán non nhưng đố mà tìm được lời giải thích thỏa đáng. Hoa ôm nó vào lòng, vuốt ve: “Tội nghiệp, Tam Thể chưa biết yêu”. Tôi cười, bảo: “Tam Thể muốn yêu phải nhắm mắt lại. Lũ mèo cái nhìn ánh mắt thôi miên là bỏ chạy rồi còn đâu nói chuyện tình yêu”. Hoa cười khùng khục: “Đồng loại sao mà phải sợ?
– Muốn bắt con cu gáy, người ta phải dùng con cu gáy để đánh bẫy chứ có ai dùng con vẹt hay công đâu! Chẳng phải chỉ có đồng loại mới hại được nhau sao?
Hoa không lý sự nữa. Chẳng biết có phải là Hoa đuối lý hay bởi tính nhường nhịn.
Nhắm mắt làm sao thấy bạn tình mà yêu. Không khéo hoá ra tình yêu mù quáng!”. Tam Thể meo, meo… ra chiều đồng ý.
Cứ thế, Tam Thể ngủ mê trên đống thành tích của mình. Tôi vẫn cứ ngày hai buổi đến trường, yêu thương học trò qua từng lời giảng. Bất chợt nhìn phía cuối rừng, từng khóm mai vàng khoe sắc. Những bông mai đứng sít nhau ken dày xoè cánh như muôn ngàn con bướm vàng. Sắc vàng kiêu sa, lộng lẫy. Có lẽ màu vàng đến tận cùng ý nghĩa. Một mùa xuân nữa sắp về. Tôi thu xếp hành trang lên đường trở về quê ăn tết. Tưởng tượng ngày về lòng đê mê, rạo rực đến ngây người. Ngẩn ngơ đến không nghe tiếng dép lẹp xẹp nước của Hoa đi tới sau lưng tôi. Tất nhiên ngày trở về không thiếu Tam Thể.
Chưa đến đầu làng, mùi quê hương đã chảy tràn theo từng cơn gió. Mùi tanh tanh, mằn mặn của biển cả quyện trong gió nồm non lan tỏa khắp đất trời. Vỡ òa trên đầu lưỡi chan chát. Biển hiện rõ dần từng con sóng bạc đầu lăn tăn, nô đùa đuổi nhau vào bờ, xõa lên bãi cát trắng phau. Vùng biển nhấp nhô những hàng cây xanh thẫm của lá bàng vuông mà mùa gió bão không hề lay chuyển. Nơi gió rì rào trong từng tán lá, chán chê xô nhau chạy, xô nhau chui vào áo, lật tung để lộ nước da ngăm ngăm của những thiếu nữ sáng ra bãi biển. Hương biển, hương con gái bay xa, óng ánh trong bình minh trên biển.
Ngày ra đi Tam Thể là nhóc mèo con bé tí, bây giờ trở về là anh thanh niên tuấn tú khôi ngô. Bà con thăm hỏi mừng vui. Ai cũng muốn vuốt ve Tam Thể. Nó vùng chạy như tránh xa thế giới con người. Chỉ có nội mân mê là nó nằm yên nhưng tỏ ra không thân thiện. Thấy thế, Bé ở gần nhà thường hay qua lại cũng vuốt ve bộ lông đen tuyền, pha vàng, óng mượt như nhung. Tam Thể trừng mắt, Bé phải rụt tay. Đôi mắt ươn ướt tròn như viên bi của nó long lên sòng sọc như gã say rượu. Vẻ dịu hiền của nó đã bay theo gió từ khi nó trở thành “sát thủ đại hiệp” mà bọn nhỏ phong tặng nó trước khi nó trở thành “dũng sĩ diệt chuột”!.
Cứ thế ngày ngày Bé thường qua tâm tình. Nhiều khi Bé hỏi chuyện đâu đâu, tôi cười trừ mà không trả lời được.
Một hôm Bé đến đứng bên tôi, đôi má ửng hồng, e thẹn mãi mới thốt nên lời:
– Anh Thúy, cho em mượn cái bật lửa ga.
– Vô bàn lấy giùm, anh đang bận – giọng tôi hờ hững.
Bé lừng khừng rồi ngập ngừng bước đi rón rén. Tam Thể đi theo. Chẳng biết thế nào trong đó, tôi nghe Bé thét lên: “Ối…”. Tiếng ối cứa vào lòng tôi đau rát. Tôi chạy vào. Bàn tay Bé chảy máu do bị Tam Thể cắn. Tôi vụng về sơ cứu cho em. Lần đầu tôi nhận ra ngón tay búp măng của em đẹp quá. Bàn tay nõn nà, mềm mại. Tôi như vụng dại, nắm lấy bàn tay em thật lâu. Em nhìn tôi trìu mến. Đôi mắt đen lay láy, long lanh bỗng ươn ướt. Tưởng em khóc, tôi xốn xang:
– Em đau lắm à?
– Không mà, tại em… xúc động!
Em gục đầu vào lòng tôi thủ thỉ: “Biết đâu trong sự bất hạnh có chứa mầm hạnh phúc phải không anh?”. Tôi không trả lời em, chỉ mỉm cười. Nụ cười đồng ý.
Tam Thể nhận ra mình có lỗi. Nó nhận ra không còn ai yêu mến nó. Hình như nó khóc. Giọt nước mắt ăn năn, hối hận tràn đầy hốc mắt, rơi xuống. Nó cọ đầu vào bàn tay Bé, đôi mắt long lanh, dịu hiền đến lạ. Nó nhìn vào xa xăm… Nó nhận ra rằng cuộc đời này không phải cứ tự mãn, cứ đòi hỏi cuộc đời đã cho mình những gì mà hãy tự hỏi mình đã làm gì cho cuộc đời này!!!
Tam Thể đi những đường quyền mà lâu nay đã ngủ yên, đã chìm sâu vào quên lảng. Bài quyền mà tổ tiên đã dạy cho nó! Nó vui mừng.
Đất trời đang vào xuân! Mùa xuân hạnh phúc…
M.D.Q