Trong giới sân khấu cải lương, chuyện tình buồn giữa “kép hát thượng hạng” Thành Được và “sầu nữ” Út Bạch Lan gần như đã trở thành giai thoại. Cuộc hôn nhân của họ có thể ngắn ngủi nhưng những mối tình trên sân khấu thì bất tận khi người ta còn say mê và khám phá vẻ đẹp của nghệ thuật cải lương.
Thành Được và Út Bạch Lan thuộc lớp những nghệ sĩ thành danh khi sân khấu cải lương bước vào giai đoạn phát triển thực sự chuyên nghiệp và thịnh vượng. Trong những ngôi sao đầu tiên, họ là hai vì tinh tú có ánh sáng nổi trội và khác biệt, cũng phần nào phản chiếu vào chính cuộc đời mỗi người.
Khoảng năm 1958, “bà bầu” Kim Chưởng – một trong những bầu gánh hát thành công nhất của sân khấu cải lương Sài Gòn – sau thời gian liên kết lập đoàn hát đã tách ra làm riêng. Cặp đào kép chính khai trương bảng hiệu Kim Chưởng chính là Út Bạch Lan và Thành Được.
Liên danh Thành Được – Út Bạch Lan tỏa sáng trên sân khấu Kim Chưởng với những vở tuồng hương xa mang màu sắc lãng mạn.
Trên sân khấu Kim Chưởng, liên danh Thành Được – Út Bạch Lan cuốn hút khán giả qua những vở tuồng đẫm chất trữ tình: Thuyền ra cửa biển, Nửa bản tình ca, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nước mắt kẻ sang Tần… Mặc dù đã có chút danh tiếng trước đó nhưng từ đây, sự nghiệp đôi bạn diễn mới thực sự thăng hoa, tên tuổi lên đến đỉnh cao, cũng góp phần đưa đoàn Kim Chưởng nổi danh là “Anh hùng lưu diễn” – người trong giới từng kháo nhau rằng đoàn Kim Chưởng dừng chân ở bến bãi nào thì cỏ không mọc nổi do khán giả quá đông.
Giọng ca của Thành Được và Út Bạch Lan cũng hòa quyện, thăng hoa qua các tác phẩm thu âm, như: “Tiếng cười Bao Tỷ”, “Lưu Nguyễn biệt thiên thai”, “Lâu đài tình ái”, “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài”, “Lưu Kim Đính”, “Duyên bẽ bàng”, “Tìm anh”…
Từ quãng thời gian gắn bó trên sàn tập, sàn diễn và cả phòng thu với những vai diễn “tâm đầu ý hợp”, chuyện tình của họ đơm bông kết trái bằng một đám cưới thật rỡ ràng. Có thể nói, đây là một trong những “đám cưới ngôi sao” đầu tiên của làng văn nghệ Việt Nam khi cô dâu, chú rể đều là những nghệ sĩ ăn khách hàng đầu. Đám cưới được tổ chức long trọng với cô Phùng Há – nữ nghệ sĩ tiên phong góp công lớn gầy dựng và phát triển nghệ thuật cải lương – làm chủ hôn. Tin tức, hình ảnh đám cưới, chuyện hậu trường về đôi tình nhân phủ khắp trang kịch trường các báo. Hầu hết người có uy tín, nổi danh trong giới từ các ký giả kịch trường, soạn giả, danh cầm, nghệ sĩ tài danh đều tham dự.
Thành Được và Út Bạch Lan thuở còn hạnh phúc bên nhau
Sau khi kết hôn, Út Bạch Lan và Thành Được rời đoàn Kim Chưởng và lập đoàn hát riêng, lấy bảng hiệu ghép từ tên hai người là Út Bạch Lan – Thành Được. Được khoảng 1 năm, đến cuối năm 1961 thì đoàn rã gánh, vợ chồng nghệ sĩ về đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, tiếp tục giai đoạn phát triển mới trong sự nghiệp với những tác phẩm nổi bật, như: Nửa đời hương phấn, Tấm lòng của biển, Con gái chị Hằng…
Đặc biệt, vở cải lương Nửa đời hương phấn lần đầu ra mắt trên sân khấu Thanh Minh – Thanh Nga với Út Bạch Lan vai Hương và Thành Được vai Tùng đã ghi dấu ấn sâu đậm. Qua bao năm, dù có bao nhiêu bản dựng với đủ các gương mặt nghệ sĩ tài danh thì Hương – Út Bạch Lan và Tùng – Thành Được vẫn có vị trí rất riêng trong lòng công chúng.
Thành Được và Út Bạch Lan trong vở cải lương “Nửa đời hương phấn” trên sân khấu Thanh Minh – Thanh Nga từ thập niên 60 thế kỷ trước.
Nhìn lại, dường như Thành Được và Út Bạch Lan không có mấy điểm chung. Nếu cô Út có tuổi thơ cơ cực, thuở nhỏ từng đi hát dạo để mưu sinh, nhờ giọng ca trời ban mà “đổi đời” thì Thành Được là con nhà phú nông và chuyện trở thành kép hát cũng là cái duyên rất tự nhiên khi vô tình vừa đẹp trai, ca hay lại có người nhà lập gánh hát. Nếu cô Út phải bôn ba nhiều và chắt chiu từng cơ hội để khẳng định vị trí thì Thành Được cứ một đường mà tiến, từ “đoàn nhà” qua trung bang lên đại bang, ở đâu cũng là kép chính sáng giá. Nếu cô Út có giọng ca mang vẻ sầu muộn miên man thì chất giọng Thành Được lại phóng khoáng, mang dư vị ngọt ngào. Vì thế hình ảnh những nhân vật tráng sĩ hào hoa, nghĩa hiệp của Thành Được luôn xuất hiện đúng lúc bảo vệ những nàng con gái có số phận truân chuyên của Út Bạch Lan lại càng đẹp, càng đáng nhớ.
Trong lòng khán giả mộ điệu, hình ảnh của chàng Diệp Băng Đình – Thành Được và nàng Chiêu Trúc Lệ – Út Bạch Lan của “Thuyền ra cửa biển” vẫn mãi đẹp
Và nếu sự truân chuyên từ số phận các nhân vật cũng vận vào cuộc đời cô Út thì chất nghệ sĩ, hào hoa của Thành Được cũng không lẫn được dù là trên sân khấu hay giữa đời thực. Năm 1964, họ chính thức chia tay khi tình yêu và tấm lòng của người phụ nữ cũng không thể thuyết phục được “lãng tử hồi đầu”. Cuộc hôn nhân tan vỡ đầy tiếc nuối mà có ý kiến cho rằng giá như cô Út bớt… ghen thì mọi chuyện có lẽ đã khác. Nhưng làm sao không ghen cho được khi có một người chồng đẹp lại tài, còn thêm tính đào hoa và có quá nhiều phụ nữ vây quanh, lại càng không thể chịu đựng sự phản bội. Và liệu có bao nhiêu người phụ nữ đủ vị tha để nuôi con rơi của chồng, thế mà cô Út đã 4 lần làm việc ấy, kể cả sau khi đã ly hôn.
Là những nghệ sĩ chuyên nghiệp và đặc biệt tài năng, dù không còn bên nhau, Út Bạch Lan và Thành Được vẫn tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên con đường nghệ thuật.
Năm 2007, gặp lại trên đất Mỹ sau nhiều năm dài xa cách, cả hai đã rất xúc động vì được tái hợp với người bạn diễn ăn ý ngày nào. Những hờn giận, buồn khổ đã không còn, chỉ còn lại tình yêu trọn vẹn dành cho sân khấu mà cả hai đeo đuổi suốt cuộc đời
Năm 2007, Thành Được và Út Bạch Lan tái hợp trong một chương trình biểu diễn trên đất Mỹ, cả hai thể hiện lại vai diễn để đời của mình là Tùng và Hương của Nửa đời hương phấn. Lúc này, chuyện cũ đã lùi rất xa, gặp lại nhau sau nhiều năm, đôi tình nhân sân khấu một thời đã nỗ lực mang lại cho khán giả những kỷ niệm đẹp nhất về vai diễn ghi đậm dấu ấn tài hoa của người nghệ sĩ cũng là kỷ niệm về một thời tuổi trẻ với sự nghiệp thăng hoa và những năm tháng hạnh phúc của họ.
Từ đó, cả hai cũng không còn cơ hội gặp lại nhau khi NSƯT Út Bạch Lan đã qua đời vào năm 2016 vì bạo bệnh, chấm dứt cuộc đời vui ít buồn nhiều của “sầu nữ”. Nghệ sĩ Thành Được vẫn canh cánh nỗi niềm được một lần trở về biểu diễn phục vụ khán giả quê nhà nhưng có lẽ mãi không thực hiện được khi sức khỏe của ông đã không còn cho phép.
NSND Lệ Thủy hội ngộ nghệ sĩ Thành Được tại Mỹ vào năm 2017. Sức khỏe của ông đã suy yếu nhiều, cũng không còn minh mẫn như xưa nhưng vẫn nhớ nhiều và thể hiện khá mượt những lời ca của Tùng (Nửa đời hương phấn) và Thy Đằng (Tiếng hạc trong trăng)… – những vai diễn gắn liền với tên tuổi của mình.
Xin mượn lời cố NSND Viễn Châu – được xem là người anh lớn gắn bó với cả hai nghệ sĩ – để kết bài: “Tình duyên đào – kép thường đến rồi đi, sum vầy đó rồi lại chia biệt đó… Không thể đổ lỗi do ai, vì ai, mà chỉ nên xét về mặt hiệu quả của nghề hát. Cuộc tình Thành Được – Út Bạch Lan đã để lại cho đời nhiều vai diễn hay, nhiều bài ca cổ bất hủ cùng năm tháng, bởi trong lời ca dạt dào tình cảm có phần đời của chính họ”.
Theo Đông A/PNO