Thơ 1-2-3 đã đem lại một làn gió tươi mới, chí ít là trong hiện tại, cho văn đàn. Giới hạn trong Thơ 1-2-3, tôi đã thấy thấp thoáng bóng dáng vài ba thi sĩ trong tương lai không xa…
Bài viết này chỉ tính tới ngày 15-6-2020, cụ thể là từ hai tác giả Trần Huy Minh Phương và Trương Mỹ Ngọc ở TP. Hồ Chí Minh trở về trước. Nhà thơ Phan Hoàng cho biết Thơ 1-2-3 gửi về trang web vanhocsaigon.com (VHSG) rất nhiều, và tôi nghĩ với mấy chục tác giả từ mọi miền đất nước, mỗi người một chùm, đã có thể cho thấy chút diện mạo gì đó về thơ và thể thơ này.
Trước khi có đôi dòng luận bình, đúng hơn là chia sẻ cảm xúc về Thơ 1-2-3, tôi nói đôi chút về xuất xứ của luật chơi mới.
Cách đây vài năm, chẳng biết trời xui đất khiến thế nào, nhà thơ Phan Hoàng nảy ra ý định lập một thể thơ mới, gọi nôm na là Thơ 1-2-3. “Mỗi bài thơ gồm 3 đoạn, 6 câu. Đoạn 1 chỉ 1 câu gồm tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ nhằm tránh sự dễ dãi trùng lắp tên bài thơ của người đi trước dẫn tới đạo văn. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ. Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ. Nghĩa là, Thơ 1-2-3 tương ứng tối đa 11-12-13 chữ trên mỗi câu của mỗi đoạn, với nội dung đi từ hướng ngoại dần vào hướng nội”.
Phan Hoàng nung nấu trong một thời gian đủ dài cho đến chuyến xuất ngoại thăm nước Nga, cùng với một số văn nghệ sỹ trong Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM, mùa thu 2018 thì bùng nổ. Phải chăng hồn vía nước Nga với những tên tuổi vĩ đại Pushkin, Lev Tolstoy, Gogol, Lermontov, Olga Berggolts, Dostoevsky, Paustovsky, Sergei Yesenin… đã chắp cánh cho ước mơ Thơ 1-2-3 của Phan Hoàng thành hiện thực. Trong chuyến đi ấy, Phan Hoàng đã viết một mạch chừng hai chục bài Thơ 1-2-3, tôi xin dẫn ra đây một trong số ấy để bạn đọc cùng thưởng lãm.
“Trái tim thơ Olga Berggolts toả ấm nghĩa trang
Không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng”
câu thơ sống mãi những người ngã xuống vì Leningrad năm xưa
Tên thành phố đổi thay nhưng tình yêu không bao giờ thay đổi
và chẳng vĩnh cửu nào bằng trái tim nồng nàn Olga Berggolts
xin nghiêng mình trước áng thơ máu xương nâng cánh tâm hồn”.
Thơ 1-2-3 được đẩy đi xa hơn, khi có một số bạn thơ đồng cảm thử bút và VHSG mở ra cuộc vận động sáng tác về thể loại này. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn chưa tới 2 tháng, hàng trăm chùm Thơ 1-2-3 đã được gửi đến. 5 tác giả Lê Đỗ Lan Anh ở Vĩnh Long, Đặng Tường Vy ở Pháp, Bình Địa Mộc ở TPHồ Chí Minh, Võ Hoàng Phương và Trần Thị Hồng Anh ở Nghệ An, đã trở thành những người đầu tiên nhận Tặng thưởng Thơ 1-2-3 tháng 5-2020.
Cho tôi nói thêm đôi dòng về nhà thơ Đặng Tường Vy. Hiện chị sống ở Pháp. Từ cuối năm 2018, khoảng đó, Đặng Tường Vy cùng Trương Mỹ Ngọc đã viết Thơ 1-2-3. Chị là người cổ xúy nhiệt tâm cho Phan Hoàng và thể thơ mới. Và tôi chẳng ngạc nhiên khi tác giả của “Thế giới đâu ngờ một ngày mê sảng” lọt tốp 5 của tháng 5 Thơ 1-2-3.
Từ một đốm lửa ban đầu, Thơ 1-2-3 đã nhận được sự cộng hưởng mạnh mẽ của các tác giả từ mọi miền đất nước. Trừ vài cái tên quen như Đặng Tường Vy, Bình Địa Mộc, Hoa Níp (Theo ông Trần Vinh, phụ thân của nhà thơ Hoa Níp, ông đã thông linh để thỉnh thơ Hoa Níp từ cõi vô ưu về góp mặt trong Thơ 1-2-3), còn hầu như các tác giả đều mới, trong đó có rất nhiều thầy cô giáo đang trực tiếp đứng lớp. Tôi nghĩ đây là tín hiệu lành cho dòng thơ mới khai sinh. Một niềm vui nữa là thảy họ đều rất trẻ. Trong cuộc sống, đam mê thơ ca là sự đam mê thuần khiết nhất. Thơ ca chẳng phải dành cho riêng ai. Hay và có ích cho đời là người ta nhớ. Chúng ta đều biết, mọi sự sáng tạo, thể nghiệm cái mới đều chông gai, ở ta và trên thế giới cũng vậy, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng với mấy chục chùm thơ mà Ban Biên tập chọn đăng trên VHSG, có thể thấy cây Thơ 1-2-3 đã bén rễ, ra những trái ngọt lành.
Nhà thơ Phan Hoàng (trái) và tác giả, nhà văn Cao Chiến.
Tôi đã đọc toàn bộ Thơ 1-2-3 của các tác giả VHSG chọn đăng từ 15-6-2020 trở về trước: Đặng Tường Vy, Bình Địa Mộc, Nguyễn Doãn Việt, Trần Huy Minh Phương, Vũ Tuyết Nhung, Trương Mỹ Ngọc, Trần Vinh, Hà Phi Phượng, Lê Tuyết Lan, Phan Phương Loan, Đoàn Thị Diễm Thuyên, Nguyễn Đinh Văn Hiếu, Đỗ Thu Hằng, Võ Văn Trường, Vũ Thanh Thủy, Hoàng Hải Phương, Đặng Văn Thắng, Võ Hoàng Phương, Lê Đỗ Lan Anh, Nguyễn Thị Nguyệt Thu, Nguyễn Hồng Linh, Trầm Thanh Tuấn, Nguyễn Thị Hằng, Lưu Minh Hải, Trần Thị Hồng Anh, Đỗ Thu Hằng, Lâm Long Hồ, Trần Nguyệt Ánh, Nguyễn Tường Minh, Phạm Tuyết Hạnh, Nguyễn Lan Hương,… chừng hơn ba chục người, tức là trên dưới trăm rưởi tác phẩm (có vài tác giả đăng 2-3 chùm).
Ấn tượng của tôi là Thơ 1-2-3 đã đáp ứng tiêu chí của VHSG về luật chơi, có sự uyển chuyển nhất định trong việc dẫn dắt thơ đi từ ngoại cảnh vào chiều sâu nội tâm, có đôi câu gai góc, nhưng tựu chung lại vẫn là sự hồn hậu, đẫm chất người. Đã xuất hiện những tứ thơ lạ, có thể coi là phát hiện: Hố đen trong trí tưởng tượng của em là đôi mắt (Bình Địa Mộc), Đầu sáng hôm nay em đã gặp một người say rượu (Vũ Tuyết Nhung), Rụng những hương hoa trên giọng hót họa mi (Trần Huy Minh Phương), Có những lần nghe hơi thở đi hoang (Lê Tuyết Lan), Ngủ lại đêm quê nhà lấy lạnh đắp làm chăn (Hoàng Hải Phương), Một buổi sáng mùa thu mây mù giăng mắt (Trương Mỹ Ngọc) Tôi giờ chỉ còn một mộng ước giản đơn (Phạm Tuyết Hạnh), Người đàn bà gõ vào chiếc chuông nhỏ (Nguyễn Doãn Việt), Giấc mơ tình yêu mở cửa thiên đường (Phan Phương Loan), Không tiếng khóc nào quý giá hơn tiếng khóc đầu tiên (Đoàn Thị Diễm Thuyên), Mượn lạ vay quê (Vũ Thanh Thủy), Một ngày buồn cuối tháng Năm và Bé gái ngập ngừng đạp xe trên phố đông (Hà Phi Phượng), Cánh đồng mẹ là giấc mơ, lũ bù nhìn lóng ngóng (Võ Văn Trường), Một góc nhỏ trong trẻo trong tim (Nguyễn Thị Nguyệt Thu), Có người nhắc đến anh – Chí Phèo và Thương về một loài hoa khi đất trời rực nắng (Trần Thị Hồng Anh), Cây cỏ sinh ra cũng có linh hồn (Nguyễn Tường Minh), Khi một bài thơ cô đơn (Lê Đỗ Lan Anh), Thế giới đâu ngờ một ngày mê sảng (Đặng Tường Vy), Lòng anh giờ như phố núi bình yên (Lưu Minh Hải), Tiếng chim đỗ quyên hận ly biệt nghe não nề (Nguyễn Hồng Linh),…
Trong dòng chảy của thi ca, thể Thơ 1-2-3 do Phan Hoàng khai sáng có gì đặc biệt khiến cho người viết hứng thú? Điểm đầu tiên có lẽ Thơ 1-2-3 không nhiều chữ. Cuộc sống hiện đại không cho người ta quá nhiều thời gian đẻ chữ theo lối tràng giang đại hải, để có một tứ thơ hay người viết buộc phải chắt chiu lựa chọn từng chữ, hình ảnh, sao cho chữ ít mà biểu đạt được nhiều nhất. Tư duy thơ theo lối đi từ ngoại cảnh dẫn vào nội tâm tác động đến cách nghĩ, lối nghĩ của không ít người trong tư duy sáng tạo nói riêng và tư duy nói chung. Trí não được kích hoạt đã tạo cho người viết sự hứng thú. Thứ hai là việc chọn đăng trên VHSG. Việc chọn đăng này tôi thấy rất trọng thị, khiến người viết lên hương, nhất là với các thầy cô giáo. Người viết giờ đã trẻ, mai này với sự trọng thị rồi sẽ xuất hiện những tác giả trẻ nữa, và thi đàn sẽ được hưởng lợi.
Với cách nhìn như tôi vừa bày tỏ thì rõ ràng Thơ 1-2-3 đã đem lại một làn gió tươi mới, chí ít là trong hiện tại, cho văn đàn. Giới hạn trong Thơ 1-2-3, tôi đã thấy thấp thoáng bóng dáng vài ba thi sĩ trong tương lai không xa. Nhưng nói đi thì cũng nên nói lại. Trong trên dưới trăm rưởi tác phẩm Thơ 1-2-3 tôi đã đọc, có đôi bài vẻ như đã lộ ra sự dễ dãi chẳng đáng có nơi người viết. Thiết nghĩ một câu thơ là phải bảo đảm yếu tố liền mạch, bao gồm ý và nhạc điệu. Rất không nên lấy ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn ghép lại thành Thơ 1-2-3. Một bài thơ ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn tượng hình rồi giờ luộc lại, vẫn lồ lộ đốt sống cũ. Tôi nói như vậy để các bạn suy ngẫm.
Cao Chiến
Theo Văn nghệ