Thơ Nôm Hồ Xuân Hương: Đôi điều cảm và luận

457

Hồ Xuân Hương sinh ra và lớn lên ở thời kì phong kiến tuy đã suy tàn nhưng tư tưởng và lễ nghĩa Nho giáo còn nghiêm ngặt nặng nề. Trong bối cảnh ấy lại sừng sững, ngạo nghễ xuất hiện một nữ nhi làm thơ; làm thơ Đường thi mà lại khác lạ với Đường thi thường thấy.

Tranh vẽ nữ sĩ Hồ Xuân Hương

  1. Trong thi đàn Việt Nam văn học thời Trung đại, nữ sĩ Hồ Xuân Hương (HXH) là một hiện tượng còn nhiều ẩn số, thu hút sự quan tâm của người đời từ trước tới nay. Lai lịch nữ sĩ họ Hồ cho đến gần đây vẫn còn nhiều chi tiết chưa được minh định, chỉ biết rằng bà người gốc Nghệ An, sống ở Thăng Long, nhà ở bên Hồ Tây, gọi là Cổ nguyệt đường, còn nhiều điều khác vẫn còn là những tồn nghi, suy luận (về gia cảnh, gia thế, thời gian sáng tác thơ…). Thi phẩm của nữ sĩ bị thất tán, không rõ đâu là những bài thơ đích thực của HXH, đâu là những bài “gán” cho nữ sĩ, được dân gian hóa (như trường hợp thơ Bút Tre sau này), vì thế cho đến nay khi xác định thơ HXH, không ai dám chắc mà phải kèm thêm một diễn giải ước lệ mơ hồ: “Thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương”.

Theo công bố chính danh, số lượng các bài thơ Nôm HXH không nhiều, theo thể Đường luật nhưng bấy nhiêu bài thơ ngày nay ta có được cũng nhận ra một phong cách mới lạ về đề tài, nội dung phản ánh và nhất là ngôn từ, xứng đáng phong danh “Bà chúa thơ Nôm” (Xuân Diệu). Với những điều khác lạ trên, HXH là một hiện tượng văn học hiếm gặp. Từ cổ chí kim đã có không ít giai thoại, nhiều tìm hiểu, khảo cứu thơ HXH ở nhiều góc độ; các kiến giải, kết quả đánh giá về nội dung, phong cách, nghệ thuật thơ HXH là có tính hệ thống, định giá nhiều phương diện để tôn vinh nhân cách, bản lĩnh và tài năng thơ HXH. Nhưng qua đó cũng gợi mở hướng tiếp cận một số vấn đề cần tiếp tục bàn luận, lí giải các căn nguyên làm nên các giá trị cao đẹp và sức sống trường tồn di sản tinh thần quí giá mà nữ sĩ họ Hồ đã để lại cho đời.

  1. Lẽ thường, người làm thơ, dù ở thời nào theo thể loại gì cũng phải tuân theo qui luật của sáng tạo nghệ thuật, trong đó ngôn từ, với tư cách là yếu tố thứ nhất của văn học, phải đảm bảo tính thẩm mĩ, chuyển tải được cả ý, tình và nhạc điệu. Thơ HXH cũng không nằm ngoài qui luật ấy. Nhưng thơ Nôm HXH còn tạo ra một dấu ấn riêng. Người ta đã bàn luận khá kĩ đến những đặc điểm liên quan đến vấn đề đó (1,2,3,4,5,6,7…); trong bài viết này, theo hướng tiếp cận từ góc độ ngôn ngữ, chúng tôi góp một tiếng nói làm rõ thêm vài điểm về phong cách và các giá trị căn bản của thơ Nôm truyền tụng của HXH.

2.1. Điều thấy rõ đầu tiên là qua thơ Nôm, HXH đã làm thay đổi cái không gian tĩnh sang “động” của thể thơ kinh điển này. Như ta đã biết, Đường luật là một thể thơ có sự chế định về luật, niêm và vần chặt chẽ; người làm thơ phải dùng ngôn từ lấp đầy, rải đủ, vừa vặn với cái khuôn mẫu mặc định ấy (số tiếng, số dòng, vần, nhịp, bố cục). Bản thể của Đường luật là tao nhã về ngôn từ, trang trọng về phong cách, tiết chế về thái độ và cảm xúc; thể thơ này do các nhà nho sáng tác, mang tính bác học, hợp với kiểu ngâm vịnh, thù tạc, tự trào, xướng họa… Những đặc điểm này làm nên đặc trưng phong cách của thơ Đường luật, có thể gọi đó là chất “đường thi” (đối lập với đó là chất “dân gian”). Ngày nay, do nhiều va đập với sự đổi mới như vũ bão trong đời sống xã hội và sự cách tân mạnh mẽ của các dòng thơ khác, chất “đường thi” của thể thơ này, do vậy đã có những vi chỉnh, nới lỏng ít nhiều (ở khía cạnh nội dung, đề tài, ngôn ngữ) nhưng về cơ bản nó vẫn phải giữ được căn cốt của “đường thi”.

Điển hình như Qua đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan. Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá lá chen hoa/ Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà/ Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái da da/ Dừng chân đứng lại: trời non nước/ Một mảnh tình con ta với ta. Bài thơ như một bức tranh thủy mặc (cỏ cây, hoa lá, chim muông), cân chỉnh về niêm luật (phối thanh, hòa nhịp, gieo vần), tinh tế về ngôn từ (hàm súc, gợi tả, gợi cảm), mượn cảnh ngụ tình (trải lòng trước cảnh thiên nhiên tươi đẹp). Từng câu chữ dẫn ta đi vào một ngôi nhà cổ kính, bài trí cân đối, thanh tĩnh và mực thước đến mức “hiền lành”, đậm đà chất “đường thi”. Nữ sĩ họ Hồ sống cùng thời với Bà huyện Thanh Quan, cũng làm thơ thể niêm luật ấy, khuôn mẫu ấy nhưng ta lại có cảm giác mới; nó không mang điệu man mác tâm cảnh như Qua đèo Ngang hay các áng văn chương nổi tiếng của các nhà thơ khác (như Thu điếu của Nguyễn Khuyến, Thương vợ của Trần Tế Xương, Cảm xuân của Tản Đà…). Đi vào thơ của nữ sĩ họ Hồ, cảm giác như ta bước từ ngôi nhà chật chội ra khu vườn rộng rãi phóng khoáng, nghe rộn rã tiếng đời, thấy cái tươi mới, sinh động của cảnh vật tự nhiên, hàng rào kín cổng cao tường chỉ là ước lệ.

Xuân Hương cũng tả cảnh đèo (không phải đèo Ngang mà là đèo Ba Dội) nhưng cảnh trong thơ HXH là “động”: Một đèo, một đèo, lại một đèo/ Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo/ Cửa son đỏ loét tùm hum nóc/ Hòn đá xanh rì lún phún rêu/ Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc/ Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo/ Hiền nhân quân tử ai là chẳng/ Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo. Cái “động” ở đây là do nhà thơ đã chọn lọc sử dụng các từ ngữ thuần Việt, hơn nữa đây là những từ ngữ phù hợp với lối văn trần thuật, miêu tả thực, gần gũi với khẩu ngữ bình dân. Đó là hệ thống các từ gợi hình (đèo, cửa son, hòn đá, cành thông, lá liễu), gợi tả (cheo leo, tùm hum, lún phún, đầm đìa) và gợi cảm (đỏ loét, xanh rì). Các từ đó ở trong hệ thống, tiếp nối nhau thành một thứ từ trường (về nghĩa). Cái “động” còn do cách tả đi đến tận cùng chót vót của mức độ vốn thường dùng trong khẩu ngữ (gió thì thốc, sương thì đầm đìa, đỏ thì đỏ loét, xanh thì xanh rì). Kiểu kết hợp xâu chuỗi như thế có tính cộng hưởng mạnh, như Heghel nói, tạo ra “khung kết cấu vang dội” của âm thanh và ý nghĩa.

Khi HXH tả vật (cái giếng, khung cửi, quả mít, quả cau) thì vật của HXH cũng không tĩnh mà “cựa quậy”: Cầu trắng phau phau đôi ván ghép/ Nước trong leo lẻo một dòng thông/ Cỏ gà lún phún leo quanh mép/ Cá diếc le te lách giữa dòng… (Cái giếng). Trong tiếng Việt, từ láy có tính gợi tả, khi ở trong các câu thơ làm các định ngữ nghệ thuật như thế (phau phau, leo lẻo, lún phún, le te) chúng không chỉ phát huy đặc tính vốn của từng từ có mà còn làm sinh động không khí của toàn bài. Hầu như bài thơ nào tả cảnh hay tả vật, nhà thơ cũng ưa dùng lối nói gợi tả, phóng túng, gây cảm giác mạnh như thế. Đến như chùa chiền, nơi vốn thanh tĩnh, HXH cũng làm “náo động” lên, nghe thấy trong đó: văng vẳng, cốc, om: Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom/ Oán hận trông ra khắp mọi chòm/ Mõ thảm không khua mà cũng cốc/ Chuông chùa chẳng đánh cớ sao om (Tự tình 1). HXH nhìn chùa, tả chùa mà “chơi chữ bằng nói lái” với giọng bông lơn, bỡn cợt: Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo/ Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo/ Chày kình tiểu để suông không đấm/ Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo (Chùa Quán Sứ).

Như thế, cái “động” trong thơ HXH không chỉ do các từ chỉ mức độ cao, các từ láy, mà còn do hệ thống các động từ chỉ động tác miêu tả các sự vật. Các sự vật, cảnh vật nói chung là tĩnh nhưng qua cách nhìn và dụng công ngôn từ, Xuân Hương đã cấp cho mỗi hình ảnh ấy một động tác, thế là các vật thể lại thành một sinh thể. Chẳng hạn: gió – khua lắc cắc, sóng – vỗ long bong, nước – xì xòm, quạt – phì phạch, giọng – hi ha… Khi đặt chúng trong câu thơ, những kết hợp ấy cộng hưởng nhau càng thêm phần sinh động. Các động tác mà HXH dùng tả cảnh, tả vật bao giờ cũng mạnh hơn một nấc so với lẽ thường. Xiên ngang mặt đất rêu từng đám/ Đâm toạc chân mây đá mấy hòn (Tự tình II), Con cò mấp máy suốt đêm thâu (Dệt cửi), Phì phạch trong lòng đã sướng chưa (Cái quạt), Gan nghĩa dãi ra cùng tuế nguyệt/ Khối tình cọ mãi với non sông (Đá ông chồng bà chồng). Trong bài “Quán Khánh”, đang nói đến cái rất tĩnh và tình tứ (Thú vui quên cả niềm lo cũ) thì đùng một cái, bà chuyển sang “động” rất là bất ngờ, bỡn cợt (Kìa cái diều ai nó lộn lèo)!

Với cách dùng như vậy, HXH đã thổi vào không gian “đường thi” không khí sôi động, ồn ã, phức hợp của cuộc sống xung quanh. Cần nhấn mạnh rằng, nếu các từ ngữ ấy ở trong văn xuôi, trong ca dao dân ca hay những thể thơ tự do khác thì hẳn là bình thường nhưng tác giả lại đưa chúng vào trong cái không gian “đường thi” thì quả là phải mạnh dạn, phải bản lĩnh mới thoát vượt ra được cái “vòng kim cô” ấy. Nếu nói nghệ thuật là sự sáng tạo – tạo ra sự bất ngờ, thậm chí là bất thường, phi lí – thì cách dùng ngôn từ mới mẻ, táo bạo làm thay đổi không khí “đường thi” như thế đích thị là sáng tạo nghệ thuật, do đó nhiều câu thơ, bài thơ của nữ sĩ họ Hồ đã tạo ra phong cách riêng và đậm dấu ấn cá tính. Những sáng tạo mới mẻ sinh động như thế cho thấy, mọi cảnh huống của cuộc đời qua con mắt nhà thơ đều để lại những dư ba; người làm thơ ở trong cuộc sống để trải nghiệm và ở trên cuộc sống để chiệm nghiệm. Thơ HXH thể hiện nhãn quan thực tại tinh tế, phản ánh hiện thực sinh động, đa chiều; những điều đó làm nên giá trị nhận thức sâu sắc của thi phẩm HXH.

2.2. Một điểm nổi khác cũng thể hiện rõ trong thơ Nôm HXH là chất “dân gian” đậm đà trong đề tài, nội dung và ngôn ngữ. Tuy vẫn dùng thể Đường luật nhưng thơ HXH đề tài đa dạng, nội dung phong phú, tình thái bộc lộ rõ, ngôn ngữ bình dân. Trong hơn 40 bài thơ Nôm truyền tụng của HXH, thử xếp loại thơ HXH căn cứ vào chất “đường thi”/ chất “dân gian” thể hiện trong thơ HXH thì có thể chia làm ba nhóm. Sự phân loại chỉ là tạm thời và tương đối cốt để thuận tiện cho việc phân tích một vài đặc trưng của thơ HXH.

Nhóm 1 là những bài còn giữ chất “đường thi” khá đậm đà, như: Một cảnh chùa, Tự tình I, Tự tình II, Bánh trôi nước, Cảnh thu… Đề tài vịnh, tả sự vật, tả cảnh thiên nhiên, về các mùa, nhất là mùa thu, khá quen thuộc trong thơ cổ, trong thơ Đường luật. Tả cảnh để ngụ tình, gửi vào đó nỗi niềm tâm sự. Cũng như các nhà thơ trước và cùng thời, thơ HXH có nhiều bài thơ về thiên nhiên. Cảnh thu là một trong những bài như thế. Thánh thót tầu tiêu mấy giọt mưa/ Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ/ Xanh um cổ thụ tròn xoe tán/ Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ/ Bầu dốc giang sơn say chấp rượu/ Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ/ Ô hay! Cảnh cũng ưa người nhỉ/ Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ. Có thể thấy mùa thu trong thơ HXH cũng êm đềm lãng mạn, chứa chan tâm trạng của con người (thánh thót giọt mưa, xanh um cổ thụ, trắng xóa tràng giang). Toàn bài mang phong vị trang trọng của “đường thi”; có nét trầm của thời gian (mùa thu) và không gian (mưa, cổ thụ, tràng giang) thấm đẫm cái sinh động của cảm xúc (khen ai khéo vẽ, ô hay, ai mà chẳng…). Cả bài thơ thật là chuẩn chỉnh về đối ngẫu và ý tứ, trong đó ấn tượng nhất là Bầu dốc giang sơn say chấp rượu/ Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ. Trước thiên nhiên tươi đẹp, chủ thể bộc lộ tình thái theo cái cá tính rõ ràng, mạnh mẽ cố hữu, tuy vậy, bài vẫn “bảo toàn” được không khí, tâm cảnh đậm đà phong vị “đường thi”.

Nhóm thứ hai là những bài có thiên hướng hòa quyện giữa chất “đường thi” và chất “dân gian”; khi thì chất “đường thi” mạnh hơn chất “dân gian”, khi thì chất “đường thi” chỉ bàng bạc qua tả vật hay cảnh ngụ tình, còn chất “dân gian” lại trội hơn. Như bài Thiếu nữ ngủ ngày, Mời trầu. Có thể nói, Thiếu nữ ngủ ngày là một giai phẩm họa bằng ngôn từ hoàn mĩ nhất, dù nhà thơ chỉ mới chấm phá mấy nét tượng trưng. Mùa hè hây hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng/ Lược trúc lỏng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long/ Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm/ Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông… Hầu hết thơ HXH là “động”, ngôn từ phóng túng, “tung tẩy” các chiều, thế nhưng trong cấu tứ bài này, nữ sĩ lại nắn nót, chăm chút, tinh tế từng câu chữ, từng chi tiết và căn chỉnh bố cục rất hài hòa; giọng điệu chuyển từ “tông” mạnh mẽ ồn ã sang “tông” êm dịu nhẹ nhàng, tựa hồ như không muốn làm thanh động cái tĩnh lặng cho thiếu nữ say giấc nồng, để tôn vinh, trân trọng vẻ đẹp hình thể trong trắng nguyên trinh đến hoàn hảo mà tạo hóa đã ban tặng cho phái đẹp.

Nếu chỉ dừng lại ở 6 câu thơ như thế thôi thì bức tranh tố nữ cũng đã toàn bích và đậm chất “đường thi” lắm rồi. Nhưng thơ Đường luật còn có hai câu kết, đó là điểm nhấn của tình ý toàn bài. Chuyển sang hai câu kết này thì tình hình lại khác. HXH thấy thấp thoáng bên cạnh thiếu nữ (tĩnh) một hình ảnh động. Một chàng trai. Anh chàng này không mấy xa lạ, đã từng xuất hiện ở vài ngữ cảnh (trong các bài thơ khác) mà qua miêu tả, hình như HXH không mấy thiện cảm. Lần này nhân vật kia lại xuất hiện ở đây. Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở ở không xong. Từ ngữ ở hai câu kết này đã giảm đi chút ít tính trọng thị của “đường thi” mà có hơi hướng cách nói dân giã (dùng dằng đi chẳng dứt, đi thì cũng dở ở không xong). Chỉ từ dùng dằng thôi, HXH đã lột tả được cái “thần thái” (cử chỉ điệu bộ) của nhân vật. Tưởng như nữ sĩ đang quan sát hành tung thái độ của chàng quân tử với nụ cười ý vị, tinh nghịch (trước vẻ đẹp hình thể lồ lộ như thế ai mà chẳng…) nhưng pha chút bỡn cợt trào lộng rất “đáo để” của HXH.

Như vậy, Thiếu nữ ngủ ngày tạo ra một không gian thanh tĩnh, từ ngữ miêu tả tinh tế, thái độ trân trọng, đậm chất “đường thi”. Các chi tiết mang tính phồn thực, sự hiện diện và thái độ của chàng quân tử cùng tình thái chủ quan của tác giả (qua hai câu cuối) thì lại dường như ít thấy ở trong thơ cổ, trong thơ Đường luật chính danh vốn kín đáo, nghiêm cẩn. Ngay Nguyễn Du (trong Truyện Kiều phong tình lãng mạn là thế) cũng chỉ miêu tả vẻ đẹp hình thể của Kiều rất tượng trưng kín đáo (Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tào thiên nhiên), thi sĩ chỉ gợi chứ không tả như HXH. Đây đích thị là nữ sĩ đã đưa chất “dân gian” – vốn là điều ưa thích của tác giả – hòa điệu vào trong một thi phẩm mang đậm “chất Hồ Xuân Hương”. Với bài thơ này, thơ HXH không chỉ đặc tả hình ảnh sinh động mà còn khơi gợi ở người đọc tình cảm yêu mến, trân trọng cái đẹp nhân bản, ngời ngời giá trị thẩm mĩ.

Một trong những bài thơ được nhiều tác giả (Đỗ Lai Thúy, Xuân Diệu, Đào Thái Tôn, Trương Xuân Tiếu…) bình giải, phân tích là Mời trầu: Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi/ Này của Xuân Hương đã quệt rồi/ Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá bạc như vôi. Ở góc độ sử dụng ngôn từ theo phong cách, chúng tôi cũng xếp bài thơ này thuộc loại lưỡng tính: vừa có chất “đường thi”, vừa có chất “dân gian”. Chất “đường thi” thể hiện ở thể loại (thất ngôn tứ tuyệt), ở đề tài (tả sự vật) và ở nội dung (tả cảnh vật ngụ tình). Chất “dân gian” thể hiện ở việc mượn chất liệu dân gian (cau – trầu – vôi), lời mời trầu (phong tục dân dã quen thuộc – Miếng trầu là đầu câu chuyện). HXH đã khéo “mã hóa” ý tưởng qua câu chữ, việc “giải mã” bài thơ tùy thuộc vào điểm nhìn của mỗi người. Trên diện biểu kiến, có thể thấy, bài thơ thể hiện một nét đẹp văn hóa (mời trầu) và sự chân tình, khiêm nhường của người mời đối với khách (Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi). Nhưng tiếp đến hai câu sau thì bắt đầu ngờ ngợ (Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá bạc như vôi). Sao mời trầu mà lại như có lời nhắn nhủ, nhắc nhở? Hóa ra HXH nói chuyện trầu cau chỉ là cái cớ, bề mặt là “mời trầu” nhưng ở tầng sâu câu chữ còn có một tình ý khác, cần “giải mã” dựa trên phép ẩn dụ và cơ chế liên tưởng từ “thanh” sang “tục”.

Quả thật, trong tín ngưỡng dân gian, cau tượng trưng sinh thực khí của nam, trầu tượng trưng sinh thực khí của nữ. Tục ăn trầu cau, bánh chưng bánh tét trong ăn uống, lễ tết của người Việt, bên cạnh phong tục sinh hoạt còn liên quan đến tín ngưỡng phồn thực. Cau cũng còn dùng tượng trưng cho vú nữ, một hình ảnh thường thấy trong núm chuông, núm cồng chiêng và trong thơ ca dân gian cũng có câu nói về điều nầy: Vú em chum chúm chụm cau. Cho anh sờ cái có đau anh đền) (5). Tất cả đều là “của Xuân Hương” (của là một từ nhiều cách hiểu: a) của là quan hệ từ sở hữu: áo của em; b) của là danh từ, có hai nghĩa: i) chỉ vật sở hữu (của cải, của nả), ii) chỉ bộ phận sinh dục (“của quí”). Vậy là, cau nàng, trầu nàng – của nả quí nhất của đời người con gái đã đến độ xuân thì, đã sẵn sàng (đã quệt rồi). Lời mời thể hiện vẻ lịch sự nhún nhường thực chất là bày tỏ tấm chân tình (mời gọi, đón đợi) từ phía chàng. Nhưng bằng cuộc đời mình, XH đã dự cảm sự trớ trêu; nàng đã mượn cách nói của dân gian (bày tỏ ý “cầu khiến”: Có… thì – Đừng… như) để lên tiếng “cảnh báo” vừa tế nhị vừa mạnh mẽ “rất Hồ Xuân Hương”: Có phải duyên nhau thì thắm lại. Đừng xanh như lá, bạc như vôi. (Người con gái trong ca dao cũng đã từng nói với chàng trai (với cái kiểu cầu khiến) như vậy: Có yêu thì yêu cho chắc/ Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn/ Đừng như con thỏ đứng đầu truông/ Khi vui thì giỡn bóng khi buồn thì bỏ đi). Một tấm tình chân thành, chủ động, khao khát hạnh phúc như vậy mà không được đón nhận hoặc không có một tiếng vọng nào đáp lại thì thật là thất vọng, phí phạm. “Mời đấy, vun đắp đấy, hy vọng đấy, nhưng sao cứ tan vỡ, rạn nứt, mất đi” (7). Bởi thế, ẩn đằng sau lời mời (trân trọng) là một hàm ý khích kháy, châm chọc, vừa cảnh tỉnh (tự nhắc mình và chị em) vừa là cảnh báo đấng mày râu (Đừng xanh như lá bạc như vôi). HXH có một số bài về cùng chủ đề nói về thân phận của ngừời phụ nữ, xinh đẹp, chân tình nhưng nhiều cay đắng tủi buồn trước cuộc đời bất như ý, nhiều trắc trở (Bánh trôi nước, Làm lẽ, Sự dở dang, Nợ chồng con, Khóc Tổng Cóc…). Tuy vậy, xét về khía cạnh yếu tố “thanh – tục” thì bài Mời trầu này thể hiện rõ ràng, táo bạo và đậm chất “dân gian” hơn cả.

Nếu Thiếu nữ ngủ ngày đề cao giá trị thẩm mĩ thì Mời trầu lại thể hiện lòng nhân ái, tư tưởng nhân văn sâu sắc. Qua Mời trầu, HXH muốn chuyển tải nhiều thông điệp. Rằng, sống ở đời, nam và nữ là bình quyền, bình đẳng; ai cũng có quyền được sống, được yêu đương, có quyền bày tỏ khát vọng hạnh phúc; rằng tình yêu là sự chân tình, trung thực; việc bày tỏ trao gửi tình cảm đôi lứa là chân chính (chứ không phải Yêu nhau trao một miếng trầu/ Giấu thầy giấu mẹ trao sau bóng đèn (ca dao), được cái kín đáo, tình tứ nhưng lại nặng nề lễ giáo (nam nữ thụ thụ bất thân). Thông điệp còn tiếp rằng, hãy chân tình trong tiếp nhận và ứng xử ở đời, nhất là ở tình yêu, đừng bao giờ rẻ rúng, bỡn cợt với tình yêu, nhất là đối với tấm chân tình của người phụ nữ. Những thông điệp đó, phải chăng đã nói lên, Mời trầu là một thi phẩm thấm đẫm tính nhân đạo, nhân văn, chứa đựng sâu sắc minh triết giá trị giáo dục cho các thế hệ.

Loại thứ ba, là những bài thơ, theo chúng tôi, chỉ còn lại ở mặt hình thức của thể thơ Đường luật, chất “đường thi” đã phai mờ, cái không khí, tình ý bên trong lại đậm đà chất “dân gian”. Đó là những bài có bóng dáng ý nghĩa phồn thực, thể hiện tính dục được cấu tứ theo chế liên tưởng (từ “thanh đến tục”).

Cũng nói thêm rằng, dục tính là bản năng để sinh tồn của mọi sinh vật; đến con người thì tính dục nâng lên thành sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng (tín ngưỡng phồn thực) từ thời thượng cổ tới thời hiện đại. Nó được thể hiện trong các hang động, các tác phẩm nghệ thuật, các biểu tượng và trong các nền văn hóa nhân loại từ xa xưa đến ngày nay. Tính dục càng được thể hiện rõ trong sinh hoạt văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Ở đó tính cộng đồng, cộng sinh được đề cao, đậm nét tư duy trực thể, trọng thị quan hệ tương cận thân tình. Trong lao động sinh hoạt bình dân, tếu táo, nghịch ngợm, chọc ghẹo, vui đùa khai thác yếu tố “tục” là thông dụng; văn học dân gian (truyện kể, truyện cười, ca dao dân ca, tục ngữ) cũng có một mảng đậm đặc về điều đó. Từ cách nói bóng gió ỡm ờ “thoang thoảng” (Em như quả khế trong chùa/ Cho anh anh nỏ lấy, bán anh nỏ mua/ Vì chưng thằng cu anh hắn dại, thấy của chua hắn sèm – dân ca Nghệ Tĩnh), Hỡi người đi đó xinh thay /Có khuôn đúc tượng, cho anh đây đúc cùng; Ban ngày quan lớn như thần/ Ban đêm quan lớn tần mần như ma, đến lối nói bỗ bã “sâu đậm” hơn, không kiêng dè (Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình/ Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi, Hôm qua em đi hái chè/ Gặp thằng phải gió hắn đè em ra/ Em xin mà hắn không tha/ Hắn đè, hắn nhét cái mả cha hắn vào; Của em tủm hủm mu rùa/ Cho anh một cái, đến mùa trả khoai, v.v…(Theo ww.vanchuongviet.org…).

Trở lại thơ HXH, mảng thơ được truyền tụng, chú ý nhiều là những bài mà có người gọi đó là có yếu tố “dâm tục”. Thực ra, công bằng mà nói, một số bài thơ HXH có tính phồn thực – phô diễn vẻ đẹp các bộ phận cơ thể người – rất ý vị và thanh cao, không hề có tính “dâm tục” theo nghĩa thông thường. Như hai bài Thiếu nữ ngủ ngày và Mời trầu đã phân tích trên. Còn nhiều bài khác, nếu cho rằng thơ HXH có tính dâm tục (thuật ngữ có tính thanh nhã hơn là tính “phồn thực”: phồn: nhiều, thực: sinh sôi nảy nở) thì quả thực là có “oan” cho nàng. Thơ HXH chỉ nói cái “thanh”, còn cái “tục” là tự người đọc suy diễn, gán cho, còn thơ nữ sĩ, trên giấy trắng mực đen, chỉ có “thanh” (trừ mấy trường hợp có “tục” (Kìa cái diều ai nó lộn lèo, Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo, Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo) nhưng bà khéo ẩn bằng cách chơi chữ (nói lái).

Quả thật, bên cạnh những đề tài khác, HXH thích nói về những sự vật, cảnh vật rất gần gũi, dân giã xung quanh mình: trầu cau, quả mít, con ốc, cái quạt, cái trống, cái giếng, cái khung cửi, hòn đá, đèo, hang, lỗ… Và đều được HXH miêu tả thực. Tả vật: Cỏ gà lún phún leo quanh mép/ Cá diếc le te lách giữa dòng (Cái giếng), Chành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa (Cái quạt), Cửa son đỏ loét tùm hum nóc/ Hòn đá xanh rì lún phún rêu (Đèo Ba Dội). Tả hoạt động: Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau/ Con cò mấp máy suốt đêm thâu/ Hai chân đạp xuống năng năng nhắc/ Một suốt đâm ngang thích thích mau (Dệt cửi), Quân tử có thương thì bóc yếm/ Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi (Con ốc nhồi), Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa/ Phì phạch trong lòng đã sướng chưa (Cái quạt), v.v… Lối tả kể này nằm ở cái ranh giới cực kì mong manh giữa “thanh” và “tục”. Có lẽ HXH học hỏi, ảnh hưởng cách nói “ỡm ờ” tếu táo thường gặp trong khẩu ngữ và thơ ca dân gian (Cô kia, cô kỉa, cô kìa/ Người cô thế ấy, cái kia thế nào? Ra đường gặp ả hồng nhan/ Thằng cu nghển cổ nóng ran cả người, v.v…).

Đi vào “bếp núc” chi tiết của ngôn từ, thấy rằng, người ta nói thơ bà có tính “tục” thì quả thật là cũng có cái lí của họ. Bởi vì, khi ngôn ngữ hành chức (đi vào đời sống) thì nó tạo ra một ngữ cảnh (như trong một cụm từ, một câu, một bài thơ); trong ngữ cảnh ấy, các thành tố nảy sinh những quan hệ (ý nghĩa) nhất định; quan hệ này có nhiều chiều (trực tiếp, gián tiếp, rõ ràng, ẩn ý) thông qua thao tác suy diễn, liên hệ, liên tưởng của người nhận… Vậy mà thơ HXH lại tạo ra một hệ thống các ngữ cảnh có lí do để liên tưởng: Cỏ gà – lún phún, hòn đá – xanh rì lún phún rêu, con cò – mấp máy (gợi đến dương vật), cá diếc – le te, cử son – đỏ loét, một lỗ – xâu xâu (gợi đến âm vật), v.v… Tất cả những kết hợp ấy (cái tĩnh đi liền với cái động, cái tính chất ghép với sự vật) lại được nhân hóa như người, bản thể là người. Thế là từ đó nói “thanh” liên tưởng tới cái “tục” nhưng trong cái “tục” lại có cái “thanh”. Đây chính là nghệ thuật dụng ngôn – với thao tác chơi chữ, nhân hóa và trò chơi ẩn dụ – mà “Bà chúa thơ Nôm” đã dụng công “bài binh bố trận” đầy dụng ý. Cho nên, nhìn bề mặt thì chúng (cách nói, thái độ, từ ngữ) có vẻ khách quan, tưng tửng, vô tư, vô can (thơ tôi chỉ nói cái thanh còn người đọc nghĩ sao là quyền của họ). Cách nói bóng gió lấp lửng này chính là phương thức tạo hàm ngôn, làm cho người ta nói được những điều mà có khi dùng lời hiển ngôn trực tiếp chưa chắc đã diễn tả được hết. Nói hàm ngôn làm cho người nói “vừa có được hiệu lực của nói năng, vừa có được sự vô can của im lặng”(O.Ducrot). Nhiều bài thơ của HXH đều được tạo ra theo cái cách ý tại ngôn ngoại và cơ chế liên tưởng như thế.

Ở loại thứ ba này, thơ HXH có một xê-ri bài ít bóng dáng chất “đường thi” mà được dân gian hóa mạnh mẽ. Các yếu tố phồn thực, sự liên tưởng thanh tục chứng tỏ hồn thơ, tư duy thơ HXH từ nội hướng, với “ăng ten” bén nhạy, gần gũi với đời của mình, nữ sĩ “bắt sóng” rộng mở ra ngoại hướng, phản ánh nhiều mặt đời sống, không kiêng dè điều gì. Cái tính dục có vẻ “dâm tục” (các bộ phận sinh dục của nam nữ, hoạt động tính giao mà HXH đã cố ý nói bằng lối bóng gió, hàm ẩn) làm thơ bà gần với cách nghĩ, cách cảm của người dân lao động, mang tính giải trí cao. Mặt khác, mạnh dạn đưa tính dục vào thơ là một cách nữ sĩ phản kháng lại những thói rởm đời, đạo đức giả của thế thái nhân tình thời tao loạn (“Thạch Sanh thì ít, Lí Thông thì nhiều”). Đồng thời qua đó, nhà thơ cũng thể hiện thái độ đề cao, trọng thị mọi nhu cầu chính đáng và cái đẹp vĩnh cửu mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Tính dục ở con người là một phần của văn hóa, hơn thế nó còn là một giá trị – giá trị thẩm mĩ; nó cấp thêm những tri thức bổ ích và thú vị về tình dục mà rất nhiều thế hệ, nhiều thời kì văn chương đã né tránh, bỏ qua…

HXH sinh ra và lớn lên ở thời kì phong kiến tuy đã suy tàn nhưng tư tưởng và lễ nghĩa Nho giáo còn nghiêm ngặt nặng nề. Trong bối cảnh ấy lại sừng sững, ngạo nghễ xuất hiện một nữ nhi làm thơ; làm thơ Đường thi mà lại khác lạ với Đường thi thường thấy.

Qua phân tích sơ bộ trên diện biểu kiến các biểu hiện giữa tĩnh và động, thanh và tục, có thể thấy thơ Nôm HXH đã mạnh dạn đi theo hướng của mình, chuyển dịch từ chất “đường thi” tồn tại cố hữu hàng trăm năm (tao nhã, trang trọng, mực thước) sang một phong cách thơ được Việt hoá đậm chất “dân gian” (đời thường, bình dân, cá tính). Nói theo cách ví von là, trong cái bình cổ (của thể thơ Đường), bà đã pha chế một cách nghệ thuật và “đổ” vào đấy một thứ rượu mới (đề tài, nội dung, kĩ thuật dụng ngôn, cá tính) nên hương vị không còn là “mao đài” mà đậm đà, nồng nàn hương vị tự nhiên càn khôn nhật nguyệt. Điều đó làm nên thơ HX đậm dấu ấn cá nhân, không lẫn với thơ ai khác, cùng thể thơ, trước bà hay cùng thời với bà. Mỗi người có một vân tay không ai giống ai, thì “văn là người” – văn thơ cũng có “vân chữ”, thơ HXH làm nên một thứ vân chữ, đọc lên là cảm nhận được chủ thể HXH.

Thơ Nôm HXH Việt hóa nhưng không đơn giản hóa, dân gian hóa nhưng không nôm na mách qué, sinh động nhưng không quá đà lố bịch, tính dục nhưng không tục tĩu thô thiển, phản kháng nhưng không phá phách, quyết liệt đáo để nhưng cũng rất dịu dàng, khiêm nhường… Với những đặc trưng như vậy, thơ HXH đạt tới tầm cao bằng sự giản dị, tạo ra một hệ giá trị văn chương hòa quyện vào nhau đến với mọi người, mọi thời. Qua thơ HXH, người đọc nhận thức được thời đại của nhà thơ đã trải (không gian xã hội, tâm lí thời đại, nhân tình thế thái), nhận chân được các giá trị thẩm mĩ đương thời (cái đẹp của cảnh vật, tình cảm đối với quê hương và nhân quần, nỗi buồn đau, thất vọng với cuộc đời đen bạc, khát vọng hạnh phúc, cái đẹp của sự bình dị tươi mới trong đời thường), v.v… Thơ HXH thấm đẫm lòng nhân ái, tinh thần nhân đạo, đưa con người hướng về thiện lương, về sự sáng tạo để vươn tới các giá trị hằng thường. Có thể nói, HXH là một người phụ nữ có phẩm chất đặc biệt, tư duy sắc sảo hiếm có, một tình cảm cháy bỏng và một tài thơ thiên phú, bứt phá vượt trước thời đại của mình, bám chắc vào cội rễ dân gian.

Những tác phẩm nghệ thuật lớn giống như cái bình đa diện, nhiều đáy, thậm chí là không đáy; nó vượt lên khỏi các qui chiếu cụ thể trong văn bản, tạo ra hệ quy chiếu mở trong không gian và thời gian, gợi ra nhiều chiều kích liên tưởng, từ cái hữu hạn của ngôn từ đến cái vô hạn của ý tình. Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Nôm của HXH trong suốt hơn 200 năm qua và có lẽ mãi sau này đã và vẫn là như thế…

PHAN MẬU CẢNH/ Tạp chí Sông Lam