Thơ trắng – nỗi trắc ẩn thân phận đàn bà

852

12.02.2018-20:20

 Nhà phê bình trẻ Nguyễn Văn Hoà

 

Thơ trắng – nỗi trắc ẩn thân phận đàn bà

 

NGUYỄN VĂN HOÀ

 

NVTPHCM- Tôi tin, bằng tố chất văn chương sẵn có, với vốn kiến thức và sự nhạy cảm của một người phụ nữ, La Mai Thi Gia sẽ có nhiều bước tiến và đột phá mới trong tương lai…

 

Thông lệ, ở Việt Nam sau mỗi kỳ trao giải ở bất cứ cuộc thi nào cũng đều có những điều tiếng không hay, đặc biệt là các giải thưởng ở lĩnh vực văn nghệ. Bởi hoạt động văn nghệ mang tính đặc thù riêng, khó có chuẩn và thước đo chính xác nhất. Vì thế nếu ở lĩnh vực này mà không có sự cẩn trọng, khéo léo, trong sáng, vô tư, có tâm, có tài của những người “cầm cân nẩy mực” thì đó là chốn dễ tạo nên những thị phi nhất.

 

Cũng dễ hiểu, trình độ và khả năng tiếp cận tác phẩm văn chương ở người đọc cũng có những giới hạn và gu thẩm mỹ riêng nên có thể đối với người này thì hay nhưng người khác thì thấy bình thường, thậm chí là quá tệ. Và điều đó đã xảy ra trong đợt xét trao giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017.

 

Sau những lùm xùm ở giải thưởng thơ và trước những dư luận, nhận xét trái chiều về tập Thơ trắng của La Mai Thi Gia (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017), tôi đã cất công tìm đọc tập thơ đó của chị. Đọc đi đọc lại nhiều lần, tôi nhận thấy đây là tập thơ đáng để đọc và suy ngẫm. Dù rằng 55 bài trong tập sách, không phải bài nào cũng hay, cũng hoàn hảo mà vẫn có những hạn chế nhất định về câu, chữ, tứ thơ của một tác giả nữ trẻ làm thơ.

 

Đọc hết thảy 55 bài trong tập sách, người đọc nhận ra rằng đây không chỉ đơn giản là tập thơ viết về tình yêu theo lẽ thường mà ở đó còn ẩn chứa nỗi đau đáu của thân phận người đàn bà thời hiện đại. Ở đó có thể là nụ cười, là niềm hạnh phúc không trọn vẹn, là những giọt nước mắt, là nỗi niềm trắc ẩn của người đàn bà với nhiều cung bậc, sắc thái yêu. Vì thế nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đọc thơ La Mai Thi Gia đã rất có lý khi cho rằng: “Người đàn bà cất lên tiếng hát bằng làn da, hát ca bằng than xác ngân nga, cười khóc là la mai gia thi”.

 

Tình yêu của người đàn bà trong thơ La Mai Thi Gia có lúc trỗi dậy mãnh liệt, mạnh mẽ nhưng cũng có lúc e ấp, dè dặt, yếu mềm trước người tình và những tác động của ngoại cảnh.

 

Với Thơ trắng, ngay tên nhan đề tập sách cũng gây cho người đọc sự tò mò, vì sức ám gợi của nó, nếu tìm hiểu kỹ “Thơ trắng” ẩn tàng nhiều tầng nghĩa; cho phép người đọc hiểu theo những cách hiểu của riêng mình.

 

55 bài thơ trong Thơ trắng là 55 cung bậc, sắc thái yêu khác nhau của thân phận người đàn bà. Mà ở đó người đàn bà tự thức được những tổn thương, mất mát, khổ đau. Chính tự thức được điều đó nên người đàn bà trong Thơ trắng luôn sống hết mình, yêu hết mình với tất cả nhiệt huyết và niềm tin.

 

Em muốn cùng anh thức dậy giữa đồng hoang/ Giữa bạt ngàn kì hoa dị thảo/ Hai đứa bên nhau mệt nhoài phờ phạc/ Chong mắt suốt đêm xem giun dế làm tình

 

Em muốn cùng anh nằm duỗi, nằm co/ Xem núi rúc vào mây như trẻ thơ rúc vào lòng mẹ/ Xem em ríu vào anh thầm thỉ lời gió nhẹ/ Núi mệt rồi nên núi ngủ đây

 

Thơ La Mai Thi Gia ám ảnh người đọc bởi những điều rất thật, rất gần gũi nhưng giàu hình tượng.

 

Không mưa mà mắt ướt mềm/ Nghe sương xuống lạnh mà them vòng tay/ Nhớ người đau hết tim này/ Nghe yêu thương cứ dậy hoài phía nhau.

………………..

 

Tìm gì ở phía trong nhau/ Mà nghe nỗi nhớ cồn cào đẫm sương/ Mà ân ái với làn hương/ Vùi bông cỏ dại bên đường tả tơi

 

(Tàn đêm thương nhớ bời bời)

 

Người đàn bà luôn có nỗi lo sợ chính đáng của mình khi: Ừ thì người đi về phía ánh sao rơi/ Chín đỏ một góc trời mình em đứng đợi/ Những lúc người cạnh bên vẫn thấy lòng vời vợi/ Tình đến gần em lại sợ tình xa

………………………

 

Lạy trời xin cho bình yên/ cho giấc mơ em không còn người trong ấy/ Cho trái tim em mong manh thôi khóc về nỗi nhớ/ Về nỗi đau khi em chẳng còn người.

 

(Lạy trời xin cho bình yên)

 

Cả tập thơ là dày đặc những nỗi nhớ thương, ước muốn, lo toan; ở nơi nào thì “em” cũng hướng về anh, nghĩ về anh bằng trái tim yêu của người đàn bà đa cảm. Với “em” yêu chưa bao giờ cho thỏa:

 

Em phải biết làm gì trong nỗi nhớ anh/ Khi dẫu có nhau mà tình cho nhau không đủ/ Khi ở phí ngoài nhau mà trong nhau/ vẫn còn da diết/ Khi xoay trở hướng nào cũng thấy tim đau?

 

(Em phải biết làm gì trong nỗi nhớ anh?)

 

Bằng những trải nghiệm và sự tinh tế, nhà thơ nghiệm ra: Nỗi nhớ bao giờ cũng buồn/ Dẫu khi cô đơn hay đủ đầy ấm áp/ Khi nghe lòng dậy lên thương nhớ/ Là tự thẳm sâu mình ta thấy chênh vênh

 

(Nỗi nhớ bao giờ cũng buồn)

Tập Thơ trắng của La Mai Thi Gia

 

Với nhân vật trữ tình “em luôn khát yêu, chưa bao giờ thấy yêu như thế là đủ, “em” cũng luôn muốn anh phải thuộc quyền sở hữu về mình, tất cả là của mình. Có lẽ không chỉ riêng “em” mà tâm lý con người ta ai khi yêu chẳng thế?

 

Sao không cùng em ở lại/ Giữa cuộc đời đầy gió giông/ Sao không bên em với cả/ Núi sông da diết ấm nồng? (Giờ ngồi đây nghe đêm khóc).

 

Song hành với yêu là tột cùng của nỗi đau. Để rồi “em” phải thét gào vật vã, “em” đặt ra nhiều câu hỏi và tự gặm nhắm nỗi cô độc, đơn chiếc của đời mình:

 

Anh!/ Sau nỗi nhớ là gì?/ Sau yêu thương là gì? Sau ngọt ngào, sau nồng nàn,/ sau hoang mang thổn thức/ Nếu tất cả chỉ là cơn mơ dài/ Nếu tất cả đều không là thực/ Em còn biết tựa vào đâu?

 

Em còn biết tựa vào đâu?/ Khi trái tim em cứ thét gào lời tình da diết/ khi môi em cười như thể hạnh phúc ùa về bên/ Khi lời của anh là đêm đổ vào em băng giá?

 

Tình yêu ơi có yêu em thật không?/ Sao cứ ném em vào mênh mông mặc đời giông bão/ Đời còn bao lâu/ Tình còn bao lâu/ Mà da diết/ Sao em cứ yêu người mãi miết/ Dẫu tột cùng là đau/ Là đau?

 

(Dẫu tột cùng là đau)

 

Có phải đá đâu mà mãi vọng phu/ Có phải con cuốc lẻ đôi đâu mà gọi tình rát ruột/ Có phải trẻ thơ đâu mà đêm dài giật thột/ Sao mình, mình chưa thuộc về nhau? (Mộng về ngày trong nhau).

 

Thơ La Mai Thi Gia dù đề cập nhiều đến nỗi đau, nói nhiều đến những bất thành, lỡ nhịp trong tình yêu nhưng không đến nỗi bi lụy. “Em” có lúc trách móc, dỗi hờn nhưng nhẹ nhàng chứ không hề “sỉ nhục” “anh” – người tình. Đó là tấm lòng bao dung của “em” – người đàn bà luôn thấu hiểu được quy luật của cuộc đời.

 

Em chờ anh, em chờ anh trong đêm rơi/ Rơi vào giấc khuya trong chập chờn em/ Dài như tiếng thở/ Rơi và nhớ thương anh trong chập chờn đêm/ Dài như nỗi nhớ/ Tình ơi em khát khao tình/ tình ơi em đắm tim mình vào anh.

 

(Tình ơi em đắm tim mình vào anh)

 

“Anh” luôn thường trực, hiện hữu và có mặt trong “em” ngay cả khi anh đã xa. “Em”vẫn luôn hướng về “anh”, nhớ về “anh” với một niềm mong mỏi là Về ở với em đi: Có thấy lẻ em ở phía khát khao?/ Có thấy trong mơ mình trong nhau da diết/ Trời đất ơi/ Thần linh ơi/ Có gì đâu mà cứ yêu hoài tha thiết/ Tình đắm tình rồi, về ở với em đi.

 

Cuộc sống hiện đại vốn không cho con người ta chậm chạp với bất cứ việc gì. Ngay cả trong tình yêu điều ấy lại càng không cho phép. Bởi đời người là hữu hạn mà thời gian qua đi sẽ không đứng đợi một ai. Nhà thơ thẳng thừng tuyên bố “Chết vì yêu thì chết đi nào”:

 

Tính toan chi đời được mất/ Da thịt lụa là đắp mây/ Người có thấy vui thay buồn thay/ Trong hân hoan tiếng khóc giữa ái ân này,/ lũ dế hồn nhiên vùi mình vào chốn thần tiên/ Địa ngục, thiên đàng một cõi, một miền…/ đâu đó nghe rằng rất thiêng/ Thì yêu đi/ Sóng sánh mật tràn đổ xuống rừng hoang sao/ mà không tiếc, không nuối,/ không cắm cúi mà yêu?

 

La Mai Thi Gia còn đối sánh giữa thiên nhiên (cỏ cây, sông núi) với ta –tình yêu – con người và cuộc đời:

 

Núi thì cứ bao đời là núi/ Trăng thì cứ bao đời là trăng/ Và xanh kia vẫn cứ vĩnh hằng/ Chỉ có ta là già đi, tình già đi, đói già đi,/ khát già đi/ Yêu được mấy lần chực khóc cho ướt tràn mi?/ Được mấy lần chực khóc vì yêu

 

Nhân vật trữ tình “em” trong thơ của chị nhận thức ở tầm cao nhất, sâu nhất và trải lòng:

 

Có những ngày miệt thứ buồn tênh/ Sáng buồn/ Trưa buồn/ Chiều và đêm cũng buồn hiu buồn hắt/ Khói bếp nhà ai cứ làm cay vào mắt/ Hay tại tiếng trở mình theo tiếng vạc kêu sương

 

(Đêm miệt thứ)

 

La Mai Thi Gia hay dùng những động từ mạnh, những câu hỏi tu từ, và biện pháp tu từ nghệ thuật (ẩn dụ, nhân hóa, so sánh…) tạo nên những liên tưởng thú vị. La Mai Thi Gia cũng làm được trên nhiều thể loại thơ. Phải chăng đây cũng là thế mạnh để chị gửi gắm những điều sâu kín của mình vào thơ?

 

Đàn bà thợ xây là bài thơ đậm chất thế sự, theo tôi đó là một bài thơ chất chứa nhiều cảm xúc. Đó là nỗi vất vả, cơ hàn của những người đàn bà xa quê mưu sinh làm nghề thợ xây. Đằng sau ấy là cả trời thương nhớ, là sự trông ngóng, hoài vọng về quê hương. Nơi đó có mẹ già và những đứa con thơ cũng đang ngóng chờ người đàn bà làm thợ xây ấy.

 

Những câu thơ: Những người đàn bà không thơm mùi nước hoa/ những thân hình chưa từng phủ lụa là/ Chẳng dám khóc cho nỗi nhớ con thơ/ và nỗi nhớ nhà/ Trong những chiều khói bếp thành thị cay xè…/ Cay xè con mắt/ Cứ ngóng phía quê mà ánh nhìn hiu hắt/ Những thợ xây đàn bà/ Những người mẹ đi xa.

 

Đọc mà nghe xót xa, tim tôi nhói đau khi nghĩ về những con người, những hoàn cảnh, những người đàn bà ở những vùng quê nghéo đó.

 

Bên cạnh những câu thơ hay, bài thơ hay đánh động lòng trắc ẩn từ bạn đọc, thơ La Mai Thi Gia còn có những hạn chế nhất định. Đó là chị đề cập và nói quá nhiều đến nỗi đau, hoang hoải, hẫng hụt, tổn thương trong tình yêu. Nhiều bài ý tứ lặp đi lặp lại sẽ tạo nên sự nhàm chán với độc giả. Chính vì vậy, không tránh khỏi những vụn vặt không đáng có. Tuy nhiên, những hạn chế này sẽ được khắc phục nếu ở những bài thơ, tập thơ sau tác giả biết điều chỉnh, sửa chữa, tiết chế, chọn lọc kỹ lưỡng. Khen chê trong văn chương là chuyện bình thường nhưng bạn đọc cũng không nên quá khắt khe, cũng không quá “thô bạo” đối với đứa con tinh thần mà tác giả đã “mang nặng đẻ đau” sinh ra nó. Làm thế sẽ gây tổn thương đến tâm hồn, nhân cách và nhiều thứ liên quan khác nữa trong đời sống của họ. Vì rằng người làm thơ – những nghệ sĩ của ngôn từ trông vậy chứ họ rất yếu mềm…

 

Trong dòng chảy của thơ Việt đương đại, La Mai Thi Gia dù chưa có những thành tựu và dấu ấn đặc biệt nhưng dù sao chị cũng đã góp vào một tiếng thơ của riêng mình trong vườn thơ nhiều sắc hương của thơ nữ Việt.

 

Những người đàn bà làm thơ/ Yêu thơ trước khi biết tự yêu mình/ Những người đàn ông họ yêu mang gương mặt chữ/ Khi chợt thấy những dịu dàng nơi ấy/ Trái tim đa đoan tức khắc gieo vần/ Cứ yêu thôi, không toan tính ngại ngần/ Như thể ngày mai chẳng làm thơ được nữa/ Những người đàn ông mang gương mặt chữ/ Có biết yêu nàng như yêu thơ? (Những người đàn bà làm thơ).

 

Tôi tin, bằng tố chất văn chương sẵn có, với vốn kiến thức và sự nhạy cảm của một người phụ nữ, La Mai Gia Thi sẽ có nhiều bước tiến và đột phá mới trong tương lai. Chúng ta có quyền tin tưởng và hi vọng!

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Phạm Khải & Trang sách mạch đời – Dương Kỳ Anh

>> Tình thế của những nhà nghiên cứu văn học – Huỳnh Như Phương

>> Hồ Xuân Hương: Tiếng thơ đối thoại với đời – Nguyễn Thanh Tú

>> Hương sắc núi rừng bừng dậy trong thơ – Quang Hoài

>> Thơ Nguyễn Đình Thi: Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em – Phùng Văn Khai

>> Lối đi tâm linh trong thơ Hoàng Cầm – Lê Thị Thanh Tâm

>> Chính Hữu – Người bộ hành không đơn độc – Nguyên An

>> Những hạt ngọc thơ Hàn đầu thế kỷ XX – La Mai Thi Gia

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…