Thơ Trương Trọng Nghĩa – Một nỗi hoài vọng về quê xưa

1487

Vương Huy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đọc thơ Trương Trọng Nghĩa đã lâu nhưng gần đây mới có dịp đọc khá đầy đủ thơ của anh thông qua tập “Bay lên từ cánh đồng“. Có thể nói ở tập này, Trương Trọng Nghĩa thể hiện độ chín về cảm xúc và chữ nghĩa. Câu chữ có hồn vía, lung linh mờ ảo. Đối với tôi, thơ Trương Trọng Nghĩa như một nỗi hoài vọng về quê xưa, với những vần thơ đậm chất Nam Bộ và hình ảnh vùng quê châu thổ Sông Cửu Long.

Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa

Đó có thể là những phận người lam lũ trên mảnh đất quê hương bao đời dầu dãi. Đất nuôi người như một bà mẹ. Con người gắn chặt với đất đai cố thổ. Từ bao đời, họ đã canh tác trên đất đai khô cằn với biết bao hy vọng. Đất như mang chứa hồn người, anh viết:

“Cánh đồng bé thôi mà mẹ tôi quanh quẩn cả cuộc đời

Mỗi vụ gieo trồng mẹ lại gửi vào đất đai bao hy vọng                        

Tôi theo cha ra đồng, đôi chân trần lóng ngóng

Từng bờ ruộng không đếm hết dấu chân cha“

Bài “Trên bàn nhậu với một lão nông“ mô tả cái sảng khoái của cư dân Nam Bộ. Tác giả thấy thơ như bất lực trước đời sống cần lao và đầy biến động của người nông dân tay lấm chân bùn. Những tác động xã hội gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người nông dân, thơ không thể nói hết. Đó là sự trăn trở ưu tư của anh trước cuộc sống của người nông dân, anh viết:

“Chưa đọc thơ tôi nên ông đâu biết rằng:

Tôi chỉ biết tụng ca vẻ đẹp của những cánh đồng

Những xóm nghèo với bà mẹ quê lam lũ

Tôi tiếc thương vách đất, nhà tranh và những chiếc cầu tre ngày cũ    

Làng quê bao năm trong thơ cứ yên ả thanh bình

Ông đâu hiểu rằng, đời nào tôi viết được về những điều ông kể“

Cái ấu thơ như một sợi dây vô hình níu kéo tác giả trong dòng sống hiện đại tất bật. Anh về lại căn nhà xưa, ngồi trên bậc cửa nghe tuổi thơ đã mất đi và cô gái nhà bên đã xa hút, con sáo đã sang sông bỏ lại mình anh mênh mông nỗi nhớ. Chỉ còn trong đầu óc tác giả lưu giữ cái trò chơi tuổi thơ và những mộng mơ ngày cũ. Anh viết những vần thơ da diết:

“Về nơi bậu cửa ấu thơ ta ngồi

Bao năm đàn nhện cứ cần mẫn giăng giăng nỗi nhớ

Em gái nhà bên đã theo chồng xa xứ

Trò chơi tuổi thơ chỉ còn màu hoa đậu biếc cứ vô tình tím mộng tím mơ”

Nghĩ về tình đất đai với con người, anh như thấy người phụ đất chứ đất không hề phụ người. Đất đai cho con người những mùa màng hoa trái, những bát cơm dẻo hạt. Nhưng rồi con người đã bỏ đất mà đi. Đất thành hoang hóa đến cánh chim cũng không màng đến đậu. Từng người bỏ đất mà đi, đất nằm im tiếng. Anh ghi lại cái hình ảnh ấy:

“Cha thường bảo đất quê luôn nghĩa tình

Đất không phụ người mà chỉ người phụ đất

“Nhà nông vất vả bội phần con ạ“

Khi hạt gạo còn nhọc nhằn mồ hôi nước mắt

Đất lành nhưng rồi đàn chim cũng vỗ cánh bay đi“

Anh nhìn thấy cảnh quê như hoang liêu hiu hắt từ khi em bỏ quê lên thành, vầng trăng thành mồ côi, con sông chảy buồn bã, tiếng đờn kìm thổn thức hồn quê. Những hình ảnh quê hương vẫn còn nhưng không rộn ràng như xưa, bây giờ nó hoang hoải cô liêu, anh viết:

“Nên trăng mồ côi từ đấy

Đời ta cũng buồn như sông

Để tiếng đờn kìm thổn thức

Từ khi em bỏ cánh đồng“

Anh có những câu thơ khái quát về vùng đất Chín Rồng rất ấn tượng. Chỉ có yêu tha thiết với đất quê mình mới có thể viết được như vậy. Dù là khái quát địa lý nhưng nó mang chứa tình cảm trong đó, cho nên cái hình ảnh địa lý như có hồn, có linh hồn xứ sở, có hồn người trong đó. Anh khái quát như thế này:

“Đôi dòng sông như đôi cánh tay dang

Như muốn ôm tất cả vào lòng châu thổ

Gởi theo con nước bao buồn vui nhung nhớ

Về chín nhánh Cửu Long đâu đâu cũng quê mình“

Con người như nhân chứng cho một vùng đất trải bao tang thương đổi dời. Chiến tranh đã để lại vết hằn trên mình đất và vết sẹo trong hồn người. Con người nhìn thời cuộc mà không khỏi rơi giọt nước mắt, anh viết:

“Nội kể những năm bình định quê mình bám làng giữ đất

Nội kể có lần Pon Pot tràn sang tàn sát bà con

Nội kể về những đồng đội xác còn gửi lại chiến trường

Nội kể và rồi nội khóc

Tuổi già mắt lệ như sương“

Hình ảnh mẹ và em trở đi trở lại trong thơ anh, như một nỗi ám ảnh. Mẹ qua sông trong mùa hoa vạn thọ rực vàng và em với nhịp chèo nghiêng mái bóng dáng áo bà ba. Những hình ảnh thân thương của Miền Tây được tác giả khắc họa rõ nét:

“Con nước lớn ru phù sa trầm tích

Mẹ qua sông bông vạn thọ rực vàng“

Và:

“Em về đâu áo bà ba nón lá

Nhịp chèo nghiêng chạnh nhớ phút thương hồ“

Một lần tác giả trở lại khu vườn ấu thơ tìm cánh bướm ngày xưa đã chôn theo năm tháng. Câu thơ như rưng rưng theo nhịp thổn thức của chữ nghĩa, của hình ảnh:

“Khu vườn và những bí mật tuổi thơ

Tôi đã chôn cánh bướm dưới gốc cây me già

Nơi tôi vẫn thường hay chơi năm mười

Và ngồi khóc những lần mẹ đánh“

Hình ảnh con cua đồng, chú dế đã đi vào thơ anh nhưng sao giờ nó u buồn hoang lương. Hay chính tiếng lòng tác giả nhìn sự vật u uẩn rã rời? Anh viết:

“Con cua đồng tự xây cho mình nấm mộ

Nỉ non bài ca của chú dế nhỏ độc hành“

Hình ảnh ngày xưa quê mình đã mất theo thời gian năm tháng. Trở về nơi xưa, tác giả ngậm ngùi tự hỏi: Đâu hình ảnh mẹ ngồi giặt áo cầu ao và đâu khúc sông trưa hè tắm mát tuổi thơ. Những câu thơ tự vấn u buồn và uẩn khúc:

“Đâu dáng mẹ bên cầu ao giặt áo

Mái lá nghiêng che xô lệch trời chiều?

Đâu bạn bè những trưa hè tắm mát

Nụ cười giòn náo động một khoảng sông?“

Anh trở về quê xưa nhưng không còn người thân xưa, nắng lúc đó rơi vàng như hình ảnh một loài hoa đã mất trên vùng châu thổ Chín Rồng. Câu thơ đẹp rưng rưng:

“Tôi trở về bên cánh đồng tứ giác

Nắng rụng bờ đê ngỡ điên điển vàng bông

Chốn cũ giờ không tìm thấy đâu dáng mẹ

Lời ca dao buồn rưng rưng“

Rải rác trong tập là những câu thơ hay, cô đọng, khái quát và gợi mở. Ví dụ anh viết:

“Đêm nguyệt cầm, cỏ khát một vầng trăng“

Hay: “Phía cuối vườn vừa rụng nụ trần gian“

Hoặc là những câu thơ tả thực phong tục vùng quê như:

“Xuân đồng bằng rộn rã nhịp trống lân“

Anh thương câu ca quê mình chạnh một nỗi niềm xa xứ của những cuộc di dân thuở trước:

“Đâu tiếng đàn kìm nức nở

Nỉ non khúc độc huyền cầm

Thương những mảnh đời dạt xứ

Câu xề khiến lòng xuyến xao“

Âm nhạc vốn chuyển tải hồn người thật nhất trong các loại hình nghệ thuật. Những câu ca xa xứ của người xưa như còn vọng mãi.

Thơ Trương Trọng Nghĩa là nỗi niềm một người con xứ sở châu thổ sông Cửu Long. Anh hoài vọng về quê xưa đã mất theo dòng sống hiện đại. Cái anh hoài vọng cũng chính là tâm thức vùng miền của mỗi người dân Việt. Những câu thơ chứa đựng một xúc cảm sâu xa da diết về quê hương. Nhưng thiết nghĩ, nếu anh đưa những hình tượng thơ, xúc cảm nghệ thuật lên một tầng cao triết lý thì thơ sẽ đạt hơn. Tức là tạo ra một thi giới riêng biệt độc lập hầu diễn đạt một miền quê tâm tưởng. Trương Trọng Nghĩa vẫn còn nhiều thời gian để thành tựu thơ. Chúc anh tìm thấy chính mình.

V.H