Thủ Thừa trong lòng người – Truyện ngắn Trần Bảo Định

605
(Vanchuongphuongnam.vn) – Lê Văn Khôi cướp mạng sống, Minh Mạng tịch thu tài sản và xóa công lao Mai Tự Thừa; cả hai tưởng đã kết thúc một con người. Nhưng, với một con người có tấm lòng thương dân, quý trọng lẽ phải như Mai Tự Thừa thì đâu dễ kết thúc! Dân Thủ Thừa giữ gìn thanh danh và làm sáng danh Mai Tự Thừa cho hậu thế soi chung. Mới hay, người tuy đã chết, song người vẫn sống mãi!
Nhà văn Trần Bảo Định 

 1.

Thành Phiên An, đầu đông năm Quý Tỵ!

Trời se sắt lạnh từ rạch Bến Nghé thổi về. Trong thành, lá rụng sầu Đông còn tanh máu đêm Nguyên súy dấy binh (1). Thủ ngự Thừa (2) trình tấu:

– Bẩm Nguyên súy! Theo thần, chớ nên cầu viện Xiêm La.

Nguyên súy Lê Văn Khôi vụt đứng dậy, trừng mắt, ánh mắt sắc như dao.

– Tại sao, ngươi dám ngang nhiên cản ý định của ta?

Thủ ngự Thừa vì cám nghĩa Tả quân Lê Văn Duyệt nên sẵn sàng đem phần lớn của cải giúp Nguyên súy Lê Văn Khôi. Lúc Thủ ngự Thừa chuẩn bị rời quê nhà. Bỗng dưng, con nước mùng Mười, tháng Mười – theo lệ hằng năm, lẽ ra con nước phải tràn bờ nhưng con nước lại cạn dòng, trơ đáy kinh Trà Cú.

Thấy điềm gở, gia đình và những người than quen đã ngăn trở, khuyên ông đừng nên đi vội; bởi thế cuộc ”lành ít dữ nhiều”. Song, Thủ ngự Thừa vẫn kiên quyết và ông, chọn Trần Thập (3) – người giỏi võ và trượng nghĩa, thuộc hàng tâm phúc đi cùng đi ông lên thành Phiên An. Trên đường đi, Thủ ngữ Thừa nói với Trần Thập:

”Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã

Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” (4).

Giờ gặp cảnh ngộ nầy, Thủ ngự Thừa không thể vì mạng sống của mình, mà không nói những điều ông muốn nói với chủ tướng. Ông nói rằng:

– Năm xưa, vì nhà Nguyễn, Nguyễn  Ánh đã nôn nóng, vội cầu viện Xiêm La nên trả cái giá đắc trận ”Rạch Gầm – Xoài Mút” (5), và Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng đành nuốt hận, sống vất vưởng kiếm miếng ăn ở Đồng Khoai, ngoại thành Vọng Các. Lưu tiếng ”rước voi dày mả tổ”, và dễ gì ngày một ngày hai mà rửa sạch tiếng dơ!?

Bất chấp cơn thịnh nộ nổi những lằn gân xanh trên trán Nguyên súy, Thủ ngự Thừa nói chậm rãi, nhấn mạnh:

– Phản triều đình, người đời có thể còn châm chước; nhưng phản đất nước, người đời không thể tha thứ và kẻ đó, là ”tội đồ thiên cổ”!

Nguyên súy Lê Văn Khôi xô bàn, đá ghế, hét vang:

– Bây đâu? Chém!

Thủ ngự Thừa đứng thẳng người, sửa áo, buộc lại dây thắt lưng, và mỉm cười.

Tiếng kẻng chiều thành Phiên An âm u như tiếng kêu âm hồn, Nguyên súy Lê Văn Khôi nhứt quyết cầu viện Xiêm La! (6).

Lòng người Gia Định bàng hoàng, lo sợ ngày mai…

2.

Dẹp giặc Khôi (7), phá thành Phiên An (8), Minh Mạng ra lịnh giết sạch già trẻ, trai gái trong thành (9) rồi chôn chung gọi là ”Mả ngụy” hay ”Mả biền tru” (10). Sau đó, Minh Mạng tiếp tục truy xét đồng đảng và những người có dính líu tới giặc Khôi. Thủ ngự Thừa, còn gọi Thủ Thừa, dù đã bị chủ tướng của mình giết, nhưng Minh Mạng vẫn không buông tha và triều đình khép Thủ Thừa vào tội ”tòng nghịch”, bắt vợ con lưu đày, khổ sai, biệt xứ. Tất cả công lao do Thủ Thừa gầy dựng ngay chính trên mảnh đất của mình đều bị xóa sạch: ”Làng Bình Thạnh đổi tên thành làng Vĩnh Phong, ngôi đình dời đi nơi khác, cái chợ phát mãi, điền sản sung công phân tán cho các làng…”.

Triều đình Huế tưởng đối xử với Thủ Thừa như vậy là đã xong, nhưng thực tế thì chẳng xong. Cái ác đôi khi là động lực thúc đẩy cái thiện được nhơn lên. Dân chúng làng Bình Thành tiền thân của làng Vĩnh Phong, luôn nhớ người họ Mai từ làng Bình Cách (11) đã lặn lội tới làng Bình Lương Tây (12) khai hoang, mở đất, tạo điều kiện sống cho mình và cho mọi người.

Mai Thừa Tự vốn người có cá tính ”Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, trượng nghĩa khinh tài và lòng hào hiệp, nên được mọi người thương mến. Nhà ông ở bờ Nam kinh Trà Cú, cạnh vàm Cây Gáo và lần hồi, ông biến nơi hoang vu ”Muỗi kêu như sáo thổi/ Đĩa lềnh tợ bánh canh” thành cánh đồng ruộng lúa vàng mơ, thành chợ sầm uất trên bến dưới thuyền… Tâm nguyện Mai Tự Thừa cố gắng tạo ra nhiều thóc để: ”Thóc tới đâu, bồ câu tới đó”! Lưu dân ngày một tụ về, sinh sống và dựng nhà hai bên bờ kinh Trà Cú; đoạn kinh Trà Cú gần nhà Mai Tự Thừa thường được gọi là rạch Giang Cư.

Thường thì lập làng, lập đình, rồi lập chợ. Đằng nầy, Mai Tự Thừa làm ngược lại. Dựa thế kinh Trà Cú – mà ông đã góp phần đáng kể trong việc nạo vét vào năm 1829, thời Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định – con kinh giữ vai trò huyết mạch lưu thông từ Sài Gòn xuống đồng bằng sông Cửu Long; ông xin Hương chức làng Bình Lương Tây và An Hòa cho lập chợ trên phần đất của mình cặp sát kinh và sau nầy, người ta gọi chợ Thủ Thừa. Có chợ tất có làng, ông xin quan trên tách làng Bình Lương Tây lập ra làng Bình Thạnh; đồng thời, ông hiến vuông đất cạnh bờ rạch Cây Gáo để cất đình làng (13).

Người lo cho dân, thì dân không phụ!

”Cầu ông mưa thuận gió hòa
Cho cây lúa trổ, cho cà đơm bông
Cùng nhau xúm lại cúng ông
Có trà, có bánh, có lồng đèn xanh
Lòng người như bóng trăng thanh
Vui tình đất nước, dân lành ấm no”
 (14).

Bài ca dao hóa thành khúc đồng dao được trẻ hát từ trái tim người dân Bình Thạnh cho dù tên làng đã bị xóa tên. Chẳng sợ triều đình Huế, chẳng ngán bọn cường quyền địa phương, dân Vĩnh Phong – tức dân làng cũ mang cái tên mới – đồng lòng tôn vinh Mai Tự Thừa ”Tiền hiền Mai Tự Thừa – Chủ thị” thay cho tội ”tòng phạm” mà triều vua Minh Mạng đã gán cho.

Và, kể từ đó, người đời hay gọi Mai Tự Thừa là Thủ Thừa bằng với tâm thức trìu mến và kính trọng như vị Thần hoàng bổn cảnh.

3.

Trên nền nhà cũ Thủ Thừa, dân làng Vĩnh Phong xây dựng đình Vĩnh Phong (15) để thờ cúng ông; đồng thời, hằng năm tổ chức Lễ hội Kỳ yên (trong ba ngày 16, 17, 18 tháng Giêng), và là nơi giữ giềng mối đoàn kết, thương yêu người cùng làng. Mấy ai đến dâng hương và thăm viếng đình Vĩnh Phong mà không bồi hồi, khi nhìn thấy các tác phẩm nghệ thuật chạm khắc: Tứ linh, Tứ hữu, Bá điểu quy sào… trải qua bao biến động lịch sử, bao dâu bể cuộc đời! Rồi, kinh Trà Cú mang tên Thủ Thừa, chợ Thủ Thừa mang tên người thành lập, và cả tên đất cũng mang tên người… Dân làng Vĩnh Phong nói rằng:

”Thủ Thừa ngày nay, nguyên là đất Thủ Đoàn ngày xưa (thế kỷ 18) thuộc tổng Thuận An, (huyện Tân Bình, phủ Gia Định). Năm 1809, tổng Thuận An thành huyện Thuận An và năm 1837, đổi thành huyện Cửu An. Năm 1922, Thủ Thừa chính thức được đặt tên quận, trực thuộc tỉnh Tân An”.

Dân làng Vĩnh Phong và dân chúng những làng lân cận, hằng năm tề tựu tại đình Vĩnh Phong cúng giỗ Mai Tự

Thừa vào ngày mùng mười, tháng mười – là ngày ông lên đường tới thành Phiên An – và mãi mãi không về!

Lê Văn Khôi cướp mạng sống, Minh Mạng tịch thu tài sản và xóa công lao Mai Tự Thừa; cả hai tưởng đã kết thúc một con người. Nhưng, với một con người có tấm lòng thương dân, quý trọng lẽ phải như Mai Tự Thừa thì đâu dễ kết thúc! Dân Thủ Thừa giữ gìn thanh danh và làm sáng danh Mai Tự Thừa cho hậu thế soi chung. Mới hay, người tuy đã chết, song người vẫn sống mãi!

Bởi vậy, chốn điền dã có câu:
”Cái gì dân thờ, cái đó chắc ăn và vĩnh cửu!”
T.B.Đ

 

(1) Đêm 18 tháng 5 năm Qúy Tỵ (1833), Lê Văn Khôi dấy binh chiếm thành Phiên An và tự xưng Nguyên súy.

(2) Mai Tự Thừa có công khẩn hoang, lập làng Bình Thạnh, dựng chợ mang tên Thủ Thừa do ông được cử làm Thủ ngự. “… Việc lưu thông hàng hoá đã đem lại cho triều đình nhiều khoản thu lớn về thuế. Nhà Nguyễn đã đặt Sở Tuần ty coi việc thu thuế cước đồn, mười phần thu lấy một phần, ở thượng lưu sông Hưng Hoà đặt chức Thủ ngự lo việc thu thuế ở kinh Trà Cú”, Thạch Phương, Lưu Quang Tuyến (Chủ biên), Địa chí Long An, tr. 183, Nxb Long An, Nxb Khoa học xã hôi, 1990.

(3) Khi Mai Thừa Tự bị Lê Văn Khôi xử chém, Trần Thập trốn chạy khỏi thành Phiên An và trở về quê. Năm sau, Giáp Ngọ (1834) thì ông mất. Theo Đỗ Minh Tiến, phần mộ đất của cụ Trần Thập (dân gian thường gọi Mả Trời Trồng) hiện ở ấp Bình Cang 2, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An và cháu đời thứ 7 của cụ Trần Thập, là ông Trần Minh Hoàng (Tám Hoàng)

hiện cư ngụ tại đây.

(4) Sách ”Luận ngữ”.

(5) Đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785.

(6) Chiến tranh Việt – Xiêm (1833 – 1834). Vua Xiêm là Rama III, nhận lời cầu viện của Nguyên súy Lê Văn Khôi, liền sai tướng Bodin (Phi Nhã Chất Tri) và tướng Phra Klang (Phi Nhã Phật Lăng) cấp tốc dẫn quân thủy bộ chia 5 đạo sang đánh Đại Nam (Việt Nam). Hai đợt quân Xiêm tấn công Đại Nam, bao gồm: Đợt một, phát khởi từ tháng 11 năm 1833, sau đó tạm ngưng (chưa rõ thời gian tạm ngưng). Đợt hai. từ tháng Giêng tới tháng Năm, năm Giáp Ngọ (1834) thì kết thúc và quân Xiêm đại bại. “Nhờ cuộc chiến thắng này, mà uy danh của chính quyền Việt Nam được nổi hơn bao giờ hết, các nước chư hầu càng thêm kính phục. Quốc vương Xiêm La phải cử một sứ bộ qua Huế xin giảng hòa…” (”Việt sử tân biên”’, quyển 4, Phạm Văn Sơn).

(7) Cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi (1833 – 1835). Ngày 16 tháng 7 năm Ất Mùi (tức ngày 8 tháng 9 năm 1835), quân triều đình đánh tan quân nổi dậy Lê Văn Khôi.

(8) Còn gọi thành Gia Định, thành Sài Gòn.

(9) …. Bè đảng a dua, không cứ già trẻ trai gái, ở trong và ở vài dặm ngoài thành (đều) chém ngay, rồi đào một hố to vất thây lấp đất, chồng đá làm gò dựng bia khắc đây là “nơi bọn nghịch tặc bị giết, để tỏ quốc pháp”. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, Nxb Văn học, 2004, tr.1038 – 1039).

(10) Ngụy ở đây có nghĩa là giặc, là (quân) làm loạn. Biền tru tạm hiểu là tru diệt ngay, không cần xét xử. Theo chú thích trong ”Sài Gòn năm xưa” của Vương Hồng Sển, thì khi xưa nơi đây có một trụ đề là “Ngụy tặc nhứt võng trinh tru “ (quân loạn bắt chung một lưới bị giết hết). Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1991, tr. 83).

(11) Mai Tự Thừa, quê làng Bình Cách, tổng Kiến Thanh, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường (nay thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).

(12) Trước thuộc huyện Thuận An, nay thuộc thị trấn Thủ Thừa.

(13) Đình Bình Thạnh (tức đình Vĩnh Phong, huyện Thủ Thừa).

(14) Ca dao.

(15) Bộ VHTT ra quyết định ngày 31.8.1998, công nhận và xếp hạng đình Vĩnh Phong là di tích Quốc gia.