Thương hoài – Truyện ngắn của Lư Thu Biên

709

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bữa nay mưa dai dẳng nên mới chập tối mà ngoài ruộng đã bắt đầu rộ lên tiếng nhóc nhen, ếch nhái kêu râm ran. Thi thoảng có vài cơn gió tạt qua tán tràm bông vàng làm mấy hạt nước mưa lạnh ngắt đọng trên lá rơi xuống ruộng nghe xào xạc.

Ảnh Internet

Tôi đưa tay hứng lấy mấy hạt mưa bay lạc rồi xìu co:

          – Bà Chín nhờ con đem dùm cái mền qua cho ông Năm nè! Cảnh gì buồn muốn chết! Chớ ông Năm ngủ ên ngoài chòi, mưa gió buồn chịu gì nỗi, rồi nhằm khi trúng gió là chết luôn!

          Ông Năm cười hề hề, cầm cây đèn măng sông rọi lên mái lá căn chòi giữ vịt rồi lụi hụi lấy bọc ni lông trám lại mấy cái lỗ bị dột nhưng đâu đó tiếng nước mưa vẫn rơi tong tỏng xuống nền đất. Xong xuôi, ông ngồi xuống vấn điếu thuốc rê đưa lên miệng rít một hơi dài rồi dòm qua tôi:

          – Mấy chục năm tao sống trong ruộng, ngủ ngoài ruộng, đi tứ xứ hết trơn. Mấy đám mưa dầm, mấy con ếch nhái kêu có nhằm nhò gì tao bây!

          Tôi nhìn ông Năm rồi không một chút chần chừ mà tin ngay bởi trên gương mặt đó quả thực không còn chỗ nào để cho nỗi buồn và sự khắc khổ trú ngụ. Tôi biết nếu có ai hỏi “có buồn không?” ông sẽ chạnh lòng nhưng rồi cũng trả lời như cách đã trả lời tôi bởi có lẽ mọi nỗi buồn trên đời này ông đã trải qua hết thảy. Nếu lỡ còn buồn thêm một lần nào nữa thì ông cũng sẽ tự dặn lòng ráng thêm một chút cũng không sao.

          Có lần tôi kể ông nghe chuyện ông nội tôi đã ra đi nhẹ nhàng chỉ sau một giấc ngủ bình thường như mọi đêm. Từ dạo nghe tôi kể về sự vô thường ông Năm đâm ra kĩ lưỡng, chiều nào nghe nhức đầu, nóng sốt một chút ông cũng chống xuồng ra xã mua thuốc Tây về uống. Tôi vin vào đó kết luận ông Năm không sợ buồn mà bù lại rất sợ chết. Ai nghe cũng phì cười vì họ nghĩ cái chết có gì mà đáng sợ với một ông già cô độc, tật nguyền lại còn nghèo xác nghèo xơ nhưng hơn họ tôi biết ông Năm sợ chết bởi còn ôm một nỗi niềm luyến lưu, khắc khoải nào đó.

          Có lần tôi nghe ông kể bằng giọng rất tự hào: “Thời cỡ tuổi bây tao cũng thuộc hàng bảnh bao nhất xóm đó chớ!”. Ông đắc ý lắm với cái tên Thành Đạt của cha mẹ đặt cho bởi ông bà cụ thân sinh mong rằng về sau ông sẽ đạt thành chí lớn, thoát cảnh ruộng sớm đồng khuya. Thuở ấy có mấy cô gái cũng để ý thương thầm nhưng rồi cũng tiếc hùi hụi khi hay ông bưng cau trầu, mâm quả qua sông.

          Có điều đám cưới mà ông không cười, thỉnh thoảng lại còn lấy tay lau hai mắt đỏ hoe rồi ngước nhìn về phía chiếc ghe bẹo đậu cặp bến sông. Mãi sau này mọi người mới biết ông thương cô Thu ghe bẹo. Người ta nói “con nhỏ đó tứ cố vô thân, ở xứ nào lại đây không biết mà thêm bị tật khập khiễng chân nên cha mẹ thằng Đạt không ưng, còn đòi sống đòi chết ngăn cản rồi ép nó cưới con nhỏ xóm bên cho bằng được”. Bữa đó đoàn rước dâu vừa qua sông khuất dạng thì chiếc ghe bẹo cũng nhổ sào rời bến rồi từ đó không lần nào quay lại nữa. Cuộc đời những tưởng như vậy đã êm xuôi, có ngờ đâu một cơn bỉ cực đã nhấn chìm hết thảy.

          Bữa nọ vợ ông lật đật về bên nhà mẹ đẻ có công chuyện bỏ ba đứa nhỏ lại cho ông với ông bà nội trông coi, không biết cớ sao mà đến nửa đêm nhà phát cháy, tới hay được thì trước mắt đã là biển lửa. Trong phút thập tử nhất sinh ông chỉ kịp ôm hai đứa con lớn đang ngủ cùng mình vụt ra khỏi nhà trước tiếng ngã đổ cuối cùng. Sự việc diễn ra nhanh lắm nhưng nó đủ nghiến nát tâm can của một người đàn ông cùng lúc mất cha, mất mẹ và đứa con trai út tội nghiệp.

          Hàng xóm tới, họ ngỡ ngàng khi thấy hai đứa nhỏ như có phép lạ che chở, tụi nó trơ trơ, người không bị thương tích gì. Nhưng rồi như hiểu ra điều gì, họ đưa mắt về phía ông Năm, cũng là lúc ông đổ gục xuống đất như cây khô tróc gốc. Trước mắt ông lúc ấy chỉ còn là màn đêm dày đặc và những tiếng hét thất thanh: “Thằng Đạt bị cháy nặng rồi!”, “chân cẳng nó sao mà nát hết trơn vậy nè!”

          Từ ngày hôm đó vợ ông thành ra thơ thẩn, lầm lì, quên nhiều hơn nhớ. Những lúc tỉnh táo hiếm hoi bà rấm rứt khóc, đoạn hỏi ông: “Bữa đó phải chi tui dập thiệt tắt cây củi bếp thì nhà đâu có cháy, thằng Út chắc nó giận tui lắm, ông chắc cũng giận tui lắm?”. Làm sao ông Năm đành giận, chẳng phải bà cũng đã cắn rứt trong ngần ấy năm trời hay sao. Nhưng mặc kệ ông nói gì thì nói, mỗi khi đối diện thân thể chằng chịt thẹo và đôi chân cà thọt của ông thì bà chỉ nhớ mỗi câu chuyện thương tâm năm nào, nhớ rằng ông hận bà vì đã hại chết cha mẹ ông, hại con ông và hại ông cả đời về sau tàn tật. Người đàn ông ấy nhẫn nhịn một mình, lam lũ mưu sinh một mình để nuôi vợ con và nuôi hy vọng rằng có một ngày vợ sẽ tỉnh táo trở lại để hai đứa con gái đang tuổi lớn sẽ thôi hụt hẫng vì thiếu bàn tay mẹ. Tiếc rằng, điều đó đã không xảy ra!

          Lần đó nghe ông Năm kể đến đây trái tim tôi đã hụt hẫng như vừa đánh rơi một nhịp. Tôi thở dài rồi hỏi ông:

          – Bộ bà không tỉnh thiệt luôn hả ông Năm?

          – Ờ, đã vậy bã còn giành đi trước tao đó bây!

          Không biết trước lúc ra đi bà đang tỉnh táo hay quên nhưng chắc chắn người còn ở lại như ông sẽ nhớ hoài ngày con ông mất mẹ bởi tôi cứ nghe ông nhắc mãi câu “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm”. Cũng vì câu đó nên ông đã nguyện dành cả đời để chắt mót, bù đắp tất thảy những điều tốt đẹp dành cho con. Mấy năm trước ông có nhờ tôi viết dùm bộ hồ sơ để làm thủ tục sang bán mấy công đất cuối cùng. Ban đầu, tôi cũng mừng vì tưởng ông bán đất dưỡng già, thôi làm cái nghề giữ vịt rày đây mai đó. Bữa tôi qua mua trứng còn nghe ông hí hửng khoe “con Hai Thương với con Ba Hoài lắm rày hay về thăm tao. Từ lúc chị em tụi nó đi làm rồi có chồng, ở miết trên thành phố gần chục năm trời có về đâu bây”. Nghe nói tôi đã ngờ ngợ ra điều gì đó, tới chừng ông Năm bán đất xong, đúng như tôi đoán hai người con của ông tới nay chưa về lại lần nào.

          Lần này tôi qua ông cũng vậy, một tiếng thì nhắc tên Hai Thương, hai tiếng thì nhớ Ba Hoài nghe mà đứt ruột. Tôi định bụng chọc ông chơi nên lỡ miệng nói:

          – Ông Năm đặt tên mà nghe cũng tình cảm quá he. Thương hoài là ông thương ai hoài? Thương vợ hay thương người cũ?

          Tưởng nói giỡn cho vui ai biết đâu nói trúng nên bất giác ông sượng trân nhìn tôi hồi lâu rồi mới đáp:

          – Mày khỉ quá trời, sao cái gì mày cũng biết hết vậy bây?

          Tôi cũng ngạc nhiên vì mình nói đúng nhưng rồi cũng thở dài thương tiếc, cảm thông cho một mối tình đậm sâu thời trai trẻ. Bằng kinh nghiệm của một đứa con gái đã biết yêu tôi chắc chắn cô Thu ngày ấy đã rất khổ đau nếu không muốn nói là hận khi ông đi cưới vợ. Như nhìn thấu được suy nghĩ của tôi, ông Năm nói:

          – Tao nợ bã nhiều quá biết chừng nào trả hết! Phải chi bã hận tao, phải chi bã cũng đi lấy chồng đi chớ đằng này…

          Là vậy! cô gái ông từng kể tôi nghe đến nay cũng đã là bà lão ngoài lục tuần đáng lẽ đã có con đàn cháu đống. Bà ấy đã vì nặng tình mà ở vậy đến giờ sao? Bà đã quay lại tìm ông rồi? Ông đã gặp lại bà rồi nên mới biết bà không hận ông? Đang miên man với vô số điều định hỏi thì ông Năm chỉ tay ra hướng sông, hối tôi:

          – Bây về lẹ đi kìa, lo ngồi nhiều chuyện mưa tới nữa là ở đây luôn hen!

          Ngó ra ngoài sông mưa coi bộ đã ngớt, tôi lụm hụm cắp nách thúng trứng vịt đi về phía bờ đất để xuống xuồng bơi về nhà, lúc đi còn không quên ngoảnh lại chòi mà dặn:

          – Chừng nữa con qua ông Năm nhớ kể con nghe ngen!

          Xuồng vừa bơi ra khúc sông lớn một đoạn thì có chiếc ghe tam bản chạy hướng ngược lại, nhìn trước mui để lỉnh kỉnh rau củ, đồ tạp hóa tôi nhớ ngay là ghe hàng của bà Chín. Mới sáng này bà còn lấy trên ghe xuống cái mền mới tinh đưa tôi rồi dặn chiều có đi vô ruộng gửi ông Năm dùm bà. Tôi cũng thấy lạ vì bà ấy ở xứ khác mới tới đây chừng tháng nay thôi mà sao biết rành đường đi nước bước ở đây dữ lắm.

          Nghĩ đến đây tôi như ngợ ra điều gì đó, ngoảnh lại phía chiếc ghe vừa ngang qua tôi gọi: “Bà Thu ơi!”, hồi lâu sau chỉ có tiếng máy đáp lại. Hi vọng vừa lúc sắp tắt thì từ phía đó có tiếng trả lời: “Ơi, ai vậy?”. Khoảnh khắc đó tôi đã mỉm cười và cảm thấy như trong lòng mình vừa trút đi một nỗi niềm bâng quơ nào đó!

L.T.B